Nguồn: Kenneth Rogoff, “Is the Fed Playing Politics?,” Project Syndicate, 03/10/2016.
Biên dịch: Dương Huy Quang | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng
Trong cuộc tranh luận gần đây với đối thủ Hillary Clinton, ứng cử viên tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump khẳng định Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen có động cơ chính trị. Cụ thể, ông Trump tố Fed đang lạm dụng kích thích tiền tệ để mê hoặc cử tri và khiến họ tin rằng việc phục hồi nền kinh tế Mỹ đang diễn ra.
Đây không hoàn toàn là một ý tưởng điên rồ, nhưng bản thân tôi lại không nhận thấy điều đó. Nếu Yellen quyết tâm đến vậy trong việc duy trì lãi suất siêu thấp thì tại sao trong những tháng gần đây bà lại liên tục tuyên bố theo hướng tăng các mức lãi suất dài hạn hơn bằng cách khẳng định Fed rất có thể sẽ nâng lãi suất nhanh hơn những kỳ vọng hiện tại của thị trường?
Tất nhiên, người ta biết rằng các ngân hàng trung ương cho đến nay thường trợ giúp các lãnh đạo đương nhiệm trước khi các cuộc bầu cử diễn ra bằng cách cho phép lạm phát đi lên và duy trì sự bùng nổ việc làm. Trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Richard Nixon năm 1972, ông đã nghiêm nghị giải thích cho Chủ tịch Fed Arthur Burns về sự cần thiết phải “bơm mồi” cho nền kinh tế để giúp ông đánh bại đối thủ thuộc Đảng Dân chủ George McGovern. Nixon đã giành thắng lợi vang dội, nhưng những chính sách của Burns đã góp phần làm bùng phát lạm phát toàn cầu trong thập niên 1970 cũng như thúc đẩy sự sụp đổ của hệ thống tỷ giá hối đoái cố định thời hậu Thế chiến II. Những tác động dài hạn của chúng thật kinh hoàng.
Liệu Yellen có lặp lại thảm cảnh của thập niên 1970, khi lạm phát của Mỹ đạt mức hai con số? Tôi cho là không. Mặc dù việc cá nhân bà Yellen xem thường Trump cũng giống như Trump xem thường bà không phải là khó tưởng tượng, hầu hết các nhà quan sát đều không thấy dấu hiệu lạm phát sắp xảy ra.
Đúng vậy, một số người vẫn khăng khăng cho rằng nếu Fed không khẩn trương tăng lãi suất và kiềm chế cung tiền, nền kinh tế Mỹ sẽ đi theo con đường của Zimbabwe (nước có tỷ lệ lạm phát vượt xa mức 25.000% vào cuối năm 2008). Nhưng lập luận rằng việc mở rộng bảng cân đối kế toán của Fed sẽ dẫn tới lạm phát cao đã tỏ ra vô cùng sai lầm trong sáu năm trở lại đây. Lạm phát tại Mỹ đến nay đã duy trì ổn định ở dưới mục tiêu đặt ra và, ngay cả ngày nay, lợi suất trái phiếu vẫn đang phản ánh sự hoài nghi sâu sắc về việc liệu Fed có đủ quyết tâm hay năng lực duy trì sự gia tăng giá cả ở mức chính thức 2% một cách ổn định hay không.
Trên thực tế, các ngân hàng trung ương cố gắng nâng lãi suất trước khi điều kiện chín muồi, như Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Quốc gia Thụy Điển, đến nay đều buộc phải đảo ngược chính sách, và Fed muốn tránh số phận tương tự. Nền kinh tế Mỹ đang hoạt động tốt hơn nhiều trong những ngày này, và thời điểm tăng lãi suất rất có thể đang đến gần.
Nhưng suy luận rằng việc khởi động ngay lập tức những đợt tăng lãi suất nữa là đương nhiên sẽ là bất hợp lý. Trên thực tế, lãi suất vẫn đang có xu thế đi xuống trên thế giới, với việc ECB, Ngân hàng Nhật Bản, và nhiều ngân hàng trung ương nhỏ hơn khác vẫn ở trong chế độ nới lỏng tiền tệ. Fed đang cho phép thắt chặt phần nào bằng cách không chạy theo các chính sách như vậy và để đồng đô la Mỹ tăng giá.
Nói một cách công bằng thì các ngân hàng trung ương không miễn nhiễm trước sự thao túng, và chống lại những áp lực chính trị là một cuộc chiến không có hồi kết. Trong cuộc khủng hoảng tài chính, giới lãnh đạo cơ quan tiền tệ đã được kêu gọi đảm nhận tạm thời một số quyền hạn khẩn cấp, trong đó có quyền mua hàng loạt trái phiếu chính phủ và trái phiếu khu vực tư nhân. Đối với hầu hết cơ quan, bao gồm cả Fed, trước mắt vẫn chưa có có lối thoát nào gọn ghẽ, và điều này khiến vấn đề cách ly chính trị (khỏi nghiệp vụ của ngân hàng trung ương) càng thêm nan giải, dù có cuộc bầu cử tổng thống hay không.
Một số người tin rằng sự cứu rỗi duy nhất là quay trở lại kỷ nguyên bản vị vàng của cuối những năm 1800, khi các chính phủ cố định giá đồng tiền của mình theo vàng, và để lại rất ít kẽ hở cho sự can thiệp chính trị. Không may là những người mê vàng này thiếu hiểu biết một cách đáng ngạc nhiên – hoặc có lẽ cố tình không muốn hiểu – về những cuộc khủng hoảng tài chính kinh niên và những cuộc suy thoái sâu của thời kỳ đó. Cuối cùng chế độ bản vị vàng đã sụp đổ sau khi các chính phủ buộc phải từ bỏ nó trong Thế chiến I và sau đó đã không bao giờ có đủ khả năng khôi phục hoàn toàn niềm tin của công chúng.
Các nhà tư tưởng nhìn xa hơn thì cho rằng các loại tiền mã hóa (cryptocurrency) tư nhân, như Bitcoin, là tương lai của tiền tệ với lập luận rằng chúng sẽ loại bỏ hoàn toàn chính trị ra khỏi cuộc chơi. Nhưng ý tưởng này cũng rất ngây thơ. Các chính phủ đã ngăn chặn không cho tiền mã hóa được phép lưu thông trong nền kinh tế hợp pháp bằng cách hạn chế khả năng tiếp cận ngân hàng, áp đặt các đạo luật thuế, và cả bằng cách cản trở khả năng chấp nhận loại tiền này của các cửa hàng bán lẻ. (Và, như tôi đã giải thích trong cuốn sách mới có nhan đề The Curse of Cash, Bitcoin rất khó có thể được coi là sự thay thế dài hạn cho những đồng tiền mệnh giá lớn.)
Đúng là công nghệ blockchain (sử dụng trong bitcoin) rất thú vị và rất có thể sẽ có nhiều ứng dụng trong ngành ngân hàng, tài chính, và trên toàn nền kinh tế. Nhưng nó không phải là sự đảm bảo chống lại ảnh hưởng của chính trị đến lạm phát. Trong lịch sử lâu đời của tiền tệ, từ tiền xu đến sự ra đời của tiền giấy, khu vực tư nhân có thể đổi mới, nhưng cuối cùng khu vực công lại chiếm đoạt. Rốt cuộc các chính phủ luôn có khả năng kiểm soát luật lệ.
Trớ trêu là, cách tốt nhất để cách ly các ngân hàng trung ương khỏi áp lực chính trị là mở rộng bộ công cụ của họ để vận hành chính sách lãi suất âm hiệu quả, dù điều này sẽ mất nhiều thời gian (như tôi cũng thảo luận trong cuốn sách của mình). Trong khi đó, Fed và các ngân hàng trung ương khác sẽ phải tiếp tục một màn đi dây khiến chúng đặc biệt dễ bị tổn thương trước áp lực bên ngoài. May mắn là Fed có một vị chủ tịch có năng lực và sẵn sàng đương đầu với áp lực này.
Kenneth Rogoff, Giáo sư Kinh tế học và Chính sách công tại Đại học Harvard và chủ nhân Giải Deutsche Bank về Kinh tế tài chính năm 2011, là Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ Quốc tế giai đoạn 2001–03. Cuốn sách mới nhất của ông, The Curse of Cash, được xuất bản tháng 8 năm 2016.
Copyright: Project Syndicate 2016 – Is the Fed Playing Politics?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]