Nguồn: United States gives military and economic aid to communist Yugoslavia, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1951, trong một diễn biến đáng ngạc nhiên, Tổng thống Harry Truman yêu cầu Quốc Hội Mỹ viện trợ quân sự và kinh tế cho đất nước Nam Tư cộng sản. Hành động này là một phần trong chính sách của Mỹ nhằm làm sâu sắc hơn sự chia rẽ giữa Nam Tư và Liên Xô.
Sau Thế chiến II, lực lượng cộng sản của Josip Broz Tito lên nắm quyền kiểm soát Nam Tư. Người Mỹ đã ủng hộ Tito trong suốt cuộc chiến, khi lực lượng của ông chiến đấu chống lại Đức Quốc xã xâm lược. Sang giai đoạn hậu chiến và khi Chiến tranh Lạnh bắt đầu, chính sách của Mỹ đối với Nam Tư trở nên cứng rắn hơn. Mỹ coi Tito đơn giản là một công cụ để Liên Xô mở rộng sang Đông và Nam Âu. Nhưng tới năm 1948, Tito công khai chống lại Stalin, mặc dù ông vẫn tiếp tục tuyên bố trung thành với ý thức hệ cộng sản. Từ đó về sau, Tito tuyên bố, Nam Tư sẽ tự quyết định và thực hiện chính sách đối nội và đối ngoại của mình mà không cần Liên Xô can thiệp.
Các quan chức Mỹ nhanh chóng nhìn thấy một cơ hội tuyên truyền trong sự chia rẽ của các cựu đồng minh cộng sản. Dù Tito vẫn là một người cộng sản, ít nhất ông ta là một người cộng sản độc lập, người có thể sẽ là một đồng minh hữu ích [của Mỹ] ở châu Âu. Vì vậy, vào năm 1949, để tạo lợi thế cho Tito, Mỹ đã ủng hộ Nam Tư giành một ghế trong Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.
Năm 1951, Tổng thống Truman yêu cầu Quốc Hội viện trợ kinh tế và quân sự cho Nam Tư và đã được chấp nhận. Nhưng Nam Tư đã chứng tỏ mình không phải là một “quân bài” dễ dự đoán trong Chiến tranh Lạnh. Tito đã ngầm ủng hộ Liên Xô xâm lược Hungary vào năm 1956, nhưng lại chỉ trích gay gắt việc Liên Xô tiến vào Tiệp Khắc vào năm 1968.
Dù người Mỹ ủng hộ lập trường độc lập của Tito, nhưng đôi khi ông lại “độc lập hơi thái quá.” Trong suốt hai thập niên 1950 – 1960, ông đã khuyến khích và ủng hộ phong trào Không Liên kết giữa các nước thế giới thứ ba, một chính sách làm phiền lòng giới lãnh đạo Mỹ, những người có ý định buộc các nước phải chọn phe trong cuộc đối đầu Đông – Tây.
Quan hệ giữa Mỹ và Nam Tư nồng ấm hơn đáng kể sau khi Tito lên tiếng tố cáo vụ xâm lược Tiệp Khắc, nhưng sau đó hai nước lại trở nên xa cách khi Tito đứng về phía Liên Xô trong cuộc xung đột Ả Rập-Israel năm 1973. Tito sau đó qua đời vào năm 1980.
Hình: Chân dung Tito.