Nguồn: Carmen Reinhart, “The Return of Dollar Shortages”, Project Syndicate, 24/10/2016.
Biên dịch: Lê Hạnh Nguyên | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngay sau khi Thế Chiến II kết thúc, một cụm từ mới được đưa vào kho từ vựng kinh tế: “Sự thiếu hụt đô la” (dollar shortage). Các nền kinh tế châu Âu đang phải đối mặt với những hậu quả ngày càng gia tăng mà chiến tranh để lại, và hàng tá những cản trở ngăn mọi nỗ lực của họ nhằm tái xây dựng nền tảng công nghiệp. Vào thời điểm đó, Hoa Kỳ là nhà cung cấp duy nhất các thiết bị vốn[1] nhằm tái xây dựng. Vì vậy, không tiếp cận được với đồng đô la Mỹ, châu Âu không thể có được lượng tư bản cần thiết để thúc đẩy xuất khẩu của mình.
Với lượng dự trữ có hạn, hoặc không có, các ngoại tệ mạnh (đô la Mỹ hoặc vàng) trong tay, và viễn cảnh gần như không thể có được đô la nhờ xuất khẩu, các nền kinh tế châu Âu đã cố gắng giảm bớt tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai của mình bằng cách thu hẹp quy mô nhập khẩu từ (hầu hết) các quốc gia châu Âu khác với kỳ vọng việc thu hẹp này sẽ cho phép họ thu được đủ lượng đô la để nhập khẩu thiết bị sản xuất từ Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, do đã có rất nhiều quốc gia áp dụng cách tương tự trong một môi trường mà các biện pháp kiểm soát vốn đã được hình thành và các tỷ giá hối đoái chính thức đều được neo vào đồng đô la Mỹ, các thị trường hối đoái song song đã nở rộ. Khoản chênh lệch trên thị trường chợ đen (so với tỷ giá hối đoái chính thống) ở hầu hết các quốc gia châu Âu (và Nhật Bản) đã tăng vọt trong suốt đầu những năm 1950, tới như mức mà hiện nay chúng ta vẫn hay liên tưởng đến các thị trường mới nổi “bất ổn”.
Cho tới nay, đã bảy thập kỷ đã trôi qua, mặc dù xu hướng toàn cầu hiện nay là hướng tới chính sách tỷ giá hối đoái linh hoạt và dòng chu chuyển vốn giữa các quốc gia tự do hơn, song “sự thiếu hụt đô la” vẫn nổi lên. Trên thực tế, tại rất nhiều các quốc gia đang phát triển, thị trường phát đạt duy nhất trong khoảng hai năm trở lại đây lại là thị trường ngoại hối chợ đen. Các thị trường hối đoái song song, mà hầu hết tập trung vào đồng đô la, đã quay trở lại.
Lần này, nguồn cơn của sự thiếu hụt đô la không phải do nhu cầu tái xây dựng sau chiến tranh (dù trong một vài trường hợp thì đây cũng là một phần nguyên nhân). Thay vào đó, nguyên nhân là vì các quốc gia tại khu vực châu Phi, Trung Đông, Trung Á và Mỹ La-tinh – đặc biệt là Venezuela – đã bị tác động rất nhiều khi giá dầu và hàng hóa cơ bản giảm sâu từ năm 2012.
Sau “vận may” về giá hàng hóa ngoạn mục và kéo dài trong suốt đầu những năm 2000 chủ yếu nhờ sự bùng nổ trong đầu tư của Trung Quốc, rất nhiều doanh nghiệp xuất khẩu có được lượng ngoại hối cao lịch sử. Các khoản tiền này chủ yếu được dự trữ dưới dạng các tài sản định giá bằng đồng đô la, đặc biệt là các loại trái phiếu kho bạc Mỹ. Suốt những năm hoàng kim đó, né tránh hay chống lại sự lên giá của đồng tiền có lẽ là một thách thức to lớn mà nhều ngân hàng trung ương phải đối mặt. Trong bối cảnh đó, một vài quốc gia đã đi xa hơn và chấp nhận (một lần nữa) chính sách neo đồng tiền của mình vào đồng đô la Mỹ.
Đối với các quốc gia áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt – như Nga, Brazil và Colombia – sự đảo lộn đầu tiên về giá dầu và hàng hóa cơ bản đã làm dấy lên làn sóng khủng hoảng tiền tệ, trong khi đó lượng dự trữ ngoại hối của những quốc gia duy trì cơ chế tỷ giá cố định hơn lại sụt giảm nhanh chóng. Do tình trạng giá sụt giảm kéo dài, cho tới năm 2015, việc kiểm soát vốn đã được thắt chặt, chế độ tỷ giá hối đoái cố định bị điều chỉnh hoặc bãi bỏ. Các hình thức phạt, đe dọa hay thậm chí là bỏ tù những kẻ buôn tiền bất hợp pháp đều không thực sự hiệu quả.
Tình trạng thiếu hụt đô la đã và đang trở nên nghiêm trọng tại các quốc gia như Ai Cập, Nigeria, Iran, Angola, Uzbekistan, Nam Sudan và nhiều nước khác. Tại Myanmar, nơi mà tỷ giá hối đoái được thống nhất vào năm 2012, thị trường song song của đồng đô la lại nở rộ trở lại. Hiện tượng này còn lan rộng, phức tạp và đa dạng hơn thế rất nhiều – tuy nhiên sẽ hữu ích khi tập trung vào những trường hợp cực đoan nhất.
Tìm hiểu các bài báo từ năm 2000 đến năm 2016, các thuật ngữ “sự thiếu hụt đô la”, “chợ đen”, hay “thị trường song song” về ngoại hối (thể hiện bằng biểu đồ sau, cùng chỉ số giá hàng hóa cơ bản), chỉ ra rằng mối lo ngại về thiếu hụt đô la tăng cao vào năm 2008, ngay giữa cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tuy nhiên, sự gia tăng kể từ năm 2014 vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.
Thả nổi tỷ giá chưa thể hoàn xóa bỏ được mức lời nhờ chênh lệch tỉ giá giữa hai thị trường song song tại các quốc gia như Nigeria, bởi thực tế là việc phân phối đô la theo hạn ngạch vẫn còn phổ biến. Trong khi đó, sự sụt giá hay phá giá đồng tiền (thậm chí còn nghiêm trọng hơn tại thị trường chợ đen) sẽ không thúc đẩy xuất khẩu được nhiều, do một hay một số hàng hóa cơ bản – vốn tiếp tục rớt giá – vẫn đang thống trị các ngành xuất khẩu của các nước này, trong khi các khoản nợ công và tư lại được định giá bằng đồng đô la.
Đáng báo động hơn cả là tình trạng thiếu hụt đô la đã dẫn tới thiếu hụt lương thực tại nhiều quốc gia như Ai Cập và Venezuela, cũng như nhiều vùng tại khu vực châu Phi Hạ Sahara, nơi phụ thuộc nặng nề vào lương thực nhập khẩu. Khi nhập khẩu thu hẹp, dẫn đến sự khan hiếm lương thực và giá cả trên thị trường chợ đen tăng vọt, thì nhóm dân số dễ bị tổn thương nhất đang thật sự phải đối mặt với các rủi ro.
Kế hoạch Marshall,[2] bằng các khoản viện trợ hào phóng của mình, được thiết kế để xoa dịu các hậu quả của sự thiếu hụt đô la tại các quốc gia châu Âu sau Thế Chiến II. Sẽ khó có một kế hoạch tương đương nào thời hiện đại. Trong bối cảnh hiện tại, sẽ thực tế hơn nếu mong đợi một biến thể của các giải pháp những năm 1980, trong đó nhiều các quốc gia mới nổi và đang phát triển tìm đến các chương trình trợ giúp của IMF. Đây có thể sẽ là cơ hội cho Trung Quốc lấp đầy một khoảng trống trong nhóm các quốc gia đứng đầu.
Carmen Reinhart là giáo sư về Hệ thống tài chính toàn cầu tại trường Quản lý nhà nước Kennedy, Đại học Harvard.
Copyright: Project Syndicate 2016 – The Return of Dollar Shortages
——————-
[1] Thiết bị vốn (Capital eqiupment): là bất cứ loại tài sản nào (thường là tài sản cố định) được sử dụng nhằm mục đích sản xuất, lưu trữ, vận chuyển hàng hóa, ngoại trừ tài sản là bất động sản hay các phần mềm (ND).
[2] Kế hoạch Marshall (Marshall Plan): là một kế hoạch trọng yếu của Hoa Kỳ nhằm tái thiết và thiết lập một nền móng vững chắc hơn cho các quốc gia Tây Âu, đẩy lui chủ nghĩa cộng sản sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]