Nguồn: Avner Offer, “Nobel Economics Versus Social Democracy,” Project Syndicate, 10/10/2016.
Biên dịch: Hiếu Minh | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng
Trong giới tinh hoa quản lý xã hội hiện đại, chỉ các nhà kinh tế học có giải Nobel, năm nay được trao cho Oliver Hart và Bengt Holmstrom. Dù lý do dẫn đến vị thế đặc biệt này của các nhà kinh tế học là gì đi nữa thì hào quang của giải Nobel có thể – và thường là đã – làm tăng uy tín cho các chính sách vốn làm hại đến lợi ích công, ví dụ như bằng cách thúc đẩy bất bình đẳng và làm tăng khả năng xảy ra khủng hoảng tài chính.
Nhưng nói về quản lý xã hội, kinh tế không phải là lĩnh vực duy nhất. Một quan điểm khác về thế giới đã dẫn dắt việc phân bổ khoảng 30% GDP – dành cho lao động, chăm sóc y tế, giáo dục, và lương hưu – ở các nước phát triển nhất. Quan điểm về cách quản lý xã hội này – còn gọi là dân chủ xã hội (social democracy) – không chỉ là một định hướng chính trị, mà còn là một phương thức quản trị.
Kinh tế học tiêu chuẩn giả định rằng xã hội được thúc đẩy bởi các cá nhân vị kỷ giao dịch trong thị trường, lựa chọn của họ dẫn đến một tình trạng hiệu quả thông qua “bàn tay vô hình.” Nhưng chủ thuyết này không có nền tảng vững chắc về cả lý thuyết lẫn thực tế: tiền đề của nó phi thực tế, các mô hình mà nó ủng hộ không nhất quán, và các dự đoán mà nó đưa ra thường sai.
Giải Nobel kinh tế được tài trợ bởi Riksbank, tức Ngân hàng Trung ương Thuỵ Điển, từ năm 1968. Thời điểm giải ra đời không phải là ngẫu nhiên. Giải thưởng mới này xuất hiện từ một mâu thuẫn lâu năm giữa lợi ích của nhóm khá giả muốn giữ giá cả ổn định và lợi ích của những người khác muốn giảm tình trạng mất an sinh (xã hội) bằng cách đánh thuế (lên người giàu), đầu tư xã hội, và trợ cấp (cho người nghèo). Viện Hàn lâm Khoa học Thuỵ Điển trao giải này, nhưng Thuỵ Điển cũng là một nền dân chủ xã hội tiên tiến.
Trong những năm 1950 và những năm 1960, Riksbank mâu thuẫn với chính phủ Thuỵ Điển về quản lý tín dụng. Chính phủ ưu tiên cho lao động và nhà ở; trong khi Riksbank, dưới sự lãnh đạo của một thống đốc quyết đoán, Per Åsbrink, thì lo lắng về lạm phát. Để bù đắp cho những hạn chế về thẩm quyền của mình, Riksbank cuối cùng cũng được cho phép tài trợ cho giải Nobel kinh tế như một dự án phù phiếm nhân kỷ niệm 300 năm ngân hàng ra đời.
Trong Viện Hàn lâm Khoa học, một nhóm nhà kinh tế trung hữu đưa ra quy trình lựa chọn người đoạt giải. Người đoạt giải bao gồm một nhóm các học giả kinh tế chất lượng cao. Một nghiên cứu về ảnh hưởng, khuynh hướng, và thiên kiến của họ cho thấy Uỷ ban Nobel giữ được vẻ ngoài công bằng với một sự cân bằng nghiêm ngặt giữa cánh tả và cánh hữu, phái hình thức chủ nghĩa và thực nghiệm chủ nghĩa, trường phái Chicago và trường phái Keynes. Nhưng nghiên cứu của chúng tôi cho thấy các nhà kinh tế chuyên nghiệp nhìn chung có xu hướng nghiêng về cánh tả hơn.
Khai sinh ra giải là nhà kinh tế Assar Lindbeck tại Đại học Stockholm, người đã quay lưng với dân chủ xã hội. Trong những năm 1970 và những năm 1980, Lindbeck đã can thiệp vào các cuộc bầu cử Thuỵ Điển, viện dẫn lý thuyết kinh tế vi mô để chống lại dân chủ xã hội, và cảnh báo rằng thuế cao và toàn dụng lao động sẽ dẫn đến thảm hoạ. Sự can thiệp của ông đánh lạc hướng chú ý khỏi sai lầm chính sách nghiêm trọng lúc đó: tự do hóa tín dụng, dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề trong những năm 1990 và báo trước cuộc khủng hoảng toàn cầu nổ ra năm 2008.
Những lo ngại của Lindbeck cũng tương tự như lo ngại của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, Ngân hàng Thế giới, và Bộ Ngân khố Mỹ. Sự kiên định của các tổ chức này về tư nhân hoá, bãi bỏ điều tiết, và tự do hoá thị trường vốn và thương mại – cái gọi là “Đồng thuận Washington” – đã làm giàu cho giới tinh hoa kinh doanh và tài chính, dẫn đến các cuộc khủng hoảng nghiêm trọng, và làm suy yếu sự tăng trưởng của các nền kinh tế mới nổi.
Ở phương Tây, việc ưu tiên những chuẩn mực vị kỷ mang tính cá nhân chủ nghĩa làm nền tảng cho Đồng thuận Washington đã tạo ra một môi trường dung dưỡng tham nhũng, bất bình đẳng, và mất lòng tin vào giới tinh hoa lãnh đạo. Đây là những hệ quả ngoài ý muốn của tiền đề lựa chọn duy lý, đặt bản thân lên trước. Với việc bất ổn vốn gắn với các nước đang phát triển xuất hiện ở các nền kinh tế tiên tiến, nhà khoa học chính trị người Thuỵ Điển Bo Rothstein đã kiến nghị Viện Hàn lâm Khoa học (nơi ông là thành viên) ngừng trao giải Nobel Kinh tế cho đến khi những hệ quả như vậy được điều tra.
Dân chủ xã hội không được lý thuyết hóa sâu sắc như kinh tế học. Nó gồm một loạt các chính sách thực dụng vô cùng thành công trong việc ngăn chặn bất ổn kinh tế. Mặc dù phải đối diện với chỉ trích không ngừng trong nhiều thập niên, dân chủ xã hội vẫn không thể thiếu trong việc cung cấp những hàng hoá công mà thị trường không thể cung ứng một cách hiệu quả, công bằng, hay đầy đủ. Nhưng thiếu sự ủng hộ học thuật chính thức có nghĩa là ngay cả các đảng dân chủ xã hội trên danh nghĩa vẫn không hoàn toàn hiểu dân chủ xã hội hoạt động tốt tới mức nào.
Không như các thị trường, vốn tưởng thưởng cho người giàu và thành công, dân chủ xã hội được xây dựng trên nguyên tắc bình đẳng công dân. Điều này tạo nên định kiến ủng hộ các chính sách quyền lợi “một cỡ vừa cho tất cả”; nhưng từ lâu đã có những cách khắc phục điểm yếu này. Vì kinh tế học có vẻ thuyết phục, và vì dân chủ xã hội là không thể thiếu, hai chủ thuyết này đã biến đổi cho phù hợp lẫn nhau – nhưng không có nghĩa cuộc hôn nhân này là một cuộc hôn nhân hạnh phúc.
Như với nhiều cuộc hôn nhân không hạnh phúc khác, ly dị không phải một lựa chọn. Nhiều nhà kinh tế đã phản ứng với thất bại của những tiền đề cốt lõi trong ngành học của mình bằng cách rút lui vào điều tra thực nghiệm. Nhưng kết quả thu được về mặt chứng thực (các giả thuyết) sẽ phải trả bằng cái giá là tính tổng quát: các thử nghiệm ngẫu nhiên có kiểm soát dưới hình thức các thí nghiệm cục bộ không thể thay thế một tầm nhìn tổng quát về lợi ích xã hội. Một cách tốt để bắt đầu ghi nhận điều này là tính đến điều này khi lựa chọn người đoạt giải Nobel.
Avener Offer, giáo sư hưu trí ngành lịch sử kinh tế tại Đại học Oxford, nghiên cứu viên tại All Souls College, viện sĩ Viện Hàn lâm Anh, là đồng tác giả (cùng Gabriel Söderberg) cuốn The Nobel Factor: The Prize in Economics, Social Democracy, and the Market Turn (Princeton University Press, 2016).
Copyright: Project Syndicate 2016 – Nobel Economics Versus Social Democracy
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]