Donald Trump là mối đe dọa đối với nền dân chủ?

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Steven Levitsky & Daniel Ziblatt, “Is Donald Trump a Threat to Democracy?The New York Times, Dec. 16, 2016.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Việc Donald Trump đắc cử đã đặt ra một câu hỏi mà rất ít người Mỹ từng hình dung là phải hỏi đến: Có phải nền dân chủ của chúng ta đang gặp nguy hiểm? Với ngoại lệ khả dĩ là cuộc Nội chiến, nền dân chủ Mỹ chưa bao giờ sụp đổ; quả thật, không nền dân chủ nào phong phú hay lâu đời như nền dân chủ Mỹ. Nhưng sự ổn định trong quá khứ không đảm bảo sự tồn tại trong tương lai của nền dân chủ.

Chúng tôi đã dành hai thập niên để nghiên cứu sự xuất hiện và sụp đổ của nền dân chủ ở châu Âu và châu Mỹ Latinh. Nghiên cứu của chúng tôi chỉ ra một số dấu hiệu cảnh báo.

Dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất là sự nổi lên của các chính trị gia phản dân chủ trong nền chính trị chủ lưu. Dựa vào một nghiên cứu sâu sắc về sự sụp đổ của nền dân chủ ở châu Âu trong những năm 1930, nhà khoa học chính trị lỗi lạc Juan J. Linz đã thiết kế một “phép thử” nhằm xác định các chính trị gia phản dân chủ. Các chỉ số của ông bao gồm việc không phản đối bạo lực một cách rõ ràng, sẵn sàng ngăn chặn các quyền tự do dân chủ của các đối thủ, và phủ nhận tính chính danh của các chính phủ dân cử.

Trump mang kết quả dương tính. Trong chiến dịch tranh cử, ông đã khuyến khích bạo lực trong những người ủng hộ; cam kết sẽ truy tố Hillary Clinton; đe dọa dùng hành động pháp lý đối với truyền thông không thân thiện; và gợi ý rằng có thể ông sẽ không chấp nhận kết quả bầu cử.

Các hành vi phản dân chủ này vẫn tiếp diễn sau cuộc bầu cử. Với cáo buộc vô căn cứ rằng ông thua phiếu phổ thông vì “hàng triệu người bỏ phiếu một cách bất hợp pháp,” Trump đã công khai thách thức tính chính danh của quá trình bầu cử. Đồng thời, ông cũng cực lực bác bỏ báo cáo của các cơ quan tình báo Mỹ về việc tin tặc Nga tấn công nhằm đưa cuộc bầu cử sang hướng có lợi cho mình.

Trump không phải là chính trị gia người Mỹ đầu tiên có khuynh hướng chuyên chế. (Các nhà chuyên chế đáng chú ý khác bao gồm Thống đốc Huey Long của Louisiana và Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy của Wisconsin.) Nhưng ông là người đầu tiên (như vậy) trong lịch sử hiện đại của Mỹ được bầu làm tổng thống. Điều này không nhất thiết là do người Mỹ đã trở nên chuyên chế hơn (cử tri Mỹ lúc nào cũng có một nét chuyên chế). Mà đúng hơn là do các bộ lọc thể chế mà chúng ta giả định là sẽ bảo vệ chúng ta khỏi những người cực đoan, như hệ thống đề cử trong đảng và truyền thông tin tức, đã thất bại.

Nhiều người Mỹ không quá lo ngại về những khuynh hướng chuyên chế của Trump vì họ tin các hệ thống kiểm soát và cân bằng được quy định trong hiến pháp sẽ kiềm chế ông.

Nhưng các thể chế bảo vệ nền dân chủ của chúng ta có thể không hiệu quả như chúng ta nghĩ. Một bản hiến pháp được thiết kế tốt chưa đủ để đảm bảo một nền dân chủ ổn định – một bài học của nhiều lãnh đạo độc lập ở châu Mỹ Latinh khi họ vay mượn mô hình hiến pháp Mỹ vào đầu thế kỷ 19, chỉ để chứng kiến đất nước mình rơi vào hỗn loạn.

Các thể chế dân chủ phải được củng cố bằng các chuẩn mực phi chính thức mạnh mẽ. Giống như một trận bóng rổ tự phát không có trọng tài, các nền dân chủ hoạt động tốt nhất khi các quy tắc bất thành văn của trò chơi được toàn bộ người chơi nắm rõ và tuân thủ, đảm bảo sự văn minh và hợp tác tối thiểu. Các chuẩn mực này đóng vai trò như những thanh lan can mềm của nền dân chủ, ngăn chặn cạnh tranh chính trị leo thang thành một cuộc xung đột hỗn loạn, không giới hạn.

Trong số các quy tắc bất thành văn vốn duy trì nền dân chủ Mỹ là sự tự kiềm chế và chơi đẹp của hai đảng. Trong phần lớn lịch sử của chúng ta, lãnh đạo hai đảng đều kiềm chế sử dụng quyền kiểm soát tạm thời của mình đối với các thể chế nhằm tối đa hóa lợi thế của đảng, về cơ bản là không sử dụng tối đa quyền lực được trao bởi các thể chế đó. Rồi còn có một sự nhận thức chung rằng, ví dụ, các thực tiễn phản đa số như thủ tục filibuster ở Thượng viện nên được dùng một cách hạn chế, Thượng viện nên nhường quyền (một cách hợp lý) cho tổng thống trong việc đề cử các thẩm phán của Tối cao Pháp viện, và các cuộc bỏ phiếu có tầm quan trọng đặc biệt – như luận tội tổng thống – đòi hỏi sự đồng thuận của lưỡng đảng. Những thực tiễn như vậy đã giúp tránh sự xuống dốc thành kiểu cạnh tranh đảng phái một mất một còn đã phá hủy nhiều nền dân chủ châu Âu trong những năm 1930.

Nhưng các chuẩn mực kiềm chế đảng phái đã xói mòn trong những thập niên gần đây. Việc Hạ viện do Đảng Cộng hòa kiểm soát luận tội Bill Clinton năm 1998 đã xóa bỏ ý tưởng về sự đồng thuận lưỡng đảng trong luận tội. Thủ tục filibuster, từng là một điều hiếm hoi, đã trở thành một công cụ thường xuyên nhằm cản trở lập pháp. Như các nhà khoa học chính trị Thomas Mann và Norman Ornstein cho thấy, sự suy giảm của kiềm chế đảng phái đã khiến các thể chế dân chủ của chúng ta ngày càng rối loạn chức năng. Việc Đảng Cộng hòa từ chối nâng trần nợ công hồi năm 2011, khiến xếp hạng tín dụng của Mỹ rơi vào nguy hiểm vì lợi ích đảng phái, và việc Thượng viện từ chối xem xét đề cử thẩm phán Tối cao Pháp viện của Tổng thống Obama vào năm nay – về cơ bản là cho phép Đảng Cộng hòa chiếm được một ghế Tối cao Pháp viện – cung cấp một cái nhìn đáng báo động vào đời sống chính trị khi thiếu vắng sự kiềm chế đảng phái.

Các chuẩn mực kiềm chế tổng thống cũng đang gặp nguy hiểm. Sự mơ hồ của hiến pháp về giới hạn của thẩm quyền hành pháp có thể khiến tổng thống cố gắng thúc đẩy những giới hạn này. Mặc dù quyền lực hành pháp đã được mở rộng trong những thập niên gần đây, nó suy cho cùng đã được kiềm chế bởi sự thận trọng và tự kiềm chế của các vị tổng thống trước đây của chúng ta.

Không giống như những người tiền nhiệm, Trump là một người phá bỏ chuẩn mực hàng loạt. Có những dấu hiệu cho thấy Trump đang tìm cách làm giảm vai trò truyền thống của truyền thông tin tức bằng cách sử dụng Twitter, tin nhắn video, và các cuộc gặp gỡ công chúng nhằm tránh né giới báo chí Nhà Trắng và trực tiếp giao tiếp với cử tri – lấy một trang từ sổ tay các mánh lới của các nhà lãnh đạo dân túy như Silvio Berlusconi ở Ý, Hugo Chavez ở Venezuela, và Recep Tayyip Erdoğan ở Thổ Nhĩ Kỳ.

Một chuẩn mực cơ bản hơn đang bị đe dọa là ý tưởng về phe đối lập hợp pháp. Trong một nền dân chủ, các đối thủ đảng phái phải hoàn toàn chấp nhận quyền được tồn tại, được cạnh tranh, và được quản trị của nhau. Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hòa có thể bất đồng một cách dữ dội, nhưng họ phải xem nhau đều là những người Mỹ trung thành và chấp nhận rằng thỉnh thoảng đảng kia sẽ thắng cử và lãnh đạo đất nước. Không có sự chấp nhận lẫn nhau như vậy, nền dân chủ sẽ gặp nguy hiểm. Trong lịch sử, các chính phủ đã sử dụng tuyên bố rằng đối thủ của họ thiếu trung thành, hoặc mang tội ác, hoặc là đe dọa lối sống của đất nước để biện minh cho những hành động chuyên chế.

Ý tưởng về phe đối lập hợp pháp đã được bảo vệ ở Mỹ từ đầu thế kỷ 19, chỉ bị phá vỡ bởi cuộc Nội chiến. Tuy nhiên, điều đó có thể đang thay đổi, khi những người cực đoan cách hữu ngày càng nghi ngờ tính chính danh của các đối thủ tự do chủ nghĩa của mình. Trong thập niên qua, Ann Coulter đã viết những cuốn sách bán chạy mô tả những người theo chủ nghĩa tự do là những kẻ phản bội, và phong trào “birther” đã chất vấn địa vị người Mỹ của Tổng thống Obama.

Chủ nghĩa cực đoan như vậy, từng bị giới hạn ở bên lề chính trị, giờ đã đi vào chủ lưu. Năm 2008, ứng cử viên phó tổng thống Sarah Palin của Đảng Cộng hòa đã gắn Obama với chủ nghĩa khủng bố. Năm nay, Đảng Cộng hòa đề cử một người ủng hộ phong trào “birther” làm ứng cử viên tổng thống của mình. Chiến dịch của Trump tập trung vào tuyên bố Hillary Clinton là một tên tội phạm cần phải ở tù; và câu “Lock her up!” (Giam bà ta lại!) đã được hô vang tại Đại hội Toàn quốc của Đảng Cộng hòa. Nói cách khác, các đảng viên hàng đầu của Đảng Cộng hòa – bao gồm cả vị tổng thống mới đắc cử – đã tán thành quan điểm cho rằng ứng cử viên của Đảng Dân chủ không phải là một đối thủ hợp pháp.

Như vậy, nguy cơ mà chúng ta phải đối mặt không chỉ là một vị tổng thống mang những khuynh hướng phi tự do – nó còn là việc một vị tổng thống như vậy đắc cử khi những thanh lan can bảo vệ nền dân chủ Mỹ đã không còn an toàn.

Nền dân chủ Mỹ chưa có nguy cơ sụp đổ trước mắt. Nếu chỉ có những hoàn cảnh bình thường, rất có thể các thể chế của chúng ta sẽ loay hoay vượt qua được một nhiệm kỳ tổng thống của Trump. Tuy nhiên, điều ít rõ ràng hơn là nền dân chủ sẽ như thế nào trong một cuộc khủng hoảng. Trong trường hợp xảy ra chiến tranh, một cuộc tấn công khủng bố lớn hoặc các cuộc bạo động hoặc biểu tình trên diện rộng – tất cả đều hoàn toàn có thể – một vị tổng thống mang những khuynh hướng chuyên chế và các thể chế đã trở nên mất ổn định có thể sẽ đặt ra một mối đe dọa nghiêm trọng đối với nền dân chủ Mỹ. Chúng ta phải cảnh giác. Các dấu hiệu cảnh báo là có thật.

Steven Levitsky và Daniel Ziblatt là giáo sư ngành quản trị tại Đại học Harvard.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]