Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại (P1)

Print Friendly, PDF & Email

Tổng hợp: Mai Nguyễn

1. Nguyễn Cao Kỳ một mình chống lại Ngô Đình Diệm?

Đối với anh em ông Diệm, 1.11.1963 là ngày kết thúc giấc mơ quyền lực kéo dài 9 năm. Nhưng với nhiều người khác, mới chỉ là thời khắc phôi phai những “mộng ban đầu”. Nguyễn Cao Kỳ chẳng hạn, thừa nhận: “Đối với tôi mọi việc bắt đầu từ ngày hôm ấy”!

Lẽ ra, “mọi việc bắt đầu” sớm hơn một ngày. Vì theo dự tính, đảo chính nổ ra vào 31.10.1963 nhưng tướng Dương Văn Minh quyết định hoãn lại 24 tiếng đồng hồ. Thay đổi giờ chót đó do sơ suất không báo kịp đến Nguyễn Cao Kỳ nên Kỳ vẫn “độc diễn” phần việc được giao: Ông ta tập hợp khoảng gần 200 binh lính và sĩ quan dưới quyền vào một nhà kho lớn chứa máy bay trong căn cứ không quân Tân Sơn Nhất.

Theo kế hoạch, ông cầm chân họ tại lớp học tâm lý chiến mà mình chủ trì sao cho đến 1 giờ trưa để đợi tín hiệu là tiếng xe tăng tiến vào căn cứ quanh chỗ tập họp. Nhận tín hiệu, ông sẽ bất thần tuyên bố: “Đảo chính bắt đầu”, và phát lệnh hành động.

Nhưng, theo một VIP, K.K (sếp quân đội) kể lại, đến 1 giờ kém 5 phút, Kỳ “lắng tai nghe vẫn không thấy động tĩnh gì hết”; 1 giờ đúng: vẫn vậy!. VIP thuật: Năm phút sau “nghe tiếng động cơ hình như tiếng chiến xa vô (như tín hiệu đã báo), Kỳ lật đật xô ghế đứng dậy, chưa kịp tuyên bố thì một trung úy chạy vô cho biết đó là tiếng của một trực thăng Mỹ đang đáp” chứ chẳng phải xe tăng xe tiếc gì cả. May quá, Kỳ kịp ngậm miệng bước xuống, chưa hô “đảo chính” ai cả. Đợi thêm tới 1 giờ 30 trưa đó (31.10) đành giải tán, quay về gặp tướng Minh và trách: “Tại sao đình lại mà không cho biết, suýt một chút là chết hết cả đám!”. Ông Minh xin lỗi vì quên thông báo.

Thật là một cái quên chết người và rất “khó quên”!

dao-chinh-hinh-anh-1_scaw

Đúng 1 giờ 30 trưa hôm sau 1.11, không phải Nguyễn Cao Kỳ, mà Dương Văn Minh tuyên bố: “Đảo chính bắt đầu” và tước vũ khí các tướng tá phe Diệm. Lúc đó, Nguyễn Cao Kỳ đang…ăn trưa tại một nhà hàng Sài Gòn. Tài xế ông ta từ căn cứ phóng xe tới phanh rít trước cửa, chạy vào kêu: “Trung tá trở về căn cứ ngay. Có chuyện lạ đang xảy ra”. Lập tức, Kỳ vọt ra xe đích thân cầm lái phóng như bay về Tân Sơn Nhất. Đến cổng, Tham mưu trưởng không quân là đại tá M. chặn lại la lớn: “Trời! Có anh đây rồi! Đảo chính đã bắt đầu và chúng tôi muốn anh bắt đại tá Huỳnh Hữu Hiền!”.

Đại tá Hiền là tư lệnh không quân, vốn chơi thân với Ngô Đình Nhu. Kỳ chụp một cây súng tiểu liên, lái xe thằng đến văn phòng Bộ Tư lệnh Không quân, một mình gõ cửa bước vào. Đại tá Hiền dường như đoán trước việc phải xảy đến, ông ta ngồi yên trên bàn viết, Kỳ lễ phép: “Thưa đại tá tư lệnh, đại tá đã bị bắt giữ”.

Ông ta không mấy ngạc nhiên trước diễn biến bất lợi cho mình đó. Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ viết: “Ông Hiền là một phi công xuất sắc, và trong vòng mấy tháng tôi đã có thể vận dụng ảnh hưởng của tôi để tìm cho ông ta một việc làm ở hàng không Việt Nam. Không bao lâu, ông ta được giao cho lái một phản lực lớn, lãnh được nhiều tiền hơn hẳn số tiền mà chẳng bao giờ tôi hy vọng lãnh được với tư cách là tư lệnh không quân”.

Sau khi bắt giữ đại tá Hiền, lúc gần 3 giờ chiều, cuộc tiến công tuy “ít đổ máu nhưng tốc độ là điều sống còn” đó bị chận lại vì lực lượng trung thành phòng vệ Phủ Tổng thống chống trả quyết liệt.

Trần Thiện Khiêm điện khẩn bảo Nguyễn Cao Kỳ “hành động ngay”. Kỳ lệnh lấy vài chiếc máy bay và bay ngay bên trên dinh tổng thống ở cao độ thấp để gây khiếp sợ, rồi bắn một vài tên lửa xuống thành lớn của bộ phim đóng gần dinh: “Sau khi họ bắn chỉ có hai tên lửa: quân giữ thành của Diệm đầu hàng. Đối với tôi đó là một giây phút lịch sử không phải chỉ vì đã làm thay đổi được cán cân trong việc lật đổ chế độ Diệm mà lần đầu tiên, với cương vị một người không quân, tôi còn thí nghiệm được giá trị của sức mạnh không quân khi được sử dụng để yểm trợ bộ binh khi gặp khó khăn. Tôi quả quyết rằng nếu tôi không ra lệnh hai chiếc máy bay nhỏ đó cất cánh thì cuộc đảo chính đã thất bại”. (Chúng ta đã thua trận ở Việt Nam như thế nào? – Hồi ký Nguyễn Cao Kỳ) *. Mười ngày sau, bước xuống máy bay sau một chuyến đi dự lễ bên ngoài Sài Gòn, tướng Minh bảo: “Kỳ à, tôi đã quyết định bổ nhiệm anh làm tư lệnh không quân”.

Sang năm 1964, Kỳ tiếp tục thăng tiến trong bối cảnh Mỹ muốn dùng “nhóm tướng trẻ” như Kỳ để mở rộng chiến tranh. Tháng 4 năm đó, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ McNamara đến Việt Nam cao hứng hô khẩu hiệu: “Việt Nam muôn năm” bằng tiếng Việt, sau đó tăng viện trợ quân sự lên 50 triệu đôla để Sài Gòn bắt thêm 50.000 thanh niên vào lính, huấn luyện và tung 7.500 cán bộ “dày xéo nông thôn”, tăng cường hải lục không quân và kho bãi hậu cần, quân tiếp vụ.

Đầu năm 1965, Kỳ đã được phong tướng, làm ủy viên ngoại giao của thường vụ Hội đồng Quân lực Sài Gòn, tán thành sự kiện Mỹ đưa lực lượng thủy quân lục chiến đầu tiên tới Đà Nẵng tham chiến và ném bom miền Bắc. Sau khi đích thân lên máy bay chào từ biệt Nguyễn Khánh trong ngày Khánh ra nước ngoài, Kỳ và “nhóm tướng trẻ” nắm lấy quyền bính, loại thằng cò các “tướng già”, muốn độc quyền đứng dưới bóng tòa đại sứ Mỹ.

Đến giữa năm 1965, sau một loạt các biến động, chính phủ do ông Phan Huy Quát làm thủ tướng lung lay, dẫn đến cuộc họp triệu tập vội vàng đêm 12.6 với sự có mặt của quốc trưởng Phan Khắc Sửu mà Nguyễn Cao Kỳ ghi lại qua những dòng không mấy văn vẻ, đôi chỗ giọng điệu hơi xấc:

Sửu có mặt tại phiên họp – với phần xác chứ không phải phần hồn, bởi vì không có một ai có thể bàn luận nghiêm chỉnh với ông già này về bất cứ một vấn đề gì được. Sửu luôn luôn nói lải nhải, giảng thuyết không mạch lạc về nguyên tắc thượng tôn pháp luật và cách xử sự khi làm chính trị. Rốt cuộc bất thình lình, Quát đập mạnh xuống bàn và không có một lời mở đầu nào cả, đã nói một cách cộc cằn: Tôi xin từ chức. Vì hội đồng quân lực đã chỉ định tôi làm thủ tướng, hôm nay tôi xin giao trả quyền hành thủ tướng lại cho hội đồng quân lực”.

Như vậy, sau các “tướng già” bị loại, đến lượt các “chính khách già” tự phủ nhận đứng bên lề chính trường. Kỳ (và Thiệu) mau chân nhảy lên “bàn tiệc quốc gia” sau đêm đó.

Tìm Thủ tướng mới, Thiệu bảo: “Để cho thằng Kỳ làm!”

Cuộc họp trên kéo dài từ 8 giờ tối đến 12 giờ rưỡi khuya tạm ngưng. Sáng hôm sau, họp tiếp tại tổng hành dinh Bộ Tư lệnh Thủy quân lục chiến để cử thủ tướng mới thay ông Quát. Có 50 thành viên cấp cao của Hội đồng Quân lực và “nội các rệu rã” ngồi hai ngày một đêm để chỉ định người vào chức vị ấy.

Nguyễn Văn Thiệu bấy giờ là trung tướng được ông Kỳ đề cử. Nhưng Thiệu từ chối và đề cử “ngược lại” Kỳ. Kỳ lúc đầu đẩy đưa qua Nguyễn Chánh Thi kèm theo lời “bình loạn” công khai trước mặt Thi: – Xét cho cùng, hình như thiếu tướng là người có đủ điều kiện để lãnh đạo. Thiếu tướng có ý thích chính trị nhiều hơn hầu hết các tướng lĩnh  khác và thiếu tướng khoái được nổi tiếng!

Nghe xong Nguyễn Chánh Thi nổi quạu, không chỉ từ chối một lần mà đến cả chục lần đây đẩy: “Không! Không! Không!” trong suốt hai ngày “nghị sự”. Cuộc họp “nghỉ ăn trưa với bánh “xăng-quych” và uống bia với nước ngọt Hoa Kỳ và khi chúng tôi nhóm lại, tôi đã đề cử tướng Có”. Ông Kỳ kể như vậy và tiếp “Có cũng từ chối”, mệt lả, cả hội trường tạm đình phiên họp vào 10 giờ đêm, ngủ và ăn cơm tối tại chỗ.

Sáng sau nữa, “bầu” tiếp chưa xong, nghỉ uống cà phê, bất ngờ Thiệu bước về phía Nguyễn Cao Kỳ nói thẳng: “Kỳ, tại sao anh không nhận làm thủ tướng?”. Rồi vào họp, theo hồi ký của ông Kỳ, Thiệu nói với giọng van nài:

-Yêu cầu anh Kỳ đứng ra thành lập chính phủ!Nhưng sau lưng Kỳ, ông Thiệu kêu Kỳ bằng “thằng”, đã khoèo Nguyễn Chánh Thi ra đứng riêng (như hồi ký của Thi kể) mà thì thầm vào tai:-Để cho thằng Kỳ làm đi!Đến khi Nguyễn Cao Kỳ nhận lời làm “thủ tướng” được một tháng (bấy giờ Thiệu lên làm quốc trưởng) bèn bảo Kỳ:-Chúng ta phải tổ chức một buổi lễ liên hoan.Kỳ có hơi “ngớ người” hỏi lý do vì sao mở tiệc? Thiệu bảo: “Thì chính phủ của anh đã tồn tại được một tháng rồi!”. Câu ấy hàm ý là “cái chính phủ” của Kỳ lẽ ra phải bị ngã đổ một, hai tuần sau khi ra mắt kia chứ. Tồn tại một tháng là “kỳ tích” đáng liên hoan rồi! Mặc kệ Thiệu mỉa mai, nhân đó hàng tháng Kỳ cùng các đồng sự mở tiệc!

Cuộc họp trên có thể xem là một trong các điển hình về sinh hoạt chính trị bát nháo trên sân khấu Sài Gòn tả-pí-lù thời đó. Mà “Thủ tướng” Kỳ, vốn người trong cuộc, đã phải thốt lên là “đáng buồn cười”. Không lâu sau, với sự hỗ trợ của Mỹ, thế lực phe Kỳ nhanh chóng át hẳn Thiệu từ hội nghị Honolulu. Nhưng rồi Thiệu quật lại vào cuối năm 1967 lên làm “tổng thống”, đẩy Kỳ xuống hàng “phó”. Đầu những năm 1970. Kỳ thất thế hẳn so với Thiệu, tạm lui vào vòng tay người đẹp Đặng Tuyết Mai lúc ấy đã thành vợ mình và bắt đầu sống với những hồi ức. Trong đó tiệc cưới Kỳ – Mai có tiếng nổ đôm đốp của 7.800 chai sâm – banh mở đầu những ngày  “mộng dưới hoa” ? Thử giở lại hồi ký những trang đầu Kỳ chép

2. Cao Kỳ – Tuyết Mai: Một thời để yêu và một thời… đảo chính!

 nguyen-cao-ky-dang-tuyet-mai-hinh-anh_YJGS

Trên chuyến máy bay sang Thái Lan vào năm 1964, Nguyễn Cao Kỳ bị hớp hồn bởi “một sắc đẹp cổ kính nhất” của cô tiếp viên hàng không Đặng Tuyết Mai 20 tuổi mà ông ta “chưa thấy bao giờ”.

Xuống phi trường Băng-cốc, Kỳ tìm cách mời cho được Mai dùng cơm với mình chiều hôm đó và” qua sáng hôm sau biết được nàng sẽ rời Băng-cốc sớm trong chuyến bay trở về Việt Nam, tôi cảm thấy là phải đến chào từ giã nàng. Nhưng thông thường đàn ông không đường đột vào phòng ngủ đàn bà lúc 6 giờ sáng. Tuy nhiên tôi cũng đã tìm ra được cách để vào phòng nàng.

Mặc xong bộ quân phục thiếu tướng không quân màu trắng có hồ bột cứng sẵn sàng để đi dự cuộc diễu hành chính thức, tôi kín đáo đứng chờ người phục dịch khách sạn mang điểm tâm lên phòng nàng và tôi dúi cho người này mấy đồng bạc (do người phục dịch “nhường” lại) đến gõ nhè nhẹ cửa phòng của Mai. Nàng đang đứng nhìn ra ngoài cửa sổ và gần như không ngó đến tôi khi nàng bảo để mâm điểm tâm xuống bàn…”.

Kỳ kể về lần đầu gặp Mai như vậy. Đến tháng 9-1, khi Mai đã trở thành cô vợ sắp cưới của mình, lần đầu tiên Kỳ lái xe chở Mai đi chơi ra khỏi Sài gòn vào sáng chủ nhật ngày 13. Nơi họ muốn đến thăm là sân bay Biên Hòa và vùng phụ cận nằm cách 35 dặm phía Bắc. Trên đường, viên sĩ quan cận vệ lưu ý về số đông binh lính đang di chuyển khác thường theo hướng ngược lại họ, nhưng Kỳ không để tâm lắm vì mải trò chuyện với Mai. Tới Biên Hòa, Kỳ biết chắc cuộc chuyển quân nói trên nằm trong âm mưu đảo chính mới của viên tướng tư lệnh vùng sông Cửu Long và Dương Văn Đức.

Dương Văn Đức làm đại sứ tại Séoul thời ông Diệm và đã yêu một cô gái Đức làm việc trong sứ quán Tây Đức ở Hàn Quốc hồi đó. Mặc dầu ông Diệm tỏ ý không bằng lòng nhưng Đức vẫn cưới người mình yêu và bị cách chức, đưa qua Mỹ học.

Về sau, ông Đức ở Pháp hoạt động chống Diệm, thường uống rượu say, sống túng thiếu, sau ngày 1.11.1963 được trở về Việt Nam. Nay thì ông Đức quay sang chống lại sự kềm siết của Nguyễn Khánh và đang kéo quân uy hiếp Sài Gòn, trong lúc Khánh vừa bay lên Đà Lạt, còn Kỳ đi chơi với người đẹp Tuyết Mai ở Biên Hòa.

Rõ ràng Đức đang nắm ưu thế ngay giờ đầu của mưu toan lật đổ, và nếu căn cứ không quân rơi vào tay Đức, lực lượng đảo chính sẽ có thêm phương tiện để có thể hành động phiêu lưu và nguy hiểm. Do vậy Kỳ phải lập tức quay về Tân Sơn Nhất trước khi quân của Dương Văn Đức tràn đến. Không thể để Mai ở lại Biên Hòa một mình, Kỳ điện Bộ Tư Lệnh cấp tốc đưa trực thăng đến đón hai người. Cuộc du ngoạn ngắn ngủi bằng đường bộ chuyện sang chuyến bay chiến thuật song song với cuộc tiến quân đang diễn ra dưới đất.

Rất nhanh, khi trực thăng đưa Kỳ và Mai đáp xuống “ngôi nhà có giàn hoa tím” của họ tại Tân Sơn Nhất, Sư đoàn bộ của tướng Dương Văn Đức với xe tăng yểm trợ đã kiểm soát gần hết Sài Gòn, kể cả Bộ Tổng tham mưu và Đài phát thanh. Qua làn sóng điện, tướng Lâm Văn Phát lên tiếng mạt sát Nguyễn Khánh thậm tệ.

Từ Đà Lạt, Khánh nghe được giọng hậm hực của Phát đã tái mặt bảo Trần Văn Đôn và Trần Thiện Khiêm (lúc đó giữ chức Tổng tư lệnh quân đội, cũng đang có mặt ở cao nguyên và bỏ trống Sài Gòn):

-Nếu thằng Kỳ mà theo bọn ấy, nó sẽ cho phi cơ dội bom tụi mình ở đây…Nên gia đình Khánh và Khiêm dời chỗ ở đi nơi khác và cho đặt súng phòng không ở Dinh số 2. Nhưng họ quá lo xa, vì Kỳ vốn không ưa Lâm Văn Phát, nay nghe Phát lên đài phát thanh với “nhiều lời tuyên bố mà tôi (Nguyễn Cao Kỳ) chẳng thích. Mục đích được ông ta đưa ra là nhằm phục hồi lại triết thuyết của Diệm (?)”. Không ăn cánh với Phát nhưng lại có quan hệ không căng thẳng mấy với tướng Đức, nên Kỳ gọi điện nhắn Dương Văn Đức là “nên quay trở về”.

Nhưng Đức vẫn tiến quân, đưa xe tăng áp sát căn cứ không quân Tân Sơn Nhất và đến gần vị trí Bộ Tư lệnh của Kỳ chập tối ngày hôm đó. Để dễ “nhận mặt nhau”, hỏa châu được bắn sáng cả bầu trời và Kỳ đích thân ra khỏi vành đai phòng thủ gặp người chỉ huy các toán xe tăng.

Giữa hai binh chủng không quân và thiết giáp trong quá khứ vẫn chưa có gì hiềm khích nhau nên việc dàn xếp để tránh đụng độ khá thuận lợi. Ra về, Kỳ nhắn nhe: “Nếu các anh cho xe tăng tiến lên một bước nữa là tôi sẽ cho ném bom”. Đêm đó, xe tăng án binh bất động.

Sáng ra Kỳ điện cho Dương Văn Đức: “Đã đến lúc trung tướng nên từ bỏ ý định… Đây là lời nói sau cùng của tôi. Nếu trung tướng không rút lui, tôi sẽ ném bom, xuống bộ chỉ huy của trung tướng”. Xét nhiều yếu tố bất lợi, trong đó có sự bất hợp tác của lực lượng không quân nên Dương Văn Đức bỏ cuộc. Sau lần ấy, theo lời Kỳ, ông ta nổi bật lên như “một lãnh tụ không chính thức của nhóm sĩ quan trẻ” mà Kỳ ưa nhắc đến trong hồi ký với tên gọi “nhóm tướng trẻ”.

Quà cưới: Chiếc Ford Facon lộng lẫy và bộ đồ trà chân quê

 Nguyễn Cao Kỳ - Đặng Tuyết Mai thuở mặn nồng

Nguyễn Cao Kỳ – Đặng Tuyết Mai thuở mặn nồng

Vài tháng sau cuộc đảo chính trên, Kỳ và Mai gửi thiệp hồng đến hàng ngàn quan khách gồm toàn bộ nhân viên chính phủ, tư lệnh và chỉ huy trưởng các đơn vị hải, lục, không quân, ngoại giao đoàn, cùng nhân vật cao cấp Việt – Mỹ có thế lực tại Sài Gòn mời dự đám cưới.

Khánh lúc ấy với tư cách là “sếp bự” và là bạn cố tri của Kỳ đã tặng vợ chồng Kỳ món quà lộng lẫy là chiếc xe Ford Falcon mà Khánh đang đi. Đó là chiếc xe hơi đầu tiên Kỳ được làm chủ trong đời. Trước đó Kỳ chỉ luôn lái chiếc xe jeep của quân đội cấp cho.

Kỳ viết: “Hương (Trần Văn Hương), lúc bấy giờ còn là thủ tướng đã gửi đến chúng tôi một món quà mừng đám cưới sang trọng là 200.000 đồng, số tiền này đã hết sức tiện lợi cho tôi để trang trải phí tổn tiệc cưới tại nhà hàng Caravelle mà “ai ai” cũng đều được mời dự”.

Theo lời kể của dân Sài Gòn và báo chí thời đó, đêm cử hành hôn lễ của Kỳ – Mai tại khách sạn Caravelle “quả là một đại dạ hội tưng bừng hiếm có giữa Sài Gòn xáo trộn, báo hiệu cái thế giá đang lên của một nhân vật gặp thời”. Kỳ và Mai, một  bên là tư lệnh không quân, một bên là nữ tiếp viên hàng không xinh đẹp, họ đã thật sự “bay lên mây” theo nghĩa bóng  lẫn nghĩa đen, và làm đám cưới vào độ đậm đà nhất của cuộc tình.

Người Mỹ đang cần đến “ lãnh tụ nhóm tướng trẻ” để ủng hộ việc tăng 180.000 quân Mỹ ở VN năm đó. Chính khách Sài Gòn cần có chỗ dựa để khỏi lạnh gáy giữa thời buổi “đảo chính xảy ra như cơm bữa”. Nên quà cưới của hai phía Mỹ – Việt gửi đến họ khá hào phóng, đắt tiền; trừ một món quà chân quê, đó là bộ đồ trà đơn sơ nằm cứ như một dấu chấm than trêu ngươi giữa các tặng vật hào nhoáng. Kỳ có hơi chột dạ chưa dám giới thiệu với Mai chủ nhân vắng mặt của món quà đó: thiếu tướng Đỗ Mậu.

Đỗ Mậu viết:” Mùa xuân năm 1965, thiếu tướng tư lệnh không quân Nguyễn Cao Kỳ làm lễ thành hôn với người đẹp nữ tiếp viên phi hành Đặng Tuyết  Mai. Đám cưới Kỳ – Mai là một trong những đám cưới linh đình nhất Việt Nam từ mấy chục năm qua, chỉ thua đám cưới ông Trần Trung Dung, cháu rể của Tổng Thống Diệm (trước kia), và dĩ nhiên phải thua đám cưới ái nữ Tổng Thống Thiệu và con trai ông Nguyễn Tấn Trung (sau này)”.

Ngoài đại tiệc ở Caravelle, một đại tiệc khác dành riêng cho hai họ và bà con thân thuộc được mở tại Chợ Lớn. Lễ tơ hồng:” tân lang trong chiếc áo dạ hội màu đỏ đã tặng giai nhân chiếc nhẫn to bằng đầu ngón tay”! Đây là cuộc hôn nhân lần thứ hai của Kỳ; ông viết:” Cuộc hôn nhân đầu tiên của tôi với một phụ nữ Pháp – và chúng tôi đã có 5 đứa con với nhau – đã kết thúc bằng ly thân và tiếp đó chúng tôi đã ly dị”.

Đời vợ trước của Kỳ, theo lời tướng Đỗ Mậu, không được hanh thông dư dả lắm. Hàng năm cứ vào mùng một Tết, Kỳ thường dẫn vợ con đến nhà Đỗ Mậu mừng tuổi và lạy bàn thờ gia tiên vì xem Đỗ Mậu” như người anh trưởng của gia đình Kỳ’. Đến cuộc hôn nhân với Mai, Kỳ đích thân đến nhà mời vợ chồng  Đỗ Mậu dự tiệc, nhưng ông Mậu đã quá “chán chường không muốn chen lấn vào những nơi tụ họp đông đảo của hạng người trưởng giả nữa” nên không dự đại tiệc của Kỳ ở Caravelle. Có lẽ vì vậy đã dẫn đến thái độ cao ngạo đáp trả của Kỳ đối với Đỗ Mậu khi Kỳ lên làm thủ tướng vào khoảng nửa năm sau ngày cưới Mai. Chuyện như sau:

Kỳ phái viên thiếu tá chánh văn phòng của mình mời Đỗ Mậu đến dinh thủ tướng, đợi hơn một tiếng đồng hồ mới tới. Tới rồi, Kỳ đi thẳng vào phòng làm việc bắt Đỗ Mậu chờ thêm một tiếng nữa rồi mới ra tiếp. Sau hai giờ chờ chực, tưởng Kỳ nói chuyện chi quan trọng lắm, ai dè chỉ buông một câu trống không: “Lâu ngày không gặp nên tôi chỉ mời thiếu tướng vào thăm thế thôi”. Đỗ Mẫu “cám ơn” rồi ra về, buồn bực vì cuộc gặp mặt lãng nhách đó. Chắc Kỳ không mời đến để “thăm” vì thâm tình, bởi nếu vậy Kỳ đã tìm đến nhà riêng tướng Mậu, người mà Kỳ từng tôn xưng là “đàn anh” trước kia.Đỗ Mậu chẳng buồn vì cách đối xử quá “hỗn” của Kỳ làm chi, mà nhớ đến “lá số tử vi” của một nhân vật “khắc tinh” của Kỳ và đang có mặt bên cạnh Kỳ là Nguyễn Văn Thiệu. Hồi ký Đỗ Mậu viết: “Thiệu có đến 4 chữ Tý: Tuổi Giáp Tý 1924, sinh vào giờ Tý (nửa đêm), tháng Tý (11 âm lịch) và cung Mệnh viên cũng nằm ở Tý”.Dựa vào “lá số” đó, trước kia Đỗ Mậu xui Thiệu “làm cách mệnh” chống lại chế độ Diệm. Thiệu hoảng sợ năn nỉ Đỗ Mậu là “ông Cụ” (tức  Ngô Đình Diệm) cũng tin tử vi lắm, đừng nói với “ông cụ” về lá số quá tốt của Thiệu, sợ “cụ” nghi kỵ:-Ông cụ biết được ông sẽ chặt đầu cả hai đứa mình! 

3 – Ông thầy tướng số “bí ẩn” sau lưng Nguyễn Văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ

nguyen_cao_ky_TIQQ

Nguyễn Văn Thiệu lâng lâng nghe Đỗ Mậu giải đoán về “lá số tử vi đại quý” của mình với một loạt chữ Tỵ. Đỗ Mậu dựa vào đó để “cổ vũ” Thiệu theo hướng có lợi cho cuộc vận động các sĩ quan chống Diệm. Mớm cho Thiệu phải “hành động quân sự” mới ứng hợp với bước đường thăng tiến mà “lá số” cho thấy.

Nguyễn Văn Thiệu ra về, không bao lâu sau, cũng chính Đỗ Mậu, với tư cách Giám đốc Nha an ninh quân đội, gọi điện thoại bắt Thiệu phải đến trình diện mình gấp. Vội vã và lo lắng, Thiệu rời Bộ Tư lệnh Sư đoàn 5 do mình nắm giữ, về ngay Nha an ninh quân đội vài giờ sau đó.

Lần này, Đỗ Mậu không mở đầu bằng những lời tiên đoán tốt đẹp  như trước đây, mà dọa “bắt giam” Thiệu vì tội “âm mưu lật đổ tổng thống” Diệm! Nghe vậy Thiệu thất sắc, chưa biết phải nói năng ra sao, Ông Mậu vội trấn an ngay, bảo mình giả vờ thôi, và bàn vào chuyện…lật đổ Diệm thật!

Vậy là “ông thầy bói” thành “ngài đại tá” vận động làm binh biến và trong đảo chính 1.11.1963 chính Nguyễn Văn Thiệu cầm quân trực tiếp đánh vào thành Cộng hòa và dinh Gia Long, được thăng từ đại tá lên thiếu tướng.

Theo những người thân cận dinh độc lập thì phần việc tham gia đảo chính trên của ông Thiệu do tướng Dương Văn Minh giao.Thăng đến trung tướng. Thiệu chuyển sang vai “quốc trưởng” (Chủ tịch Ủy ban lãnh đạo quốc gia). Năm 1964-1965, Nguyễn Văn Thiệu cùng “nhóm tướng trẻ” đưa “ông thầy bói” Đỗ Mậu ra khỏi Sài Gòn quản thúc. Nguyễn Cao Kỳ cũng vậy, trước được Đỗ Mậu dẫn đi coi bói bởi một “ông thầy” khác để biết chuyện tương lai, sau lên làm “thủ tướng” đã góp tay đẩy ông Mậu về vườn.

Chuyện như sau: Theo Đỗ Mậu, ông và Nguyễn Cao Kỳ có liên hệ “thắm thiết” như anh em, chí lí tình nghĩa đến cả chia nhau chút ruốc mắm, lọn nem, đòn chả, củ hành, dưa kiệu, nhét túi cho Kỳ đôi đồng uống bia là thường. Ngày mẹ mất, Kỳ thống thiết thưa với đàn anh: -“ Buổi sinh tiền, mẹ tôi ngỏ ý muốn khi mất sẽ được chôn cất ở nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi mà tôi thì quá túng thiếu không làm sao báo hiếu được, vậy nhờ đại tá giúp đỡ đàn em”. (Đỗ Mậu).

Cám cảnh Kỳ nghèo mà có hiếu, Đỗ Mậu bỏ tiền “mua biếu tặng bà cụ đám đất trong nghĩa trang Mạc Đĩnh Chi”, giúp Kỳ chôn cất mẹ như ý nguyện. Kỳ dính líu tới nhóm sĩ quan nhảy dù mưu lật đổ Ngô Đình Diệm vào năm 1960; lại buôn lậu hàng hóa rẻ từ Singapore về bị quan thuế bắt; Đỗ Mậu bảo mình đều đứng ra che chở “đàn em”.

Đến ngày vận động lật đổ chế độ Diệm, tuy thân thiết như vậy, Đỗ Mậu vẫn thi triển bài bản có lớp lang chu đáo. Đầu tiên, gọi Kỳ đến, mở miệng là dọa “bắt” (như với Thiệu). Nhưng sau hạ giọng mát mẻ mời “tham gia đại sự”, làm như bộ luôn tiện (thật ra có chủ ý, sắp xếp trước) lôi Kỳ đi coi bói.

Theo lời Kỳ, hai người lên taxi chạy qua những phố vắng vẻ của Sài Gòn, ngừng trước một căn nhà tồi tàn: “Một cụ già đưa chúng tôi vào một gian phòng dơ dáy đầy sách vở, cuộn giấy, biểu đồ thiên văn…Đỗ Mậu đưa cho ông ta những chi tiết về ngày sinh của tôi rồi hỏi ông ta hai câu. Câu thứ nhất: “Người này (chỉ Nguyễn Cao Kỳ) có lương thiện không, có phải là một người tôi có thể tin tưởng, sẽ không bao giờ phản lại tôi hay những người khác không?”

Câu trả lời của cụ già khẳng định là Kỳ không phải loại người “phản trắc”.Đoạn “mở đầu gieo quẻ” đó, Đỗ Mậu kể sinh động hơn: “Tôi  (Đỗ Mậu) bèn kéo Kỳ đến nhà thầy tử vi Minh Lộc ở đường Trần Quý Cáp (nay là Võ Văn Tần, Q.3, TP.HCM) mà tôi đã sắp đặt từ trước. Sau khi gieo quẻ bấm tay, ông MinhLộc nói rằng số Canh Ngọ này (của Nguyễn Cao Kỳ) làm nghề đi mây về gió (!) tuy nhiên đến thu đông năm nay (nhằm khoảng thời gian áng chừng nổ ra cuộc đảo chính Diệm; sau ấn định vào 1.11) phải làm gì có tính cách bạo động rồi trở thành vương tướng, phú quý song toàn” (!)Câu ấy hàm ý kích động Kỳ tham gia quân đội lật đổ Ngô triều.Tử vi của ông này (Kỳ) có báo trước là một ngày nào đó ông ta sẽ đi tù không?Kỳ viết: “Một lần nữa lão thầy bó nghiền ngẫm những biểu đồ và sách vở của ông ta rồi quyết đoán: Không, suốt đời ông này sẽ không bao giờ đi tù cả”.Câu hỏi đó của Đỗ Mậu là câu trả lời “không bao giờ đi tù” của ông thầy bói nhằm trấn an Kỳ. Vì từ lời “thầy” mà suy ra, đảo chính bị “hụt”, Kỳ vẫn an toàn không bị ở tù chi cả, vì “số” là như thế (!).Đến câu hỏi này mới thật cột nhau vào thế kẹt: “Số này (của Kỳ) có phản bội tôi (Đỗ Mậu) không?”. Minh Lộc khẳng định: “Không, bởi nếu phản bội sẽ bị chết bất đắc kỳ tử”. Đỗ Mậu thưởng cho thầy tử vi một trăm đồng bạc rồi ra về: “Trước khi chia tay, Kỳ thề suốt đời giữ trọng lòng trung nghĩa đối với tôi. Sau này Kỳ phản tôi, cùng với nhóm tướng trẻ cô lập tôi ở Kon Tum, tại Nha Trang nhưng Kỳ đã không chết bất đắc kỳ tử, vả lại trong thâm tâm tôi cũng thật lòng không muốn ai phải chết bất đắc kỳ tử…”.

Tuy không “bất đắc kỳ tử nhưng tiếng đồn không mấy hay ho về Kỳ (và Thiệu) tăng dần theo số quân Mỹ từng vào VN tham chiến mà đến Giáng sinh năm 1965 đã lên 184.000 (so với tháng 7.1965 chỉ mới 81.400 quân – số liệu dẫn từ Mc Namara).

Giữa năm đó, thuốc phiện cũng được thả dù xuống cao nguyên Trung phần sau khi bí mật đưa lên máy bay gần Savanakhet của Lào. Một số trong đó “lọt” vào chiếc chuyên cơ của Nguyễn Cao Kỳ với sự “hợp tác” của cả Thiệu, Nguyễn Hữu Có, Vĩnh Lộc, Cao Văn Viên.

Khi chuyến bay sắp cất cánh rời Pleiku về Sài Gòn thì bị phát giác và la ầm lên bởi viên Tư lệnh Quân đoàn I vùng I chiến thuật: Nguyễn Chánh Thi! Nguyễn Hữu Có (Tổng ủy viên quốc phòng) chặn không cho Thi tới gần máy bay chở thuốc phiện. Ức khí, Thi gằn giọng:

Định bán cho ai? 

4: Chuyến hàng thuốc phiện của các tướng lĩnh đứng về phía…dân nghiện!

Tướng Nguyễn Hữu Có, Tổng uỷ viên Quốc phòng (Tổng trưởng Quốc phòng) và. Tư lệnh Vùng 1 Nguyễn Chánh Thi, ảnh chụp trước khi xảy ra vụ biến động miền Trung

Tướng Nguyễn Hữu Có, Tổng uỷ viên Quốc phòng (Tổng trưởng Quốc phòng) và. Tư lệnh Vùng 1 Nguyễn Chánh Thi, ảnh chụp trước khi xảy ra vụ biến động miền Trung

Ngay từ ngưỡng cửa của việc nắm trọn quyền lực, Nguyễn Cao Kỳ và Nguyễn Văn Thiệu đã tạm thỏa hiệp ngồi lại với nhau trên “chiếc chiếu thần” của nàng tiên nâu, để tổ chức những chuyến hàng thuốc phiện dài ngày tội lỗi…

Những tướng lĩnh vừa đoạt quyền “điều khiển quốc gia” từ tay một chính phủ dân sự bất lực của các ông Phan Khắc Sửu – Phan Huy Quát vào tháng 6.1965 đang cấu kết mở rộng “con đường tơ nhện” trên không để đưa thuốc phiện về Sài Gòn qua đoạn trung chuyển từ các sân bay nằm khuất tận cao nguyên.

Một vài tay có vai vế cao nhất “thượng thủ, thượng thượng thủ” trong họ, gồm “quốc trưởng” Thiệu, “thủ tướng” Kỳ, cùng Nguyễn Hữu Có và Linh Quang Viên (thiếu tướng, tổng ủy viên an ninh trong nội các chiến tranh của Kỳ) đã có mặt cùng lúc tại sân bay Pleiku vào buổi chiều có chuyến hàng thuốc phiện đó. Duyên do gì cả 4 tay nêu trên lại hội nhau ở phố núi cao?

Nguyễn Chánh Thi trả lời qua hồi ký Một trời tâm sự: “Vào khoảng tháng 9.1965, Nguyễn Văn Thiệu gọi tôi, bảo phải đi Pleiku hội. Cuộc hội có Thiệu, Kỳ, Có, Viên và tôi. Đến sân bay Pleiku lúc 9 giờ 30, tất cả lập tức đi quan sát đồn Pleime, nơi vừa xảy ra trận đánh lớn…Về lạu Pleiku, tất cả đến tư thất Vĩnh Lộc ăn một bữa cơm thật thịnh soạn. Ăn xong Thiệu mới nói: – Cuộc họp mặt hôm nay quan trọng không phải vì trận Pleime, mà vì chuyện của anh Vĩnh Lộc. Tướng Westmoreland cũng như đại sứ Lodge đều yêu cầu phải thay thế Vĩnh Lộc ở chức vụ Tư lệnh vùng II chiến thuật. Đó là do lời đề nghị của tướng Palmer, cố vấn của anh Vĩnh Lộc. Anh Vĩnh Lộc đã làm mất lòng ông Palmer sao đó. Anh Thi nghĩ sao?

Tôi trả lời: – Phải để cho anh Vĩnh Lộc trình bày xem có gì nghiêm trọng không đã, tôi mới có ý kiến được.

Thiệu chặn ngang: – Người Mỹ họ cằn nhằn tôi là anh Vĩnh Lộc không có “tinh thần hợp tác”. Ông Palmer kêu qua họp mà anh ấy từ chối không qua. Đã nhiều lần như thế”.

Vĩnh Lộc vội vã biện bạch, Thiệu tiếp tục “truy”. Hỏi qua đáp lại kéo dài. Hãy khoan nhắc tới nội dung cà kê đó, xin tóm gọn là việc đi đến kết luận cách chức Vĩnh Lộc hôm ấy bất thành, vì mãi đến chiều còn cãi nhau. Nguyễn Hữu Có nhìn trời nhìn đất “quanh năm mùa đông” mới giục về Sài Gòn cho kịp, tạm nhưng họp, Nguyễn Chánh Thi viết:“Thường lệ đi họp mà muốn về lại Sài Gòn, thì tất cả tướng lĩnh đều được mời đi trên chiếc máy bay tốt nhất mà Nguyễn Cao Kỳ đang dùng. Lần đó quen lệ và cũng đinh ninh là mọi người sẽ đi chung một chiếc máy bay để có thêm thì giờ hàn huyên hay giải quyết những chuyện phối hợp lặt vặt, nên tôi xăm xăm đi thẳng tới chiếc máy bay của Nguyễn Cao Kỳ. Đột nhiên Nguyễn Hữu Có giơ tay ngăn tôi lại: – Anh đi chiếc máy bay của anh thì hơn. Tôi sinh nghi: Một ý nghĩ thoáng qua nhanh trong đầu: tụi này âm mưu gì đây”

 Ảnh tư liệu: Tướng SG Nguyễn Chánh Thi
Ảnh tư liệu: Tướng SG Nguyễn Chánh Thi

Đúng là có “âm mưu” trong chiếc máy bay đặc biệt của Nguyễn Cao Kỳ đậu kia. Mà Kỳ khi còn mang cấp bậc đại úy thời ông Diệm, bị dư luận cho là đã dính dáng đến các chuyến bay của phi đội đặc nhiệm chở thuốc phiện.

Có hơn 2.500 tiệm hút hoạt động tại Chợ Lớn từ những năm đầu 60. Dùng máy bay chở thuốc phiện về Sài Gòn không phải là điều hiếm thấy, mà có đến hàng trăm chuyến mỗi tháng. Thậm chí mỗi ngày có từ 300 đến 600 cân thuốc sống được người “cộng tác mật thiết” với Ngô Đình Nhu là Francisci dùng máy bay hai động cơ vận chuyển.

Khi hai anh em ông Diệm mất, Kỳ nắm chức tư lệnh không quân, việc buôn lậu thuốc phiện mở rộng, thời điểm đó Thiệu mới “bước vào nghề”. Như trên đã nói, Nguyễn Chánh Thi nghi chiếc “chuyên cơ” của Kỳ có gì “lạ” lắm đây, nên cứ một mực bảo Có là máy bay của mình phải trở về Quân đoàn, và mình cần “đi chung với các anh”.

“Nguyễn Hữu Có không ngăn được tôi, tỏ vẻ khó chịu. Tôi bước lên máy bay lẹ làng. Vừa ngồi xuống ngó chung quanh, tôi thấy mọi người đang nhìn nhau, nửa nghi ngại, nửa như bực dọc vì sự hiện diện của tôi”. Ai chẳng biết tính tình của viên tướng vùng 1 này, ăn nói bặm trợn chẳng kể ai. Có lần ông ta giúp Thiệu tránh được đám đông biểu tình “đòi làm thịt tại chỗ”, Thiệu cho phụ tá của mình đến cảm ơn. Thi bạo miệng đùa: “ Ơn nghĩa chi! Con chó bị thất thế như tôi cũng cứu huống cho ông Thiệu.

Đại khái ăn nói lua lua “ác khẩu” như vậy, thêm cái khí chất lúc nào cũng nóng nảy như bốc cháy của viên tướng vùng “hỏa tuyến”, nên người ta gọi Thi là “cục lửa to tướng mang hình dạng con người”. Mà “cục lửa” đó lại đang ngồi chình ình trước mặt họ chẳng biết phực cháy khi nào.

Bực mình quá, Nguyễn Hữu Có vọt miệng nói huỵch toẹt: – Chúng tôi vừa bắt được một vụ buôn thuốc phiện lậu, tịch thâu được khá nhiều, định đem về bán lấy tiền làm quỹ đen. – “Chúng tôi” (Thiệu, Kỳ, Có, Viên) là những phù thủy có đủ đòn phép đổi chữ “buôn” (lậu) thành chữ “bắt” (hàng quốc cấm). “Bắt” rồi bán lấy tiền, cầm trên tay những đồng “sạch sẽ” được “rửa” trước mắt Thi!

Nói “la ầm lên” thì không đúng hẳn, nhưng cái cách vừa cười nhạt vừa hỏi “cung” của ông Thi nghe cũng đinh tai” –Thuốc phiện bắt được bao nhiêu? Trị giá được bao nhiêu?Nguyễn Hữu Có tỉnh bơ: – Được vài trăm ký, bán được vài chục triệu. Bán xong, nếu anh muốn, tôi sẽ gửi biếu anh chút đỉnh tiêu…

5 – Bà Từ Cung muốn gả cháu gái cho tướng vùng “Hỏa tuyến” Nguyễn Chánh Thi?

Thiệu và Kỳ, cả hai chẳng thích thú gì khi đang gắng gạt hết các “tướng già” như Đỗ Mậu, lại phải bận tâm với loại “tướng trẻ” ngang ngạnh như Nguyễn Chánh Thi.

Chiếc máy bay như “lết đi nặng nề” và “bầu không khí bỗng trở nên nghẹt thở sau khi câu chuyện thuốc phiện bị Nguyễn Hữu Có đem nói toạc ra” theo như Thi kể. Đã thế, Thi bồi thêm mấy câu pha trò, khích bác chơi.

Thiệu và Kỳ, cả hai chẳng thích thú gì khi đang gắng gạt hết các “tướng già” như Đỗ Mậu, lại phải bận tâm với loại “tướng trẻ” ngang ngạnh như Nguyễn Chánh Thi. Thi sinh tại Huế, 33 tuổi làm Tư lệnh Lữ đoàn Nhảy dù (1956) là một trong những người cầm đầu cuộc đảo chính hụt Ngô Đình Diệm hôm 11.11.1960, sau đó phải trốn sang Campuchia trong 3 năm.

Khi chế độ Diệm đổ, ông ta quay về Sài Gòn thì vợ đã chung chạ với một người bạn cũ của ông. Từ đó, ông sống một mình, nuôi 4 con. Nhận chức Tư lệnh Quân đoàn I và Vùng I chiến thuật từ năm 1964-1966, đóng bản doanh tại Đà Nẵng nhưng hàng tuần Nguyễn Chánh Thi vẫn dùng trực thăng bay ra Huế. Bay ra đó vì công việc của “đại biểu chính phủ” tại Trung nguyên Trung phần mà ông ta kiêm nhiệm. Song dư luận báo giới đương thời vẫn cho vì ông nặng lòng với một cô gái Huế.

Dưới tít lớn “Tướngrâu miền hỏa tuyến (Nguyễn Chánh Thi) vừa yêu cô dược sĩ, vừa…ghét ai nhứt?” một bài báo viết: lại trông đêm trông ngày chờ ông đi cưới, thế mà…”. Chuyện đó ông ta không kể trong hồi ký mà chỉ nhắc đến cô H.T.X.M nào đó trong đoạn “Chuyện trò thân mật với Đức Từ Cung thân mẫu của cựu hoàng Bảo Đại” trích sau: “Cuối tháng 11.1964 một buổi mai thứ bảy, tôi đang ngồi uống nước trà với bà chị cả tôi ở quê lên thăm, thì vào khoảng 10 giờ sáng, một bà cụ già của Phước tộc ghé thăm. Sau mấy lời xã giao, bà cụ nói: – Đức Từ Cung sai tôi đến đây có ý mời Ôn qua nhà uống trà, luôn tiện có vài công chuyện muốn thưa với Ôn”.

Theo lời hẹn, sáng hôm sau chủ nhật ông ta đến nhà bà Từ Cung lúc 10 giờ sáng. Bà Từ Cung cho người nhà bận quần áo chỉnh tề ra đón khi ông vừa bước xuống xe, mời vô nhà. Cửa vừa mở, đã thấy bà Từ Cung đứng sẵn mặc áo màu vàng lạt, đầu tóc bạc phơ, mời Nguyễn Chánh Thi ngồi trên bộ trường kỷ bằng mun đen cẩn xà cừ, uống nước trà sen.

Gần 10 năm trước, ông Thi đã gặp bà khi được biệt phái đến chỉ huy Tiểu đoàn Ngự lâm quân. Nay đến thăm và nhờ nghe “một vài công chuyện muốn thưa” gì đó. Bà Từ Cung cám ơn vài việc mà ông đã làm cho hoàng tộc, rồi hạ thấp giọng: – Còn một chuyện quan trọng có tính cách gia đình mà bà muốn giúp cho Ôn vì biết Ôn có 4 đứa con dại không có người trông coi. Bà có đứa cháu gái giỏi, khôn ngoan, tên là H.T.X.M muốn cho Ôn đem về làm vợ để nuôi 4 đứa con và săn sóc Ôn khi đau ốm trở trời.

Nói xong, bà cho gọi cô X.M ra chào. Dừng chập lâu, bà lại khuyên ông nên “có vợ để lo gia đình”. Nguyễn Chánh Thi lúng túng, ngạc nhiên, thưa là “có thể năm ba năm nữa, bảy tám năm nữa, cháu mới dám nghĩ đến chuyện gia thất. Hiện chừ bổn phận làm cha cũng chưa đủ, huống chi thêm vào trách nhiệm làm chồng. Xin đức Từ thông hiểu hoàn cảnh của cháu”.

Bà Từ Cung mời Thi ăn bánh, đoán ông ta áy náy chuyện tuổi tác, chậm rãi nói: – Bà thật thương Ôn Thi và cháu của bà. Nó đã thưa với bà là muốn có tấm chồng gan dạ để được hy sinh với chồng, dù người chồng có hơn tuổi bao nhiêu cũng chả răng, cho nên bà có ý cho (làm vợ) Ôn đó”. Còn cô X.M ?

Hồi ký kể: “Tôi thấy cô X.M với cặp mắt trong xanh cũng cất đầu lên nhìn tôi với những giọt nước mắt đang rớt xuống làm thấm chiếc áo dài xanh lạt của cô. Lòng tôi lúc ấy thật là bùi ngùi, xúc động với những giây phút bất ngờ đã xảy ra tại đây”. Nghĩ một lúc, Bà Từ Cung tiếp: – Thôi nói rứa biết rứa, khi mô nghĩ lại thì đến cho bà biết để bà liệu cho và nhớ khi mô rảnh đem mấy đứa tới thăm bà với cho vui.

Kiếu Bà Từ Cung ra về, ông Thi bào tài xế riêng của mình hãy mang xe về trước, còn ông thả bộ chầm chậm dọc theo bờ sông An Cựu suy nghĩ mông lung về chuyện hôn nhân. Trong tướng tá Sài Gòn quanh ông, có người lỡ “lấn sân” qua bạn đời của kẻ khác. Bồ nhí thì không nhớ hết tên…

Khi Nguyễn Văn Thiệu nắm hết quyền lực vẫn muốn lợi dụng các vụ mèo mỡ lăng nhăng của các tướng tá phe đối lập, ra lệnh cho các tờ báo do mình đỡ đầu đem ra nện tới nơi để hạ uy thế đối thủ, mặc dù chính Thiệu cũng lăng nhăng không kém. Người đương thời đồn đại nhiều vụ ăn vụng, trăng hoa, như tướng Đỗ Cao Trí lấy vợ của dược sĩ V.H.T và bắt bồ với bà chủ hãng Cosuman Film chẳng hạn. Hoặc Cao Văn Viên “mang lộn dép” của vợ một sĩ quan dưới quyền vì tối trời điện cúp…

Ngoài câu chuyện liên quan đến H.T.X.M trong buổi gặp bà Từ Cung, ông Thi cho bà biết đã bàn với phụ tá “đại biểu chính phủ” là ông Hồ Dũ Châu, lo mượn hai chiếc máy bay C.130 lên Đà Lạt để chở trở lại 40 thùng đồ cổ của Đại nội mà trước kia vợ chồng Ngô Đình Nhu đã lấy lên Đà Lạt, tính trang hoàng cho ngôi biệt thự của họ. Nguyễn Chánh Thi viết: “Thật ra, không chỉ một mình vợ chồng Nhu mà sau này, sau vụ biến động miền Trung ngày 10.3.1966, dân chúng thành phố Huế cho biết là bọn Thiệu – Kỳ, Nguyễn Ngọc Loan, Hoàng Xuân Lãm, Nguyễn Văn Toàn đã làm tiêu tán những bảo vật quý giá của hoàng tộc sau Đại nội và tại Tòa đại biểu Huế”.

Trong số tướng tá mà Nguyễn Chánh Thi nêu trên có một tay “máu lạnh” truyền kiếp: Nguyễn Ngọc Loan. Loan đã nói gì với Nguyễn Chánh Thi trong một cơn say tí bỉ mà Thi mô tả là “như đứa con nít đang lên cơn sốt”?…

(Còn tiếp)

Nguồn: Nghiên cứu Lịch sử tổng hợp từ Một thế giới

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]