Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại (P6)

Print Friendly, PDF & Email

Tng hp: Mai Nguyễn

41 – Tướng Cao Văn Viên: Tổng tham mưu trưởng kỳ lạ nhất Sài Gòn

Năm 1971, choáng váng bởi tổn thất nặng sau chiến dịch Lam Sơn 719, ông Thiệu nhờ Trần Văn Đôn nói với đại tướng Cao Văn Viên (trong hình), Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn, hãy quét tầm nhìn chiến lược đến các quân khu, chịu khó tiếp xúc với các tư lệnh vùng để tăng cường quân lực, chứ đừng ở mãi trong văn phòng riêng như ông Viên vẫn làm.

Tại sao ông Thiệu không trực tiếp nói với Cao Văn Viên mà phải nhờ Trần Văn Đôn? Bởi Thiệu có nói nhưng đại tướng Viên vẫn không nhúc nhích, cứ ngồi một chỗ để chỉ huy ngót một triệu quân qua…điện đàm là chính. Ông Đôn gặp Cao Văn Viên hỏi lý do. Ông Viên bảo:

“Tôi đã xin từ chức mấy lần mà ông Thiệu không chấp thuận nên tôi cứ ở văn phòng làm việc mà thôi!”

Trong khi đất nước có chiến tranh, nhất là năm 1972 chiến trường sôi động, mà ông Tổng tham mưu trưởng chỉ “ngồi văn phòng làm việc miễn cưỡng” làm sao các sĩ quan binh lính ngoài mặt trận khỏi dị nghị được? Ông Đôn viết trong hồi ký như thế và thêm:

Tôi hỏi ông Thiệu:

–        Nếu tổng thống không bằng lòng…thì sao không đổi người khác để làm việc hữu hiệu hơn?

–        Hai người này (kể thêm Trần Thiện Khiêm, thủ tướng) là người của Mỹ chọn, nếu tôi đổi hai người này thì Mỹ sẽ phản đối, tôi sẽ gặp nhiều khó khăn. Cái khó khăn của tôi âu cũng nghĩ chỉ là (chỉ) đối đầu với Cộng sản. Thật ra trở ngại và khó khăn cho tôi là Mỹ. Ví dụ như việc bổ nhiệm người trong nội các, người nào Mỹ không phản đối thì được, còn phản đối thì khó mà làm việc”.

Rõ vậy! Ngay Cao Văn Viên có lần ngán ngẩm buột miệng sổ toẹt về tính chất “tầm gửi” của đội quân Sài Gòn vào Mỹ khi phái đoàn nghị sĩ và dân biểu đến gặp để hỏi “về chiến lược quân sự của Bộ Tổng tham mưu”:

–        Chúng ta không có trách nhiệm về chiến tranh (!). Trách nhiệm chiến đấu ở đây là người Mỹ. Chính sách đó do họ đề ra, chúng ta chỉ theo họ mà thôi!

Câu trả lời quá rõ. Xin miễn bàn.

Cứ như thế, ông Viên tà tà đến bàn giấy làm việc hệt cung cách công chức. Vềnhà, theo người thân kể lại, ông quẳng những ưu tư ven đường, dường như không nghĩ tới tấm bản đồ hành quân, hoặc cục diện chiến trường, mà suy tưởng đến những chuyện đâu đâu ngoài cõi thực. Nhưng oái ăm, chính một phần vì thái độ đó mà đại sứ Mỹ… yên tâm! Trần Văn Đôn kể:

“Mỗi khi Mỹ đề nghị điều gì khó khăn, nếu về hành chính thì Tổng thống Thiệu giao cho Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, còn về quân sự thì giao cho Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên. Dĩ nhiên hai ông này sẽ làm theo đường lối của Mỹ. Hai ông này không hẳn thích Mỹ nhưng trải qua kinh nghiệm của những người đi trước họ hiểu rằng muốn sống yên trên địa vị cao sang của mình thì phải chiều theo ý của Mỹ. Vì vậy mà Mỹ thích hai ông đó nắm trọn lực lượng quân sự và chính trị trong nước. Đó cũng là cách hay nhất để nắm luôn Tổng thống Thiệu bởi vì nếu cần thì… hai người đó sẽ đảo chính dễ dàng!”

Thiệu hẳn nhiên dùng nhiều biện pháp đề phòng những người quanh mình. Ông đặt máy truyền tin trong phòng làm việc để khi cần liên lạc nói chuyện thẳng với tư lệnh 4 vùng chiến thuật, hoặc trực tiếp điều động các sư đoàn cứu viện. Cẩn thận hơn, ông Thiệu đặt Phòng hành quân sát phòng mình và giao sĩ quan trực đảm nhiệm theo dõi, ghi chép hướng di chuyển của các đơn vị lớn thuộc các binh chủng.

Vào mỗi sáng, ngoài việc nắm tình hình qua báo cáo, ông còn nghe ngóng động tĩnh tại các quân khu bằng hệ thống truyền tin riêng không nhất thiết phải qua trung gian của Bộ Tổng tham mưu. Hệ thống đó cũng cho phép Thiệu gọi đến tận các địa phương để trực tiếp ra lệnh cho các tỉnh trưởng, thị trưởng trong trường hợp cấp bách. Dẫu hết sức cảnh giác, đảo mắt quan sát các tướng tá thân cận, nhưng Thiệu lại không mặn mà lắm với ý kiến của cố vấn Hoàng Đức Nhã khi Nhã thúc hãy thay gấp hai ông Trần Thiện Khiêm và Cao Văn Viên.

Vì theo Thiệu, đó là hai viên tướng ăn cánh “lâu đời” với ông ta, không dễ gì trở mặt phản phé được. Nếu họ không làm việc tốt so với trọng trách đã giao thì ít ra họ cũng án ngữ giùm ông hai cánh cổng quyền lực của chế độ mà nhiều đối thủ dòm ngó. Huống gì ông Thiệu rất mực tin tưởng vào “lòng trung thành” của Cao Văn Viên vốn từng biểu lộ trong phút lâm chung của Ngô triều.

Theo hồi ký Đỗ Mậu, đêm xảy ra đảo chính Diệm 1.11.1963: “tại văn phòng của tướng Khiêm, nơi được chọn làm bộ chỉ huy, tướng Dương Văn Minh, hỏi từng người “ai theo cách mạng” (phe đảo chính) và ai còn theo ông Diệm”? Tất cả đều hoan hỉ trả lời: “Theo cách mạng!” trừ đại tá Cao Văn Viên, tư lệnh quân nhảy dù, trả lời:

– Tôi là một quân nhân kỷ luật. Tôi không làm chính trị, tôi chỉ biết tuân lệnh Tổng thống Diệm”.

Thời còn cấp bậc trung úy vào năm 1953, Đỗ Mậu cùng Cao Vãn Viên và Nguyễn Văn Thiệu gặp nhau tại Hưng Yên. Ông Mậu cho biết: “Chúng tôi coi nhau như bạn thân. Cao Văn Viên là người ít nói trong lúc Thiệu và tôi hay thảo luận chính trị, thời thế”.Năm 1958, Ngô Đình Diệm đưa Cao Văn Viên về dinh Độc Lập giữ chức Tham mưu trưởng biệt bộ.

Khi Nguyễn Chánh Thi đem lữ đoàn nhảy dù tấn công dinh Độc Lập mưu đảo chính Diệm nhưng thất bại phải chạy qua Campuchia tỵ nạn; ông Diệm giao Cao Văn Viên chỉ huy lữ đoàn nhảy dù thay ông Thi – đồng thời thăng cấp cho ông Viên lên đại tá. Trong lúc ông Viên gắng giữ trách nhiệm ở phạm vi được giao thì vợ ông lại là một “phu nhân” hiếu động cộng tác đắc lực với bà Nhu trong “phong trào phụ nữ liên đới”.

Người đương thời cho là dưới trào ông Diệm có ba “bà tướng”. Bà Thái Quang Hoàng dám đấu khẩu với bà Ngô Đình Nhu về vụ đảo chính hụt của quân nhảy dù. Bà Nguyễn Văn Là “thiện xạ số hai” sau “thiện xạ số một” Ngô Đình Lệ Thủy (con bà cố vấn Nhu) xuất hiện đêm đêm trên màn ảnh xi-nê để thi nhau tác xạ vào… bong bóng, hoặc bò qua các lỗ châu mai giả định tại “chiến trường Thị Nghè”! Bà Cao Văn Viên thích nổi tiếng tương tự. Trở lại chuyện mấy ông chồng, hồi ký Trần Văn Đôn kể hai tướng Trần Thiện Khiêm và Cao

Văn Viên “là đôi bạn thân nhau” nhưng lúc lật đổ chế độ Diệm lại tỏ ra lập trường khác nhau:

“Ngày đảo chính 1.11.1963, thiếu tướng Khiêm sốt sắng tham gia còn đại tá Viên thì trung thành với ông Diệm nên buộc lòng chúng tôi phải giữ lại chung với các sĩ quan cấp tá như Chỉ huy trưởng lực lượng đặc biệt, Chỉ huy trưởng lữ đoàn phòng vệ Phủ tổng thống… Lúc đó từ Bộ Tư lệnh Quân đoàn III (bao gồm Sài Gòn), ông Đính (trung tướng Tôn Thất Đính) điện thoại cho tôi ngỏ ý muốn nói chuyện với đại tá Cao Văn Viên… Tôi cho người đưa ông Viên đến… Ông Viên phân trần (qua điện thoại với Tôn Thất Đính):

–                    Anh phải hiểu cho tôi, tôi không thể làm việc này được. Tôi không thể theo ủy ban để đảo chính ông cụ được!

Rồi ông Viên trao trả máy cho tôi nói chuyện với ông Đính. Ông Đính nói:

–                    Nó không chịu theo tụi mình, nhưng anh giữ nó bên cạnh đừng nhốt nó tội nghiệp!

Tôi để Viên ngồi trong văn phòng tôi, từ lúc tôi điều động lính đảo chính cho đến 8 giờ 

sáng ngày 2.11.1963, mọi việc xong xuôi tôi cho Viên về nhà”.

Theo tài liệu khác, ban đầu phía đảo chính định khử Viên, nhưng tướng Đính cứu ông, bảo Viên “là người vô hại” nên thôi. Sau Viên được giao chỉ huy sư đoàn dù Sài Gòn. Năm 1975, với cấp bậc đại tướng, Tổng tham mưu trưởng, ông vẫn không nảy sáng kiến mới lạ gì hơn trong việc điều quân khiển tướng mà giữ đúng nội dung “những chỉ thị” của Thiệu về rút lui chiến thuật và dần đến thua trắng miền Nam.

Ngày 28.4.1975, sau khi sắp xếp nội vụ Tổng tham mưu, giao tướng Đồng Văn Khuyên xử lý thường vụ, ông Viên mặc thường phục với áo sơ-mi, quần jean, đáp máy bay sang Bangkok – Thái Lan, với sự hỗ trợ của cơ quan lo việc tản cư của Mỹ DAO.

Tại đó, ông lấy vé hàng không dân sự bay thẳng tới Washington như một du khách. Hồi chế độ Sài Gòn sắp “tàn cuộc hoa này”, nghe nói đại tướng Viên thực tế đã tự về vườn, thường tĩnh tâm trong am nhỏ.

Ở đó ông không ngẫm nghĩ ngày đêm để “chắp tay sau lưng mà vẫn quyết định sự thắng bại ngoài nghìn dặm” theo luật làm tướng ghi trong binh pháp. Mà để trốn khỏi rối rắm và gánh nặng chức trách của người đứng đầu đội quân đông ngót một triệu người! Thời cuộc vẫn để ông ngồi ở vị trí liên quan tới sự sống chết của cả triệu sinh linh một cách hững hờ và miễn cưỡng!

Ở khía cạnh này, tướng Cao Văn Viên là một tổng tham mưu trưởng kỳ lạ nhất của quân đội Sài Gòn “năm xưa”.

42 – Nguyễn Cao Kỳ cũng sợ “Anh Cả đỏ“! Vì sao?

Đã nhiều lần ông Cao Văn Viên bày tỏ ý không muốn giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội nữa và xin từ chức. Hồi ký Trần Văn Đôn ghi nhận đến “ba lần ông Nguyễn Cao Kỳ xin đảo chính Nguyễn Văn Thiệu nhưng ông Viên không chấp nhận”. Kỳ vừa giận vừa lo nhưng chưa dám động tới Viên, mệnh danh “Anh Cả đỏ”. Vì sao?…

Biết Cao Văn Viên không hợp tác đảo chính theo tính toán của Kỳ nên “ông Thiệu càng thích hơn, cho dù chức vụ Tổng tham mưu trưởng quân đội, ông Viên làm miễn cưỡng lơ là chăng nữa, cũng còn hơn đặt người khác vào có thể đảo chính. Đã nhiều lần ông Viên bày tỏ ý không muốn giữ chức vụ đó nữa, xin từ chức hoài nhưng ông Thiệu không chấp nhận”.

Hồi ký của Trần Văn Đôn ghi nhận đến “ba lần ông Nguyễn Cao Kỳ xin đảo chính (Thiệu) nhưng ông Viên không chấp nhận”. Kỳ vừa giận vừa lo nhưng chưa dám động tới Viên. Vì ngoài “cái tướng oai vệ, biết lái trực thăng”, từng làm tư lệnh “anh cả đỏ”, một binh chủng mà Kỳ nể mặt, mà qua nhiều năm đứng đầu bộ tham mưu, Viên còn tạo dựng sẵn nhóm tay chân em út không dễ gì Kỳ đương cự nổi.

Rõ ràng Thiệu sợ nguy cơ bị mất hậu thuẫn khi thay người. Cứ để Viên trấn trị, bày quân bố trận khắp 4 vùng chiến thuật như cũ mà đỡ lo hơn! Dù các sư đoàn lá chắn đã bị đánh vỡ và chọc thủng vào giai đoạn hấp hối của chế độ cũng mặc.

Tới nước đó, một trưa giữa tháng tư 1975, 5 tướng tá Sài Gòn tìm đến nhà ông Đôn trên đường Alexandre de Rhodes nằm trước dinh Độc Lập để chỉ trích tổng tham mưu trưởng của họ:

– Cấp chỉ huy quân đội từ mấy năm nay quá yếu. Đại tướng Cao Văn Viên không đủ khả năng, không làm đúng bổn phận, làm việc không hữu hiệu mà lại ngồi chỉ huy suốt 9 năm trời!

Những người đưa ra lời phê bình muộn màng đó gồm trung tướng Vĩnh Lộc, chỉ huy trưởng Trường Cao đẳng Quốc phòng: trung tướng Nguyễn Bảo Trị, phụ trách các trường huấn luyện quân sự; và các đại tá Nguyễn Huy Lợi, Vũ Quang, Trần Ngọc Huyến…Ông Đôn đã nói gì trước những lời công kích ông Viên?

Trần Văn Đôn viết: “Theo tôi biết, ông Cao Văn Viên nhảy dù giỏi, tham mưu giỏi, nhưng ông ta làm việc không hăng say, không tự quyết, tự quản. Ông làm việc theo lịnh của tổng thống, vì tổng thống là Tổng tư lệnh, hoặc làm việc theo lệnh của Tổng trưởng quốc phòng hoặc Thủ tướng. Không bao giờ ông Viên đề nghị, phê bình hoặc từ chối một chỉ thị nào của thượng cấp nên Mỹ, ông Thiệu, ông Khiêm đều thích một ông Tổng tham mưu trưởng như ông Viên. Trong quân đội, ông Viên không hề khích lệ tinh thần cho anh em hăng say chiến đấu. Sau năm 1970, tôi gặp ông Viên nên biết ông bận lo thi lấy bằng cao học văn chương Pháp, chú trọng đến thiền học. Chiều tối nào ông cũng leo trên mái tôn cao sau nhà để hành thiền và ngủ luôn ở đó. Dầu có xảy ra việc gì cũng không ai được quấy rầy ông!…”.

Một Tổng tham mưu trưởng quân đội có xu hướng đi sâu vào thế giới tư duy “trừu tượng” như vậy khó mà quyết định cấp thời những chiến thuật  “cụ thể”.

Song muốn thay Cao Văn Viên phải dòm tới dòm lui như trung tướng Trần Văn Minh, Tư lệnh không quân, trung tướng Chung Tấn Cang, Tư lệnh hải quân, trung tướng Nguyễn Văn Minh, Tư lệnh biệt khu thủ đô, kế là chuẩn tướng Thọ, trưởng phòng III hành quân, hoặc đại tá Lung, trưởng phòng II tình báo Bộ tổng tham mưu…Lúc dầu sôi lửa bỏng, việc thay Tổng tham mưu trưởng tuy cần nhanh chóng song không thể làm bừa. Những ai trong họ từng được Cao Văn Viên cất nhắc hoặc có công chuyện gì đó liên hệ mật thiết với Viên trong quá khứ hẳn phải gợn nhiều lo nghĩ.

Chần chừ mãi đến tuần lễ cuối cùng của chế độ vẫn chưa thay được Viên. Ông Đôn hỏi:

– Ai có thể thay thế đại tướng Viên?

Trung tướng Nguyễn Bảo Trị đáp:

– Trung tướng Nguyễn Đức Thắng, gần hai năm nay ông ấy không có việc làm.

Tôi (Đôn) biết khả năng ông Thắng, đã gợi ý nhưng ông ấy từ chối…

Viên “có số” làm to; mãi ngày ông Thiệu nhường ghế cho “tân tổng thống” Trần Văn Hương, ông Viên vẫn giữ chức vụ cũ. Thậm chí, “tân tổng thống” Hương còn “tín nhiệm” Viên tới mức đề bạt lên cao hơn nữa, tới Tổng tư lệnh quân đội (trước do ông Thiệu giữ)!

Trần Văn Đôn kể một cách rõ ràng trong hồi ký:

“Tân tổng thống Hương định đưa ông Viên lên làm Tổng tư lệnh (!), là cấp bậc cao hơn Tổng tham mưu trưởng. Lúc ông Hương nói với tôi tại dinh Độc Lập ngày 25.4.1975 (có ông Viên ở đó), ông Viên nhìn tôi có vẻ không hứng thú. Ông Viên đã không thích nhận trọng trách điều khiển quân đội, huống chi bây giờ ông Thiệu và ông Khiêm đã từ chức (thì ông Hương khó mà “năn nỉ” Viên làm Tổng tư lệnh được!)”.

Số Viên còn đỏ. Khi “tân tổng thống” Trần Văn Hương sắp trao quyền cho Dương Văn Minh, Dương Văn Minh điện thoại dặn Trần Văn Đôn phải “cố giữ ông Viên ở lại chức vụ tổng tham mưu trưởng, đừng cho ông Viên đi”. Nhưng sáng sớm 29.4, Đôn trả lời:

– Viên đã đi rồi!

Như vậy, từ anh em ông Ngô Đình Diệm đến Mỹ – Thiệu, Kỳ, Khiêm, Trần Văn Hương, và cuối cùng là Dương Văn Minh đều muốn dùng và giữ Cao Văn Viên. Chẳng phải vì ông là vị tướng quá giỏi không ai thay thế nổi mà trước hết bởi ông là con người của sự “thực thi mệnh lệnh” và “trung thành” với tổng tư lệnh của mình.

Ra nước ngoài, Cao Văn Viên viết hồi ký, có đoạn: “Binh sĩ miền Nam Việt Nam (Sài Gòn) trong những năm 1972-1975 ra trận nhưng quá sức lo lắng về việc tiếp tế đạn dược không được nhanh như yêu cầu và nếu bị thương phải chờ khá lâu mới được bốc khỏi mặt trận, thời tiếp liệu thừa thãi và không vận nhanh đã qua rồi…” 

Cao Văn Viên xin Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Schlesinger, tướng tham mưu trưởng Creighton Abrams, thiếu tướng phụ tá quân sự Bộ Quốc phòng John Wickham tăng quân viện nhưng bị từ chối vì quyết định “không viện trợ vũ khí nữa” của Quốc hội Mỹ. Chính quyết định đó báo trước ngày tàn của quân đội Sài Gòn, mà theo Harry Thurk, đông đến hơn 1.300.000 người với hàng nghìn máy bay “thường nằm dưới đất nhiều hơn là tung cánh lên trời”…

43 – Mỹ gắn điện đài bí mật cho tướng Kỳ liên lạc Nhà Trắng như thế nào?

Bộ trưởng Quốc phòng McNamara cùng một nhóm binh sĩ đi thị sát vùng ven Sài Gòn

Có lời đồn Mỹ âm thầm nuôi Nguyễn Cao Kỳ để “làm con bài” dự phòng canh bạc chính trị nóng lạnh ở Sài Gòn. Nghi vấn trên đã được chính tướng Kỳ nhắc tới khá chi tiết qua đoạn cuối hồi ký:“Mỹ nói với tôi rằng họ đồng cảm với quan niệm chính trị của tôi và rất buồn thấy tôi ra đi. Cho nên họ ngỏ ý muốn dựng cho tôi một trung tâm truyền tin. Và họ đã làm thật…”

Không được Cao Văn Viên tán đồng đảo chính Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ đã lui về đồn điền Khánh Dương. Ông ta vẫn giữ liên lạc trực tiếp với các viên chức tình báo cao cấp của Nhà Trắng qua hệ thống điện đài bí mật do chuyên viên Mỹ thiết lập trong một khu rừng vắng (?). Có lời đồn đại Mỹ âm thầm “nuôi Nguyễn Cao Kỳ” để “làm con bài” dự phòng canh bạc chính trị nóng lạnh bất thường ở Sài Gòn. Tướng Kỳ nhắc tới nghi vấn trên khá chi tiết qua đoạn cuối hồi ký:

“Lúc tôi quyết định xây dựng đồn điền, các bạn người Mỹ của tôi nói với tôi rằng họ đồng cảm với quan niệm chính trị của tôi và rất buồn thấy tôi ra đi, cho nên họ ngỏ ý muốn dựng cho tôi một trung tâm truyền tin. Họ đã làm thật. Cách lytrong rừng rậm, hệ thống điện đài của tôi mạnh tới nỗi không những tôi có thể nói chuyện với vợ con tôi ở Sài Gòn mà còn có thể nói chuyện với người ở nước ngoài”.

Những lúc ông rời ngôi nhà nằm trong sân bay Tân Sơn Nhất để đến cánh rừng vắng sống những phút giây yên tĩnh xa hẳn thành phố ông vẫn có thể “liên lạc thường xuyên với gia đình vì tói có một đài vô tuyến truyền tin dân sự tốt nhất miền Nam (…). Khi biết chuyện người Mỹ dựng cho tôi cái đài truyền tin đó, người ta đâm ra suy đoán lung tung.

Vào dịp tôi về Sài Gòn, một anh bạn thân đến thăm tôi tại căn cứ không quân đã hỏi:

– Nhà Trắng nghĩ thế nào về khó khăn của chúng ta (chế độ Sài Gòn) hiện nay?

Tôi ngạc nhiên nhìn anh ta và hỏi lại:

 Làm thế nào tôi có thế biết được?

Đến lượt anh ta ngạc nhiên:

Người ta bảo tôi là anh vẫn liên lạc thẳng với Nhà Trắng qua điện đài trong rừng của anh mà!”

 Nói về ông Thiệu, sau cuộc “bầu cử độc diễn” năm 1971 hợp thức hóa việc ông tiếp tục ngồi ghế tổng thống thêm nhiệm kỳ nữa, ông ta luôn phải đốì phó với tình hình chiến sự cam go trong nước và mặc cảm bị Mỹ hất đứng bên lề hội nghị Paris, cũng như sẵn sàng thay ông bằng người khác nếu thấy cần thiết. Thiệu hết sức lo sợ “bị ám sát”, nhất là mỗi khi ông chưa đáp ứng kịp hoặc trù trừ do dự trước các ý kiến một chiều của phía Mỹ. Cố vấn của ông viết:

“Ông ta thường lo lắng rằng người Mỹ đang chuẩn bị cho việc trừ khử ông (…) mỗi khi rời dinh Độc Lập lên xe đến trụ sở Quốc Hội ở đường Tự Do. Thiệu lại cảm thấy lo rằng CIA có thể đặt kế hoạch khử ông ta và đổ lỗi cho Việt Cộng. Ông ta biết rằng những phòng làm việc của mình đều bị Mỹ đặt máy nghe trộm và sống trong trạng thái lo sợ cho tính mạng”.

Ông ta từng nói với tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng chỉ tạm thấy đôi chút yên ả chóng qua trong lòng mỗi lần chơi quần vợt, nhưng hễ bỏ vợt xuống cứ như phải gánh lên nỗi ám ảnh không rời về một cuộc “đảo chính tưởng tượng” đang đến sát nách “rồi trong đầu Thiệu lóe lên chiếc xe bọc thép MA 13 với hai cái xác bị bắn lỗ chỗ đạn của Diệm và Nhu”.

Tâm bệnh đó khiến tóc ông càng trắng. Để khuây khỏa, theo giới nghệ sĩ kể, ông giao du rồi dan díu với một hai “bóng hồng” nho nhỏ, đáng nhớ là sau một bữa tiệc “văn nghệ” ở dinh Độc Lập, ông đã ép một nữ ca sĩ trẻ ăn nằm với mình. Chuyện lộ ra, người làm báo ở Sài Gòn mới gọi ông là “F.M – đầu bạc”. Biệt danh đó thấy nhắc đến trên sách báo người Việt xuất bản ở nước ngoài sau năm 1975.

Nhớ lại khoảng tháng 3.1972 lúc quân giải phóng miền Nam mở cuộc tân công lớn chiếm Quảng Trị, đánh Tây Nguyên và Đông Nam bộ, Thiệu phải điều trung tướng Ngô Quang Trưởng đang chỉ huy Quân đoàn 4 miền Tây ra ngoài Trung thay thế Hoàng Xuân Lãm chỉ huy Quân đoàn I. Đối với quân đội Sài Gòn, tướng Trưởng được ca ngợi là một tư lệnh có tiếng bản lĩnh nhưng ông vẫn bó tay không chiếm lại được thị trấn Đông Hà và sân bay Ái Tử.

Hai nơi đó nằm gọn trong tay quân giải phóng cho đến ngày ông Trưởng gạt nước mắt lùi khỏi Huế, nằm ở núi Sơn Trà cùng tướng Bùi Thế Lân và phó đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (anh ruột của Hồ Văn Kỳ Tường, chỉ huy trưởng Hải khu Đà Nẵng)… Trở lại chuyện 1972, bản đồ ở phòng hành quân của Thiệu trong dinh Độc Lập bị “thủng nhiều lỗ” bởi làn đạn bắn từ chiến trường miền Trung trong “mùa hè đỏ lửa”.

Một “làn đạn” khác, vô hình, xuất phát từ Paris vào tháng 10.1972 khi đoàn Việt Nam đưa ra dự thảo “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình”. Sau đó vài ngày Kissinger đến Sài Gòn cùng phái đoàn cao cấp Mỹ thông báo cho Thiệu biết về dự thảo đã thỏa thuận. Thiệu chưng hửng. Là người được Thiệu cử theo dõi diễn tiến Hội nghị Paris, Trần Văn Đôn kể:

“Sau 2 tháng thương nghị (8 đến 10.1972), Mỹ đồng ý chấm dứt ném bom miền Bắc, vớt thủy lôi và chấp thuận trên nguyên tắc dự thảo hòa ước do Lê Đức Thọ và Kissinger soạn (…). Kissinger đến Sài Gòn trình Thiệu dự thảo đó (…). Phái đoàn Mỹ (Kissinger) đến họp vào lúc 11 giờ trưa tại Phòng hành quân trong dinh Độc Lập. Ngoài Tổng thống Thiệu, còn có Phó tổng thống Trần Văn Hương, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Tống tham mưu trưởng Cao Văn Viên, Đại sứ Phạm Đăng Lâm, Trưởng phái đoàn Việt NamCộng hòa tại hòa đàm Ba Lê, ông Trần Kim Phượng, Đại sứ Việt Nam Cộng hòa tại Mỹ, Hoàng Đức Nhã, bí thư đặc biệt của tổng thống Thiệu, ông Trần Văn Lắm, Tổng trưởng ngoại giao, ông Nguyễn Phú Đức, Phụ tá ngoại giao phủ tổng thống (…). Kissinger đưa cho Tổng thống Thiệu bản dự thảo hiệp ước 5 điểm bằng Anh văn mà không nói thêm về những điều đã thỏa thuận với ông Lê Đức Thọ. Nguyễn Văn Thiệu bực mình vì không được hỏi ý kiến trước… ”.

Ông Đôn kể tiếp, vì Thiệu dùng dằng nên Kissinger ở lại Sài Gòn họp thêm phiên khác. Khi Thiệu xoay lưng rà lại bản đồ, Kissinger nói cho người bên cạnh đủ nghe:

– Tổng thống của ông nghĩ rằng mình là“thần tượng ”, thật ra ông ta không phải là “thần tượng” gì hết!

Rồi Kissinger dọa:

–Mỹ có thể ký hiệp định riêng với Hà Nội (không cần Sài Gòn). Tôi không bao giờ trở lại Sài Gòn nữa.

 Nghe Kissinger nói, Nguyễn Văn Thiệu xoay lại chỉ mấy tấm bản đồ bảo:

-(…) Nếu Mỹ không tiếp tục chiến đấu ở đây thì chúng tôi chiến đấu một mình cho đến khi hết phương tiện rồi chúng tôi chết. Nếu tôi ký hiệp định là tôi tự sát.

Nhưng Thiệu đã đồng ý ký hiệp định Paris 1973 và ông ta vẫn sống đến ngày chạy khỏi miền Nam tháng 4.1975, sang ngoại ô Luân Đôn nước Anh sống yên ổn với vợ và cô con gái. Riêng sưu tập kim cương của vợ ông, bà Mai Anh, góp từ các “quà tặng” ngót 10 năm cầm quyền đủ để ông thư thả làm vườn, quên đi những cánh rừng cháy đỏ vấy máu và bom lửa.

45: Hội đồng an ninh quốc gia “mất an ninh”

Trước ngày đám cưới con gái mình 3 hôm, ông Thiệu triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia trưng cầu ý kiến về bức thư “bốc lửa” (14.1) của Nixon. Thủ tướng Trần Thiện Khiêm: “ủng hộ bất kỳ quyết định gì của tổng thống”. Tổng tham mưu trưởng Cao Văn Viên: “luôn luôn đặt quân đội dưới mệnh lệnh của tổng thống”. Một cố vấn bảo “nếu Mỹ muốn, hãy nên ký Hiệp định…”.

Ông Thiệu nghe nhiều ý kiến chung chung, không thấy ai trong hội đồng nêu giải pháp hành động. Tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng nhận xét qua “sự cố” đó. Thiệu phải “tự hỏi tại sao ông ta lại chọn những đồng sự (thiếu nhạy bén, thiếu phán đoán, thiếu đảm lược) như vậy để giao nắm giữ vị trí then chốt trong chính phủ”. Tại cuộc họp, Hoàng Đức Nhã nói: “Còn nước còn tát…” cứ tiếp tục trì hoãn với Nixon thử coi. Và Thiệu viết thư yêu cầu giải thích rõ những điểm mập mờ, xác định các cam kết của Mỹ đối với sự tồn tại của chế độ Sài Gòn.

Như hạn định Nixon nêu, Thiệu trả lời trước đêm 17.1, nhưng không trực tiếp trao đổi với đại tướng Haig mà đưa Haig bức thư niêm phong chuyển tổng thống Mỹ. Tiên đoán “bức thư gay cấn” ấy không hay ho lắm như mình muốn, Haig mở ngay nó ra khi về sứ quán…

Từ Washington, Tổng thống Nixon nhận thư Thiệu do Haig chuyển và trả lời ngay là Hoa Kỳ công nhận chính quyền Thiệu là “chính quyền hợp pháp duy nhất ở miền Nam Việt Nam” (hứa hẹn – MN) và mặt khác “nếu các ông từ chối ký Hiệp định Paris thì Chính phủ Việt Nam (Sài Gòn) phải chịu mọi trách nhiệm về các hậu quả sau này” (đe dọa – MN). Vừa hứa hẹn, vừa đe dọa, Nixon không để Thiệu chần chừ thêm nữa, vì theo thỏa thuận giữa Lê Đức Thọ và Kissinger trong cuộc họp riêng cuối cùng hôm 13.1, thì sau khi thông báo cho chủ nhà Pháp (biết về kết quả hội nghị) vào 19.1; tiếp đó sẽ:

– 23.1.1973: ký tắt Hiệp định.

– 24.1: công bố tin Hiệp định đã được ký tắt. Công bố toàn văn Hiệp định và các nghị định thư.

– 27.1: Lễ ký kết chính thức tại Trung tâm Kléber.

– 29.1: Ban Liên hợp quân sự bốn bên họp tại Sài Gòn. Ủy ban Quốc tế bắt đầu hoạt động.

Để bảo đảm đúng thời biểu thỏa thuận trên, ngày 20.1 Nixon đòi Thiệu trả lời trước 12 giờ Washington ngày 21.1 và cảnh cáo nếu Thiệu “lắc đầu” Nixon sẽ ủy quyền để Kissinger ký Hiệp định không cần có sự đồng ý của Thiệu.

Đây mới thật là tốì hậu thư, Thiệu lập tức triệu tập Hội đồng An ninh quốc gia lần nữa. Lần này, như tiến sĩ Hưng thuật lại: “Không ai đưa ra đề nghị có nên hòa hoãn với Nixon hay không. Thay vì nhận được những đề nghịnhững dự đoán về tình hình, Thiệu chí nhận được“những cái vuốt ve” như Hoàng Đức Nhã nhận xét… Họ ca ngợi Thiệu”. Những ca ngợi thời điểm đó chẳng ích gì mấy cho Thiệu. Ngày hôm sau 21.1 theo giới hạn của Nixon nêu ra. Thiệu “nói lời cuối cùng” mà Nixon và đại sứ Bunker mong đợi: Đồng ý!

Hai ngày sau, theo đúng thời biểu, 9 giờ 35 sáng 23.1.1973, Lê Đức Thọ và Xuân Thủy gặp lại Kissinger tại Hội trường Kléber trong bầu khí rỡ ràng. Cố vấn tổng thống Thiệu: TS Nguyễn Tiến Hưng (và Jerrold L.Schecter) thuật quang cảnh lễ ký tắt:

“Trong cơn mưa lất phất và cái lạnh cắt da lúc 12 giờ 45 trưa thứ ba 23.1 sau một hồi trao đổi một số vấn đề, so sánh các điều khoản, Kissinger và Lê Đức Thọ tiến hành ký Hiệp định Paris, thực hiện các nghi lễ ngoại giao ở trung tâm hội nghị quốc tế tại khách sạn Hoàng Gia trên đại lộ Kléber. Kissinger ký liền nhau hai chữ H. và K., còn phía Bắc Việt Nam ký chữ Thọ như chữ tiếng Anh (không dấu). Kissinger dùng một loạt viết, ngòi màu đen và trao mỗi thành viên trong ban tham mưu một cây. Lê Đức Thọ trao viết mình cho Kissinger “đế nhắc phía Mỹ phải thực hiện đúng Hiệp định”. Cả Lê Đức Thọ và Kissinger đọc hai bài diễn văn trên tinh thần hòa giải. Giờ dây cuộc chiến tranh xem như đã chấm dứt”. (Sđd., nhiều người dịch)

Cùng ngày, Tổng thống Nixon thông báo trên truyền hình rằng “Tổng trưởng Ngoại giao của Việt Nam Cộng hòa (chính quyền Sài Gòn) là ông Trần Văn Lắm đích thân tham gia vào giai đoạn cuối của các cuộc đàm phán”. Đối với Lắm, người không bao giờ lưu tâm đến bất cứ điều gì ngoài những chi tiết kỹ thuật, lời tuyên bố” trên (của Nixon) thật lố bịch (huỵch toẹt trước dư luận quốc tế là ông Lắm chỉ “đích thân” tham gia vào “giai đoạn cuối”, còn đầu dây múi nhợ mọi diễn tiến hòa đàm với “phía bên kia” đều do Mỹ).

Nixon lưu ý rằng “ngài Kissinger sẽ bàn bạc chi tiết vấn đề và làm việc với ngoại trưởng Lắm khi họ gặp nhau ở Paris” (Sđd).

Một tài liệu khác viết: “Ông Thiệu cử Tổng trưởng Ngoại giao Trần Văn Lắm sang Paris để nắm tình hình đợt đàm phán chót, một hình thức giữ thể diện”.

Và 4 ngày sau ký tắt, lễ ký kết chính thức Hiệp định Paris diễn ra tại Hội trường Kléber, cùng ký các văn bản có ông Nguyễn Duy Trinh, Bộ trưởng Bộ ngoại giao, thay mặt chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thay mặt chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; ông William P.Rogers, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, thay mặt chính phủ Hoa Kỳ; ông Trần Văn Lắm, Tổng trưởng Ngoại giao, thay mặt Chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

Như vậy ý đồ lớn của Washington và Sài Gòn là không ghi tên Chính phủ Cách mạng Lâm thời trên bất cứ văn bản nào, không muốn thừa nhận miền Nam có hai chính quyền, 2 quân đội, 2 vùng kiểm soát, muốn “đẩy quân miền Bắc trở về miền Bắc”… đều không thực hiện được qua Hiệp định Paris. Do vậy, Thiệu cứ dùng dằng như trên.

Trước lễ ký chính thức 5 ngày, Thiệu yêu cầu Trần Văn Đôn qua lại Paris theo dõi việc ký kết và ông Đôn ghi lại những dòng thiểu não:

“Hiệp ước ký xong, tôi trở về Việt Nam. Không còn muốn tìm hiểu thêm gì nữa. Trên chuyến máy bay có phái đoàn Mặt trận Giải phóng miền Nam giờ đây họ về thẳng Sài Gòn để thực thi hiệp định. Tôi đi chỉ một mình nên họ chẳng biết tôi là ai. Trên máy bay còn có đại sứ Ba Lan thuộc Ủy hội quốc tế kiểm soát đình chiến. Phái đoàn Ủy hội có 8 người, trưởng phái đoàn là một đại tá từ 55 đến 60 tuổi, nói tiếng Pháp rành, mặc yphục giản dị, còn 7 người kia đều mặc quần áo mới toanh. Có một trung tá Mỹ theo đểhướng dẫn. Tại Bangkok, chính quyền Thái Lan cho một phái đoàn ra phi trường đón. Còn Việt Nam Cộng hòa cho một máy bay Dakota của không quân loại VIP chờ sẵn để đưa phái đoàn này từ Bangkok về Sài Gòn”.

Trần Văn Đôn thở dài: Ngày 27.1 là “ngày buồn” của chính quyền Sài Gòn. Còn anh em Marvin Kalb và Bernard Kalb bảo một cách hóm hỉnh là với việc Hiệp định Paris:

“Nixon được tù binh trở về. Lê Đức Thọ được Mỹ rút ra. Thiệu được giữ lại chính quyền và Chính phủ Việt Cộng (Chính phủ Cách mạng Lâm thời) được một mức độ hợp pháp chính trị ở Nam Việt Nam. Mỗi người được một cái gì đó nhưng không có ai được tất cả mọi cái”.

Với tham vọng “được tất cả”, Thiệu và Hội đồng An ninh quốc gia quyết định mở cuộc đại tấn công “tràn ngập lãnh thổ”, nổ súng vào giờ Hiệp định Paris bắt đầu có hiệu lực. “Mất an ninh” quá

46 – Cuộc lấn chiếm và vẽ cờ sau hiệp định Paris

Vào 7 giờ sáng 28.1.1973, đúng lúc phải thực hiện ngừng bắn theo Hiệp định Paris, thì ngược lại, Thiệu xua bộ binh và xe tăng tấn công Cửa Việt, một căn cứ do quân giải phóng kiểm soát nằm gần bờ Nam khu phi quân sự, tỉnh Quảng Trị. Sa Huỳnh và nhiều nơi ở miền Trung súng vẫn nổ do các đợt đánh, lấn chiếm khác. Chiến trận do quân Sài Gòn phát động nóng bỏng như hồi chưa ký hiệp định Paris đã diễn ra ở đồng bằng sông Cửu Long, phần lớn vùng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam VN tại đây bị lấn chiếm. Lấn được xã nào, ấp nào, đội quân bình định của Thiệu áp dụng chiến thuật “mũi súng đi trước, cờ phướn theo sau” dùng sơn vàng sơn đỏ kẻ hình lá cờ ba sọc trên tường nhà dân, mặt tiền đình chợ, quán xá… Hình lá cờ kẻ đậm trên cả mái tôn với kích thước to dị thường để máy bay dòm xuống thấy ngay. Thiệu làm thế để “đánh dấu” vùng “quốc gia kiểm soát” dẫu những nơi đó bị Thiệu tạm chiếm bởi hành động quân sự vi phạm hiệp định. Người ta sơn cơ man hình lá cờ ba sọc đỏ chẳng buồn biết đến lai lịch của nó. Hỏi thì “cán bộ nông thôn” của Thiệu trả lời tiếng được tiếng mất. Ai vẽ ra lá cờ đó? Từ bao giờ?

Đỗ Mậu, trong cuốn Tâm thư (Hòa Trân và Thân Hữu xuất bản, Houston, Mỹ, 1995) trích bài của ông Vũ Hoàng Anh Bốn Phương nhan đề Thử nhìn lại vấn đề quốc kỳ, quốc ca (quốc kỳ: lá cờ ba sọc, quốc ca: lấy bài hát của Lưu Hữu Phước – MN) đăng trên Ngàn lau, Người dân và báo Ngày nay ở Houston viết: “Bản quốc ca, lá quốc kỳ được người dân miền Nam biểu quyết qua người đại diện dân cử của mình ” vì vậy “có tính pháp lý, tính dân chủ của nó”. Ông Mậu không đồng ý về “tính dân chủ” thông qua biểu quyết của quốc hội như ông Phương nêu. Mặc dầu “Tôi biết ông Phương là người chững chạc đàng hoàng, nhưng còn trẻ (…).Ở trong Nam, thời Đệ nhất cộng hòa (chế độ ông Diệm) nếu muốn ra tranh cử để thắng thì ông phải được đảng Cần Lao hay Phong trào Cách mạng quốc gia đỡ đầu. Ngoài ra ông phải được ông Diệm, ông Nhu, ông Cẩn, Đức cha Thục, bà Nhu…. giới thiệu mới hòng đắc cử. Còn ông mà thân cô, thế cô mà muốn ra (tranh cử quốc hội) thì cứ đóng tiền để mua lấv thất cử thì ra! Còn mánh lới như thế nào thì ông tìm hỏi mấy người lớn tuổi có liên quan đến tranh cử sẽ rõ”.

Nói về “bộ máy dân chủ”, về các “đại diện dân cử” quốc hội thực tế là vậy. Đến chuyện các “đại diện dân cử” đó biểu quyết chọn quốc kỳ ba sọc đỏ thì Đỗ Mậu bảo “tôi đi tìm tòi lục lọi mà KHÔNG THẤY văn kiện nào của Tổng thống Diệm ký hợp thức hóa lá cờ và quốc ca cả. Cũng chẳng thấy văn kiện nào của quốc hội biếu quyết về lá cờ đó”.

Chỉ có một việc liên quan, ông Mậu tiếp, là thời Ngô Đình Diệm “dự định thay lá cờ và bài quốc ca của Lưu Hữu Phước. Quốc hội đã tuyển 350 mẫu cờ của 350 người dự thi mà không chọn được mẫu cờ nào cả, chắc quý vị đã hiểu không có mẫu cờ nào “đẹp hơn” lá cờ cũ nên “ngày 17.10.1956, sau nhiều tháng bàn thảo, lựa chọn, quốc hội tuyên bố không chọn được bản quốc ca hay mẫu quốc kỳ nào mà thôi!”. Vậy lá cờ ba sọc có sẵn trước thời ông Diệm cầm quyền và ai đã ký pháp quy tạm thời chọn lá cờ đó làm “quốc kỳ”?

Hồi ký ‘Việt Nam nhân chứng“của Trần Văn Đôn ghi năm 1948 khi Bảo Đại muốn thành lập chính phủ mới:

“Bảo Đại mời Nguyễn Văn Xuân. Nguyễn Văn Xuân nói tiếng Việt không được nhưng hiểu và biết việc, nên được Bảo Đại mời làm thủ tướng chính phủ lâm thời trung ương ba miền chứ không phải riêng một mình Nam phần…. Ngày 24.4.1948, Nguyễn Văn Xuân trở về Sài Gòn để tổ chức một đại hội quy tụ khoảng 40 đại biểu. Đại hội do ông Lê Văn Kim và tôi (Trần Văn Đôn) tổ chức. Chính trong hội nghị này chúng tôi đề nghị thay lá cờ vàng chữ Ly có từ chính phủ Trần Trọng Kim ra cờ vàng ba sọc đỏ tượng trưng dòng máu dân của ba miền và lấy bài “Thanh niên hành khúc” của Lưu Hữu Phước làm quốc ca vì lời ca hùng hồn”.

Ớ đoạn hồi ký khác ông Đôn nhắc lần nữa chi tiết “Nguyễn Văn Xuân có tài nhưng nói tiếng Việt không được” và chính ông Xuân ngày 2.6.1948 đã “ban hành một hiến chương lâm thời, gọi là Pháp quy tạm thời (Statut Provisoire) trong đó ghi quốc kỳ, quốc ca và thành phần nội các. Quốc kỳ: cờ màu vàng với ba sọc đỏ. Quốc ca: Thanh niên hành khúc của Lưu Hữu Phước”.

Vậy người ký “giấy khai sinh” cho lá cờ ba sọc mà chế độ ông Diệm, rồi Thiệu, dùng làm “quốc kỳ” lại là người không nói được “tiếng nước tôi”!

Cũng trong sách đã dẫn, Đỗ Mậu viết tình cờ đọc “một tác phẩm của Tiziano Terzani cho biết linh mục Thanh là tác giả đã vẽ nên lá cờ ba sọc tượng trưng “ba miền ” –nhưng “cũng là ba ngôi (Trinity, Tam vị nhất thể, Chúa cha, Chúa con và thánh thần) như “ông (linh mục Thanh) đã có lần giải nghĩa cho tôi (Terzani) nghe thế”.’

Đỗ Mậu viết:“Như vậy, người vẽ ra lá cờ vàng ba sọc đỏ là Linh mục dòng Tên: Trần Hữu Thanh, người chấp nhận là quốc trưởng Bảo Đại… người ký pháp quy tạm thời cho thi hành treo quốc kỳ vàng ba sọc đỏ và bài quốc ca của Lưu Hữu Phước vào ngày 1.6.1948 là thủ tướng dân Tây Nguyễn Văn Xuân có vợ đầm, có đổng lý văn phòng phủ thủ tướng của mình là ông Tây André Bauvais. Người đề nghị lấy lá cờ vàng ba sọc đỏ thay lá cờ quẻ Ly là André Trần Văn Đôn… Tôi chẳng thấy có chỗ nào là có tính dân chủ, chỗ nào là biểu quyết cả (…) và cũng chẳng thấy chỗ nào là biểu tượng quốc gia”.Ông cũng nêu tên ông Nguyễn Văn Tam, “hùm xám Cai Lậy” tự nhận “tác quyền” cờ ba sọc đỏ để làm gì khi mà, như Đỗ Mậu viết: “đối với quốc tế lá cờ đó đã là dĩ vãng, không còn nữa ”!

Như trên, Nguyễn Văn Xuân ký văn bản lưu hành luôn bài Tiêng gọi thanh niên của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước làm “quốc ca” (cùng lúc với lệnh dùng lá cờ ba sọc đỏ làm “quốc kỳ”). Nhạc sĩ Lưu Hữu Phước lúc còn sống đã phản đối việc tiếm dụng nhạc phẩm của ông để làm “quốc ca” cho các chế độ ở Sài Gòn trước 1975.

Ông Diệm xót ruột bàn với quốc hội đương thời mở cuộc thi sáng tác quốc ca mới. Sàng đi lọc lại lên danh mục 50 bài dự thi. Sau chọn Việt Nam, minh châu trời Đôngcủa nhạc sĩ Hùng Lân với các câu mở đầu: “Việt Nam minh châu trời Đông. Việt Nam nước thiêng Tiên Rồng. Non sông như gấm hoa, uy linh một phương… ”. Đang hào hứng thì bị bác bỏ vì bài ca trên bị đảng Đại Việt hớt trớt, lấy làm “đảng ca” của họ, nên thôi. Rốt cuộc không đạt kết quả, chẳng có bài nào chọn thay Tiếng gọi thanh niên cả. Tới thời Thiệu vẫn “quốc ca” đó. Chừng ra nước ngoài sau 1975, một số” người Việt “đặt lại vấn đề quốc ca” dùng riêng cho họ và nảy sinh tranh luận trên báo chí với nhiều bài của các tác giả Thái Chính Châu, Nông Anh Ngọc, Vũ Trung Hiền, Phạm Kim Vinh… cả một số  người có tên tuổi trước đây ở Sài Gòn như bác sĩ Phan Quang Đán, tướng Nguyễn Chánh Thi, đại tá Phạm Văn Liễu, cựu phát ngôn viên báo chí Vũ Trung Hiền, soạn giả Đỗ Đức Thái… cũng tham gia. Họ mơ tưởng xa xăm đến ngày hồi sinh của chế độ Sài Gòn cũ với “quốc ca” mới. Đỗ Mậu đăng lại “bản tin tham khảo” từ San Francisco:

“Trong bầu không khí ấm cúng tại biệt thự Hương Tâm trên đại lộ Hoàng Hôn (Sunset Boulevard) thành phố Cựu Kim Sơn, khoảng 50 người gồm các giới văn nghệ sĩ, kỹ thuật gia, thương gia, cựu quân nhân các quân binh chủng với đủ lớp tuổi đã họp mặt sinh hoạt văn hóa văn nghệ vào chiều tối thứ bảy ngày 5.12.1987. Trong buổi sinh hoạt này một vấn đề đang nóng bỏng (…) là vấn đề quốc ca đã được đem ra bàn luận (…) và chọn bài “Việt Nam – Việt Nam” làm bài ca chính thức. Nhưng rồi sau đó không lâu “kết quả là tình trạng vẫn như cũ, nghĩa là bản nhạc của Lưu Hữu Phước vẫn được đứng dậy trang nghiêm hát trong những buổi họp của người Việt (…). Ở nước ngoài thì quý vị tranh luận với nhau, rồi coi nhau như kẻ thù, còn ở trong nước Trần Bạch Đằng mỉa mai viết trong “Tiếng hát những người đi tới” như sau:“Ta nhớ chính phủ “Nam kỳ quốcNguyễn Văn Thinh chọn không xong bài “quốc ca” đành dùng bài phổ nhạc Chinh phụ ngâm của Võ Văn Lúa. Các chế độ bù nhìn từ năm 1950, không còn con đường nào khác, dùng bài Tiếng gọi thanh niên của tên “Việt minh”, tên“Việt cộng” Lưu Hữu Phước làm “quốc ca”. (Sđd)

Cuộc tranh luận về “quốc ca” nổi đình đám đã cách đây hơn 12 năm. Hồi ấy ông Nguyễn Chánh Thi ghi trong hồi ký Một trời tâm sự là ông ta còn “hy vọng rất mong manh” vào người Mỹ để “phục quốc”. Nhưng sau ngày Mỹ chính thức thiết lập quan hệ bình thường với Việt Nam thì bài Tiến quân ca với quốc kỳ cờ đỏ sao vàng được chính người Mỹ nghiêm chào trong lễ tiết ngoại giao. Những hy vọng mong manh như ông Thi chỉ còn là giấc mơ hoa bên cầu biên giới…

47: Tổng thống một tuần Trần Văn Hương “liên hiệp” với hoàng hôn

Đó là một trong những cố gắng cuối cùng trước ngày tan rã. Chỉ 6 hôm sau, ông Trần Văn Hương “đăng quang”, thay Thiệu làm tổng thống tô đậm thêm hình ảnh tàn tạ của buổi hoàng hôn chế độ: “Lúc đó ông Hương đã 71 tuổi, không khí buổi lễ (trao quyền tổng thống) hôm ấy buồn tẻ, ông Hương lọm khọm nói không rõ ràng mạch lạc… ”.

Khi các đội quân lấn chiếm của Thiệu triển khai các mũi đánh phá thì Trần Văn Đôn đã từ Paris về đến Sài Gòn và trao ông Thiệu danh sách các chính khách đối lập đang sống tại miền Nam, đề nghị liên hiệp “thành lập nội các có những người từ hữu cho đến tả và trung lập để làm việc với nhau” theo tình hình mới sau hiệp định. Thiệu dò xét:

– Ông Đôn, tôi thấy người đứng ra lập nội các đó được chính là trung tướng!

Đôn chột dạ, bảo:

– Tôi đưa ra nguyên tắc, chứ không đưa ra cá nhân tôi.

Hồi năm 1967, lúc Đôn bị nhóm tướng trẻ hất ra khỏi quân đội, ông “thoát hiểm” bằng cách ứng cử vào thượng viện Sài Gòn với sự hỗ trợ vận động của một hiệp hội chiến sĩ do chính Đôn làm chủ tịch. Hiệp hội này gồm các tướng tá tên tuổi, các nhân vật giao tiếp rộng của Sài Gòn như: Thái Quang Hoàng (đệ nhất phó chủ tịch), Lê Quang Vinh (đệ nhị phó chủ tịch), Lê Văn Nghiêm (tổng thư ký), Nguyễn Văn Chuân (phó tổng thư ký), Huỳnh Hữu Hiền, Trần Tử Oai, Phan Đình Ngọc, Trịnh Văn Thanh, Mai Hữu Xuân, Tôn Thất Đính, Hồng Sơn Đông và nhiều cố vấn: Lâm Văn Tết, Vông A Sáng, Nguyễn Khắc Tân, Trịnh Khánh Vàng, Nguyễn Gia Thu.

Để tạo thế “hai chân” vững chắc, Trần Văn Đôn gia nhập Hội liên trường Pétrus Ký, Mỹ Tho, Cần Thơ, Chasseloup Laubat và có niên khóa được bầu làm hội trưởng, với 2 phó hội: nha sĩ Ngô Quang Doãn và bác sĩ Trương Ngọc Hơn, tổng thư ký: luật sư Nguyễn Văn Lộc, phó tổng thư ký: kỹ sư Vũ Văn Nhung, cùng kỹ sư Ngô Văn Hoài, kỹ sư Bùi Quang Phương, kỹ sư Lê Văn Danh, cố vấn: thạc sĩ Trần Quang Đệ, kỹ nghệ gia Trần Văn Văn, luật sư Trần Văn Liêm, tham sự Võ Văn Để… Ông thừa nhận qua hồi ký, hai hội trên ủng hộ ông trong vận động tranh cử quôc hội. Cộng mối quan hệ tăng thêm sau nhiều năm làm nghị sĩ, dân biểu, Trần Văn Đôn có thể trở thành nhân vật “khó tính” đốì với Thiệu khi “nội các có cả tả và hữu” mà Đôn nói tới được hình thành. Ông Đôn viết là đã bàn với giáo sư Bùi Anh Tuân, tiến sĩ Nguyễn Xuân Oánh, bác sĩ Trần Văn Du, giáo sư Phạm Văn Diêu về “giải pháp phi liên kết” và trình bày với ông Thiệu những thuận lợi của giải pháp đó tại dinh Độc Lập ngày 31.1.1973 nhưng Thiệu ừ è, rồi bỏ qua.

Lình xình, nghi kỵ, chần chừ mãi đến hơn 2 năm sau khi quân giải phóng tiến sát Sài Gòn. Thiệu mới giao Trần Văn Đôn giữ chức Phó Thủ tướng kiêm Tổng trưởng Quốc phòng ngày 14.4.1975 trong chính phủ do ông Nguyễn Bá Cẩn làm Thủ tướng. Ông Đôn nhắc lại việc “thành lập một nội các liên hiệp mà năm 1973 tôi đã từng đề nghị. Tôi vừa nói đến đó thì ông Thiệu lắc đầu…

 Mà liên hiệp thế nào? Bây giờ liên hiệp mình ở thế yếu. Năm 1973 mình ở thế mạnh hơn (!) ”.

Không được thực hiện “giải pháp chính trị” do mình đề ra, Trần Văn Đôn bay ra chiến trường. Bấy giờ áp lực của cuộc tổng tiến công làm vỡ tuyến phòng ngự của quân đội Sài Gòn ở mặt trận cực nam Trung bộ. Trần Văn Đôn thuật:

Đêm 18.4, Phan Rang mất, ở đó có nhiều đơn vị chiến đấu giỏi, nhưng có lẽ binh lính mất tinh thần và cấp chỉ huy bối rối. Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi bị Việt Cộng bắt. Tối hôm sau 19.4, Phan Thiết bị mất vì binh sĩ không còn tinh thần chiến dấu, dù đại tá tỉnh trưởng Ngô Tấn Nghĩa bố trí binh sĩ khắp các nơi có tính cách chiến lược, nhưng nghe tiếng đoàn xe tăng Việt Cộng vào thành phố là lính bỏ súng chạy thoát thân. Trong lúcđi thăm tình hình chiến sự ở các nơi thì nhiều sĩ quan than phiền với tôi:

– Những ông tướng tá làm mất các tỉnh Cao nguvên và miền Trung, bây giờ nhởn nhơđi chơi ở Sài Gòn, có xe hộ tống đi ăn uống trong khi chúng tôi ở đây nhận chịu hậu quả các việc làm của họ…

Trung tướng Lê Nguyên Khang điều tra và ngày 18.4 đã trao Thiệu danh sách các tướng tá cần quản thúc vì làm mất miền Trung, gồm trung tướng Lâm Quang Thi, trung tướng Phạm Quốc Thuần, thiếu tướng Phạm Văn Phú, thiếu tướng Lâm Quang Thơ và chuẩn tướng không quân Nguyễn Đức Khánh, cùng đại tá tỉnh trưởng thuộc các tỉnh và thành phố bị rơi vào tay quân giải phóng như Quảng Tín, Đà Lạt, Nha Trang, Phan Rang…

Những tướng tá trên đều bị quản thúc, trừ Ngô Quang Trưởng, lý do “đang phụ tá hành quân cho đại tướng Cao Văn Viên” theo lời Thiệu thông báo. Nhưng ông Trưởng vẫn tự đến gia nhập vào “nhóm sĩ quan bỏ mất miền Trung”.

Trong khi quân đội tan rã thì ông Đôn lấy làm “tiếc là ông thủ tướng Nguyễn Bá Cẩn không phải là người của tình thế, cũng không phải là người dốc tâm dốc sức để giải quyết cơn bệnh đến lúc ngặt nghèo của Việt Nam Cộng hòa”. Ông Cẩn đứng đầu nội các có nhiều chuyên viên và chính trị gia, được xem là “mạnh” nhiều lần hơn so với các nội các của Sài Gòn trước đó với tiến sĩ Nguyễn Văn Hảo (Phó thủ tướng kiêm Tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ), kỹ sư Dương Kích Nhưỡng (Phó thủ tướng đặc trách cứu trợ và định cư); các quốc vụ khanh gồm: luật sư Lê Trọng Quát, giáo sư Phạm Thái, ông Nguyễn Xuân Phong, luật sư Vương Văn Bắc (Tổng trưởng ngoại giao), luật sư Ngô Khắc Tịnh (Tổng trưởng tư pháp), ông Bửu Viên (Tổng trưởng nội vụ), tiến sĩ Nguyễn Tiến Hưng (Tổng trưởng kế hoạch), giáo sư Trần Văn Mãi (Tổng trưởng xã hội), nghị sĩ Tôn Thất Niệm (Tổng trưởng y tế), kỹ sư Nguyễn Xuân Đức (Tổng trưởng công chánh giao thông), giáo sư Nguyễn Duy Xuân (Tổng trưởng văn hóa) và nhiều tổng trưởng, thứ trưởng, cố vấn khác như thẩm phán Huỳnh Đức Bửu, giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, kỹ sư Đoàn Minh Quan, kỹ sư Nguyền Hữu Tân, ông Nguyễn Quang Diệp, Lê Quang Trường, Nguyễn Long Châu…

Đó là một trong những cố gắng cuối cùng trước ngày tan rã.

Chỉ 6 hôm sau, ông Trần Văn Hương “đăng quang”, thay Thiệu làm tổng thống tô đậm thêm hình ảnh tàn tạ của buổi hoàng hôn chế độ: “Lúc đó ông Hương đã 71 tuổi, không khí buổi lễ (trao quyền tổng thống) hôm ấy buồn tẻ, ông Hương lọm khọm nói không rõ ràng mạch lạc…”.

48 – Đoạn cuối Sài Gòn qua hồi ký Nguyễn Cao Kỳ

Trước khi chợp mắt, Nguyễn Cao Kỳ còn thấy đại sứ Martin cũng xuống tàu Blue – Ridge. Vậy là ông đại sứ không thể rời Sài Gòn và di tản hết những người ghi trong danh sách đã hứa theo đường Tân Sơn Nhất vì sân bay đã bị quân giải phóng khống chế. Từ ngoài biển, tất cả lắng nghe diễn tiến ngày 30.4 qua làn sóng phát thanh…

Nguyễn Cao Kỳ phóng xe jeep đến dinh Độc Lập để gặp Trần Văn Hương và viết trong Hồi ký “phải mất hơn một tiếng đồng hồ mới đến được trung tâm”, cảnh hoảng loạn trên đường phố làm cản trở giao thông. Kỳ viết: “Tôi thấy một anh lính xắn cao tay áo, lấy làm hãnh diện khoe hai cánh tay ra với người bạn. Hai cánh tay của anh ta… đeo đầy đồng hồ lên đến tận khuỷu tay! Vòng qua một góc phố, tôi phải ngưng xe lại một lát và thấy một đứa trẻ ngồi trên xe ba gác, cổ đeo lủng lẳng một vật gì trông giống cái máy ảnh. Song đáng để ý là nó còn có một thứ khác nữa: một khẩu súng ngắn và một cây tiểu liên bên cạnh. Quanh tòa đại sứ Mỹ, những người hôi của đang khiêng đi những tấm thảm, bồn tắm bằng sứ, trường kỷ và cả những tủ đựng hồ sơ. Khắp nơi mùi hôi thối xông lên, mùi nước sông, trộn lẫn với mùi cống rãnh lộ thiên không ai vét sạch, mùi cá khô, cả mùi của những thùng rượu whisky bị vỡ…”.

Ngay khi tới dinh Độc Lập, Kỳ được đưa vào gặp Trần Văn Hương. “Ôi, ông già Hương chân tình, người đã tặng tôi 200.000 đồng làm quà cưới vợ (đủ để trang trải chi phí nặng nề của lễ cưới tại khách sạn Caravelle…). Lúc này mắt ông ta đã kém đến nỗi gần như không thấy chữ nữa…” và Kỳ “quyết gắng sức lần chót” bằng cách yêu cầu Hương bổ nhiệm chính Kỳ chỉ huy quân đội. Ông Hương trả lời:

– Không thể được. Song tôi có thể để thiếu tướng làm phụ tá quân sự đặc biệt cho tôi vào vài ngày nữa…

Nhưng lúc 5 giờ chiều hôm đó 28.4.1975, tại phòng họp dinh Độc Lập, ông Trần Văn Hương trao quyền lại cho Dương Văn Minh thay làm tổng thống – Phó tổng thống là ông Nguyễn Văn Huyền và thủ tướng là ông Vũ Văn Mẫu. Trung tướng Vĩnh Lộc được chỉ định làm tổng tham mưu trưởng (thay Cao Văn Viên). 11 giờ 30 trưa 29.4, bàn giao phủ thủ tướng, Trần Văn Đôn thuật: “Ông Mầu đến đúng nghi lễ, đi bằng xe Mercedes dành cho thủ tướng… Ông Mẫu nói chuyện với mấy ông tổng trưởng:

– Tôi vừa lên đài phát thanh tuyên bố, yêu cầu Mỹ phải rút khỏi Nam Việt Nam trong vòng 24 giờ đồng hồ kể từ 5 giờ sáng nay.

Nghe ông Mẫu nói, tôi (Trần Văn Đôn) dùng điện thoại màu xanh lá cây dành riêng cho thủ tướng và phó thủ tướng để liên lạc với tòa đại sứ Mỹ:

  • Chuyện gì xảy ra đó? Tôi vừa nghe ông tân thủ tưởng (Vũ Văn Mẫu) yêu cầu DAO rút khỏi Việt Nam trong vòng 24 tiếng đồng hồ?
  • Không phải riêng DAO mà tất cả những người Mỹ sẽ rút. Nếu ông muốn đi thì lên Tòa đại sứ Mỹ trước 2 giờ trưa này.

Tôi chào mọi người và ra về lúc 12 giờ. ”

Đến 7 giờ 30 tối hôm đó (29.4), Trần Văn Đôn cùng đại tá Khấu lên chuyến trực thăng bốc khỏi sân thượng tầng 9 của tòa nhà dùng làm cơ sở CIA trên đường Gia Long và đáp xuống chiến hạm Hancock vào ban đêm.

Những người khác? Nguyễn Văn Thiệu, Trần Thiện Khiêm trong lúc vội vã đã “bỏ quên’’ Đặng Văn Quang (đứng đầu cơ quan an ninh phủ tổng thống). Quang đã gây oán với khá nhiều người nên khi bị kẹt lại Sài Gòn, em út Nguyễn Cao Kỳ đòi bắn Quang:

– Quang hiện ở Bộ tổng tham mưu và người ta bảo là hắn ta tức giận điên cuồng vì Thiệu đã hứa cho hắn đi theo nhưng rồi lại ra đi mà không cho hắn biết. Thưa thiếu tướng (Kỳ), chúng tôi có thể bắt hắn đem hành hình được không?…”

Kỳ  bảo: “Hãy bắt hắn nhưng đừng hành hình”.

Số hên giúp Quang thoát khỏi vòng lùng bắt và ra được chiến hạm Hancock ở đó có tướng Ngô Dzu và 2000 người di tản.

Sáng sớm 30.4. trung tướng Vĩnh Lộc, Tổng tham mưu trưởng, trung tướng Trần Văn Trung. Tổng giám đốc Nha chiến tranh chính trị, đại tá Trần Ngọc Huyến và một số sĩ quan khác lên đoàn xe rời Bộ Tổng tham mưu đến công xưởng hải quân, dùng một chiếc tàu hư duy nhất còn để ở xưởng vượt sông Sài Gòn. Đến cửa biển, tàu chỉ chạy một máy, bị hỏng hóc ngừng hẳn. Nhờ máy truyền tin kêu cứu, đề đốc Chung Tấn Cang và phó đề đốc Diệp Quang Thụy phái tàu tới vớt.

Nguyễn Cao Kỳ thì đã “đưa Mai và các con tôi đi Honolulu trên chiếc máy bay quân sự cuối cùng cửa Mỹ cất cánh rời căn cứ không quân Tân Sơn Nhất. Vợ tôi chỉ có 20 phút để xếp va-li sau bữa điểm tâm và tôi cũng không có mặt để mà chia tay”.

Kỳ kể vậy và bảo trong tuyệt vọng ông bay đến bộ tổng tham mưu thấy “khu nhà này trước kia tấp nập hàng nghìn sĩ quan và binh sĩ giờ đây vắng ngắt… lúc bước xuống cầu thang tôi gặp tướng Ngô Quang Trưởng, tôi hỏi: “Anh làm gì ở đây?”. Trưởng đáp:

– Tôi không biết phải làm gì nữa!

Gia đình Trưởng đã di tản từ nhiều ngày trước vì thế tôi bảo ông ta “vậy thì hãy đi với tôi”.

Tập hợp 6, 7 phi công khác trên chiếc máy bay lên thẳng. Kỳ tự lái rời Sài Gòn đáp xuống tàu sân bay Midway ngoài khơi. Đô đốc Harris đưa tất cả sang tàu chỉ huy Blue-Ridge bằng trực thăng Mỹ:

“Khi 14 người chúng tôi, toàn là sĩ quan cao cấp, bước ra khỏi máy bay thì một đại tá Mỹ của tàu Blue-Ridge mở miệng chào đón chúng tôi bằng một tiếng quát lớn:”Tất cả các ông hãy lại đây!”. Ông ta dẫn chúng tôi đến một cái bàn và nói “Các ông cảm phiền cho chúng tôi khám người”. Khám được nửa chừng thì có người nói thầm gì đó, ông ta thấp giọng bảo tôi: “Xin ông đi theo tôi”. Ông ta dẫn vào một buồng ngủ nhỏ, hỏi: “Ông từ đâu tới? Sài Gòn phải không?”. Tôi gật đầu. Cuối cùng: “Ông là ông Kỳ?”. Tôi lại gật đầu. Đêm ấy sau khi tôi gặp viên chỉ huy tàu, ông đại tá Mỹ đến xin lỗi tôi. Tôi nói rằng tôi biết rõ là hiện nay ở mọi nơi đều có sự lẫn lộn và ngay cả nghi ngờ. Nhưng không sao nhịn được, tôi lại nói thêm:

– Điều mà tôi không sao hiểu được là tại sao ông ta lại đối xử với tôi và các sĩ quan đi cùng tôi như ông đã làm? Chúng tôi có thể đã thua, nhưng không phải chỉ riêng chúng tôi thua – người Mỹ các ông cũng thua!”..

Sau những lời cay đắng đó, Kỳ xin vài viên thuốc ngủ. Viên sĩ quan quân y Mỹ chỉ đưa đúng một viên, với một cốc nước, chờ ông uống xong mới chịu quay đi.

Trước khi chợp mắt, Kỳ còn thấy đại sứ Martin cũng xuống tàu Blue – Ridge. Vậy là ông đại sứ không thể rời Sài Gòn và di tản hết những người ghi trong danh sách đã hứa theo đường Tân Sơn Nhất vì sân bay đã bị quân giải phóng khống chế. Từ ngoài biển, tất cả lắng nghe diễn tiến ngày 30.4 qua làn sóng phát thanh…./. (Hết)

Ngun: Nghiên cứu Lịch sử tng hp t Một thế giới

Hình: Ông Cao Văn Viên – vị đại tướng tổng tham mưu nhiều lần xin từ chức nhưng không được tổng thống Thiệu chấp thuận