Trung Quốc từng dùng thợ mỏ giúp xâm lăng Việt Nam

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Hồ Bạch Thảo 

Việc Trung Quốc sử dụng công nhân tại các hầm mỏ như là đạo quân mai phục sẵn tại nước ta, không chỉ là sự tiên liệu của các nhà quân sự cẩn thận lo xa. Thực sự điều này đã xẩy ra dưới thời nhà Thanh, bằng cớ có thể dẫn ra từ chánh sử Trung Quốc Thanh Thực Lục.[1]

Mùa thu năm 1788, khi Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị nhận lệnh từ vua Càn Long, truyền hịch chuẩn bị xâm lăng nước ta; thì Phan Khải Ðức, viên trấn thủ Lạng Sơn của nhà Tây Sơn đầu hàng giặc; đám công nhân người Hoa làm việc tại các xưởng mỏ thuộc vùng thượng du Bắc Việt mà sử Trung Quốc gọi là “ xưởng dân   ” cũng nổi lên, sẵn sàng làm đạo quân tiên phong:

Ngày 28 Tháng 8 Năm Càn Long Thứ 53 [26/9/1788]

Lại du : Lê Duy Kỳ [Lê Chiêu Thống] đến Sơn Nam chiêu tập nghĩa binh nhưng bị giặc bức bách , chỉ còn một vài người tùy tùng, cùng chạy vào núi trốn tránh. Xem ra y là người không có khả năng, khó trông cậy có thể chấn tác khôi phục được. Hiện tại Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ thấy Tôn Sĩ Nghị phát hịch văn, nên sợ sệt trốn tránh. Phan Khải Đức[2] vốn là tâm phúc của Nguyễn Huệ, nhận được hịch văn cũng biết bỏ nghịch theo thuận. Tên nầy đã được lệnh của Tôn Sĩ Nghị cho thu thập binh mã của 7 châu, cùng xưởng dân  lập tức tiến phát, chắc sẽ đến thành nhà Lê không đến nỗi khó khăn. Viên Tự tôn [ Lê Chiêu Thống] hiện ở tại địa phương phía đông, Tôn Sĩ Nghị đã mộ dân bản xứ đi trước để thám thính, khi các Trấn Mục phía đông nhận được mật trát của Tôn Sĩ Nghị sẽ hộ tống Tự  tôn trở về …(Cao Tông Thực Lục quyển 1311 , trang 689- 690).[3]

Theo Lịch Triều Hiến Chương của Phan Huy Chú, mục Quốc Dụng Chí,[4] thì các xưởng khai mỏ tại nước ta phần nhiều thuộc 4 tỉnh biên giới phía bắc: Tuyên Quang [Tuyên Quang, Hà Giang, Lao Cai], Hưng Hóa [Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La], Thái Nguyên, Lạng Sơn:

  • Tuyên Quang: Xưởng đồng Tụ Long, xưởng bạc Nam Xương là Long Sinh.
  • Hưng Hóa: Xưởng đồng Trình Lạn và Ngọc Uyển.
  • Thái Nguyên: Xưởng đồng Sàng Mộc, Yên Hân, Liêm Tuyền, Tống Tinh và Vụ
  • Nông, xưởng vàng Kim Mã và Tam Lộng, xưởng chì Côn Minh.
  • Lạng Sơn: Xưởng đồng Hoài Viễn.

Xưởng dân đã nhiều lần gây sự lôi thôi tại các tỉnh gần biên giới, nên vào thời Lê Dụ Tông năm thứ 13[1717] triều đình qui định hạn chế mỗi xưởng mỏ không quá 300 người:

Tháng 12. Định thể lệ hạn chế số người làm ở trường khai mỏ tại các trấn. Lúc ấy, các mỏ vàng, bạc, đồng, thiếc ở các trấn phần nhiều mộ người nhà Thanh khai quật để lấy, phu mỏ quần tụ mỗi ngày một nhiều. Triều đình e rằng sẽ sinh sự biến động, bèn định thể lệ: số phu mỗi mỏ, nhiều nhất 300 người, thứ đến 200 người và ít là 100 người, không mỏ nào được dùng quá số đã định. Từ đấy, số phu làm ở trường xưởng khai mỏ mới có hạn chế.[5]

Tuy nhiên dưới thời Lê mạt, nội bộ nước ta có sự tranh chấp gay go giữa vua Lê, chúa Trịnh, rồi đến nhà Tây Sơn; nên không rảnh để kiểm soát số lượng xưởng dân tại các hầm mỏ, bởi vậy con số tăng lên nhiều. Thanh Thực Lục không cho biết đích xác số lượng xưởng dân được nhà Thanh huy động đến xâm lăng nước ta là bao nhiêu; tuy nhiên trong văn bản dưới đây cho biết Tuần vũ Quảng Tây Tôn Vĩnh Thanh định cấp cho xưởng dân 3, 4 vạn thạch gạo. Hãy làm phép tính với con số nhỏ 3 vạn thạch, 1 thạch bằng 100 lít, 1 lít gạo bằng 0.8 kg; như vậy tổng số sẽ bằng 2.400.000 kg hay 2.400 tấn. Ðây là một số lượng lớn, cần đến dăm vạn người mới khiêng nỗi:

Ngày 13 Tháng 10 Năm Càn Long Thứ 53 [10/11/1788]

Theo lời tâu: Tôn Vĩnh Thanh đã ban hịch tại Tầm Châu, Ngô Châu, Liễu Châu vùng phụ cận phủ Thái Bình; cùng vận chuyển  3 vạn thạch gạo đến các vùng Ninh Minh, Thái Bình , Long Châu  để tồn trữ, chờ ngày ban cấp. Lại gặp Tổng đốc Tôn sĩ Nghị  bàn bạc thêm,  định thưởng  ba, bốn vạn thạch gạo cho xưởng dân trong trại, số nầy sẽ tiếp tục chuyển đến……. (Cao Tông Thực Lục , quyển 1314 , trang 759)

Tuy nhiên lực lượng xưởng dân vốn từ nhiều xưởng mỏ họp lại, nên không tránh khỏi tình trạng ô hợp. Tôn Sĩ Nghị hiểu điều này, nên chọn một người có uy tín trong đám này tên là Lâm Tế Thanh, cho làm Thống lãnh; cấp cho y mũ đỉnh đái[6] và ban phẩm hàm Tri huyện, nên y tỏ ra đắc lực. Lực lượng xưởng dân do Lâm Tế Thanh chỉ huy, cùng quân đầu hàng của Phan Khải Ðức được điều đi trước, hướng đến thành Thăng Long:

Ngày 12 tháng 9 năm Càn Long thứ 53 [10/10/1788]

Lại dụ: Bọn xưởng dân nhận được hịch dụ của Tôn Sĩ Nghị, lại nghe tin được ban cấp lương thực nên hân hoan tình nguyện đi trước đánh giặc. Viên Tổng đốc lo rằng xưởng dân rời rạc, không có người thống lãnh, còn bọn Nguyễn Huy Túc thì sợ sệt lưỡng lự không dám ra khỏi quan ải; chúng đều thuộc loại thiếu khả năng, nếu ra lệnh đi trước cũng không được ích gì. Hỏi han đám tùy tùng thì dưới trướng có tên Lâm Tế Thanh, ở trong tổ chức xưởng dân cả năm, mọi người đều phục, giao chức thống lãnh diệt giặc có thể tận tâm phục vụ. Lâm Tế Thanh nghe tin được bổ nhiệm từ viên Thông phán Trần Tùng nên hết sức cố gắng; lại được viên Tổng đốc cấp ấn tín, thưởng hàm Tri huyện, nếu tương lai công việc thành công sẽ được bổ dụng thực thụ. Lâm Tế Thanh chủ trì mọi việc trong tổ chức xưởng dân đã lâu, nay lại được thưởng hàm Tri huyện; mọi người trong tổ chức này thấy Thiên triều chiếu cố thêm cho y, lại gia ân cấp mũ Đỉnh Đái; nên ai cũng phục tùng, hô ứng càng linh nghiệm, thêm đắc lực trong việc diệt giặc. Đến nay xưởng dân theo Lâm Tế Thanh hăng hái khởi hành, còn Phan Khải Đức đốc suất quân lính của 7 châu cũng được Tôn Sĩ Nghị ra lệnh tiến phát….. (Cao Tông Thực Lục quyển 1312 trang 710)

Ðọc sử, chúng ta đều biết đại quân của Tôn Sĩ Nghị chỉ được phép làm “khách ngủ trọ” tại thành Thăng Long trong vòng một tháng trời, chiến thắng  mùa xuân năm Kỷ Dậu [1789] của vua Quang Trung đã trừng phạt chúng; số phận của xưởng dân cũng nằm chung với tập thể quân Thanh. Tuy nhiên có một số xưởng dân sống sót trở về, còn tiếc rẻ thời vàng son làm dân khai mỏ, nên xui dục quân Thanh trở lại phục thù. Riêng vua Càn Long, người nắm vận mệnh nước lớn lúc bấy giờ , có một cái nhìn thực tế hơn về tình hình:

“….Xứ này thủy thổ ác liệt không thể ở lâu, dân tình lại trí trá phản phúc vô thường; đời trước đã chia đất này thành quận huyện, rồi không bao lâu lại xẩy ra biến cố, lấy bánh xe trước đổ để làm răn, thực khó giữ được vài chục năm mà không gây ra việc….”[7]

Nên nhà vua đã quyết liệt bác bỏ  ý kiến của xưởng dân. Nhắm hạ uy thế của bọn này, để không còn cản trở ý định của nhà vua sẽ hòa hoãn với vua Quang Trung trong tương lai, vua Càn Long mạnh mẽ hài tội xưởng dân rằng bọn chúng vốn là những người có tội bỏ nước ra đi và đã không lập được thành tích nỗi bật trong thời gian đánh phá nước ta:

Ngày 1 Tháng 3 Năm Càn Long Thứ 54 [27/3/1789]

Dụ các Quân Cơ Đại thần: Trước đây đại binh xuất quan , viên Thổ tù Điền Châu Sầm Nghi Đống mang lính Thổ tiến tiễu, rất gắng sức. Đến lúc bị giặc bao vây, còn sai người mang ấn tín trở về, rồi xông pha đánh giặc bị trận vong, thực đáng thương xót. Viên này có con trai không, Phúc Khang An điều tra rõ rồi tâu lên để được ưu ái thưởng tuất. Viên này mang binh đi theo Tôn Sĩ Nghị vào thời điểm nào? Quân lính của y trở về quan ải có đầy đủ không? Phúc Khang An phải điều tra rõ rồi tâu lên.

Viên Di quan Phan Khải Đức không chịu theo quân giặc, từng làm hướng đạo cho đại binh, nay lại mang cả gia quyến vào quan ải. Bọn Nguyễn Đình Phái 5 người, tuy công sức không thể so sánh với Phan Khải Đức được, nhưng họ cũng không chịu theo giặc, tình nguyện làm dân nội địa, tình cũng đáng thương. Phan Khải Đức đáng được thưởng mũ đỉnh đái và lục dụng. Bọn Nguyễn Đình Phái cần được cấp lương ăn , an sáp một cách ổn thỏa, để khỏi bị mất nơi nương tựa. Những quan binh chưa trở về, nếu thực sự trận vong, Phúc Khang An phải điều tra minh bạch, rồi gữi hồ sơ lên bộ để được cấp tiền tử tuất.

Còn như bọn xưởng dân trước kia trốn ra khỏi nước không xin phép, vốn là người có tội, nhưng vì tình nguyện đi đánh giặc nên được tha. Khi đại binh đi đánh, bọn xưởng dân chỉ đi theo đám đông, chưa thấy đoạt được thành tích nào nổi bật. Nay công việc tại An Nam có nên đánh hay không do ta quyết định, chẳng vì bọn xưởng dân tình nguyện đánh giặc, rồi các ngươi có hành động thiếu suy nghĩ. Tuy nhiên bọn xưởng dân đã từng theo quan binh đánh trận, nay lại không chịu theo Nguyễn Huệ, không nỡ để chúng bị sát hại, vậy nên liệu biện cách nào cho ổn thỏa.

Các quan binh vừa mới trở về quan ải, bị bức bách bởi thế giặc quá đông, nên phải lâm vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, trong đó có những người đánh trận bị thương, nên ước lượng để ban thưởng. Hôm qua nhân bàn về những quan binh từ thành nhà Lê chưa được tống xuất, số này theo Hứa Thế Hanh thâm nhập, bị giặc lưu giữ; đã giáng chỉ rằng khi bọn này được tống xuất, cho trở về quân ngũ, được thưởng cấp một tháng lương. Tôn Sĩ Nghị tâu, tất cả các quan binh trở về có hoặc không được gia thưởng? Ra lệnh Phúc Khang An xét tình hình để phân biệt đối xử.

Còn Tôn Sĩ Nghị sau khi khắc phục thành nhà Lê, không tuân theo chiếu chỉ cho cấp tốc triệt binh, lại sơ suất trong việc đề phòng, nên biến cố bất ngờ xẩy ra, sự sai lầm này không bào chữa được; chỉ nên gia tăng cố gắng, phụ giúp Phúc Khang An liệu biện ổn thỏa, để chuộc lỗi lầm trong quá khứ. (Cao Tông Thực Lục quyển 1324, trang 919-920).[8]

——————–

[1] Hồ Bạch Thảo, bản dịch Thanh Thực Lục. Hà Nội: NXB Hà Nội, 2007.

[2] Phan Khải Đức người xã An Ấp , huyện Hương Sơn, nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh ; là Trấn thủ đất Lạng Sơn của nhà Tây Sơn , đã đầu hàng nhà Thanh.

[3] Thanh Thực Lục, sđd, trang 18.

[4] Dẫn theo Khâm Ðịnh Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục. Hà Nội: Nhà xuất bản Giáo dục,1998, tập 2, trang 410.

[5] Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương mục, sđd, trang 410.

[6] Mũ đỉnh đái: loại mũ thuộc đời nhà Thanh, có tua trên chóp, dùng để ban cho người có công.

[7] Thanh Thực Lục, sđd, trang 108-109

[8] Thanh Thực Lục, sđd, trang 93-95

Nguồn: Văn chương Việt

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]