Nguồn: Prague Spring begins in Czechoslovakia, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1968, Alexander Dubček, một người Slovakia ủng hộ cải cách tự do, đã trở thành Bí thư thứ nhất của Đảng Cộng sản Tiệp Khắc, thay cho Antonin Novotny, cựu lãnh đạo theo đường lối kiểu Stalin. Trong vài tháng đầu tiên nắm quyền, Dubček đã tiến hành một loạt cải cách chính trị và kinh tế sâu rộng, bao gồm cả gia tăng tự do ngôn luận và phục hồi quyền cho các nhà bất đồng chính trị. Nỗ lực của Dubček để thành lập “chế độ cộng sản với khuôn mặt con người” đã được ủng hộ trên khắp cả nước, và giai đoạn tự do ngắn ngủi này đã được gọi là Mùa xuân Praha.
Tuy nhiên, ngày 20/08/1968, Liên Xô đã đáp lại cải cách của Dubček bằng việc đưa 600.000 quân thuộc Hiệp ước Warsaw xâm lược Tiệp Khắc. Praha đã không nhân nhượng, nhưng những đợt phản kháng rải rác của sinh viên chẳng thể nào thắng nổi xe tăng Liên Xô. Cải cách của Dubček bị bãi bỏ, còn nhà lãnh đạo thì bị thay thế bởi Gustav Husak, một người chủ trương thân Liên Xô và đồng thời là người đã tái thành lập một chế độ cộng sản độc tài tại Tiệp Khắc.
Năm 1989, khi các chính phủ cộng sản sụp đổ khắp Đông Âu, Praha một lần nữa trở thành hiện trường của các cuộc biểu tình đòi cải cách dân chủ. Tháng 12/1989, chính phủ Husak thừa nhận sự cần thiết của một Quốc Hội đa đảng. Husak từ chức. Vậy là sau hai thập niên, Dubček trở lại chính trường với cương vị tân Chủ tịch Quốc Hội. Sau đó, nhà viết kịch Vaclav Havel được bầu làm Tổng thống Tiệp Khắc. Havel từng hoạt động rất tích cực trong Mùa xuân Praha; khi người Liên Xô tiến vào đàn áp, các vở kịch của ông đã bị cấm trình diễn, còn bản thân ông thì bị tịch thu hộ chiếu.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]