17/06/1953: Liên Xô đàn áp nổi dậy ở Đông Berlin

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Soviets crush antigovernment riots in East Berlin, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1953, Liên Xô đã ra lệnh cho một sư đoàn được vũ trang của mình tiến vào Đông Berlin để đàn áp một cuộc nổi dậy của các công nhân và người biểu tình chống chính phủ Đông Đức. Đợt tấn công của Liên Xô đã đặt ra tiền lệ cho các can thiệp sau này vào Hungary vào năm 1956 và Tiệp Khắc vào năm 1968.

Bạo loạn ở Đông Berlin bắt đầu khi các công nhân xây dựng xuống đường vào ngày 16/06/1953 để phản đối lệnh gia tăng lịch làm việc của chính phủ cộng sản Đông Đức. Ngày hôm sau, đám đông các công nhân bất mãn và các nhà bất đồng chính kiến đã tăng lên đến khoảng 30.000 – 50.000 người. Các nhà lãnh đạo của cuộc biểu tình đã ra lời kêu gọi tổng đình công, kêu gọi chính phủ cộng sản Đông Đức từ chức và tiến hành bầu cử tự do.

Quân đội Liên Xô đã nhanh chóng tấn công mà không báo trước. Binh lính, được xe tăng và các loại xe bọc thép khác hỗ trợ, đã đâm xuyên qua đám đông người biểu tình. Một số người biểu tình đã cố gắng chống lại, nhưng hầu hết đã tháo chạy trước đợt tấn công. Các nhân viên Hội Chữ thập đỏ ở Tây Berlin (nơi nhiều người biểu tình bị thương tìm đến) ước tính số người chết trong khoảng 15 đến 20 người, và số người bị thương là hơn 100 người. Các chỉ huy quân sự của Liên Xô tuyên bố thiết quân luật, và tối 17/06, biểu tình chấm dứt và ổn định tương đối đã được phục hồi.

Tại Washington, Tổng thống Dwight D. Eisenhower tuyên bố rằng hành động tàn bạo của Liên Xô mâu thuẫn với lời tuyên truyền của Nga rằng người dân Đông Đức hài lòng với chính phủ cộng sản của họ. Ông tuyên bố rằng việc đàn áp biểu tình là “một ví dụ điển hình về ý nghĩa [thực sự] của chủ nghĩa cộng sản.” Bộ máy tuyên truyền của Mỹ ở châu Âu, đài Tiếng nói Hoa Kỳ, tuyên bố, “Các công nhân Đông Berlin đã viết nên một trang sử vinh quang trong lịch sử hậu chiến. Họ đã phơi bày bản chất giả dối của các chế độ cộng sản một lần và mãi mãi.” Những lời chỉ trích này ít có ảnh hưởng đến sự kiểm soát của Liên Xô đối với Đông Đức, vốn vẫn là một thành trì của chủ nghĩa cộng sản cho đến khi chính phủ sụp đổ năm 1989.