Thảm họa đổi tiền của Ấn Độ

Nguồn: Shashi Tharoor, “India’s Demonetization Disaster,” Project Syndicate, 06/12/2016.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Hiệu đính: Nguyễn Huy Hoàng

Ngày 8 tháng 11, lúc nửa đêm, Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi tuyên bố các tờ tiền mệnh giá 500 và 1000 rupee với tổng trị giá khoảng 14 nghìn tỷ rupee – tương đương 86% lượng tiền lưu thông – sẽ không còn giá trị pháp lý. Cùng với đó, nền kinh tế Ấn Độ rơi vào hỗn loạn.

Mục đích mà ông Modi tuyên bố là giữ lời hứa trong chiến dịch tranh cử là chống lại “tiền đen”: các khoản thu bất chính – thường được giữ dưới dạng tiền mặt – ví dụ như tiền trốn thuế, phạm tội, và tham nhũng. Ông cũng hy vọng vô hiệu hóa những tờ tiền giả được cho là do phía Pakistan in nhằm ủng hộ khủng bố chống Ấn Độ. Tuy nhiên, gần một tháng sau, tất cả những gì mà động thái phi tiền tệ hóa (demonetize – tức rút tiền mặt khỏi lưu thông) này đạt được là sự rối loạn kinh tế trầm trọng. Quyết định của Modi không phải một quyết định lỗi lạc, mà dường như là một tính toán sai trầm trọng.

Tuyên bố này lập tức châm ngòi cho cuộc hỗn loạn điên rồ nhằm đẩy đi những tờ tiền hết hạn. Mặc dù người dân có thể gửi tiền vào các tài khoản ngân hàng từ giờ cho đến cuối năm, việc gửi một số lượng lớn có thể khiến họ chịu nhiều khoản thuế và phạt. Vì thế họ vội vàng đi bơm xăng, tới các cửa hàng trang sức, và tới các chủ nợ để trả nợ. Những hàng dài xếp hàng rồng rắn cả trong lẫn ngoài và xung quanh các ngân hàng, quầy đổi ngoại tệ, và các cột ATM – bất kỳ đâu mà người ta có thể đổi được những tờ tiền sớm vô hiệu lực.

Thế nhưng, khi lên được đầu hàng, người dân lại thường phải đối mặt với những hạn mức rút tiền nghiêm ngặt, bởi một sự thật đáng kinh ngạc là trước khi đưa ra tuyên bố này, tiền mới lại không được in đủ. Tệ hơn, thiết kế của những tờ tiền mới không vừa với những cột ATM hiện giờ, và mệnh giá của chúng – 2.000 rupee – thì cao đến mức không dùng được đối với hầu hết mọi người, đặc biệt là khi chính phủ không in đủ tiền mệnh giá nhỏ hơn thì rất ít người có thể đổi được tiền.

Nền kinh tế từng bùng nổ của Ấn Độ giờ đây đã chạm đến điểm dừng. Mọi chỉ số – doanh số bán hàng, thu nhập của thương nhân, sản xuất, và việc làm – đều đi xuống. Cựu Thủ tướng Manmohan Singh ước tính GDP của Ấn Độ sẽ thu hẹp khoảng 1–2% trong năm tài khóa hiện tại.

Nhưng như thường lệ, tác động này không đồng đều đối với mọi người. Những người Ấn Độ giàu có, ít phụ thuộc vào tiền mặt, và nhiều khả năng có thẻ tín dụng hơn thì tương đối ít bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, người nghèo và tầng lớp hạ trung lưu thì sử dụng tiền mặt nhiều hơn trong các hoạt động hàng ngày, và do đó sẽ là những nạn nhân chính của chính sách đáng ra là “vì người nghèo” này.

Các nhà sản xuất nhỏ, thiếu vốn để duy trì hoạt động, đã bắt đầu đóng cửa. Lượng người hưởng lương công nhật khổng lồ của Ấn Độ không thể tìm được nhà tuyển dụng có tiền mặt để trả cho họ. Các ngành công nghiệp địa phương đã dừng hoạt động vì thiếu tiền. Khu vực tài chính phi chính thức – hiện chiếm 40% lượng tiền cho vay của Ấn Độ, chủ yếu là ở các khu vực nông thôn – gần như đã sụp đổ.

Ngành ngư nghiệp của Ấn Độ, vốn phụ thuộc vào giao dịch tiền mặt ngay khi bán cá tươi, cũng bị đánh chìm. Các thương nhân đang mất dần những kho hàng hải sản dễ phân hủy của mình. Người nông dân đã bán nông sản với giá thấp hơn chi phí, vì không ai có tiền để mua nông sản, và vụ đông thì không thể trồng kịp thời vì không ai có tiền mua hạt giống.

Bất chấp tất cả, người dân Ấn Độ vẫn phản ứng cam chịu, có vẻ như sẵn sàng để tâm đến lời kêu gọi của Modi là kiên nhẫn chờ đợi 50 ngày, mặc dù có thể lâu hơn nữa – thậm chí từ bốn tháng tới một năm – trước khi nguồn cung tiền bình thường được phục hồi. Ban quan hệ công chúng mẫn cán của chính phủ – khắc họa những khó khăn của người dân như một sự hy sinh nhỏ bé cần thiết vì lợi ích đất nước – dường như đã hoàn thành nhiệm vụ. “Nếu những người lính của chúng ta có thể đứng hàng giờ để canh giữ biên giới,” một bài đăng trên truyền thông xã hội hỏi, “thì tại sao chúng ta lại không thể đứng xếp hàng một vài giờ trước ngân hàng?”

Nhưng sự hy sinh này đã vượt quá những dòng người xếp hàng. Các bệnh viện đang quay lưng với bệnh nhân chỉ có tiền cũ; các gia đình không thể mua thực phẩm; và người lao động trung lưu thì không thể mua được những loại thuốc cần thiết. Đã có tới 82 người chết trong những vụ xếp hàng đổi tiền mặt hoặc các sự kiện liên quan. Hơn nữa, có vẻ như nhiều tác động ngắn hạn của lần phi tiền tệ hóa này rất có thể sẽ kéo dài – thậm chí còn mạnh hơn – trong dài hạn, khi những doanh nghiệp đã đóng cửa không thể mở cửa lại. Nó cũng có thể gây ra những tổn hại kéo dài lên các thể chế tài chính của Ấn Độ, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương, danh tiếng của nó vốn đã bị ảnh hưởng.

Có lẽ điều tồi tệ nhất là những hy sinh này rất có thể sẽ không giúp chính phủ đạt được mục đích đã tuyên bố của mình. Không phải tất cả tiền đen đều nằm dưới dạng tiền mặt, và không phải tất cả tiền mặt đều là tiền đen. Những người nắm giữ số lượng lớn tiền đen dường như đã tìm ra những cách sáng tạo để rửa tiền thay vì tiêu hủy chúng nhằm tránh thu hút sự chú ý của cơ quan thuế như chính phủ kỳ vọng. Kết quả là phần lớn tiền đen được tin là đang lưu thông giờ đây lại đang đổ về các ngân hàng, lấy đi những khoản cổ tức kỳ vọng của chính phủ.

Trên hết, kế hoạch của chính phủ không kiểm soát được nguồn tiền đen. Sẽ không mất quá lâu trước khi những thói quen cũ – ghi giá hóa đơn thấp đi, các đơn hàng và hóa đơn giả, báo cáo các giao dịch không có thực, và hối lộ trắng trợn – sẽ lại tạo ra một khoản tiền đen mới.

Nhiều người ủng hộ Modi cho rằng các vấn đề của chính sách phi tiền tệ hóa là do khả năng thực thi không tốt. Nhưng sự thật là thiết kế của nó về cơ bản đã thiếu sót. Không có “khung chính sách” nào, không có phân tích chi phí-lợi ích nào, và không có bằng chứng nào cho thấy các lựa chọn chính sách khác đã được cân nhắc. Nhìn vào những chỉnh sửa chính sách liên tục kể từ sau tuyên bố, có thể thấy rõ là chưa có một nghiên cứu tác động chính sách nào được thực hiện.

Vậy mà thay vì nhận ra những rủi ro chồng chất từ môi trường chính sách không minh bạch mà mình tạo ra, Modi lại tiến hành thảo luận để đi xa hơn, biến Ấn Độ thành một xã hội hoàn toàn “không dùng tiền mặt.” Ông ấy có biết hơn 90% giao dịch tài chính tại Ấn Độ được thực hiện bằng tiền mặt, hơn 90% cửa hàng bán lẻ thiếu đầu đọc thẻ? Có phải ông không biết hơn 85% công nhân được trả lương bằng tiền mặt, và hơn một nửa dân số không có tài khoản ngân hàng?

Modi lên nắm quyền năm 2014 với hứa hẹn thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra việc làm cho dân số trẻ của Ấn Độ, và khuyến khích đầu tư. Kế hoạch phi tiền tệ hóa kém cỏi của ông chính là sự nhạo báng những mục tiêu này, đồng thời làm tổn hại danh tiếng là một nhà quản lý hiệu quả và có năng lực của ông. Không ai biết mất bao nhiêu lâu nữa Ấn Độ mới có thể phục hồi.

Shashi Tharoor, cựu Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, cựu Quốc vụ khanh về Phát triển Nguồn nhân lực và Quốc vụ khanh về Ngoại vụ của Ấn Độ, hiện là nghị sĩ Đảng Quốc đại Ấn Độ và chủ tịch Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Đối ngoại. Ông là tác giả cuốn Pax Indica: India and the World of the 21st Century.

Xem thêm:

Tại sao Ấn Độ loại bỏ tiền mệnh giá lớn?

Copyright: Project Syndicate 2016 –  India’s Demonetization Disaster
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]