Hồi ký tướng tá Sài Gòn xuất bản ở hải ngoại (P3)

Tng hp: Mai Nguyễn

11 – Nguyễn Cao Kỳ trước biến động miền Trung 1966

Đang còn đắng họng vì “bữa cơm của dân nghèo” không rượu không gái do thị trưởng Đà Nẵng bày ra khoản đãi để chửi khéo, Nguyễn Cao Kỳ lại bị thêm một vố đau khác trong chuyến thăm Huế vào ngày hôm sau 2.3.1966.

Tại Huế, ông ta có buổi tiếp xúc với thân hào nhân sĩ và các đoàn thể nhân dân ở Tòa đại biểu chính phủ bên sông Hương. Không khí cuộc gặp mặt được hâm nóng bởi phát biểu “có lửa” của ông Hồng Dũ Châu:

– Thưa thủ tướng “Chính phủ của dân nghèo” ra đời tại Sài Gòn đã 8 tháng nay. Suốt thời gian ấy chưa thấy làm được gì cho dân nhờ, chỉ thấy nay lệnh này mai lệnh khác trái ngược nhau, khiến chúng tôi bối rối không biết lệnh nào đúng mà thi hành. Gạo cơm tiếp tế cứ bị thiếu hụt mãi…

Mặt ông Kỳ tái dần theo lời bài bác cái chính phủ quá “nghèo” do ông làm thủ tướng. Mà chính ông, khi đảm nhiệm chức vụ ấy cũng không tin mình làm tròn. Bằng chứng là 26 điểm trong chương trình hành động của “chính phủ” không thực thi được: “Tôi công nhận quá non không biết gì hết”. Ông tự xét mình một cách thảm hại với Trần Văn Đôn như thế và Đôn chép lại trong hồi ký của mình.

Rồi việc cho dựng 5 cây trụ trước chợ Bến Thành để lập “pháp trường cát” thi hành án tử hình, bị dư luận quở rằng bắn người công khai giữa chợ là vô nhân đạo nên phải dẹp. Nghĩa là nhiều chuyện đáng bị công kích, đánh đổ, nhưng thời gian đầu xem chừng vẫn sóng êm bể lặng.

Nguyễn Cao Kỳ viết: “Ấy vậy mà chẳng có một âm mưu đảo chánh nào để lật đổ tôi hoặc một sự chống đối ầm ĩ nào cả. Có thể nào lại xảy ra trường hợp người không chuyên nghiệp đã thành công trong công việc mà người lành nghề đã bị thất bại chăng?”. Nay “người không lành nghề” ấy qua hội nghị Honolulu nhờ nhà chính trị “lành nghề” và “tâm đầu ý hợp” là tổng thống Johnson ra tay đạo diễn giúp nổi bật trên chính trường Sài Gòn. Nhưng đến Huế lại bị dân miền Trung chống đối, như ông Hồng Dũ Châu vạch:

“Xin thưa thật với thủ tướng rằng chính phủ ông thật xứng đáng là chính phủ của dân nghèo vì sau 8 tháng ông cầm quyền, dân đã nghèo lại nghèo thêm”.

Theo Nguyễn Chánh Thi, ông Kỳ không nén nổi cơn giận “quên cả cương vị thủ tướng của mình, xông ra ngắt lời ông Hồng Dũ Châu, sừng sỏ như sắp đi đánh lộn ở một tiệm nhảy đầm nào đó.

–  Ông là cái thớ gì mà dám nói với một vị thủ tướng chính phủ như thế? Đồ vô phép! Câm mồm!

Mọi người hiện diện đều giận tím mặt. Nếu có ai hô lên một tiếng chắc Cao Kỳ không nguyên vẹn mà về lại Sài Gòn”

Trước đó một ngày, ở Đà Nẵng, khi Kỳ hăm dọa Thi, trung tá Lê Ngọc Uyển (Quân vụ thị trấn) và đại tá Đàm Quang Yêu (chỉ huy trưởng biệt khu Quảng Đà) đã “gai mắt” muốn bắt giam Kỳ đột ngột chơi. Trung tá Uyển mở miệng gợi ý trước:

–  Cái thằng cao bồi này khó dung tha. Xin trung tướng (Thi) cho phép chúng tôi bắt nó nhốt lại, xem quan thầy nó cứu nổi nó không?

Thi làm mặt nghiêm, ngăn Uyển. Nay ở Huế, Thi lại đứng ra “can gián đôi bên cho xong chuyện”. Thời điểm đó ở vị trí tư lệnh Quân đoàn I Vùng I chiến thuật, ông Thi đối diện trước cuộc đấu  tranh đòi dân chủ chống Kỳ, Thiệu, Có (Kỳ lúc này đang “nổi” hơn Thiệu) của dân miền Trung.

Tin tức liên quan đến việc Mỹ mở rộng chiến tranh, tướng Maxwell Taylor đề nghị tiến hành phong tỏa cảng Hải Phòng bằng mìn, Westmoreland đòi tăng mạnh tăng nhanh quân số Mỹ vào Việt Nam, đã khơi dậy ngọn lửa đấu tranh đòi hòa bình. “Phe đối phương” tập kích hàng loạt đồn bót dọc ranh giới vùng Bến Hải; súng nổ giao tranh khắp nơi từ Cam Lộ, Khe Sanh đến Mộ Đức, Đức Phổ. Xe jeep chở Thi trúng mìn trên đường đi Hội An khiến tài xế chết, một đại tá ngồi trên xe bị thương nặng.

Thi may mắn thoát hiểm đâm ra nghĩ ngợi: “nhiều nguy hiểm đang chờ đợi mình”, mìn của “đối phương” gài hay của “phe ta”? Ông viết rằng tâm trạng ông những ngày tháng đó thật rối bời, vì bên ngoài quân “đối phương” đánh tơi bời, bên trong “toàn những phản bội rình rập (…) có nhiều lúc tôi chỉ mong mình trúng quách một trái B40 cho nó…nhẹ nợ!”. Nhưng vẫn phải sống đến ngày Kỳ đạp ngã ông để dẹp đường đưa quân từ Sài Gòn ra bắn thẳng vào dân miền Trung tranh đấu.

Kỳ viết: “Đến tháng 3.1966 (sau chuyến đi miền Trung xui xẻo kể trên của ông) đã xảy ra những cuộc biểu tình trong nhiều thành phố lớn, đặc biệt là ở Huế và Đà Nẵng (…). Những người Phật tử đòi tổ chức bầu cử tự do”. Điều mà ông Kỳ cho “tệ hại” và đáng lo ngại là binh sĩ của Quân đoàn I do ông Thi làm tư lệnh có thể từ chối không chịu đánh nhau với những người dân tham gia đấu tranh có vũ trang. Thậm chí báo cáo mật cho thấy dấu hiệu các chỉ huy cao cấp nhất của Quân đoàn I đang có xu hướng đứng về phía dân chúng nên nguy cơ binh biến thật sự chờn vờn trong giấc ngủ của Kỳ.

Ông ta nhướng mắt về hướng Hoa Thịnh Đốn và phần nào yên tâm vì “người Hoa Kỳ ủng hộ hành động và các kế hoạch của tôi; đại sứ Lodge đã nhận thấy được là tôi không còn có cách gì khác hơn là phải củng cố chính phủ bằng biện pháp gạt ra ngoài những phần tử chống đối”.

Qua hồi ký, khi kể lại giai đoạn đó, Nguyễn Cao Kỳ vẫn còn dùng những lời lẽ hậm hực, khích bác các thượng tọa lãnh đạo cuộc đấu tranh của Phật tử và khen “Tổng thống Johnson đã sáng suốt làm ra vẻ như không nghe những lời kêu gọi của họ”. Tuy vậy “họ” (những lãnh tụ đấu tranh) có lợi thế được tư lệnh các tỉnh miền Trung là Nguyễn Chánh Thi ủng hộ. Kỳ cho biết đã chăm chú theo dõi Thi từ lâu: “Hàng ngày tôi đều nhận được bằng chứng là thay vì duy trì trật tự tại vùng Huế – Đà Nẵng trong tình hình đang hết sức sôi động. Thi trái lại đã giúp đỡ cho những người Phật tử…”

Kỳ không thể chịu đựng hơn nữa những hình nộm được dân chúng và thanh niên sinh viên học sinh dựng lên bêu rếu mình khắp nơi: “Tôi đã bị gán cho là bù nhìn của Mỹ và trên tường trong nhiều thành phố đã xuất hiện dòng chữ rất quen thuộc “Người Mỹ hãy cút đi!”. Hình ảnh “nhức mắt” đó xảy ra thường xuyên trên “lãnh địa” do Thi làm tư lệnh, Kỳ hạ bút: “Rõ ràng là Thi đang nuôi tham vọng muốn trở thành một lãnh chúa của thời xa xưa!”.

12 – Bị kết tội cát cứ miền Trung, cặp bài trùng “Nguyễn Cao Kỳ – Nguyễn Chánh Thi tan vỡ”

Cặp bài trùng Nguyễn Cao Kỳ – Nguyễn Chánh Thi

Một dạo báo chí Sài Gòn gọi Nguyễn Cao Kỳ – Nguyễn Chánh Thi là cặp bài trùng trong “nhóm tướng trẻ”. Họ để râu, mặc quân phục, ảnh chụp xa xa trông giông giống nhau. Kẻ trước người sau lần lượt nắm hai binh chủng “anh em”: nhảy dù “anh cả đỏ” (Thi), không quân (Kỳ).

Ngày ông Thi mưu đảo chính Ngô Đình Diệm vào 11.11.1960 đem lực lượng nhảy dù uy hiếp Sài Gòn, vây khốn dinh Độc Lập, chiếm Tân Sơn Nhất. Căn cứ không quân lọt phũm trong tay đại tá Thi – lúc đó Kỳ mới thiếu tá. Không may, ông Diệm – Nhu dùng kế “giả hòa”, hứa từ chức để lập chính phủ “đoàn kết quốc gia”, rồi ngầm sai quân phản công. Thi trúng kế, biết mặt trận sắp vỡ, rút khỏi các vị trí then chốt ở trung tâm “thủ đô”, chạy về căn cứ không quân gặp Kỳ, bảo:

–        “Kỳ, chúng tôi đã thất bại! Chúng tôi phải thoát khỏi nơi đây một cách nhanh chóng bằng không thì Diệm sẽ chém đầu chúng tôi!”.

Phải có ngay một chiếc máy bay để nhóm Thi trốn sang Campuchia. Kỳ viết: “Tôi muốn giúp đỡ họ, lúc nào nhảy dù và không quân cũng rất thân thiết với nhau vì tính chất của công việc làm. Thế nhưng tôi không thể nào đích thân lái máy bay chở họ đi vì nếu làm thế, tôi sẽ không bao giờ trở lại Việt Nam được”. Làm sao đây? Kỳ cố tìm một lối thoát và sau “vài phút lưỡng lự” đã quyết định:

“Tôi (Kỳ) “cho” ông ta (Thi) một chiếc DC3, thế là 15 người trong nhóm âm mưu đảo chính đã được trốn đi. Dĩ nhiên là tôi không bao giờ lấy lại được chiếc máy bay đó và Diệm đã tỏ ra nghi ngờ”. Phe Thi bắt giữ trung tướng Thái Quang Hoàng “tư lệnh biệt khu thủ đô” để làm con tin. Dinh Độc Lập lệnh hai phi cơ khu trục đuổi theo chiếc máy bay của nhóm Thi xem họ đi về hướng nào. Đến biên giới Campuchia bắt kịp Thi, hai khu trục cơ điện về xin chỉ thị dinh Độc Lập có nên bắn hạ hay không. Lúc đó Nguyễn Khánh nghe bà Ngô Đình Nhu đứng bên cạnh la lên “Bắn rơi chiếc máy bay đó đi. Giết hết tụi nhảy dù phản nghịch!”.

Khánh không đồng ý với bà Nhu, bảo bà ta với giọng bực dọc: “Tôi là tổng tư lệnh ở đây. Xin bà để tôi quyết định”. Và ông Khánh ra lệnh cho hai khu trục cơ quay về. Người ta thường nhắc đến chi tiết đó với lời khen Nguyễn Khánh bộc trực. Máy bay Thi do đại úy Phan Phụng Tiên lái xin hạ cánh xuống phi trường Pocheng Tong.

Dưới đất điện hỏi: “Máy bay nước nào?”. Đáp: “Air Việt Nam”. Phía Campuchia yêu cầu cho biết chắc chắn danh tánh, xuất xứ, số hành khách và lý do hạ cánh. Không dài dòng bất tiện, dòm thấy phi đạo trống, họ quyết định không trả lời và liều lĩnh hạ cánh xuống phi trường Pocheng Tong. Đồng hồ điểm 13 giờ ngày 12.11.1960. Cơ quan an ninh cảnh sát Campuchia có mặt ngay, tịch thu súng đạn và tất cả mọi thứ, dẫn về khu trại vãng lai dành cho sĩ quan.

Họ làm thủ tục tỵ nạn chính trị (3 năm) và thả trung tướng Thái Quang Hoàng quay về Sài Gòn vài ngày sau đó. Chiếc máy bay của Nguyễn Cao Kỳ đã “linh động” đưa Thi thoát đi nằm phơi mình trên đất Chùa Tháp như một gợi nhớ Sài Gòn xa xăm. Kỳ sau đó phải trả lời chất vấn của dinh Độc Lập. Ông ta đáp vì tình thế bắt buộc và bị binh lính vũ trang của Thi uy hiếp. Được thêm Đỗ Mậu che chở nên về sau việc ấy cũng êm. Đó là kỷ niệm thời trẻ của họ, năm ấy Thi mới 36 tuổi.

Vào 1963, Thi về Sài Gòn. Đến 1964, họ nổi bật giữa “nhóm tướng trẻ”. Sang 1965, khi Kỳ làm “thủ tướng”, họ có khoảng cách…Đến 1966, Kỳ (và Thiệu) thực sự muốn “nhổ” cái đinh chướng mắt: Thi. Họ ra mặt cạch nhau. Báo chí đưa nhiều tin bài về sự vỡ đôi của “cặp bài trùng”. Tờ Tia Sáng chẳng hạn, đi tít lớn: “Tướng Kỳ nhất quyết hạ tướng Thi: khu trục cơ mang hỏa tiễn bay rợp trời Sài Gòn yểm trợ cho đề nghị cách chức tướng Thi của ông Kỳ!”. Việc xảy ra tháng 3.1966 theo tóm lược dưới đây:

Bệnh “đau mũi” rất dễ lây trong bầu khí thanh trừng của Sài Gòn 1966

Nhóm Kỳ (và Thiệu) giăng bẫy sẵn tại Sài Gòn, ngày 9.3.1966 “đạt” giấy mời Nguyễn Chánh Thi rời miền Trung vào họp. Trước đó trùm CIA Rib Robinson đến văn phòng ông Thi nói thẳng những “ghi nhận” không lành về ông, như: tinh thần “chống Mỹ” ngày càng rõ (chống hội nghị Honolulu), làm ngơ và khuyến khích dân miền Trung bất hợp tác với “chính quyền trung ương” ở Sài Gòn để mưu cát cứ Huế, Đà Nẵng…

Vì vậy Thi biết chuyến đi này được Mỹ và Sài Gòn bàn trước. Đến Bộ tổng tham mưu lúc 9 giờ 30 sáng 10.3, nhiều xe thiết giáp đậu sẵn ngoài cổng, máy bay gầm rú trên không, Thi viết: “Tôi phản ứng lại còn kịp, nhưng không muốn…”. Vào phòng họp, Nguyễn Hữu Có nã ngay:

–  Từ ngày anh Thiệu, anh Kỳ lên cầm quyền, ông Thi đã gây quá nhiều rắc rối. Mệnh lệnh của trung ương, ông không thi hành.

Lê Nguyên Khang, Nguyễn Bảo Trị …nói hùa theo để Nguyễn Cao Kỳ đứng lên “gút”: – Tôi hết chịu nổi rồi! Nếu quý vị còn tín nhiệm tôi thì ông Thi phải ra đi. Một là ông Thi đi, hai là tôi đi.

Đi đâu?

Một là “đi” khỏi chức vụ đương nhiệm.

Hai là đi ra nước ngoài “chữa bệnh”.

Cả “hai thứ đi” đó phải diễn ra tương tục, không gián đoạn, và phải được “hội đồng tướng lĩnh” thông qua. Nguyễn Cao Kỳ nêu ý kiến “bỏ phiếu kín”(!). Tới đó, Thi đứng dậy, bước khỏi phòng họp. Mặc kệ họ! Sáng hôm sau 11.3, Thi ra ngoài phi trường Tân Sơn Nhất định về lại Đà Nẵng. Nhưng vừa tới sân bay đã thấy Nguyễn Hữu Có, “tổng ủy viên quốc phòng”, đích thân chỉ huy một đám lính, giơ súng chặn Thi lại, buộc phải quay về Bộ tổng tham mưu. Về đó có Nguyễn Văn Thiệu chờ sẵn tại cửa phòng Cao Văn Viên, miễn cưỡng bắt tay Thi và nói: – Thôi, toa chịu khó ở lại đây vài hôm. Hình như Mỹ đã bằng lòng mời toa đi “chữa bệnh” kia mà!

Ai đứng ra “mời”?

Ngay ngày hôm đó, Nguyễn Ngọc Loan và Văn Văn Của mang bức thư của tướng Westmoreland đến trao Thi, nội dung: “Dear General Thi, I understand that you are interested in securing medical attention in the United States…” (Tướng Thi thân. Tôi được biết ông đang quan tâm tới việc được khám bệnh tình tại Mỹ nên tôi nghĩ ông có thể hoan hỉ đón nhận lời mời của tôi (để rời Việt Nam đến Mỹ) nhân danh Ngũ Giác Đài để được khám bệnh tổng quát và chữa trị cần thiết. Nếu đề nghị này được ông đồng ý, xin nhắn lại cho tôi được rõ và tôi sẽ dàn xếp ngay mọi việc cần thiết. Thành thật cùng ông. Ký tên: Tướng Westmoreland).

Như vậy đã quá rõ, Mỹ trực tiếp “mời” đi. Trước nơi giam lỏng Nguyễn Chánh Thi ở số 9 đường Gia Long (nay là đường Lý Tự Trọng) luôn luôn có xe quân cảnh Mỹ túc trực. Ba ngày sau khi nhận thư Westmoreland, Phạm Văn Liễu (quen với Thi hồi lưu vong ở Campuchia) dẫn đại tá Sam Wilson và ông Ted Britton đến gặp Thi.

Đó là ba người mà ông Thi cho “có thể đối thoại được”. Họ bảo tướng Westmoreland viết thư trên theo “yêu cầu của Nguyễn Cao Kỳ” và gợi ý ông Thi thử về miền Trung một chuyến trước khi qua Mỹ? Ngày 15.3, Kỳ đồng ý để Thi về thăm Đà Nẵng, Huế. Tình hình miền Trung lúc đó sôi bỏng, Kỳ – Thiệu tung tin “Nguyễn Chánh Thi là đầu mối của biến động” và cần phải “trừ đầu mối ấy đi”.

Khoảng nửa tháng sau, khi phong trào đấu tranh dâng cao, Kỳ tuyên bố: “Huế và Đà Nẵng bị cổng sản chiếm đóng!”. Lần này với lối “chụp mũ cối” to tướng đó, Kỳ đang manh tâm chuẩn bị nổ súng thẳng vào mặt dân chúng miền Trung. Quả vậy, ngày 4.4.1966 Kỳ thử cho quân đổ bộ ra Đà Nẵng bằng máy bay nhưng đồng bào phẫn nộ chắn bít các lối vào thành phố. Nguyễn Hữu Có cấp tốc “bay ra” định bụng đàn áp bằng súng đạn, nhưng không hiểu vì đâu lại “bay vào” Sài Gòn ngay. Kỳ phải nhờ Mỹ chở quân lùi về, đóng tại Chu Lai. Viên tướng chỉ huy Nguyễn Văn Chuân chuồn mất (về Sài Gòn), Kỳ và Thiệu đưa Tôn Thất Đính ra thay, ai dè đến Huế, ông Đính tuyên bố chống Thiệu – Kỳ nảy lửa. Hồi ký Nguyễn Chánh Thi ghi lại phát biểu của Tôn Thất Đính với dân Huế nguyên văn:

–        Chúng ta phải xiết chặt hàng ngũ, phải cắt cổ những thằng Việt gian bán nước, những tên thời cơ, lừa thầy phản bạn ở Sài Gòn. Chúng nó là lũ tôi tớ ngoại bang, chỉ biết lừa gạt đồng bào và nói láo với quan thầy…

Nghe Tôn Thất Đính tuyên bố, ông Hồng Dũ Châu bảo nhỏ với ông Thi: “Coi bộ không ổn rồi! Thái độ ông Đính thế này thì tất Sài Gòn không tha chúng ta đâu!”

Ông Đính nhận lệnh triệu về Sài Gòn để “họp”. Biết hễ về là nguy, nên ông Đính không thi hành. Nguyễn Chánh Thi viết: “Có lẽ bị ông Đính làm cho điên đầu, Sài Gòn lại tìm cách thương lượng với tôi” và nhờ đại tá Phạm Văn Liễu, trung tướng Phạm Xuân Chiểu ra miền Trung đưa thư tay của Kỳ. Thư mở đầu: “Anh Thi thân mến, sau một thời gian tĩnh dưỡng ngoài đó, tôi tin rằng sức khỏe của anh chắc được dồi dào hơn. Hôm nay, bệnh mũi của anh chắc được đỡ nhiều…”. Thi tức giận bảo viên tướng đưa thư:

–        Bệnh mũi? Tôi có đau mũi bao giờ đâu? Hắn tự bịa ra những chuyện kỳ quái như thế mà nghe được à?

Không có “bệnh mũi” vẫn phải bệnh khác để “đi” Mỹ chữa! Thi vò nát thư, liệng xuống đất. Đồng bào miền Trung đòi bắt Chiểu làm con tin. Chiểu hốt hoảng lên máy bay chuồn về Sài Gòn. Đến nước đó, Kỳ bộc lộ toàn vẹn tính hung hãn võ biển, đưa quân tập kích vào Đà Nẵng với sự yểm trợ của máy bay và xe tăng phun lửa…

13- Cuộc họp bí mật trước giờ tập kích miền Trung

Đoàn thanh niên Đà Lạt tuyên thệ quyết tử năm 1966

Như đã nói trung tướng Tôn Thất Đính – người theo đạo Phật được cử nắm trọng trách tại miền Trung với hy vọng đối thoại dễ dàng hơn cùng các lãnh tụ Phật giáo để làm dịu tình hình. Nhưng đến Huế, tướng Đình đã khuấy nóng “chảo lửa” này lên bằng những lời công kích và hạch tội Thiệu – Kỳ – Có! Ông bỏ nhiệm sở, chống lại lệnh gọi về Sài Gòn và chạy thẳng vào Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ ở Đà Nẵng xin tỵ nạn chính trị.

Cay cú, Kỳ và Thiệu bèn chỉ định tướng Huỳnh Văn Cao là tín đồ Công giáo ra Trung thay. Tới nơi, thấy đông đảo quân nhân và công chức ly khai hoặc lãn công chống đối nhà cầm quyền Sài Gòn. Cao bất lực bỏ doanh trại chạy luôn về Bộ tư lệnh thủy quân lục chiến Mỹ ở Đà Nẵng xin tá túc y hệt …tướng Đính!

Chỉ huy trưởng của Bộ tư lệnh Mỹ nói trên là thượng tướng Lewis W.Walt, đồng thời làm cố vấn Quân đoàn I, sau này phản ứng gay gắt với Nguyễn Cao Kỳ trong những giờ đầu Kỳ triển khai cuộc tập kích đàn áp miền Trung. Ông ta không khỏi bất ngờ vì chỉ trong một thời gian ngắn mà phải đón đến hai tư lệnh “tháo chạy tán loạn”: Tôn Thất Đính và Huỳnh Văn Cao.

Tiếp đó miền Trung gần như “vô chính phủ”, theo lời các cơ quan truyền thông đại chúng lúc bấy giờ gọi. Ngoài đường và trong các khu phố xuất hiện lực lượng “quyết tử” chống chế độ Sài Gòn. Đã có nhiều tín hiệu “bất an” đối với Thiệu – Kỳ trước khi xảy đến tình trạng đó, như cuộc chiến tranh của Phật tử, lực lượng thanh niên sinh viên học sinh (SVHS) yêu nước bùng nổ dữ dội tại Huế và Đà Nẵng ngày 24.3.1966. Hôm sau 25.3, tại Sài Gòn, sinh viên trường Hồng Lạc bãi khóa, xuống đường, vây đài phát thanh với sự tham gia của đông đảo thanh niên từ ngã bảy kéo về hỗ trợ.

Đúng một tuần sau, vào 31.3, hơn 10.000 người mở phiên xử và đốt hình nộm của Thiệu – Kỳ ngay “pháp trường cát” do chính Kỳ dựng lên trước chợ Bến Thành. Cơn sốt chính trị rõ ràng lan rộng vào các thành phố phía Nam. Kỳ ghi nhận: “Bầu không khí căng thẳng ở Sài Gòn đã lên cao. Người ta tổ chức biểu tình hằng ngày ở Sài Gòn và Chợ Lớn (…). Khoảng 2.000 người ngồi một cách kiên nhẫn trong 3 giờ đồng hồ trước Viện hóa đạo để nghe thuyết pháp” và cổ xúy đấu tranh chẳng hạn.

Riêng phía thanh niên SVHS thời đó, dựa nhiều nguồn tư liệu và mới đây nhất là cuốn Sơ thảo lịch sử phong trào học sinh – sinh viên Việt Nam và Hội Sinh viên Việt Nam 1945 – 1998 do Nhà xuất bản Thanh Niên (Hà Nội 1999) ấn hành thì: trước làn sóng đấu tranh của thanh niên và nhân dân, Thiệu phải tuyên bố tình trạng chiến tranh và ra lệnh đóng cửa các trường học vào ngày 4.4.1966.

Nhưng những ngày tiếp đó, các trường đại học Y khoa, Dược khoa, Văn khoa, Khoa học vẫn thay nhau mở hội thảo chống đàn áp đồng bào miền Trung. Nguy hiểm cho Thiệu – Kỳ là phong trào bắt đầu xuất hiện công khai khẩu hiệu: US go home! (Mỹ hãy cút về nước!) ngay trước tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn trong cuộc biểu tình đông ngót 100.000 người ngày 1.5.1966. Khẩu hiệu kẻ bằng sơn trắng trên lòng đường chạy ngang trước tòa đại sứ.

Cuối tháng đó, Tòa lãnh sự Mỹ ở Huế nằm trên đường Đống Đa bị SVHS Huế đốt cháy rụi. Tại sân chùa Linh Sơn (Đà Lạt) vào thượng tuần tháng 5.1966 đã mở “phiên tòa” xử Johnson và McNamara về tội tăng cường chiến tranh Việt Nam cũng như ủng hộ Thiệu – Kỳ đàn áp Phật giáo đồ và SVHS yêu nước; đốt hình nộm của “hai tội phạm chiến tranh” trên!

Xu thế chống Mỹ lan khắp Huế – Đà Nẵng – Sài Gòn – Đà Lạt…khiến Hoa Thịnh Đốn lo ngại. Ngay trước khi điều đó bùng nổ, người Mỹ đã xót ruột muốn Thiệu – Kỳ phải nhanh chóng “giải quyết vấn đề nội bộ” nếu không sẽ “xét lại” thái độ của Mỹ về đường lối hiện hành. Nguyễn Cao Kỳ điểm: “Từ mồng 9 đến 20.4, tại Nhà Trắng có 5 phiên họp được triệu tập một cách khẩn trương vì cuộc khủng hoảng ở Nam Việt Nam và tại các phiên họp này, các thành viên trong chính quyền Mỹ đã duyệt xét lại các đường lối hành động mà Hoa Kỳ còn có thể áp dụng được”.

Đang bị phía Mỹ chăm chú quan sát và đang lúng túng vì “sự cố” do các tướng Thi, Đính, Cao và thị trưởng Mẫn gây ra làm vướng tay chân, Thiệu – Kỳ lại choáng váng trước tin tướng Nhuận, Tư lệnh Sư đoàn I bộ binh, công khai đi theo phong trào tranh đấu, lôi cuốn binh lính dưới quyền cầm súng gia nhập đội ngũ “quyết tử” miền Trung, khiến các cố vấn Mỹ “cảm thấy nghẹn ngào vì bất thình lình họ bị lâm vào tình trạng phải cố vấn cho những quân nhân quyết tâm muốn lật đổ chinh phủ mà người Hoa Kỳ đã cam kết ủng hộ”.

Nguyễn Cao Kỳ viết tiếp: “Một sư đoàn bộ binh (của tướng Nhuận) đã thực sự liên kết với những người Phật tử. Những lực lượng thuộc đặc khu Quảng Đà (của đại tá Đàm Quang Yên) cũng vậy”. Ông ta lo ngại: “Rồi đây họ sẽ tuyên bố vùng này (miền Trung) là một vùng tự trị”. Đài phát thanh, các cơ sở của thị xã và tổng hành dinh quân đội ở Đà Nẵng bị lực lượng tranh đấu chiếm giữ. Tình trạng cũng xảy ra cùng lúc ở nơi khác như Huế. Đặc biệt là sự kết hợp giữa “lực lượng tranh đấu” với cán bộ “Việt Cộng” trong hoạt động lật đổ chế độ Sài Gòn và đòi “Mỹ cút”, như nhận định của Cyrus L.Sulzberger: “Từ hai ngả khác nhau, những người Phật tử và Cộng sản đã gặp nhau tại ngã ba đường và bây giờ họ đã cùng nhau đi chung lối”. Nguyễn Cao Kỳ dẫn lời Sulzberger gọi biến động của Huế và Đà Nẵng là bệnh ung thư cần được “giải phẫu” gấp, nếu không “sẽ sụp đổ”.

Lời báo động đó và sự thèm muốn được thể hiện quyền lực “trung ương” của mình đẩy Kỳ đi nhanh đến quyết định dùng hung khí để “mổ thịt” miền Trung. Nhằm giữ bí mật, Kỳ triệu tập các chỉ huy quân sự trung thành họp lúc 3 giờ sáng ngày 14.5.1966 để phổ biến kế hoạch tập kích Đà Nẵng.

Theo lời Kỳ, cuộc tập kích huy động lực lượng quân sự hỗn hợp được phác thảo âm thầm và kín đáo bởi “một mình tôi” (!). Ông ta giao quyền chỉ huy hành quân cho viên tướng Tổng tham mưu trưởng quân đội Sài Gòn. Những đơn vị chỉ định tham dự tập kích bay ra Đà Nẵng trong đêm tối, lúc các lực lượng “quyết tử” đang còn ngủ. Yếu tố bất ngờ giúp mũi tiên phong của quân nhảy dù và thủy quân lục chiến lọt vào nội thành trước khi trời sáng. Người Mỹ ở các vị trí cố vấn kinh hoàng khi phát hiện một lực lượng đặc biệt của “quân đội Sài Gòn đang tấn công quân đội Đà Nẵng”. Tướng Lewis W.Walt “tỏ ra giận dữ trước cuộc tấn công trên vùng lãnh thổ mà Walt tự cho là mình chịu trách nhiệm nhưng không được biết trước”. Lúc đó, binh lính ly khai của Quân đoàn I đang hướng nòng pháo đến căn cứ không quân Đà Nẵng chực nhả đạn về phía máy bay đang đáp xuống…

14 – Nguyễn Ngọc Loan và Huỳnh Văn Cao trước cuộc đọ sức giữa bàn thờ và xe bọc thép

Nguyễn Cao Kỳ viết : “Một số binh sĩ thuộc Quân đoàn I đi theo những người Phật tử đã thực sự chĩa pháo của họ về phía căn cứ không quân Đà Nẵng khi máy bay của chúng tôi đáp xuống và đã đe dọa cho nổ súng.”

Từ trên cao, máy bay phe Kỳ quần thấp nhiều vòng quanh căn cứ pháo binh của quân đội ly khai để “thả xuống một thông điệp” đanh thép, đại ý bảo rằng nếu dưới đất phát pháo, “không đoàn máy bay khu trục và ném bom” sẽ hành động trả đũa bằng cách oanh kích san bằng căn cứ.

Xa xa, ngoài vòng đai sân bay, tiếng súng giao tranh nổ vang trên đường phố Đà Nẵng vọng đến tận bãi biển Honolulu, đánh thức tướng Westmoreland trong tuần nghỉ phép hiếm có. Ông được Washington báo tin tướng Kỳ vừa xua lực lượng đặc nhiệm từ Sài Gòn ra Đà Nẵng tập kích. Và lính nhảy dù, thủy quân lục chiến, có xe tăng yểm trợ đã tiến chiếm đài phát thanh, tòa thị trưởng, sở chỉ huy quân đoàn và các địa điểm then chốt.

Trước diễn biến nóng bỏng đó, Westmoreland được lệnh ngưng ngay đợt nghỉ phép với gia đình trước thời hạn. Bộ trưởng Quốc phòng McNamara yêu cầu ông tức tốc về lại Sài Gòn vào ngày 20.5.1966, khi cuộc tập kích đã qua giai đoạn mở đầu. Ông ghi chép nhiều sự việc trước và sau khoảng thời gian ấy trong hồi ký xuất bản năm 1975 tại NewYork. Trong đó có các chi tiết liên quan đến xung đột giữa Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát quốc gia của chế độ Sài Gòn và Huỳnh Văn Cao, Tư lệnh Quân đoàn I, quanh quyết định tấn công chùa chiền và đạp đổ “bàn thờ Phật xuống đường”.

Westmoreland viết là vào lúc Huế, Đà Nẵng lâm vào tình trạng gần như “vô chính phủ”, Huỳnh Văn Cao vẫn làm Tư lệnh Quân đoàn I về danh nghĩa . Theo Westmoreland, thâm tâm Cao không muốn nhậm chức tại vùng đất đang sôi sục ngoài Trung. Một lần Cao “chấp nhận” bay ra Huế trên chiếc trực thăng cùng phụ tá cố vấn cao cấp Arch Hamblen, Cao cố gắng thuyết phục một cách yếu ớt các sĩ quan Sư đoàn I và sinh viên học sinh Huế lại là Phật tử. Gia đình họ theo Phật giáo lâu đời, cha mẹ anh chị em và bà con họ đang tham gia đấu tranh chống Thiệu – Kỳ, đòi bầu cử dân chủ, nên lời nói của Cao còn khoảng cách rất xa mới đến được “bàn thờ Phật”. Cao và cố vấn Hamblen quay về Đà Nẵng. Westmoreland thuật :

“Sắp lên máy bay thì một đám đông khoảng 100 sinh viên và lính tráng ùa tới. Chiếc trực thăng khởi động chực nhích khỏi mặt đất thì một sĩ quan Nam VN cấp bậc trung úy rút khẩu súng cỡ 45 bắn hai phát vào cánh quạt đằng đuôi máy bay. Lính Mỹ gác súng máy ở cửa máy bay, theo hiệu lệnh của cố vấn Hamblen, liền nổ súng giết viên trung úy Nam VN. Mặc dù bị hư hỏng, chiếc trực thăng vẫn được viên phi công cố lái vượt thoát lên rồi tìm cách hạ xuống bên ngoài thành phố để chuyển những người đi trên máy bay sang chiếc trực thăng hộ tống”.

Cao hiện rõ lo lắng trên chuyến bay về Đà Nẵng, có lẽ tái xanh mặt vì chuyện vừa rồi, khiến Westmoreland ấn ngòi bút nhiếc: “Cao quá tồi!”. Về Đà Nẵng, Nguyễn Ngọc Loan bấy giờ được Kỳ cử ra miền Trung chỉ huy cảnh sát “chống nổi loạn” đã bất thần tự tung tự tác hạ lệnh tấn công các chùa chiền mà Loan cho rằng nằm trong tay “bọn ly khai” có vũ trang. Các đợt tấn công rất ác liệt do không quân đảm nhiệm mà Nguyễn Chánh Thi lúc đó đang có mặt ngoài Trung ghi nhận là khó mà đếm hết một lượt số “chùa chiền và nhà cửa bị trúng bom cháy rụi!”.

Quyết định Nguyễn Ngọc Loan khiến Cao ức lắm. Vì Cao là người Công giáo, sợ rằng tấn công chùa sẽ khơi dậy lời đồn “đàn áp tôn giáo”.  Nên lúc đầu, Cao dè dặt, tránh né và từ chối ra lệnh tấn công đó. Thế mà Loan dám làm. Cuộc xung đột của Cao và Loan dẫn đến cãi vã tay đôi tại một địa điểm chỉ huy của Quân đoàn I. Hồi ký Westmoreland kể : “Cố vấn Hamblen “đã nhìn qua cửa sổ thấy Loan đang chống nạnh tranh luận hùng hổ với Cao trong khi các sĩ quan đi đi lại lại, một người khác đứng sau Cao đang vung một khẩu súng lục gần đầu Cao (ý chừng sắp bắn), Hamblen chạy vội lại ….  Về sau Cao nhắc việc Hamblen cứu mình thoát chết”.

Cao xin tỵ nạn chỗ tướng Walt, hàng ngày ẩn mặt trong văn phòng Thompson, hầu như không làm gì ngoài cầu nguyện. Ông chỉ tin Chúa lòng lành trên cao kia, còn dưới đất, Westmoreland viết: “Cao nói ông không tin người Việt Nam nào, trừ vợ ông” (!!!).

Thế người Mỹ? Cao phó mặc cố vấn Hamblen thay mình mọi sự, quá là hợp lý. Westmoreland: “Cứ để Cao ẩn náu trong sở chỉ huy của Mỹ, đồng thời về danh nghĩa cứ để ông ta làm tư lệnh Quân đoàn I là có lợi vì nó cho phép Arch Hamblen  thực tế nắm quyền chỉ huy Quân đoàn I” (!). Khi Cao lọt hẳn sau cánh lá chắn của sở chỉ huy Mỹ, Loan ở bên ngoài mặc tình tiếp tục đánh phá chùa chiền , đàn áp Phật tử, sinh viên học sinh, thỏa tính hung hãn. Loan là tay hiếu sát mà sau này người ta gớm mặt, khi Loan tự tay giương súng bắn vào đầu tù binh trên đường phố Sài Gòn đầu xuân Mậu Thân 1968. Còn dạo đó, theo Tiếng hát những người đi tới “Báo Thanh Niên – Báo Tuổi Trẻ – Nhà Xuất Bản Trẻ 1993): “lần đầu tiên ngày 7.6.1966, đồng bào Phật tử Huế huy động nhà nhà đưa bàn thờ xuống đường làm chướng ngại vật. Biện pháp này gây xúc động tâm lý trong nhân dân, nhưng đối với bọn Nguyễn Ngọc Loan thì không ăn thua gì. Y ra lệnh cho xe tăng …tới luôn!”.

Kết quả cuộc đọ sức giữa các bàn thờ bất động với xe bọc thép, dĩ nhiên lư hương, tượng Phật phải ngã lăn lóc bên đường. Về phía Mỹ, Washington đã chỉ thị cho tướng Walt phải giữ “thái độ trung lập” đối với hai phe “nội chiến”. Nhưng thật khó giữ điềm tĩnh trong cảnh lửa bỏng và cuộc va chạm đầu tiên giữa thủy quân lục chiến Mỹ với binh lính Nam Việt Nam xảy ra đến bên bờ sông Hàn vào ngày 18.5.1966 khi khối chất nổ lớn được cài dưới chân cầu với lời đe dọa sẽ kích hỏa để diệt một toán quân Mỹ sắp ngang qua.

15 – Hai cuộc chạm trán của tướng Walt với tư lệnh hai phe “nội chiến”

Thủ tướng Nam VN Nguyễn Cao Kỳ (trái) tham dự lễ tấn phong Thiếu tướng Huỳnh Văn Cao (phải) là chỉ huy quân sự mới để trấn áp nổi loạn tại Đà Nẵng, ngày 18.5.1966

Lẽ nào quân ly khai đóng bên kia cầu lại đi khiêu khích lính thủy đánh bộ Mỹ gác bên này sông Hàn? Họ không dại gì làm như thế. Để tìm hiểu nguyên do và làm dịu bớt “khối chất nổ”, tướng Walt quyết định đích thân ra giữa cầu gặp tư lệnh quân ly khai, nói “lập trường trung lập” của Mỹ và thuyết phục hãy gỡ bỏ chất nổ cài sẵn dưới chân cầu.

Ngay lúc đó, một sĩ quan công binh do tướng Walt sắp đặt trước lặng lẽ luồn xuống gầm cầu, bò tìm các dây điện gây nổ nằm quanh đó và cắt bấm chúng đi. Xong việc, viên sĩ quan Mỹ ra tín hiệu để tướng Walt biết. Walt không dài dòng nữa và “hẹn cho viên tư lệnh Việt Nam (phe ly khai) trong vòng 5 phút phải rút quân đi và gỡ bỏ chất nổ”. Giọng tướng Walt đầy cứng rắn, lệnh, và chờ … mãi mấy phút vẫn thấy “Viên tư lệnh Việt Nam im lặng”! “Viên tư lệnh” này đang chờ đợi một cái chết “quyết tử” và mang theo tướng Walt đi cùng? Đúng vậy, Westmoreland kể tiếp :

Lúc giờ hẹn đã đến, viên tư lệnh quân ly khai nói (với tướng Walt): “Này thưa ông, chúng ta sẽ cùng chết với cây cầu này!” rồi đưa tay phải lên cao như tuồng ra hiệu giật sập cầu … Nhưng ông ta không hay biết gì về khối thuốc vừa bị bứt khỏi dây dẫn điện và đang nằm bất động, im lìm, không nổ được. Phần tướng Walt dẫu biết khối nổ được sĩ quan công binh của mình vô hiệu hóa, nhưng vẫn hồi hộp chẳng hiểu công việc có mỹ mãn hay không. Thật mỹ mãn, khi dứt lời cầu nguyện ngẩng lên, Walt “thấy người lính Nam Việt Nam ở phía đầu cầu bên kia ấn chiếc phao lặn xuống” và một tiếng nổ kinh hoàng tiếp đó? Không, không có gì, chiếc cầu không bị giật sập, và lính Mỹ được lệnh băng qua phía bên kia để làm nhiệm vụ của họ.

Sau chuyện đó, tướng Walt rời thế “trung lập” lần nữa để “nhúng tay” can thiệp khi quân ly khai chiếm giữ kho đạn chứa hàng tấn chất nổ nằm ở ngoại ô Đà Nẵng. Quân trung thành của Kỳ và Thiệu dọa tiến chiếm lại kho đạn trên. Ở đỉnh điểm tinh thần “quyết tử”, các sĩ quan ly khai tuyên bố sẽ cho nổ tung kho đạn, không chừa một viên nào cho Kỳ – Thiệu săn thỏ cả, hoặc là họ sẽ tập trung phân phát hết cho dân chúng bạo động, chặn đánh đối phương, như vậy thiệt hại khó lường trước.
Walt thương lượng để “vô hiệu hóa” kho đạn chia sẻ quyền bảo vệ khu vực chung quanh. Bấy giờ, theo Westmoreland: “Vì các trận đánh trên đường phố Đà Nẵng thỉnh thoảng lại nổ ra, Thủ tướng Kỳ đã ra lệnh cho máy bay của không quân Việt Nam tấn công các ổ đề kháng còn lại”, Walt quay qua thuyết phục người chỉ huy không quân địa phương trung thành với “chính phủ” hãy hủy bỏ kế hoạch bắn phá bằng rốc-kết, hoặc bằng bom Mỹ, nhằm bảo vệ an toàn và mang lại cảm giác bình yên hơn cho nhân viên dân sự Mỹ tại Đà Nẵng.
Đã có lần Nguyễn Cao Kỳ nhắc tới trường hợp Walt căng thẳng với tướng tổng tham mưu trưởng của Kỳ ngoài Trung. Tướng đó gọi dây nói về Sài Gòn thuật lại: “Walt yêu cầu tôi ngưng cuộc hành quân và nếu chúng ta tiếp tục sử dụng máy bay yểm trợ, ông ta đe dọa sẽ cho máy bay Hoa Kỳ bay lên để bắn rớt các máy bay của chúng ta”.
Nghe báo cáo, Kỳ vội liên lạc với đại sứ Cabot Lodge để hỏi xem Hoa Kỳ có chủ trương nhúng tay ngăn cản ông tiến hành tập kích Đà Nẵng không. Đại sứ Lodge cách đó không lâu bảo Kỳ là Nhà Trắng tin tưởng vào giải pháp “cứng rắn” của Kỳ, nên trả lời: Washington sẽ có chỉ thị thêm và cụ thể cho Walt hành động đúng mức. Kỳ vẫn chưa yên tâm và bay ra Đà nẵng xem sao. Ở đó Kỳ và Walt đụng độ nhau “nảy lửa” trước khi họ chịu ngồi chung với nhau trong bữa ăn có “chai tương ớt Tobasco trên bàn” như Kỳ quan sát và kể lại đầy thích thú. Kỳ kể sau này Walt và Kỳ thân lắm, mỗi tháng Walt đều gởi cho Kỳ một thùng tương ớt Tobasco mà Kỳ rất ưa dùng, cho đến ngày 30.4.1975 vẫn còn cả chục thùng Walt gởi để lại Việt Nam.

Phần Westmoreland thuật hôm Walt yêu cầu viên tư lệnh không quân của Kỷ ở Đà Nẵng ngưng bắn phá nhưng bị từ chối với lý do cấp chỉ huy cao nhất của ông ta ở Sài Gòn (Kỳ) không chấp thuận, Walt đã hạ lệnh theo dõi và báo ngay giờ cất cánh sắp tới của máy bay. Không lâu sau, ông được biết một số đã rời phi đạo đi bắn phá, tức khắc ông ra lệnh báo động cho 4 chiếc phản lực Mỹ sẵn sàng bay lên.

Rủi ro đã đến “máy bay Việt Nam bắn rốc-kết vào quân ly khai ở gần một doanh trại của lính đánh bộ Mỹ, ba phát rốc-kết đã nổ lạc vào doanh trại làm ba lính Mỹ bị thương”. Walt nóng người ra lệnh hai máy bay Mỹ xuất phát, vượt lên trên các máy bay Việt Nam để chiếm độ cao ưu thế và liên lạc thông báo khẩn với tư lệnh không quân Đà Nẵng là “nếu bắn thêm một quả đạn rốc-kết nào nữa, sẽ ra lệnh để máy bay Mỹ nổ súng đáp lại từ trên không…” Westmoreland viết tiếp: “Không dễ dàng chịu khuất phục, viên tư lệnh Việt Nam cho 4 máy bay cất cánh bay cao hơn máy bay phản lực của lính thủy đánh bộ Mỹ” hình thành tầng máy bay thứ ba trên không trung.

Không dừng lại, tướng Walt kiên quyết đưa thêm hai chiếc phản lực của mình vút lên, lập tầng thứ tư cao hơn nữa!

Cuộc bay lượn đầy sát khí trên bốn tầng mây kéo dài ngót hai tiếng đồng hồ. Chỉ cần một phút không kiềm chế, thậm chí vài giây không chiến, mối tình “tương ớt Tobasco” giữa tướng Walt và Kỳ hẳn phải chảy đầy một quá khứ chua cay!

16 – Miền Trung: “con rắn khổng lồ” trong ác mộng của Nguyễn Cao Kỳ

Tướng Westmoreland cùng tổng thống Mỹ Lyndon Johnson trong chuyến viếng thăm Nam VN tháng 10.1966. Đón tiếp là trung tướng Nguyễn Văn Thiệu và thủ tướng VNCH Nguyễn Cao Kỳ

Bầu trời yên tĩnh lại sau khi máy bay chiến đấu của phe Kỳ quay về căn cứ và tướng Walt cũng lệnh đội phản lực của mình thôi bay. Họ ngưng lườm nhau để cùng nhìn về một hướng: nơi cuộc khủng hoảng lan rộng thành đợt đấu tranh chính trị kéo dài 100 ngày, từ tháng 3 đến quá tháng 6.1966

Hơn 3 triệu 30 vạn lượt người thuộc 4 thành phố lớn và 29 thị xã của miền Nam xuống đường biểu tình, bãi khóa, bãi công, bãi thị liên tục. Theo Địa chỉ văn hóa thành phố Hồ Chí Minh (Trần Văn Giàu – Trần Bạch Đằng – Nguyễn Công Bình chủ biên) Sài Gòn có 800.000 người tham gia; toàn đợt bắt đầu từ việc phản đối Thiệu – Kỳ cách chức Nguyễn Chánh Thi, phát triển đến chỗ đòi lật đổ chế độ Sài Gòn, đòi quân Mỹ rút khỏi miền Nam Việt Nam! Trong 33 thành phố, thị xã đứng lên; sôi sục mở đầu là Huế, Đà Nẵng. Dải đất ven biển miền Trung thành nỗi ám ảnh của Kỳ:

–        Theo tôi bờ biển miền Trung giống như một con rắn.

Kỳ nói tiếp với Walt: “Tôi đã không muốn giết chết con rắn này, việc mà tôi có thể làm được nếu tôi tấn công Huế…”

Huế, thành phố mà Westmoreland nhắc đến trong hồi ký A soldier reports (NXB Trẻ đã in một phần dưới nhan đề Tường trình của một quân nhân, trích bản dịch của Phòng khoa học Quân khu 9, không để tên người dịch. Chúng tôi sử dụng trích dẫn theo bản đó), với câu trả lời không chút do dự khi Tổng thống Johnson hỏi ông tại khách sạn Honolulu hồi đầu năm 1966 là “Nếu ông là cộng sản, sắp tới ông sẽ làm gì?”.

–        Chiếm Huế?

Kế đó vào tháng 3.1966, lực lượng đặc biệt bị đánh bật khỏi thung lũng A Shau mở một cửa cho “đối phương” phóng tầm nhìn tiến về Huế. Khủng hoảng chính trị miền Trung ngăn cản việc xây dựng một sân bay gần Huế nhằm mục đích quân sự trong đó có việc chuyển quân, tiếp tế, bảo vệ cố đô khi bị tấn công. Ngưng xây vì “sân bay mới này đòi hỏi phải chuyển đi cả nghìn ngôi mộ. Đại sứ Lodge đã yêu cầu tôi hủy bỏ dự án này vì sợ các phần tử ly khai nắm lấy để kích động dư luận thêm nữa”.

Đại sứ Lodge thấy mục tiêu của dân chúng và sinh viên học sinh trong đấu tranh không dừng lại chỗ “bênh vực tướng Thi” mà tiến xa tới khẩu hiệu “chống Mỹ” nên ông thận trọng và yêu cầu Westmoreland như trên. Westmoreland cũng biết điều đó. Ông ghi nhận chưa đầy 24 giờ sau khi tướng Thi bị cách chức, hàng ngàn thanh niên học sinh Đà Nẵng xuống đường biểu tình, đòi trả lại chức vụ cho Thi, thị trưởng Đà Nẵng đồng tình, không ngăn cản, tuy nhiên:

Điều đó (chỉ việc tướng Thi bị cách chức) không phải là nguyên nhân mà chỉ là cái cớ mà sinh viên và Phật giáo viện ra để châm ngòi nổ cho sự bất mãn của họ và tranh thủ cho sự ủng hộ đối với mục tiêu của họ là gạt bỏ chính phủ quân sự ở Sài Gòn”.

Và thành phố Huế là “nơi sinh viên đã chiếm Đài phát thanh của chính phủ, phát liên tục những lời tố cáo chính phủ. Các khẩu hiệu chống Mỹ bằng tiếng Anh nhằm khiêu khích gây những vụ xung đột với lính Mỹ xuất hiện trên các đường phố của hai thành phố (Huế và Đà Nẵng)”. Đòi Mỹ rút khỏi miền Nam là nội dung “chạm nọc” Westmoreland. Nữ sinh Nguyễn Thị Vân, 17 tuổi, học trường Bồ Đề, tự thiêu ngày 31.5.1966 tại Huế. Các cuộc đàn áp dữ dội những ngày sau đó  không dập tắt hẳn ngọn lửa đấu tranh chuyền cháy về lâu dài nên Kỳ vẫn mơ “thấy rắn” mà Huế là “đầu rắn” (chữ Kỳ dùng trong hồi ký). Chắc hẳn Kỳ nhập tâm về chuyến ra Huế bị đại diện các đoàn thể nhân dân vạch tội đòi trị “cho biết tay”. Thêm tướng ba sao Phạm Xuân Chiểu do Kỳ phái ra bị sinh viên Huế “bắt sống” làm Kỳ nhức nhối.

Phạm Xuân Chiểu mang lon thiếu tướng từ thời Ngô Đình Diệm. Ông được Trần Văn Đôn mời soạn thảo các kế hoạch hoạt động chính trị và văn hóa hồi “tiền đảo chánh 1.11.1963” . Từ năm 1956, ông Diệm hỏi Trần Văn Đôn: “Trong hàng ngũ tướng lãnh toàn là người Nam và người Trung. Không có người Bắc. Ông thấy thế nào?”. Lúc đó Phạm Xuân Chiểu là đại tá, người Bắc vào , ông Đôn đáp: “Tôi thấy người có khả năng nhất trong số các đại tá là ông Phạm Xuân Chiểu”.

Sau ông Chiểu được phong tướng, làm tham mưu trưởng liên quân. Dầu ông Diệm không tin dùng như các tướng khác, nhưng Phạm Xuân Chiểu vẫn trụ được dưới triều Ngô qua những đợt thanh trừng lớn. Chừng đó thôi, Nguyễn Cao Kỳ đã bái huynh rồi. Khi Kỳ làm thủ tướng, xảy ra biến động ngoài Trung, phái ông Chiểu mang thư ra trao Nguyễn Chánh Thi, luôn tiện dò xem tình hình của “rắn”.

Ai ngờ ra Huế chưa kịp thở, Chiểu bị đồng bào sinh viên học sinh bao vây, buộc xuống xe hơi, lên xe xích lô về “nghỉ ngơi” ở trụ sở của lực lượng sinh viên tranh đấu Huế” – bị quản thúc ở đó 3 ngày với sự canh giữ của sinh viên đấu tranh – và “sau khi được thả về Sài Gòn, bị mất chức Tổng thư ký hội đồng quân lực”. Nguyễn Cao Kỳ hẳn phải e dè với Huế sau những vụ như vậy. Huống gì, tại nơi mà Nguyễn Cao Kỳ cho là đang cố chứng minh “trái tim của phong trào tranh đấu” đã sớm tập hợp tiếng nói trí thức qua nhóm Việt Nam Việt Nam: “Mỗi cái chết đều chứa đựng một sự thật. Đã có hàng triệu người Việt Nam chết trong cuộc chiến tranh trên đất này; nên cũng có hàng triệu sự thật cần được nói”.

Và sự thật làm Kỳ-Thiệu hoảng sợ là nhóm đã vạch rõ chính Mỹ và những “đồng minh” đưa quân vào Việt Nam đã gây cảnh chết chóc và miền Nam là “một xã hội bệnh hoạn lâu năm”  cần được giải phẫu, cắt bỏ những khối u như chế độ của Kỳ và Thiệu. Để át những tiếng nói tương tự, Kỳ ra lệnh tiếp tục nổ súng. Ngày 20.5.1966, một số khu vực quanh Đà Nẵng tan hoang…

17 – Miền Trung với cuộc dàn trận của 2.000 quân ly khai chống Thiệu – Kỳ

Lính thủy đánh bộ Mỹ được sự yểm trợ của xe tăng trên chiến trường miền Trung 1966

Cuộc tập kích Đà Nẵng bằng lực lượng quân sự hỗn hợp được phác thảo bởi “một mình tôi” (!). Kỳ viết như vậy và nhấn mạnh: “Đây là một kế hoạch được giữ bí mật cho đến độ mà ngay cả tướng Thiệu tôi cũng không cho biết”.

Đối với Mỹ, Kỳ cân nhắc có nên tiết lộ hay không và mãi đến giờ G người Mỹ vẫn chưa được thông báo gì cả. Lúc toán quân đầu tiên chạm cửa ngõ Đà Nẵng vào một đêm giữa tháng 5.1966 đại sứ Lodge không có mặt tại Việt Nam. Ông đang ở Mỹ. Đến khi nhiều vị trí then chốt mang tính chất quyết định thành bại của cuộc tiến quân lọt vào tay phe Kỳ, đại sứ Cabot Lodge mới quay lại Sài Gòn, nhằm 20.5.1966, tỏ lời hân hoan:

–         Tôi lấy làm vui sướng biết được thủ tướng (Kỳ) đã lấy quyết định hành quân ra miền Trung. Nếu thủ tướng không làm việc đó, có thể thủ tướng đã khiến cho tôi thất vọng.

Vậy thì đại sứ Mỹ đã đặt “hy vọng” vào “thái độ cứng rắn” của Kỳ từ trước khi Kỳ “làm việc đó”. Nghĩa là ông Lodge ủng hộ giải pháp vũ lực nhằm dập tắt khủng hoảng ngoài Trung và nói ra rõ ràng để Kỳ yên tâm tiếp tục cuộc hành quân “bí mật”. Về phía Westmoreland, tư lệnh trưởng bộ chỉ huy viện trợ Mỹ tại Sài Gòn (MACV), đã “theo dõi chặt chẽ cuộc khủng hoảng” và tại sao bỗng rời Việt Nam đi nghỉ mát với gia đình tại bãi biển Honolulu chỉ một, hai ngày trước khi xảy ra cuộc tập kích?

Hồi ký Westmoreland cho biết ông “đã bàn bạc thường xuyên với Thiệu” và nhiều người khác trong bộ máy cầm quyền của Sài Gòn. Tướng Walt, các cố vấn Arch Hamblen, Samuel Thomson … đều được tham khảo trực tiếp về diễn tiến của biến động ngoài Trung. Các nhân viên quân sự Mỹ được lệnh không được lai vãng vào Huế và Đà Nẵng để đề phòng bất trắc.

Westmoreland chỉ thị “cố vấn Mỹ và tất cả mọi phương tiện yểm trợ của Mỹ phải rút ra khỏi bất cứ đơn vị nào của quân đội Nam Việt Nam không còn tuân theo mệnh lệnh của chính phủ (Sài Gòn) mà lại đi giúp đỡ những người ly khai”.

Ông ta gợi ý với đại sứ Lodge cần nêu rõ với tướng Kỳ sự lo ngại của Mỹ về 228 người Mỹ ở vùng Quân đoàn I đã chết ngoài mặt trận trong vòng 3 tuần lễ xảy ra xáo trộn tại nội thành: “Tôi cho môt sĩ quan tình báo báo cáo với các nhà lãnh đạo Nam VN về mối đe dọa của Việt cộng và Bắc Việt Nam đang tăng lên ở vùng Quân đoàn I đồng thời gợi ý chuyển tin này cho thị trưởng Đà Nẵng, nhà sư Thích Trí Quang, để họ dùng ảnh hưởng chấm dứt các cuộc biểu tình”.

Nhưng vô hiệu, phong trào bùng nổ dây chuyền, lan đến Sài Gòn, Pleiku, Nha Trang, Đà Lạt, nguy hiểm hơn khi “một số chỉ huy quân đội Nam Việt Nam ở địa phương bắt đầu phát súng đạn cho sinh viên. Điều rắc rối hơn hết là hôm 2.4, 3.000 quân thuộc Sư đoàn I quân đội Nam Việt Nam mặc quân phục diễu hành qua các đường phố ở Huế sau đội quân nhạc của sư đoàn, hô các khẩu hiệu đòi lật đổ chính phủ”.

Hai ngày sau, vào 4.4 (hơn một tuần trước cuộc tập kích), Thiệu – Kỳ đưa 3 tiểu đoàn thủy quân lục chiến ra Đà Nẵng “biểu dương lực lượng”. Giờ xuất phát, họ đã báo trước để Westmoreland biết là “quân Sài Gòn” sẽ chiếm đóng căn cứ không quân. Nhưng không dễ gì, vì lực lượng ly khai ở Đà Nẵng giương súng về phía họ, và bóng ma nội chiến treo lơ lửng trên các cỗ pháo tầm xa. Những giờ phút căng thẳng của vụ việc được tướng Westmoreland viết lại trong Tường trình của một quân nhân (A Solider report). Chúng tôi tóm lược dưới đây dựa vào bản dịch của Phòng Khoa học Quân khu 9.

Chỉ huy trưởng biệt khu Quảng Đà: Đại tá Đàm Quang Yêu với 4 khẩu “Đại tá ru êm”.

Trước ngày đưa quân ra Đà Nẵng bằng máy bay C-47 của Mỹ, Nguyễn Cao Kỳ họp báo tại Sài Gòn. Ông ta nói quanh co, đôi lúc trả lời các nhà báo bằng những câu không ăn khớp với điều được hỏi. Hồi ký Nguyễn Chánh Thi ghi lại chất vấn của một ký giả ngoại quốc:

–         Ông nói rằng Cộng sản đã chiếm Huế và Đà Nẵng, có thật thế không?

Kỳ đáp dường như chỉ để “Kỳ nghe” còn các ký giả bị “tịt ngòi”:

–         Đó là chuyện của người Việt Nam.

Đã là chuyện “nhà” vậy nói ra “ngoài phố” làm gì?

Kỳ muốn “thuyết trình” về lý do tiến quân (đợt 1 vào 4.4) ra Đà Nẵng, nhưng những lời công kích của ông được thuật lại trên đài phát thanh Sài Gòn càng làm không khí miền Trung thêm oi bức. Phản ứng quyết liệt và tức khắc của phe ly khai đối với lực lượng do Kỳ mới đưa tới Đà Nẵng là tiến quân bao vây.

Theo Westmoreland, “một lực lượng ly khai của quân đội Nam Việt Nam gồm khoảng 2.000 quân dưới quyền chỉ huy của đại tá Đàm Quang Yêu” di chuyển nhanh về hướng căn cứ không quân, nơi thủy quân lục chiến của Kỳ mới từ Sài Gòn ra trú đóng. Một nửa số quân của đại tá Yêu “vượt khỏi một chiếc cầu cách Đà Nẵng mấy dặm”, một nửa khác còn nằm bên kia sông đang tiếp tục khởi động tiến theo.

Chính lúc đó, tướng Walt muốn cản họ lại để hai bên đừng nổ súng vào nhau. Mặc dù trước đó Westmoreland lưu ý tướng Walt hãy giữ “thái độ trung lập”, không can thiệp vào cuộc khủng hoảng, nhưng Walt thấy cần “làm một cái gì đó” ngăn cản đổ máu sắp diễn ra trước mắt. Và đại đội thủy quân lục chiến Mỹ đã tự lật nhào một chiến xe tải ngay trên lòng cầu chặn đường tiến của quân ly khai còn lại. Họ muốn đại tá Yêu dừng chân để cùng tướng Walt bàn bạc cách gì đó nhằm dàn xếp “hòa bình” với phe Kỳ đang đóng trong sân bay.

Nhưng đại tá Yêu, người từng dọa bắt nhốt Nguyễn Cao Kỳ vào quân lao Đà Nẵng, nhất quyết ra lệnh “chĩa 4 khẩu đại pháo vào căn cứ không quân”. Để ngăn chặn lại, đại tá John Chaisson đã hối hả và “cố ý cho máy bay lên thẳng của mình hạ trước mũi cỗ đại bác của đại tá Yêu, trong đó có 2 khẩu 155mm”.

Chaisson là sĩ quan do tướng Walt phái đến gặp đại tá Đàm Quang Yêu, với nhiệm vụ ngăn không để quân ly khai khai hỏa. Hai người, Chaisson và Yêu, trò chuyện trong tiếng máy bay ném bom của Mỹ đang lượn trên đầu họ. Để tăng thêm độ mặn của buổi đối thoại ngoài trời, phía Chaisson “trung lập” dựng một hàng rào bảo vê “hòa bình” bằng dãy đại bác nằm đối mặt với các nòng pháo của Yêu, ngấm ngầm tỏ thái độ: “Nếu Yêu ra lệnh bắn vào sân bay, đại bác Mỹ sẽ “lên tiếng” can thiệp!”.

Hàng trăm lính Mỹ bận đồ rằn ri xanh được tung tới nằm phục tại các vị trí quanh đó. Chaisson hỏi nếu đạn pháo rót thẳng vào căn cứ không quân Đà Nẵng, liệu máy bay của Mỹ đậu trên phi đạo và cả người Mỹ trong khu vực không bị “văng miểng” chứ? Chẳng ai dám đoan chắc. Chaisson nói:

–         Chúng tôi không muốn thấy máy bay Mỹ và sinh mạng người Mỹ bị đại bác của chính người Mỹ cấp cho người Việt Nam hủy diệt!

Vì thế người Mỹ không để yên cho các cỗ đại bác đang hướng nòng về phía họ khai hỏa mà “sẽ nổ tung” dập tắt. Mặc Chaisson, đại tá Yêu không tỏ chút nhượng bộ nào và “các pháo thủ của ông bắt đầu mở hòm đạn, đặt ngòi nổ để chuẩn bị bắn”. Phía pháo binh Mỹ động đậy đáp trả. Chaisson buông lời cảnh cáo cuối cùng vọt lên máy bay dạt ra xa.

18 – Bắt hai tướng Đính và Thi sau “cuộc cờ tàn”

Tướng Tôn Thất Đính (giữa) cùng tướng Nguyễn Chánh Thi bị điều về Sài Gòn giam ở số 2 Tú Xương

Chiếc trực thăng chở đại tá John Chaisson (sau là thiếu tướng giám đốc trung tâm hành quân chiến đấu thuộc Bộ tham mưu của tướng Walt ở Đà Nẵng) bốc lên cao, ra khỏi cụm pháo sắp nhoáng lửa và bay nhanh về bên kia sông.

Đứng bên này đại tá Đàm Quang Yêu nghĩ nếu ông khai hỏa, máy bay Mỹ trong căn cứ không quân tất bị hư hại, quân Mỹ chết lây, chừng đó Mỹ phản ứng bằng những trận mưa pháo mà Chaisson cảnh cáo là sẽ trút xuống cùng lúc với bom hạng nặng. Nếu 2.000 quân ly khai dưới quyền ông “quyết tử” vì trận huyết chiến với lực lượng Thiệu – Kỳ – Có từ Sài Gòn đưa ra ắt họ sẵn lòng, nhưng đằng này do sự va chạm có thể tránh được với Mỹ thì hãy kiềm chế đã. Đại tá Yêu bàn với sĩ quan tùy viên của mình đình chỉ bắn phá sân bay. Cách đó không xa lắm, các pháo thủ Mỹ chưa hay biết quyết định trên của đại tá Yêu nên họ vẫn đứng yên cạnh các cỗ đại pháo chờ nã đạn đáp trả.

Dưới cái nắng gay gắt giữa trưa, tình trạng căng thẳng kéo dài hầu như không thể chấm dứt được. Thần kinh mọi người đang căng thì lính thủy đánh bộ Mỹ nhìn qua ống nhòm thấy đàm pháo thủ (quân ly khai) dừng lại, không chuẩn bị bắn nữa mà tháo ngòi nổ và bỏ các quả đạn vào hòm. Cuối cùng, cơn khủng hoảng trước mắt cũng qua đi. Westmoreland, viết tiếp là sau đó mặc dầu bầu không khí ở Huế, Đà Nẵng vẫn ngấm ngầm chờ bộc phát nhưng dẫu sao cũng yên tĩnh hơn những cuộc dàn quân rầm rộ và “tôi đã lợi dụng dịp yên tĩnh này đáp máy bay sang Honolulu ngày 12.5” nghỉ mát ở bãi biển với gia đình.

Nhưng ông phải trở lại Việt Nam sau đó mấy ngày, chứng kiến thảm cảnh cuộc tập kích “giải phóng Đà Nẵng” (chữ Kỳ dùng) với những đợt bắn phá, bỏ bom của không quân xuống chùa chiền, doanh trại quân ly khai, bắn thẳng vào dân chúng đấu tranh và đàn áp triệt để lực lượng thanh niên sinh viên học sinh yêu nước từ nơi ẩn náu.

Tại Sài Gòn, Đại hội sinh viên “Chống nội chiến miền Trung” tổ chức ngày 24.5.1966. Sau buổi đại hội, sinh viên tràn xuống đường, xông đến trụ sở Tổng hội sinh viên Sài Gòn (lúc bấy giờ đang do Thiệu – Kỳ khống chế đưa người vào khuynh loát) buộc Tô Lai Chính từ chức. Lực lượng sinh viên nắm quyền chi phối tổng hội từ đó.

Đứng lên cùng phong trào Huế và Đà Nẵng, từ 1.6 đến 4.6, Lực lượng thanh niên sinh viên học sinh tranh thủ dân chủ bao vây và chiếm giữ Đài phát thanh Đà Lạt. Bị tấn công lấy lại, trước khi rút lui, sinh viên học sinh đã đốt cháy rụi đài phát thanh trên. Sau chiếc xe Mỹ đầu tiên bị sinh viên đốt tại Viện hóa đạo Sài Gòn vào tuần đầu tháng 5.1966, thanh niên vùng Bàn Cờ – Ngã Bảy (được xem là căn cứ địa đấu tranh) tỏa ra truy tìm xe Mỹ từ ngày 16.6.1966 và đốt cháy 10 xe, giết chết công an Kiều Công Hai, dựng chướng ngại vật, lập phòng tuyến làm chủ “khu tứ giác” Bàn Cờ suốt mấy tuần lễ. Thiệu – Kỳ phải cho loan báo trên Đài phát thanh Sài Gòn dọa sẽ kết án tử hình những ai lãnh đạo đấu tranh.

Vào đoạn cuối biến động đẫm máu ngoài Trung, Huỳnh Văn Cao từ nơi ẩn náu an toàn đã ký lệnh tấn công chùa chiền, ra lời kêu gọi quân ly khai buông súng. Cầm các bản in lời kêu gọi với chữ ký của Cao, phụ tá cố vấn cao cấp Arch Hamblen và Thomson đi từ đồn bót này đến các đơn vị khác thuyết phục. Đang lúc đó, xe tăng và phi pháo của Kỳ phái tới vẫn thi nhau khạc đạn vào các ổ kháng cự. Đến ngày 23.5, Đà Nẵng tạm yên tĩnh trở lại. Khi đó, Huế đang bị phong tỏa. Các đường vận chuyển thực phẩm và hàng nhu yếu trên bộ trên biển bị Kỳ ra lệnh cắt đứt từ trước. Thay vì đổi gạo, thuốc men, dầu thắp và nhiều vật dụng thiết yếu khác, Kỳ lại gửi quân nhảy dù bất thần đến cố đô ngày 15.6, làm nốt phần việc “bình định miền Trung”.

Điểm lại biến động miền Trung 1966 có 242 người vừa chết vừa bị thương,  chùa chiền, nhà cửa trúng bom cháy rụi khắp nơi. Theo tài liệu của Trần Văn Đôn, “khoảng 6.000 sĩ quan, hạ sĩ quan và quân nhân đào ngũ, một số người phải chạy lên chiến khu của Việt cộng”. Hồi ký Nguyễn Chánh Thi viết não nùng:

Hoàn toàn bất lực, đứng bên lề nhưng tự thấy mình có trách nhiệm phần nào, tôi lại lăn lưng ra dàn xếp (…). Tôi đi từng ổ kháng cự, năn nỉ đồng báo, năn nỉ các tổ chức chống đối, hãy mở đường cho quân Sài Gòn tiến vào, rồi muốn ra sao thì ra … Một lần nữa, nhờ táng tận lương tâm, đã thẳng tay bắn giết đồng bào mà Thiệu – Kỳ đã “thắng”.

Tránh đẩy Nguyễn Chánh Thi và Tôn Thất Đính vào thế chân tường, Westmoreland đã gặp Thi ở Chu Lai và Walt gặp Đính trước ngày cuộc biến động lắng xuống. Hai tướng Mỹ hứa sẽ can thiệp “sâu” để Thiệu và Kỳ đối xử tử tế hai ông Thi và Đính. Đối với Huỳnh Văn Cao, Westmoreland mỉa mai: “Cuối cùng tướng Cao trở vào Sài Gòn sống cùng người vợ mà ông tin cậy” ngoài ra, ông không tin vào bất cứ người Việt Nam nào cả như nói ở chương trước. Huỳnh Văn Cao đã viết thư cho tôi (tướng Westmoreland) xin được trở thành dân Mỹ” (!!!). Cao vào Sài Gòn, tướng Hoàng Xuân Lãm, chỉ huy sư đoàn 23 ra Đà Nẵng thay, làm tư lệnh mới của Quân đoàn I. Tướng Lãm lệnh quân lính ra khỏi thành phố Huế và Đà Nẵng để tiếp tục “ổn định tình hình” nội thành.

Dầu có sự hứa hẹn của Westmoreland và Walt, nhưng Tôn Thất Đính vẫn bị bắt đưa về Sài Gòn. Với Nguyễn Chánh Thi, Thiệu – Kỳ có cách “mời khéo”, cũng đưa về Sài Gòn. Cả hai ông, Đính và Thi bị giam tại số 2 đường Tú Xương, tuyệt đối không được liên lạc với bên ngoài vì bị coi là “can phạm trọng tội”. Phạm Xuân Nhuận, tư lệnh sư đoàn I ly khai, cũng bị bắt đưa ra Tòa án quân sự. Ngày 14.7.1966, quân cảnh áp giải tất cả đến bộ Tổng tham mưu xử. Tại đó, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Hữu Có, Linh Quang Viên, Vĩnh Lộc và các tướng vây cánh với Thiệu – Kỳ đã ngồi sẵn trong phòng dành cho Hội đồng tướng lãnh xét xử vụ án. Linh Quang Viên đọc cáo trạng xong. Thiệu hỏi:

–         Tướng Thi, ông có gì trình bày không?

Nguyễn Chánh Thi đáp:

–         Không.

19 – Diễn biến phiên tòa đặc biệt xử Nguyễn Chánh Thi và Tôn Thất Đính

Nguyễn Văn Thiệu kết tội vòng vo, mục đích cuối là tước quyền và đẩy tướng Thi đi ngoại quốc cho rảnh nợ

Không, không có gì để trình bày! Sau mấy lời đầy vẻ bất cần đó, Nguyễn Chánh Thi thòng một câu móc Hội đồng quân lực: “Bây giờ loại trừ được tôi, các anh đã có tất cả: an ninh quân đội, cảnh sát công an, Mỹ và đô-la của Mỹ…”.

Vĩnh Lộc đứng phắt dậy, gay gắt ngắt lời Thi khi thấy bị can bắt đầu muốn đả kích “quan tòa” và e ngại Thi lôi chuyện máy bay chở thuốc phiện ở Pleiku ra xỉa xói, tố cáo, thì ê quá. Phiên xử tạm ngưng đến hai giờ chiều. Vẫn Linh Quang Viên, thiếu tướng, tổng ủy viên an ninh trong nội các chiến tranh của Kỳ, ngồi ghế  “công tố viên” nổ trước:

–        Tôi  xin đề nghị: trung tướng Thi đã được thưởng xứng đáng thì ông Thi phải nhận lãnh một hình phạt tương xứng với những tội trạng do ông gây ra!

Cuối lời, Viên có “vớt” xin “tỏ lượng khoan hồng dành cho trung tướng Thi một ân huệ, làm sao để giữ cho khỏi bất mãn”.

Đến lượt Nguyễn Văn Thiệu, với tư cách trung tướng chủ tịch hội đồng kỷ luật quân đội Sài Gòn, nhận xét nhân thân và quá trình phạm tội, đưa ra mức trừng phạt cụ thể đối với Nguyễn Chánh Thi.

Để bạn đọc thấy lối ăn nói “có ít xít ra nhiều” của ông Thiệu thời đó, chúng tôi giữ nguyên văn lời kết tội mà ông ta nhằm vào Thi, được Hoàng Đại Minh ghi lại trong loạt tài liệu đặc biệt đăng hàng chục kỳ báo trước năm 1975 tại Sài Gòn.

Mở đầu:

–        “Nói về ông Thi trong vụ âm mưu lật đổ chính quyền thì ông Thi không có khả năng. Chính ông cũng nhìn nhận ông không có khả năng, nhưng cũng nhìn nhận ông có tâm nếu như ai lật đổ được chính phủ cho ông ta làm quốc trưởng, thủ tướng thì ông cũng làm. Vì mặc cảm tự cho ông là anh hùng cách mạng. Khi về đây (ý nói lúc ông Thi làm đảo chính hụt Ngô Đình Diệm, phải sống lưu vong 3 năm tại Nam Vang (Campuchia), và về lại Sài Gòn sau ngày 1.11.1963 – MN), hồi ông Dương Văn Minh bắt ông ra ngoài đó ông được uy tín với miền Trung. Ông ráng tạo uy tín đó đến khi nào có chuyện gì ông sử dụng cái uy tín đó. Cũng vì ông như vậy người ta lợi dụng ông. Thật sự ông cũng có tham vọng. Ông thường chỉ trích chính phủ trung ương là ông Kỳ làm không nên thân, mấy cha trong này nói cách mạng miệng chớ không làm gì hết!”.

Với cương vị “quốc trưởng” và về sau là “tổng thống”, Thiệu vẫn không chữa được lối nói thiếu khúc chiết, vòng vo trước đám đông, từa tựa như trên. Một dạo dân chúng miền Nam, nhất là thanh niên sinh viên học sinh không nhịn được cười khi nghe Thiệu phát biểu trên truyền hình, đại loại như: “Tại Mỹ nó làm áp lực tôi thế này thế nọ. Đó là lịch sử”(!). Ở đây, tiếp tục hài tội Nguyễn chánh Thi, Thiệu thỉnh thoảng chen vài tiếng Tây, tiếng Mỹ vào:

–        “Thấy ông có khả năng ở miền Trung thôi chứ tham vọng của ông rất lớn (?). Nói về Complicite (tiếp tay) với đối phương thì rất ít, sự đồng lõa với đối phương trong vụ tranh đấu này cũng rất ít (…). Bởi vì trách nhiệm của người chef militaire (sếp quân đội) cách chức ông rồi tự nhiên ông không còn quyền hạn gì để mà bàn cãi. Nói về phản bội anh em một cách trắng trợn hay là vi phạm cái danh dự quân đội, tôi thấy cái trường hợp của ông không có cái hành động rõ rệt. Nếu như ông có chủ trương ông làm thì ông khó ngụy trang công việc của ông. Nhưng mà khi nói về cái nhân phẩm của ông đối với tướng lĩnh thì phải nhìn nhận rằng ông Thi thứ nhất là con người dễ bị sách động, dễ bị nâng lên, thổi phồng lên, dễ khiến ông làm một việc gì! Thành thử trong cái giai đoạn khó khăn của nước nhà này nếu như mai mốt, trở đi trở lại như thế này mãi đó (ý nói cuộc biến động miền Trung tái phát – MN), rủi ro có chuyện gì cho mình trong lúc mà họ (những người lãnh đạo đấu tranh chống Thiệu – Kỳ – MN) khai thác được ông Thi thì cũng là một mối lo ngại rất lớn. Do đó tôi thấy rằng làm sao cho ông Thi đừng có tiếp xúc với ai hết. Ông đừng có cái cơ hội vật chất nào (?), cái sự thuận tiện nào để ông có thể lợi dụng ở trong lãnh thổ”.

“Ở trong lãnh thổ”  ý nói ở trong nước. Đừng để ông Thi “có cơ hội vật chất” có lẽ không để ông nắm thực quyền. Tóm lại ý Thiệu muốn nói: Thi phải bị cách chức và đẩy ra nước ngoài. Đúng là Thiệu, Kỳ và cả 20 tướng trong phiên tòa là những người nắm quyền cao nhất của Sài Gòn lúc bấy giờ rất sợ sự có mặt của những “chuyên viên nổi dậy” và “sẵn sàng nổi dậy” như Nguyễn Chánh Thi. Huống gì “sự có mặt” đó kèm theo lực lượng ủng hộ, làm đảo chánh được chứ?

Trong các tội của Thi, Thiệu – Kỳ rất ớn “tội” nắm thực quyền. Mặc dầu bị cách chức tại Sài Gòn trước ngày biến động miền Trung, nhưng theo “tin tức riêng” của tướng Westmoreland, “trên thực tế Thi vẫn nắm chặt quyền chỉ huy sư đoàn I quân đội Nam VN” và đã “tung ra những lời tuyên bố gay gắt từ một nơi bí mật tại Huế”. Nơi bí mật mà Westmoreland đề cập tới hẳn là chùa chiền, các trụ sở đấu tranh của sinh viên học sinh hoặc doanh trại binh lính ly khai… Do vậy, Nguyễn Văn Thiệu cày lui cày tới quanh biện pháp cô lập hẳn Nguyễn Chánh Thi. Nhân danh “chủ tịch hội đồng kỷ luật” đồng thời “chủ tọa phiên tòa”, Thiệu đanh lại:

–        Theo tội ông Thi thì phải phạt ông, phạt tối đa và quân kỷ nhưng mà cái quan trọng là phải cô lập hẳn đừng cho ông nắm một cơ hội, đừng cho ông có một phương tiện (…). Nếu như con người ông mà có cơ hội thuận tiện, có phương tiện được thúc đẩy, hoặc được bơm lên, thì bấy giờ ông làm super man (siêu nhân) ông cũng làm. Tóm lại biện pháp của tôi là phải phạt quân kỷ tối đa. Quan trọng nhất là phải cô lập ông, đừng cho ông có cơ hội tiếp xúc để cho mình qua các giai đoạn thật là “nguy hiểm (ý muốn nói vượt qua hẳn biến động miền Trung để củng cố bộ máy cầm quyền giai đoạn đó – MN). Theo tôi bây giờ thì cái ý định của tôi đưa ra cho các anh em (Hội đồng quân lực Sài Gòn) thấy không cho ông đi ngoại quốc với tính cách cá nhân của ông thì phải cô lập ông một chỗ nào xa lánh thời cuộc, chính trị, phương tiện, đạo đức, thượng tọa v.v… Làm sao cho ông đừng tiếp xúc với quân nhân, làm sao cho ông như người đi tu vậy!

Nguyễn Cao Kỳ, Nguyễn Bảo Trị không đồng ý với Thiệu phạt ông Thi “như người đi tu vậy”, tại sao?

20 – Sát phạt và sợ bị trả thù trước giờ tuyên án tướng Thi

Nghe Nguyễn Văn Thiệu vạch tội Nguyễn Chánh Thi lê thê luộm thuộm quá, tổng ủy viên thông tin trong nội các của Nguyễn Cao Kỳ là thiếu tướng Nguyễn Bảo Trị đứng dậy đỡ lời và “tém lại” cho gọn.

Ông Trị gióng tiếng cảnh giác Hội đồng kỷ luật do Thiệu làm chủ tịch hãy thật công bằng, đừng dựa vào “lời khai một phía” của “thằng Hộ” nào đó mà kết tội Thi, Thiệu ngắt lời :

–        Thằng Hộ (?) cũng là một source d’information (nguồn thông tin)… Bây giờ anh em muốn décider (quyết định) liền hay là để mình đi lần lượt mình làm comparaison (đối chiếu) sau, hay là mình cứ đưa ra một cái gần như draft (phác thảo) trước?

Hỏi như vậy Thiệu làm rối chuyện lại và chẳng ai trả lời. Nguyễn Cao Kỳ giả bộ không nghe câu Thiệu hỏi, đẩy mũi dùi thẳng vào Thi:

–        Xin dùng danh từ ông Thi là cái ngòi mà cái người châm ngòi không phải ông Thi. Ông Thi chỉ là cái ngòi trước sự xáo trộn và nhất là trong cái vụ xáo trộn Thi chỉ là cái ngòi thuốc súng và cái người châm ngòi là Trí Quang và tất cả phe nhóm chính trị đứng đàng sau.

Trí Quang mà Kỳ nói là “cái người châm ngòi” tức thượng tọa Thích Trí Quang – lãnh đạo Phật tử  đấu tranh chống Thiệu – Kỳ tại Đà Nẵng và Huế. Kỳ viết trong hồi ký rằng sau biến động miền trung, Kỳ đã ra lệnh bắt giữ thượng tọa Thích Trí Quang và đưa vào Sài Gòn “chữa bệnh”. Kỳ tiếp:

–        Các quý vị còn nhớ, đại tướng Khánh hỏi rằng ông Thi ra nắm được miền Trung không, cũng đã nhiều lần tôi đã nói với ông Khánh là phải cho một số anh em ở trung ương (Sài Gòn) ra cạnh ông Thi (ở miền Trung) để mà conseiller (khuyên can bớt) ông đó. Ông Thi chưa nắm được miền Trung đâu trái lại chính miền Trung lại nắm ông Thi để làm cái paravent (bình phong) mà che cho họ núp đàng sau… Trước ngày ông bị cách chức (10.3.1964 tại Sài Gòn ) thì ông đã bị lợi dụng. Có người(?) đã tính đường xa hai ba năm về sau là nó thúc đẩy “conseiller” (chỉ vẻ) để thổi phồng lên hầu nó có một bộ mặt chính thức và ông Thi đã vô tình cũng như có một phần nào có ý mắc vào cái mưu mẹo đó (…). Ông biết rằng ông không thể nào đơn phương độc mã mà làm chuyện gì ghê gớm đâu. Thế nhưng mà ngồi ở đó (tư lệnh quân đoàn I và vùng I chiến thuật, kiêm đại biểu chính phủ tại trung nguyên Trung Phần) thằng nào tới nói “Oui” (Ừ! Được) ông cũng “Oui”, mà nói “Non” (Không!) thì ông cũng “Non”!

Nói tới đó, Nguyễn Cao Kỳ hạ thấp dần cường độ khích bác để đưa đến nhận xét có lợi một cách bất ngờ cho ông Thi khiến Thiệu chưng hửng:

–        Ông Thi có những hành động nào tiếm quyền và dùng quân đội (ý nói trực tiếp chỉ huy quân ly khai chiến đấu chống trả cuộc tập kích của Thiệu – Kỳ – MN) trong vụ xáo trộn này không, thì không có một bằng cớ nào tỏ ra ông Thi có cái việc tiếm quyền phản loạn. (Thật ra Nguyễn Cao Kỳ biết rõ ông Thi thực chất nắm quyền điều động Sư đoàn I trong tầm tay và cổ xúy binh lính ly khai như “tin riêng” của tướng Westmoreland nhận được). Tất nhiên lúc tuyên bố thế này thế nọ cũng có, không thể nào tránh được. Thêm nữa theo như témoignage (làm chứng) của thiếu tướng Lãm thì trong những ngày cuối cùng (của cuộc biến động) ông Thi tỏ ra hiểu biết và hợp tác (kêu gọi ngưng đánh nhau – MN). Tất nhiên yếu tố chính là ông đã thấy sự tranh đấu đó không thể thắng được… Tôi đề nghị phạt trọng cấm và đi an trí.

Mức hình phạt do Kỳ đề nghị làm nhiều thành viên của hội đồng kỷ luật sửng sờ vì nó… “nhẹ hều”!

Chỉ trọng cấm, an trí!!!

Và rồi đây có thể phục hồi vai vế của Thi trong quân đội???!!! Một luồng khí lạnh tanh thổi qua gáy các tướng lĩnh từng công khai mạt sát Thi khi ông bị cách chức. Nhất là ngay phiên xử này, nhiều cặp mắt lạnh nhạt hoặc lỡ lườm ngó Thi trước đó nay nghe Kỳ phát biểu đều phải chột dạ. Vì sao? Vì sợ Thi trả thù nếu Thi không bị đẩy hẳn ra nước ngoài, hoặc bị bao vây cô lập một chỗ “ như người tu”. Nóng ruột tỏ thái độ không đồng ý với mức án của Kỳ quá nhẹ dành cho Thi, trung tướng tổng ủy viên quốc phòng Nguyễn Hữu Có bật dậy mổ xẻ:

–        Phải xét lại cho kỹ cái cá nhân con người đó (Nguyễn Chánh Thi) đối với tương lai. Nếu mà mình vì cái cảm phục cho một ngày nào ông trở lại, tôi nói thật với các anh em khó lắm chứ không phải dễ. Tôi đã thấy ông qua bữa chỉnh lý (hôm 31.1.1964, Thi ủng hộ Khánh “lật” Dương Văn Minh, bắt Đôn-Đính- Kim- Xuân- Vỹ, nhưng không lâu sau đó thất vọng vì Nguyễn Khánh tham quyền và muốn làm “cha” dân! – MN), tôi đứng ngoài cửa, cái cách ông (Thi) bắt ông Đôn (Trần Văn Đôn) cùng ông này ông kia (các tướng khác) với cử chỉ căm thù. Huống chi mà mình đem ông đem ra trước đây để xử ông, mình bắt ông, mình giam ông. Mà một ngày nào ông có cái cơ hội thuận tiện mà ông còn trong quân đội không giải ngũ, còn cái chức tước với cái chính phủ khác, ông cũng vẫn là một vị tướng, thì  tôi e rằng có hại cho quân đội. Tôi không nói là cá nhân ông Thiệu, ông Kỳ, ông Có gì cả mà tôi nói quân đội thôi. Ông sẽ làm một cái représaille (báo thù) ghê gớm lắm! Không phải riêng ông Thiệu, ông Kỳ, ông Có mà cái représaille đó có thể đi lần xuống dưới nữa (…) Vì ông Thi là người hết sức “ambitieux” (“có dã tâm”), hết sức dám làm! Liều lĩnh! Liều lĩnh! Liều lĩnh! Và  “ambitieux” (dã tâm) thì nguy hại vô cùng!

Nguyễn Hữu Có nói một hơi đầy vẻ lo sợ, thống thiết, khẩn cầu Kỳ gấp gấp rút lại mức phạt “chẳng thấm thía gì” với Thi và tăng nó lên để bóp chặt Thi, không cho Thi cơ hội nắm lấy “cán dao” báo thù. Có sợ cũng phải, vì Có từng chĩa súng vào ngực buộc Thi không được lên máy bay về Trung và nhiều lần “đụng” khác… Chẳng lẽ Kỳ không biết tính Thi “dữ như cọp” sẵn sàng ăn miếng trả miếng đó sao? Kỳ quá rành! Nhưng vẫn đề nghị giảm nhẹ cho Thi chẳng phải Kỳ yêu mến cảm phục gì Thi mà chẳng qua vì… phía Mỹ có cảnh báo! Đại sứ Cabot Lodge gặp Kỳ trước khi mở phiên tòa quân sự đặc biệt đó và đánh tiếng: “Phải dè dặt và kín đáo kẻo dư luận báo chí bên Mỹ nó ồn ào rùm beng lên thì mang tiếng”. Kỳ đành lập lại câu nói Cabot Lodge giữa tòa khiến hội đồng kỷ luật của Thiệu ngớ người trước khuyến cáo mới!

Ngun: Nghiên cứu Lịch sử tng hp t Một thế giới

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]