Nga can thiệp vào bầu cử tổng thống Mỹ như thế nào?

Nguồn: Joseph S. Nye, “The Kremlin and the US Election ”, Project Syndicate, 05/12/2016.

Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Phạm Trang Nhung 

Đầu tháng 11, tổng thống Mỹ Barack Obama được cho rằng đã tự mình liên lạc với tổng thống Nga Vladimir Putin để cảnh cáo về những vụ tấn công mạng nhằm vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ. Tháng trước đó, Giám đốc Tình báo Quốc gia, James Clapper, và Jeh Johnson, Bộ trưởng An ninh Nội địa Mỹ, đã công khai cáo buộc những quan chức cao cấp nhất của Nga về việc dùng những vụ tấn công mạng để “can thiệp vào quy trình bầu cử của nước Mỹ.”

Sau cuộc bầu cử mùng 8 tháng 11, không xuất hiện chứng cứ rõ ràng rằng có sự xâm nhập, can thiệp vào các máy bầu cử hay các thiết bị bầu cử khác. Nhưng trong một cuộc bầu cử phụ thuộc vào 100.000 phiếu bầu ở ba bang chủ chốt, một vài nhà quan sát cho rằng sự can thiệp của người Nga vào quá trình bầu cử có thể đã có ảnh hưởng đáng kể.

Liệu những hành vi như vậy của Nga có thể bị răn đe trong tương lai? Việc răn đe luôn phụ thuộc vào việc răn đe ai hay răn đe cái gì.

Thật trớ trêu là răn đe các quốc gia không được sử dụng vũ lực có lẽ dễ hơn là răn đe họ không được có những hành động dưới mức đó. Nguy cơ về một cuộc tấn công bất ngờ như “Trân Châu Cảng trên mạng” có vẻ đã bị thổi phồng. Những cơ sở hạ tầng quan trọng như điện lực hay thông tin liên lạc có thể bị tấn công, nhưng các nước lớn lại thường bị ràng buộc vì sự phụ thuộc lẫn nhau. Và nước Mỹ đã tuyên bố rõ rằng việc răn đe không chỉ giới hạn ở hành động trả đũa trên mạng (dù việc đó là khả thi), mà còn có thể nhắm đến những khu vực khác với bất cứ công cụ nào họ muốn, từ việc chỉ trích trực diện và trừng phạt kinh tế đến sử dụng vũ khí hạt nhân.

Mỹ và các quốc gia khác, bao gồm Nga, đã đồng ý rằng những luật lệ về xung đột vũ trang được áp dụng cho cả không gian mạng. Việc một chiến dịch mạng có được coi như một cuộc tấn công vũ trang hay không phụ thuộc vào hậu quả của nó hơn là công cụ được sử dụng. Nó phải gây ra sự hủy hoại về tài sản hoặc thương tích hay thiệt mạng đối với cá nhân.

Nhưng còn việc răn đe những chiến dịch không tương đương với một cuộc tấn công vũ trang thì sao? Có những vùng xám mà trong đó những mục tiêu quan trọng (ví dụ như một quy trình chính trị tự do) không có vai trò mang tính chiến lược như hệ thống lưới điện hay hệ thống tài chính. Phá hủy những cái sau có thể gây thiệt hại về người và tài sản; can thiệp vào những cái trước đe dọa những giá trị chính trị cốt lõi.

Năm 2015, Nhóm Các Chuyên gia Chính phủ của Liên Hợp Quốc (bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, và hầu hết các quốc gia có năng lực mạng đáng kể) đã đồng ý với quy tắc không nhắm vào các cơ sở dân sự trong thời bình. Thỏa thuận này được ủng hộ bởi các nước thuộc G20 ở hội nghị thượng đỉnh của khối này năm 2015 tại Thổ Nhĩ Kỳ. Khi một cuộc tấn công mạng ẩn danh can thiệp vào hệ thống lưới điện của Ukraine tháng sau đó, một vài nhà phân tích nghi ngờ rằng chính phủ Nga đã sử dụng vũ khí mạng trong cuộc chiến hỗn hợp nước này đang tiến hành nhằm chống lại Ukraine. Nếu đúng là như vậy, điều đó có nghĩa là Nga đã vi phạm thỏa thuận họ vừa ký.

Nhưng ta nên hiểu hành động của Nga đối với bầu cử Mỹ như thế nào? Theo các quan chức Mỹ, các tổ chức tình báo Nga đã thâm nhập vào tài khoản email của nhiều quan chức quan trọng trong Đảng Dân Chủ và cung cấp dữ liệu để Wikileaks tuồn ra trong suốt cuộc bầu cử. Bằng cách đó, họ đã gây ra luồng tin tức bất lợi liên tục cho Hillary Clinton.

Sự quấy phá chiến dịch bầu cử của Đảng Dân Chủ mà Nga bị cáo buộc này rơi vào một vùng xám vốn có thể được hiểu như một chiến dịch tuyên truyền nhằm đáp trả lại tuyên bố “chương trình nghị sự tự do” cho Internet của Clinton năm 2010, hoặc là sự trả đũa cho cái mà các quan chức Nga cho là những chỉ trích của Clinton về việc Putin đắc cử năm 2012. Dù động cơ đó là gì thì nó cũng giống như một nỗ lực nhằm chọc phá quy trình chính trị Mỹ – chính xác là kiểu hiểm họa chính trị không mang tính sát thương mà chúng ta muốn răn đe trong tương lai.

Chính quyền Obama đã nỗ lực xếp hạng mức độ nghiêm trọng của các vụ tấn công mạng, nhưng lại không phân loại những điểm mơ hồ trong những vùng xám này. Năm 2016, Obama đối mặt với những lựa chọn khó khăn trong việc đoán định khả năng gây leo thang (căng thẳng) của việc ứng phó bằng các phương thức mạng hay bằng một phản ứng liên ngành như cấm vận. Chính quyền Obama không muốn tiến hành những biện pháp có thể sẽ làm gián đoạn cuộc bầu cử. Vì vậy, tám ngày trước cuộc bầu cử, Mỹ đã gửi tới Nga một lời cảnh báo về việc can thiệp vào cuộc bầu cử thông qua đường dây nóng kết nối các Trung tâm Giảm thiểu Hiểm họa Hạt nhân của cả hai nước, một đường dây được tạo ra ba năm trước để giải quyết những vấn đề lớn về mạng.

Vì hoạt động xâm nhập của Nga có vẻ đã chậm đi hoặc ngừng hẳn lại, chính quyền Obama coi việc cảnh báo như một phương pháp răn đe thành công. Nhưng một vài nhà phê bình cho rằng Nga đã đạt được mục đích chính của mình.

Ba tuần sau cuộc bầu cử, chính quyền Obama tuyên bố sẽ tiếp tục tin vào tính toàn vẹn tổng thể của hệ thống hạ tầng bầu cử Mỹ, và cuộc bầu cử là tự do và công bằng, xét từ phương diện an ninh mạng. Nhưng các quan chức tình báo vẫn tiếp tục điều tra ảnh hưởng của một chiến dịch chiến tranh thông tin lớn hơn của Nga, trong đó những thông tin sai lệch về Clinton được đưa ra nhằm gây ảnh hưởng đến các cử tri. Rất nhiều bản tin sai lệch xuất phát từ RT News và Sputnik, hai tờ báo thuộc nhà nước của Nga. Liệu điều này nên được coi là kiểu tuyên truyền truyền thống hay cái gì đó mới hơn?

Một nhóm nhà phê bình tin rằng mức độ can thiệp của quan chức chính quyền Nga vào quá trình bầu cử Mỹ năm 2016 đã đi quá giới han và không nên được cho là một kiểu hành vi trong vùng xám có thể chấp nhận được. Nhóm phê bình này đã cố gắng thuyết phục chính quyền Obama vạch mặt Nga, bằng cách cung cấp thông tin công khai, đầy đủ hơn về những gì mà tình báo Mỹ biết về hành vi của Nga, và bằng cách áp đặt cấm vận về tài chính và di chuyển với những quan chức cao cấp Nga được xác định (điều này đã được thực hiện – NBT). Tuy vậy, các quan chức Mỹ khác lại ngần ngại trong việc sử dụng các phương thức tình báo cho việc buộc tội, và lo ngại về khả năng leo thang căng thẳng.

Việc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 là giọt nước tràn ly. Với nhiều cuộc bầu cử quan trọng sắp diễn ra ở một số nền dân chủ phương Tây, các nhà phân tích sẽ theo dõi sát sao những bài học mà Kremlin thu được từ đó.

Joseph S. Nye, cựu Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng và chủ tịch Hội đồng Tình báo Quốc gia Hoa Kỳ, là Giáo sư tại Đại học Harvard. Ông là tác giả cuốn “Is the American Century Over?”
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]