16/01/1979: Mohammad Reza Shah Pahlavi trốn khỏi Iran

Nguồn: Shah flees Iran, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1979, khi phải đối mặt với binh biến và nhiều cuộc biểu tình bạo lực chống lại chế độ của ông, Mohammad Reza Shah Pahlavi, người cai trị Iran kể từ năm 1941, đã buộc phải rời khỏi đất nước. Mười bốn ngày sau đó, Ayatollah Ruhollah Khomeini, lãnh đạo tinh thần của cuộc cách mạng Hồi giáo, đã trở về sau 15 năm sống lưu vong và giành quyền kiểm soát Iran.

Năm 1941, quân Anh và Liên Xô đã tiến vào chiếm đóng Iran. Trước sự nghi ngờ của người Anh và người Liên Xô, nhà vua (Shah) đầu tiên của triều Pahlavi đã bị buộc phải thoái vị và nhường ngôi cho con trai là Mohammad Reza. Nhà vua mới hứa sẽ duy trì chế độ quân chủ lập hiến nhưng thực ra vẫn thường can thiệp vào chính phủ dân cử. Sau khi một âm mưu của phe cộng sản chống lại ông thất bại vào năm 1949, Reza lại càng tập trung quyền lực vào tay mình.

Tuy nhiên, đầu những năm 1950, nhà vua đã bị lu mờ bởi Mohammad Mosaddeq, một nhà dân tộc chủ nghĩa Iran. Mosaddeq thuyết phục Quốc Hội quốc hữu hóa các giếng dầu rộng lớn của Anh ở Iran; còn Reza, người luôn duy trì quan hệ chặt chẽ với Anh và Mỹ, thì phản đối quyết định này. Tuy nhiên, vào năm 1951, nhà vua vẫn bị buộc phải bổ nhiệm Mosaddeq, và hai năm tiếp theo chìm trong căng thẳng.

Tháng 8/1953, Reza đã cố gắng loại bỏ Mosaddeq, nhưng sự ủng hộ dành cho vị Thủ tướng lớn đến nỗi nhà vua đã bị buộc phải rời khỏi Iran. Một vài ngày sau đó, tình báo Anh và Mỹ dã dàn dựng một cuộc đảo chính chống lại Mosaddeq, và nhà vua trở lại là người lãnh đạo duy nhất của Iran. Ông thay thế toàn bộ các đạo luật của Mosaddeq. Còn Iran sau đó trở thành một đồng minh Chiến tranh Lạnh của Mỹ ở Trung Đông.

Năm 1963, nhà vua đã thực hiện “Cách mạng Trắng” – một chương trình của chính phủ gồm cải cách ruộng đất, phát triển cơ sở hạ tầng, trao quyền bầu cử cho phụ nữ, và giảm tỷ lệ mù chữ. Mặc dù chương trình này đã được nhiều người dân Iran hoan nghênh, các nhà lãnh đạo Hồi giáo đã phê phán những gì họ cho là “Tây hóa” Iran. Ruhollah Khomeini, một giáo sĩ người Shiite, đã đặc biệt lên tiếng chỉ trích và kêu gọi lật đổ nhà vua, thành lập một nhà nước Hồi giáo. Năm 1964, Khomeini bị xử lưu đày và phải chạy trốn qua vùng biên giới với Iraq, nơi ông tiếp tục gửi các thông điệp kích động qua radio.

Nhà vua Reza luôn xem mình, trước tiên, luôn là một vị vua Ba Tư. Năm 1971, ông cho tổ chức một lễ kỷ niệm xa hoa mừng kỷ niệm 2500 năm chế độ quân chủ Ba Tư tiền Hồi giáo. Năm 1976, ông chính thức thay thế lịch Hồi giáo bằng lịch Ba Tư. Bất mãn tôn giáo ngày càng mở rộng, và nhà vua cũng đàn áp mạnh mẽ hơn nhiều. Ông sử dụng lực lượng cảnh sát bí mật của mình để đàn áp mọi đối lập. Điều này khiến giới sinh viên và trí thức cùng những người ủng hộ Khomeini lớn mạnh thêm. Bất bình cũng đã lan tràn trong các tầng lớp nghèo và trung lưu, những người cảm thấy rằng thành tựu kinh tế của cuộc Cách mạng Trắng chỉ làm lợi cho giai cấp thống trị. Năm 1978, biểu tình chống nhà vua đã nổ ra khắp các thành phố lớn của Iran.

Vào ngày 08/09/1978, lực lượng cảnh sát của nhà vua đã bắn vào một nhóm biểu tình, giết chết hàng trăm người và làm bị thương hàng ngàn người khác. Hai tháng sau đó, hàng ngàn người tràn xuống đường phố Tehran để gây bạo loạn và phá hủy các biểu tượng của phương Tây, gồm các ngân hàng và các cửa hàng rượu. Khomeini kêu gọi lật đổ nhà vua ngay lập tức. Ngày 11/12, một nhóm binh sĩ nổi loạn đã tấn công cảnh sát của nhà vua, khiến chế độ của ông bị sụp đổ và nhà vua buộc phải chạy trốn.

Reza đã đi tới một số nước khác trước khi nhập cảnh vào Mỹ hồi tháng 10/1979 để chữa trị bệnh ung thư. Tại Tehran, phe Hồi giáo đã phản đối bằng cách chiếm Đại sứ quán Mỹ và bắt giữ các nhân viên làm con tin (vào ngày 04/11.) Với sự chấp thuận của Khomeini, các chiến binh này đã đòi trục xuất nhà vua về Iran để xét xử vì những tội ác của ông. Phía Mỹ từ chối đàm phán và hậu quả là 52 con tin Mỹ đã bị giam 444 ngày. Mohammad Reza Shah Pahlavi qua đời tại Ai Cập vào tháng 07/1980.