Thế giới đang tiến vào kỷ nguyên siêu bất định?

Nguồn: Barry Eichengreen, “The Age of Hyper-Uncertainty”, Project Syndicate, 14/12/2016.

Biên dịch: Nguyễn Văn Đáp | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Năm 2017 sẽ đánh dấu kỉ niệm 40 năm ngày xuất bản cuốn Kỷ nguyên Bt đnh (The Age of Uncertainty) của Kenneth Galbraith. Bốn mươi năm là một khoảng thời gian dài, nhưng đáng để nhìn lại xem Galbraith và những độc giả của ông đã thấy bất định như thế nào.

Năm 1977, khi Galbraith đang viết cuốn sách, thế giới vẫn đang chao đảo do ảnh hưởng của cú sốc giá dầu OPEC lần thứ nhất và lo ngại liệu có một cú sốc khác hay không (và đúng là như vậy). Nước Mỹ đang phải đối mặt với tăng trưởng chậm lại kết hợp với lạm phát tăng nhanh, hay còn gọi là hiện tượng đình lạm (stagflation), một vấn đề mới đã đặt ra những câu hỏi về khả năng của các nhà hoạch định chính sách và sự thích hợp trong mô hình kinh tế của họ. Trong khi đó, những nỗ lực để tái lập hệ thống tiền tệ quốc tế Bretton Woods bị đổ vỡ, phủ bóng đen lên triển vọng thương mại quốc tế và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.

Vì tất cả những lý do đó, thời đại hoàng kim của sự ổn định và dễ dự báo vốn kéo dài 25 năm sau Thế chiến II dường như kết thúc một cách đột ngột, và được thay bằng một thời kì của sự bất định tăng cao đáng kể.

Tóm lại, đó là những gì được nhìn nhận vào năm 1977. Tuy nhiên, nhìn từ góc độ của năm 2017 thì sự bất định vào năm 1977 dường như vẫn còn là điều đáng mơ ước. Vào năm 1977, không có Tổng thống Donald Trump. Jimmy Carter có thể không đi vào lịch sử như là một trong những tổng thống Mỹ tốt nhất, nhưng ông cũng không đe dọa có những hành động sẽ đặt toàn bộ hệ thống toàn cầu vào sự nguy hiểm. Ông không quay lưng lại với các cam kết quốc tế của nước Mỹ như là NATO và Tổ chức Thương mại Thế giới.

Carter cũng không gây chiến với Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hay bổ nhiệm vào ban lãnh đạo của Fed những người có cảm tình vốn sẵn sàng hy sinh chính sách tiền tệ tốt để phục vụ cho triển vọng tái đắc cử của ông. Ngược lại, Carter chỉ định Paul Vlocker, một người chủ trương ổn định tiền tệ, làm chủ tịch của Hội đồng các Thống đốc. Và mặc dù Carter cũng không thành công trong việc cân bằng ngân sách liên bang, thì ông cũng không làm nó phình to ra.

Việc Trump áp thuế lên hàng hóa Trung Quốc, từ bỏ Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ, đưa người vào Hội đồng Dự trữ Liên bang (Federal Reserve Board),[1] hay làm suy yếu sự ổn định tài chính vẫn còn chưa chắc chắn.

Những kết quả có thể xảy ra nằm trong phạm vi từ mức yên tâm một chút cho đến hoàn toàn nghiêm trọng. Ai biết được điều gì sẽ xảy ra? Nhưng theo tiêu chuẩn hiện nay, Carter là hiện thân của việc có thể dự đoán được.

Hơn nữa, vào năm 1977, viễn cảnh cho sự hội nhập châu Âu rất sáng sủa. Đan Mạch, Ireland, và đáng chú ý nhất, nước Anh cũng vừa gia nhập một Cộng đồng châu Âu (EC) đang mở rộng nhanh chóng. EC đang thu hút các thành viên, chứ không đánh mất họ. Đó là một câu lạc bộ mà các nước tìm cách tham gia một cách đúng đắn để đạt được tăng trưởng kinh tế nhanh hơn.

Hơn nữa, để chống đỡ cho thị trường chung, EC đã thành lập một hệ thống tiền tệ khu vực, được đặt tên một cách gợi tưởng là “con rắn trong đường hầm.” Trong khi điều này vẫn còn xa mới là một hệ thống tiền tệ hoàn hảo, thì nó đã có một đặc điểm tích cực: các nước có thể rời khỏi hệ thống lúc khó khăn về kinh tế, và gia nhập lại nếu và khi viễn cảnh tươi sáng hơn.

Vào năm 2017 thì ngược lại, các cuộc đàm phán về Brexit sẽ tiếp tục phủ mây đen bất định lên khắp Liên minh châu Âu. Các cuộc đàm phán diễn ra như thế nào và mất bao lâu không ai biết. Hơn nữa, câu hỏi chính sau quyết định rời đi của nước Anh – rằng liệu các nước khác có theo sau và, thực sự là, liệu chính EU có tương lai hay không – vẫn còn lâu mới được trả lời.

Trong khi đó ngôi nhà tiền tệ của châu Âu mới xây được một nửa. Khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) không đủ hấp dẫn để thu hút các thành viên mới cũng như không đủ linh hoạt để cho phép các thành viên hiện tại có được một sự “nghỉ ngơi” (tức ngừng tham gia) tạm thời, giống như thời kỳ “con rắn tiền tệ.” Đồng euro có thể sẽ sống sót, nhưng chỉ là sự trì trệ. Ngoài ra, rất khó có thể nói được điều gì hơn.

Vào năm 1977, những sự bất định bắt nguồn từ những thị trường đang nổi lên không nằm trong tầm theo dõi của các nhà bình luận. Các nước đang phát triển ở Mỹ Latinh và Đông Á đang tăng trưởng, dù cho họ ngày càng phụ thuộc vào các khoản nợ nước ngoài nhỏ giọt từ các ngân hàng của các trung tâm tiền. Trung Quốc, vẫn cách biệt với thế giới, không nằm trong những thảo luận này. Và thậm chí nếu điều gì xấu đi ở Thế giới thứ Ba, thì các nước đang phát triển cũng đơn giản là quá nhỏ để có thể kéo kinh tế toàn cầu đi xuống.

Tình hình hiện nay chắc chắn là khác rất nhiều. Những gì xảy ra ở Trung Quốc, Brazil, hay Thổ Nhĩ Kỳ không chỉ dừng lại ở các nước này. Ngược lại, những sự phát triển ở những nước này có những tác động lớn đến kinh tế thế giới bởi các thị trường mới nổi đã chiếm phần lớn trong tăng trưởng toàn cầu những năm gần đây. Trung Quốc có vấn đề nợ doanh nghiệp không thể quản lý và một chính phủ với những cam kết để tái cấu trúc nền kinh tế không chắc chắn. Thổ Nhĩ Kỳ có tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai khổng lồ, một vị tổng thống tính khí thất thường, và một nước láng giềng không ổn định về địa chính trị. Và nếu các vụ bê bối chính trị là hàng hóa có thể xuất khẩu, thì Brazil sẽ có một lợi thế so sánh rõ ràng.

Mặc dù cuốn Kỷ nguyên Bt đnh không chỉ nói về năm 1977, nhưng nó đã nắm bắt được xu hướng của thời kỳ bấy giờ. Nhưng nếu Galbraith đang viết một cuốn tương tự vào năm 2017, ông chắc chắn sẽ gọi thập niên 1970 là Kỷ nguyên Ổn định.

Barry Eichengreen là Giáo sư Kinh tế ti Đi hc California, Berkeley, và là mt cu c vn chính sách cao cp ti Qu Tin t Quc tế. Cun sách mi nht ca ông là Phòng Gương: Cuc Đi Suy thoái, Đi Suy gim, và vic S dng – và S dng Sai – Lch s.

Copyright: Project Syndicate 2016 – The Age of Hyper-Uncertainty

————-

[1] Hội đồng Dự trữ Liên Bang (Federal Reserve Board – FRB) là tên thường gọi của Hội đồng các Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Board of Governors of the Federal Reserve System) là một hội đồng 12 thành viên, có nhiệm kì 14 năm, chịu trách nhiệm điều hành Cục Dự trữ Liên Bang (Federal Reserve System – Fed). Các thành viên của Hội đồng do Tổng thống bổ nhiệm nhưng phải được Thượng viện thông qua. Trong nhiệm kì sắp tới của mình, Trump có thể có cơ hội đưa người của mình vào Hội đồng khi Chủ tịch Janet Yellen cũng như Phó Chủ tịch Stanley Fischer sẽ hết nhiệm kì vào năm 2018 (nhiệm kì 4 năm, lệch một năm so với kì bầu cử Tổng thống).
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]