Cuộc chiến Mùa đông là gì?

Nguồn:What was the Winter War?“, History, 30/10/2016

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Chưa đầy hai năm trước khi Liên Xô đối đầu với phát xít Đức trong Thế chiến II, quốc gia này đã tiến hành một cuộc chiến tranh đẫm máu với một kẻ thù khác: đất nước Phần Lan bé nhỏ. Mối thù của Nga với nước láng giềng Bắc Âu của mình bắt đầu từ năm 1939, khi lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin mong muốn mở rộng ảnh hưởng của mình sang Đông Âu. Lấy cớ là quan ngại về một cuộc tấn công tiềm tàng của Đức, Stalin yêu cầu rằng biên giới giữa Phần Lan với Nga phải được đẩy lùi về phía Phần Lan 16 dặm dọc theo Eo đất Karelia để tạo ra một vùng đệm xung quanh thành phố Leningrad.

Stalin cũng muốn người Phần Lan bàn giao một số hòn đảo ở Vịnh Phần Lan và cho Liên Xô thuê phần lãnh thổ trên bán đảo Hanko để xây dựng một căn cứ hải quân. Liên Xô cũng đề nghị trao cho Phần Lan  một dải lãnh thổ rộng lớn của Nga như là một phần của thỏa thuận, nhưng người Phần Lan đã nghi ngờ về động cơ của họ và từ chối đề nghị này. Ngày 30 tháng 11 năm 1939, sau một loạt các tối hậu thư và các cuộc đàm phán thất bại, Hồng quân Liên Xô đã đã phát động một cuộc xâm lược Phần Lan với nửa triệu quân.

Mặc dù phải đối đầu với đội quân đông hơn và được trang bị vũ khí tốt hơn trong cái được gọi là “Cuộc chiến mùa đông”, người Phần Lan lại có lợi thế chiến đấu trên sân nhà. Được lãnh đạo bởi Nguyên soái Carl Gustaf Mannerheim, họ ẩn mình đằng sau một mạng lưới các hào, hầm bê tông và công sự tại chiến trường ở Eo đất Karelia và đánh bật các cuộc tấn công liên tiếp của xe tăng Liên Xô.

Ở những khu vực khác trên biên giới, các đội quân trượt tuyết Phần Lan đã sử dụng địa hình gồ ghề để tiến hành các cuộc tấn công chớp nhoáng vào các đơn vị quân bị cô lập của Liên Xô. Chiến thuật du kích của họ được hỗ trợ bởi thời tiết giá băng của mùa đông Phần Lan, điều đã khiến quân Liên Xô sa lầy và làm cho binh sĩ trở nên dễ dàng bị nhận ra trên địa hình đầy tuyết. Một tay bắn tỉa của Phần Lan, một nông dân tên là Simo Hayha, cuối cùng đã được ghi nhận là bắn chết hơn 500 binh sĩ Liên Xô.

Trong khi người Phần Lan thể hiện một sự phản kháng mạnh mẽ trong mùa đông năm 1939-1940, rốt cuộc quân đội của họ cũng không phải là đối thủ trước đội quân lớn hơn nhiều của Hồng quân. Vào tháng 02/1940, sau một trong những vụ oanh tạc pháo binh lớn nhất kể từ Thế chiến I, Liên Xô đã khôi phục các đợt tấn công dữ dội của mình và đè bẹp lực lượng phòng thủ của quân Phần Lan tại Eo đất Karelia. Với lực lượng bị thiếu hụt đạn dược và đang mấp mé bờ vực kiệt sức, Phần Lan đã đồng ý với các điều khoản hòa bình trong tháng tiếp theo.

Hiệp ước kết thúc Cuộc chiến Mùa đông buộc Phần Lan phải nhường lại 11% lãnh thổ của mình cho Liên Xô, nhưng đất nước này vẫn duy trì sự độc lập của mình và sau đó chuẩn bị đối đầu với quân Nga lần thứ hai trong Thế chiến II. Trong khi đó, đối với Liên Xô, chiến thắng đến với một cái giá đắt đỏ. Trong chỉ ba tháng chiến đấu, lực lượng của họ phải chịu hơn 300.000 thương vong so với khoảng 65.000 thương vong của Phần Lan.

Cuộc chiến Mùa đông có thể cũng đã mang lại những hệ quả quan trọng cho Thế chiến II, trong đó có việc sức chiến đấu yếu ớt của Hồng quân thường được chỉ ra là một yếu tố quan trọng dẫn đến niềm tin sai lầm của Adolf Hitler rằng cuộc xâm lược vào Liên Xô tháng 6/1941 có thể sẽ thành công.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]