ASEAN và cuộc khủng hoảng người Rohingya

Nguồn: Syed Munir Khasru, “ASEAN and the Rohingya Crisis,” Project Syndicate, 01/02/2017.

Biên dịch: Nguyễn Quỳnh Chi | Biên tập: Nguyễn Huy Hoàng

Cảnh ngộ ngày càng tồi tệ của các cộng đồng người Hồi giáo Rohingya tại tiểu bang Rakhine của Myanmar có thể sẽ sớm làm tổn hại chính phủ nước này, cũng như danh tiếng của nhà lãnh đạo, người đoạt giải Nobel Hòa bình, bà Aung San Suu Kyi. Cuộc khủng hoảng leo thang từ tháng 10/2016, khi quân đội Myanmar tấn công làm chết 130 người Rohingya, và đốt cháy hàng chục căn nhà của họ. Vào thời điểm đó, các nhà lãnh đạo quân đội nói rằng cuộc tấn công là một phần trong nỗ lực nhằm định vị các nhóm phiến loạn chưa xác định, được cho là gây ra vụ giết hại chín cảnh sát vào ngày 9 tháng 10 năm ngoái tại ba trạm biên giới thuộc quận Maungdaw.

Theo một phân tích hình ảnh vệ tinh của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch), đã có thêm nhiều ngôi làng Rohingya bị phá hủy trong chín ngày tháng 11, đưa tổng số nhà bị đốt cháy lên 1.250 căn; trong khi đó, theo báo cáo, đã có 30.000 người phải di tản. Liên Hợp Quốc xem người Rohingya vô quốc gia là một trong số những nhóm người thiểu số bị bức hại nặng nề nhất trên thế giới.

Giờ đây, trong một khu vực mà lẽ ra đã ổn định, các nước khác đang ngày càng bị kéo vào cuộc khủng hoảng này; trên thực tế, các nước như Bangladesh, Thái Lan, và Indonesia ngày càng cảm nhận được những tác động lan tỏa khi người Rohingya tìm cách tị nạn trong biên giới của họ. Sự bức hại người Rohingya không thể chỉ được coi là một vấn đề nội bộ của Myanmar nữa.

ASEAN đã bị chỉ trích vì tiếp cận vấn đề người Rohingya một cách quá thận trọng, và vì không nhận ra cuộc xung đột đang tiếp diễn này có thể chia rẽ khối cộng đồng chung theo từng nhóm sắc tộc-tôn giáo. Khu vực này có 60% dân số theo đạo Hồi, 18% theo đạo Phật, và 17% theo đạo Cơ Đốc; việc tiếp tục đối xử phân biệt đối với người Rohingya đã trở thành một điểm tập hợp sự ủng hộ của các nhóm Hồi giáo cực đoan có cảm tình với họ tại những nước cho phép tị nạn. Đây là một rủi ro đặc biệt nghiêm trọng cho những nước đông người Hồi giáo như Indonesia.

Người Rohingya trốn chạy phải sống trong điều kiện vô cùng tồi tàn khi họ đến những nước tiếp nhận, và họ bị lôi vào những cuộc chạm trán liên hồi với các lực lượng an ninh. Đối mặt với trở ngại liên tiếp và thiếu thực phẩm triền miên, người Rohingya là đối tượng chính của hoạt động tuyển mộ khủng bố. Không ngạc nhiên khi các nhóm Hồi giáo cực đoan đã đăng những đoạn video trực tuyến kêu gọi thánh chiến chống Myanmar; và chính quyền Indonesia gần đây đã bắt giữ hai binh sĩ nghi là đang chuẩn bị một cuộc tấn công vào sứ quán Myanmar tại Jakarta.

Khi cuộc khủng hoảng người Rohingya thêm trầm trọng, chắc chắn sẽ có thêm nhiều nhóm cực đoan trong khu vực và quốc tế sử dụng nó như một công cụ thuận tiện để giành sự cảm thông, thu nạp thành viên mới, và gây quỹ. Các nhà lãnh đạo ASEAN cần đưa ra một giải pháp ngoại giao hiệu quả cho cuộc khủng hoảng nhằm ngăn chặn nó tiếp tục tạo điều kiện cho chủ nghĩa cực đoan trong khu vực và cản trở hoạt động thương mại cũng như sinh kế của người dân. “Phương thức ASEAN,” vốn được nói tới nhiều, theo đó các nước thành viên tuân thủ ngoại giao lặng lẽ và nguyên tắc không can thiệp, đã hiệu quả trên mặt trận kinh tế trong những thập niên đầu ASEAN mới thành lập. Nhưng khi chỉ trích quốc tế leo thang, rõ ràng là một chiến lược “không nghe, không thấy” cho việc giải quyết các vấn đề nội bộ giờ tỏ ra rất thiếu hiệu quả.

Malaysia dường như đã nhận ra điều này. Trong cuộc họp các ngoại trưởng ASEAN gần đây tại Yangon, nước này đã kêu gọi điều phối viện trợ nhân đạo và một cuộc điều tra đối với những tội ác được cho là đã xảy ra với người Rohingya. Theo sau cuộc họp, Myanmar tỏ ra sẵn lòng cho phép tiếp cận cứu trợ nhân đạo và cung cấp thông tin cho các nước thành viên ASEAN.

Đã đến lúc ASEAN lưu ý tới lời kêu gọi này, thay đổi chế độ vận hành, để các nền dân chủ trưởng thành như Singapore và Malaysia – các nước xếp hạng cao về các chỉ số phát triển con người – có thể trở thành những nhà lãnh đạo toàn cầu có trách nhiệm, và mở rộng năng lực giải quyết các vấn đề nhân đạo của họ. ASEAN cần phát triển thành một cộng đồng vững mạnh, có trách nhiệm chính trị, và mang phong cách Liên minh châu Âu. Để làm được điều đó, ASEAN phải tìm ra những phương pháp hòa bình mà vẫn hiệu quả nhằm giảm nhẹ cuộc khủng hoảng nhân đạo khu vực hiện nay.

Theo những ước tính không chính thức, hiện có thể có tới 500.000 người tị nạn Rohingya chỉ tính riêng tại Bangladesh. Kể từ vụ can thiệp quân sự gần đây nhất, đã có khoảng 20.000 người Rohingya nữa đến nước này. Điều này đặt Bangladesh, vốn phải vật lộn để có thể cung cấp những dịch vụ căn bản cho 170 triệu công dân của họ, vào một tình thế hết sức khó khăn.

Thứ trưởng Ngoại giao Myanmar cũng đã tới Dhaka để đàm phán. Và một nhóm ba người của Ủy ban Tư vấn Vấn đề bang Rahkine của Myanmar đã tới thăm những khu ổ chuột của người Rohingya tại khu vực ven biển Bangladesh tiếp giáp với tiểu bang Rakhine.

ASEAN có thể hỗ trợ ở đây. Các nước thành viên như Singapore mong muốn có quan hệ thân thiện với cả Myanmar và Bangladesh, và vì thế có thể mang lại một nền tảng giúp hai nước xích lại gần nhau và tìm ra những giải pháp lâu dài cho vấn đề đã kéo dài hàng thập niên này.

Nhưng trước hết ASEAN phải quyết định chia sẻ gánh nặng chính trị và bỏ ra phần nào nguồn vốn chính trị của mình để đem lại một sự ổn định dài hạn và công bằng. Làm được như vậy, nó có thể đóng vai trò là nhà môi giới trung thực giữa Myanmar, Bangladesh, và quan trọng nhất là đại diện của các cộng đồng người Rohingya, những người đã phải chịu đựng sự bức hại đủ lâu.

Syed Munir Khasru là chủ tịch Viện Chính sách, Vận động, Quản trị (IPAG), một viện nghiên cứu chính sách quốc tế có trụ sở tại Bangladesh.

Xem thêm: Thảm cảnh của người Rohingya

Copyright: Project Syndicate 2017 –  ASEAN and the Rohingya Crisis
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]