06/03/1899: Bayer được cấp bằng sáng chế Aspirin

Nguồn: Bayer patents aspirin, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1899, Văn phòng Bằng sáng chế Hoàng gia ở Berlin đã cấp bằng sáng chế Aspirin, tên thương hiệu của acid acetylsalicylic, cho công ty dược phẩm Đức – Friedrich Bayer & Co.

Aspirin hiện đã trở thành loại thuốc phổ biến nhất trong tủ thuốc gia đình, nhưng trong giai đoạn đầu tiên, acid acetylsalicylic đã được chế tạo từ một chất hóa học tìm thấy trong vỏ cây liễu. Ở dạng nguyên thủy là hoạt chất salicin, nó từng được sử dụng suốt nhiều thế kỷ trong y học dân gian, kể từ thời Hy Lạp cổ đại, khi Hippocrates dùng nó để làm giảm đau, hạ sốt. Các bác sĩ bắt đầu biết về nó từ giữa thế kỷ 19, nhưng họ hiếm khi sử dụng, vì nó có mùi khó chịu và có nguy cơ làm hỏng dạ dày.

Năm 1897, nhân viên của công ty Bayer, Felix Hoffman, đã tìm ra cách biến acid acetylsalicylic thành một thứ thuốc dễ uống, dễ dùng. (Một số bằng chứng cho thấy công việc của Hoffman thực chất được tiến hành bởi một nhà hóa học người Do Thái, Arthur Eichengrün, nhưng đóng góp của ông đã bị che giấu trong thời kỳ Đức Quốc Xã.) Sau khi có bằng sáng chế, Bayer bắt đầu phân phối thuốc aspirin ở dạng bột để bác sĩ kê đơn cho bệnh nhân với lượng 1g/liều. Tên gọi Aspirin được tạo thành từ chữ “a” trong acetyl, “spir” trong “spirea” (cây mơ trân châu, một nguồn chiết xuất salicin) và hậu tố “in”, thường được sử dụng trong tên của các loại thuốc. Aspirin đã nhanh chóng trở thành loại thuốc số một trên toàn thế giới.

Aspirin bắt đầu được làm thành dạng viên và được phép dùng không cần kê toa kề từ năm 1915. Hai năm sau đó, khi bằng sáng chế của Bayer hết hạn ngay trong Thế chiến I, công ty này cũng mất quyền thương hiệu đối với aspirin ở nhiều nước. Sau khi Mỹ bước vào cuộc chiến chống lại Đức (04/1917), Cục Giám sát Sở hữu Nước ngoài, một cơ quan liên bang chuyên quản lý tài sản của người nước ngoài, đã tịch thu tài sản của Bayer ở Mỹ. Hai năm sau, tên gọi và thương hiệu Bayer tại Mỹ và Canada đã được bán đấu giá cho Sterling Products Company, say này là Sterling Winthrop, với giá là 5,3 triệu USD.

Bayer đã trở thành một phần của IG Farben, tập đoàn công nghiệp hóa chất Đức, đồng thời là trung tâm tài chính của chế độ Đức Quốc Xã. Sau Thế chiến II, quân Đồng Minh chia nhau IG Farben, và Bayer lần nữa trở thành công ty riêng. Năm 1978, Bayer mua lại Miles Laboratories và trở thành chủ sở hữu các dòng sản phẩm: Alka-Seltzer, Flintstones, One-A-Day Vitamin. Năm 1994, Bayer tiếp tục mua các dòng thuốc không kê đơn của Sterling Winthrop, giành lại quyền đối với thương hiệu và logo Bayer. Cũng từ đó, họ tiếp tục thu lợi nhuận từ thị trường Mỹ cho sản phẩm nổi tiếng nhất của mình.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]