12/03/1888: Lao động Trung Quốc bị cấm nhập cảnh Mỹ

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Chinese laborers excluded from U.S., History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1888, đồng ý với một chính sách được Quốc hội Mỹ đơn phương thông qua sáu năm trước đó, Trung Quốc đã phê chuẩn một hiệp ước cấm người lao động Trung Quốc nhập cảnh vào Mỹ trong vòng 20 năm.

Trong thập niên 1850, một lượng lớn người Trung Quốc đã di cư đến miền Tây nước Mỹ. Hầu hết trong số họ đến từ Đồng bằng Châu Giang, miền Nam Trung Quốc, nơi nạn đói và bất ổn chính trị khiến họ khó lòng nuôi sống các gia đình lớn của mình – trong khi đây là điều căn bản đối với hạnh phúc và thành công của họ. Khi thông tin phóng đại về Cơn sốt vàng California (California Gold Rush) lan tới nước này, hàng ngàn đàn ông Trung Quốc đã tìm đến California. Trái ngược với nhiều người nhập cư khác cũng đến miền Tây nước Mỹ, rất ít trong số những người nhập cư Trung Quốc có ý định định cư lâu dài ở Mỹ. Thay vào đó, họ lên kế hoạch làm việc ở các mỏ vàng cho đến khi dành dụm đủ tiền để trở về Trung Quốc và nuôi sống gia đình.

Nhưng cũng hiếm người Trung Quốc nào có thể làm giàu trên đất Mỹ. Để trả tiền cho chuyến đi qua Thái Bình Dương, nhiều người nhập cư Trung Quốc đã phải chấp nhận trở thành đầy tớ. Đến Mỹ với gánh nặng nợ nần, họ bị buộc phải làm việc cho đến khi trả xong nợ. Các chủ lao động người Trung Quốc và người Anglo (da trắng gốc Anh) đã lợi dụng hoàn cảnh này, trả tiền cho những người nhập cư chỉ vừa đủ để nuôi giữ hy vọng nhưng không thể thoát khỏi nợ nần.

Tính đến năm 1880, có khoảng hơn 100.000 người Trung Quốc sống tại Mỹ, phần lớn là ở California. Hầu hết họ đến với hy vọng làm giàu từ vàng, nhưng họ đã nhanh chóng học được cách kiếm tiền bằng bất cứ giá nào. Dù luật pháp hiện hành ở địa phương và tiểu bang đều cấm họ sở hữu bất động sản ở khu mỏ hay tham gia vào các doanh nghiệp kinh doanh đặc biệt, nhiều người Trung Quốc vẫn thành công trong việc tìm ra lỗ hổng. Các nhóm người nhập cư Trung Quốc thường liên kết với nhau và chuyển các mỏ khai thác cũ, vốn bị người Anglo bỏ lại, thành nơi kinh doanh. Những người khác thì mở hiệu giặt là hay quán ăn, công việc mà người Anglo khinh thường gọi là “việc của đàn bà.”

Rõ ràng là sự thành công và văn hóa riêng biệt của những người nhập cư Trung Quốc biến họ thành mục tiêu dễ dàng của những người Anglo bài ngoại. Bất cứ nơi nào họ tới, người Trung Quốc đều bị oán giận. Sang thập niên 1880, nhiều tầng lớp lao động người Anglo bắt đầu cáo buộc người Trung Quốc làm mất công ăn việc làm của họ và phá hoại những nỗ lực ban đầu để thành lập nghiệp đoàn trong ngành công nghiệp khai thác mỏ ở các bang phía Tây. Chủ nghĩa phân biệt chủng tộc trắng trợn càng làm gia tăng lòng hận thù của người Anglo. Một người San Francisco lập luận rằng Thiên Chúa đã định người Trung Quốc chỉ nên ở Trung Quốc, vì “họ không phải người được ưa thích, họ không được phép ăn cắp từ chúng ta những gì chúng ta có.”

Chính phủ Mỹ phản ứng với nỗi sợ này bằng cách hạn chế người nhập cư Trung Quốc qua Đạo luật Loại trừ người Trung Quốc (Chinese Exclusion Act of 1882). Đây là lần đầu tiên Mỹ loại trừ người nhập cư dựa trên chủng tộc và quốc tịch. Đáng chú ý, đạo luật này chỉ loại trừ lao động Trung Quốc. Người Mỹ vẫn chào đón các thương gia, những người hứa hẹn giúp họ duy trì các mối quan hệ kinh doanh béo bở với thị trường rộng lớn ở Trung Quốc, và các chuyên gia cung cấp những kỹ năng có giá trị. Người nhập cư từ các quốc gia khác không bị phân biệt đối xử như vậy.

Sáu năm sau, chính phủ Trung Quốc đã đồng ý với các nguyên tắc cơ bản của đạo luật này. Dưới áp lực của Mỹ, Trung Quốc đã ký một hiệp ước vào ngày này năm 1888, đồng ý không cho phép bất kỳ người lao động nào nhập cư vào Mỹ. Mãi đến năm 1943, khi Trung Quốc đã trở thành một đồng minh trong cuộc chiến chống lại Nhật Bản, thì Mỹ cuối cùng mới từ bỏ chính sách phân biệt chủng tộc trắng trợn này.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]