Điều gì xảy ra sau khi Anh kích hoạt Điều 50?

Nguồn:What happens now that Britain has triggered Article 50”, The Economist, 29/3/2017

Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Đây chỉ là sự khởi đầu của một quá trình đàm phán gay go kéo dài – trong đó Anh Quốc sẽ là người có nhiều đòi hỏi hơn.

Theresa May, thủ tướng Anh, đã kích hoạt Điều 50 (Hiệp ước Lisbon), biện pháp pháp lý mà theo đó một quốc gia có thể rời khỏi Liên minh châu Âu (EU). Dự luật cho bà quyền hiến định để thực hiện điều này đã có hiệu lực vào ngày 16/3. Theo các điều khoản của Điều 50, bất kỳ quốc gia nào viện dẫn điều luật này sẽ tự động rời EU sau hai năm, trừ khi 27 quốc gia còn lại đồng thuận gia hạn thời hạn đó. Tuy nhiên, đây chỉ là bước đầu tiên trong quá trình đàm phán mà có thể mất nhiều hơn hai năm để hoàn thành chi tiết. Việc kích hoạt Điều 50 thậm chí không đảm bảo rằng sẽ có một thỏa thuận giữa Anh và phần còn lại của EU: nó đơn thuần chỉ khởi đầu các cuộc đàm phán.

Trình tự Brexit

Thậm chí điều đó cũng gây tranh cãi, vì ít nhất sẽ có hai cuộc đàm phán riêng biệt liên quan. Cuộc đàm phám chính về Điều 50 sẽ xoay quanh các điều khoản rời bỏ, bao gồm cả vấn đề tiền, tài sản và nợ, hợp thức hóa vị thế của các công dân EU và Anh Quốc khi lưu trú ở phía bên kia, và tương lai của các cơ quan EU tại Anh. Việc rời bỏ phải được chấp thuận bởi “đa số kép”, tức bởi các nước thành viên, trừ Anh Quốc, và bởi Nghị viện Châu Âu. Một cuộc đàm phán thứ hai sẽ là về quan hệ thương mại trong tương lai giữa Anh Quốc và EU. Cuộc đàm phán này sẽ kéo dài hơn, nhất là vì nó đòi hỏi phải có sự nhất trí của tất cả các nước thành viên EU, cùng với sự phê chuẩn của tất cả các nghị viện quốc gia và khu vực, cũng như bởi Nghị viện Châu Âu.

Hội đồng châu Âu bao gồm các nhà lãnh đạo chính phủ, do Donald Tusk chủ trì, sẽ ấn định các điều khoản bao quát cho một cuộc đàm phán do Ủy ban châu Âu tại Brussels chủ trì. Jean-Claude Juncker, chủ tịch ủy ban, đã yêu cầu Michel Barnier, cựu ngoại trưởng Pháp, dẫn đầu nhóm xác định các điều khoản này của ủy ban. Còn nghị viện châu Âu thì đã chỉ định Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ, làm nhà đàm phán về Brexit.

Hai bên có quan điểm rất khác nhau về thời gian và trình tự các cuộc đàm phán. Bà May muốn cuộc đàm phán về rời bỏ và về quan hệ thương mại mới được diễn ra song song, và cho rằng cả hai có thể được sắp xếp trong vòng hai năm. Ông Barnier nói rằng cuộc đàm phán về rời bỏ phải được thực hiện trước – ông đã nói về một khoản tiền 60 tỷ EUR (65 tỷ USD) mà nước Anh phải trả cho phần của mình trong các khoản nợ tồn đọng – và cuộc đàm phán về quan hệ thương mại dài hạn, có thể mất hơn hai năm để đạt được, sẽ diễn ra sau. Một điều phức tạp khác là một số quốc gia sẽ tổ chức bầu cử trong năm nay, bao gồm Pháp vào tháng 5 và Đức vào tháng 9. Điều đó có thể rút ngắn hơn nữa thời gian biểu vốn đã bận rộn.

Điều 50 đã đưa phần còn lại của EU vào một vị thế thương lượng mạnh hơn Anh, đặc biệt là vì khoảng thời hạn hai năm. Trong một nỗ lực nhằm bảo vệ vị thế của mình, bà May đã nhấn mạnh rằng không có thỏa thuận nào còn tốt hơn là có một thỏa thuận tồi. Nhưng các nhà lãnh đạo EU khác không đồng tình. Nếu Anh định rời khỏi EU mà không có thỏa thuận nào, thì quốc gia này vẫn phải đối mặt với yêu cầu trả nợ cho EU, và thương mại của nó với EU sẽ quay lại dựa trên các điều khoản thông thường của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Điều này có nghĩa là áp thuế đối với xuất khẩu ôtô, phụ tùng ô tô, dược phẩm, nông sản và nhiều thứ khác, cũng như các rào cản phi thuế quan đối với các dịch vụ tài chính và các dịch vụ khác.

Có một sự thật là phần còn lại của EU sẽ phải chịu đựng một tình thế Brexit hỗn loạn, nhưng nước Anh sẽ phải chịu đựng nhiều hơn thế. Nếu muốn đảm bảo một thỏa thuận cùng có lợi, bà May sẽ phải xuống nước nhiều hơn so với những người đồng nhiệm EU của bà.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]