Tầm quan trọng chiến lược của quan hệ Việt-Nhật

Nguồn: Lê Hồng Hiệp, “The Strategic Significance of Vietnam – Japan Ties”, ISEAS Perspective, No. 23/2017, 11/04/2017.

Biên dịch: Ngô Việt Nguyên

Mở đầu

Chuyến thăm Việt Nam của Nhật Hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko từ ngày 28 tháng 2 đến ngày 5 tháng 3 năm 2017 là một sự kiện mang tính bước ngoặt trong quan hệ song phương, vì đây là chuyến thăm đầu tiên của một Nhật hoàng đến Việt Nam. Quan trọng hơn, chuyến thăm này diễn ra chỉ sáu tuần sau khi thủ tướng Nhật Shinzo Abe đến thăm Hà Nội vào tháng 1/2017. Trong khi chuyến thăm của ông Abe tập trung vào việc xây dựng quan hệ song phương về thương mại, chính trị và chiến lược, chuyến thăm của Nhật hoàng Akihito giúp thúc đẩy “quyền lực mềm” của Nhật ở Việt Nam và góp phần củng cố các mối liên kết xã hội và văn hóa giữa nhân dân hai nước. Hai bên đánh giá cao kết quả tốt đẹp của các chuyến thăm, với việc các quan chức Việt Nam gọi mối quan hệ song phương là “chưa bao giờ tốt đẹp như hiện nay.”

Bài viết này đánh giá những tiến triển gần đây của quan hệ Việt-Nhật, tập trung vào tầm quan trọng chiến lược của nó. Bài viết trước hết sẽ cung cấp một góc nhìn tổng quan về mối quan hệ, sau đó phân tích sự chú trọng ngày càng gia tăng của hai nước vào hợp tác chiến lược trong những năm gần đây. Cuối cùng, bài viết sẽ phân tích những nguyên nhân cơ bản của xu hướng này và tác động của chúng đối với khu vực.

Quan hệ bền vững dựa trên các nền tảng vững chắc

Giao lưu giữa Việt Nam và Nhật Bản bắt đầu từ thế kỷ thứ 8, khi Phật Triết (người ở Nhật được gọi là Buttetsu), một tăng sĩ người Chăm xuất thân từ nơi bây giờ là miền Trung Việt Nam du hành đến Nhật vào năm 736. Phật Triết giúp truyền bá âm nhạc và các điệu vũ của người Chăm, được gọi là Rinyugaku (Lâm Ấp nhạc) ở Nhật, thứ cuối cùng trở thành một phần của nhã nhạc cung đình Nhật (gagaku). Thương mại song phương có một giai đoạn thịnh vượng vào thế kỷ thứ 16 và 17, khi các thương gia Nhật gầy dựng các phố Nhật ở Hội An nhằm tạo điều kiện cho trao đổi thương mại. Ví dụ, vào thế kỷ thứ 17, Nhật là thị trường xuất khẩu quan trọng nhất của Đàng Trong (giờ là miền Nam Việt Nam), và chỉ đến khi chế độ Mạc Phủ Tokugawa hạn chế giao thương quốc tế trong thập niên 1630 thì Trung Quốc mới bắt đầu thay thế Nhật trở thành bạn hàng quan trọng nhất của Đàng Trong (Hai, 2008, tr. 3; Lieberman, 2003, tr. 415; Woodside, 1995, tr. 162-163).

Đến đầu thế kỷ 20, trong khi Việt Nam bị Pháp đô hộ thì Nhật đã thành công trong việc chuyển mình thành một cường quốc phi phương Tây quan trọng nhờ cải cách Minh Trị Duy Tân. Nhật vì thế trở thành một nguồn cảm hứng cho các nhà yêu nước Việt Nam, nhiều người đã sang Nhật để học cách hiện đại hóa đất nước và giành lại độc lập.[1] Tiếc thay, trong Thế chiến II, Nhật chiếm đóng Việt Nam một thời gian ngắn, và khoảng hai triệu người Việt Nam đã chết đói vì Nhật tái tổ chức sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam nhằm hỗ trợ các nỗ lực chiến tranh của mình. Nhưng giai đoạn đau thương này dường như không tạo ra gánh nặng cho quan hệ song phương sau này, vốn được thiết lập chính thức vào năm 1973.[2]

Từ cuối thập niên 1970 đến năm 1992, quan hệ song phương bị hạn chế bởi sự phản đối của Nhật đối với sự can thiệp quân sự của Việt Nam vào Campuchia. Sau khi Hiệp định Hòa bình Paris năm 1991 được ký, quan hệ song phương đã phát triển mạnh mẽ, đặc biệt là trong thập niên qua. Vào năm 2006, hai nước tuyên bố đang cùng “hướng tới đối tác Chiến lược vì Hòa bình và Phồn vinh ở Châu Á”. Vào tháng 4 năm 2009, trong chuyến thăm Nhật của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nông Đức Mạnh, hai nước chính thức thiết lập quan hệ “đối tác chiến lược” song phương, được bổ sung bởi Hiệp định Đối tác Kinh tế Việt-Nhật có hiệu lực 6 tháng sau đó. Năm 2014, hai nước nâng cấp quan hệ lên mức “đối tác chiến lược sâu rộng.”

Sự mở rộng quan hệ song phương không chỉ được thể hiện qua những tuyên bố chung hay những tên gọi mà hai bên đặt cho mối quan hệ. Quan hệ song phương đặc biệt phát triển mạnh ở ba phương diện kinh tế chính, bao gồm việc Nhật cung cấp ODA cho Việt Nam, đầu tư, và thương mại.

Cụ thể, đến tháng 9 năm 2016, Nhật đã cung cấp khoảng 2,8 ngàn tỷ yên ODA cho Việt Nam (VnExpress, 2016a).[3] Nguồn vốn này đã đóng vai trò quan trọng trong việc giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, nhân lực ở Việt Nam, cũng như việc thực thi các cải cách kinh tế – xã hội. Ngược lại, các dự án lớn ở Việt Nam được cấp vốn bởi ODA Nhật giúp tăng xuất khẩu của Nhật qua Việt Nam, và mang lại các cơ hội kinh doanh cho các nhà thầu Nhật Bản. Đến cuối năm 2016, các doanh nghiệp Nhật đã đầu tư vào 3.320 dự án ở Việt Nam với tổng vốn đăng ký ở mức 42,5 tỷ đô la Mỹ, chiếm 14,6 phần trăm tổng vốn FDI đăng ký ở Việt Nam (Foreign Investment Agency, 2017). Qua đó, Nhật trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai ở Việt Nam sau Hàn Quốc. Về thương mại, trong năm 2016, kim ngạch xuất  và nhập khẩu của Việt Nam với Nhật ở mức lần lượt là 14,68 tỷ đôla Mỹ và 15,04 tỷ đôla Mỹ (General Department of Customs, 2017). Theo đó, Nhật hiện là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam, sau Trung Quốc, Mỹ, và Hàn Quốc. Đầu tư và thương mại song phương sẽ tiếp tục được mở rộng nếu Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) vượt qua những chướng ngại hiện tại để có hiệu lực trong tương lai.

Việc quan hệ kinh tế trở thành một nền tảng quan trọng của quan hệ song phương phản ánh một cách tự nhiên những lợi ích lâu dài của hai nước. Trong khi Việt Nam xem thị trường, nguồn vốn và công nghệ Nhật là những tài nguyên quan trọng cho phát triển quốc gia từ sau khi tiến hành Đổi Mới, Nhật cũng xem Việt Nam là một cơ hội lớn, do Việt Nam có dân số lớn và trẻ, chủ nghĩa tiêu dùng ngày càng tăng, nền kinh tế năng động với tộc độ tăng trưởng nhanh. Vì thế, hợp tác kinh tế đã từ lâu chiếm ưu thế trong chương trình nghị sự song phương.

Tuy nhiên, trong những năm gần đây, hợp tác chiến lược ngày càng trở thành một trụ cột quan trọng khác của quan hệ song phương. Mặc dù quy mô của mối quan hệ này còn nhỏ do một số hạn chế của cả hai bên, nhưng xu hướng chung trong hợp tác chiến lược Việt-Nhật cho thấy sự đi lên, phản ánh những lợi ích ngày càng tương đồng giữa hai nước trong việc ứng phó với những chuyển dịch đáng lo ngại của bối cảnh địa chiến lược khu vực.

Tầm quan trọng mới của hợp tác chiến lược

Trước khi Việt Nam và Nhật thiết lập quan hệ đối tác chiến lược vào năm 2009, hợp tác quốc phòng giữa hai nước chỉ giới hạn trong các trao đổi phái đoàn quân sự và các chuyến thăm của tàu hải quân Nhật đến cảng Việt Nam. Kể từ năm 2009, những liên kết về quốc phòng và an ninh đã nhanh chóng được củng cố và đa dạng hóa.

Năm 2011, hai nước thông qua một bản kế hoạch hành động nhằm thực thi quan hệ đối tác chiến lược, với việc mở văn phòng tùy viên quân sự ở hai nước, và thiết lập một chương trình đối thoại chính sách quốc phòng chính thức. Hai bên cũng ký một bản ghi nhớ quy định một loạt các hoạt động hợp tác quốc phòng khác nhau, bao gồm trao đổi đoàn ở cấp bộ trưởng, tham mưu trưởng và tư lệnh quân chủng, viếng thăm cảng mỗi năm, đối thoại chính sách quốc phòng hàng năm ở cấp thứ trưởng quốc phòng, hợp tác trong lĩnh vực không quân và phòng không, đào tạo nhân sự, chống khủng bố, cứu hộ hàng hải, huấn luyện công nghệ thông tin, y tế quân sự, và gìn giữ hòa bình. Bản ghi nhớ cũng đặt nền móng pháp lý cho cộng tác giữa lực lượng cảnh sát biển hai nước, đặc biệt trong các phương diện như tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ thiên tai, và hỗ trợ nhân đạo (Thayer, 2014).

Sau khi ông Shinzo Abe trở lại làm thủ tướng vào tháng 12/2012, hợp tác chiến lược giữa hai nước được đẩy mạnh hơn nữa. Vào tháng 1 năm 2013, ông Abe chọn Việt Nam là quốc gia nước ngoài đầu tiên ông đi công du, trong chuyến đi ông đã ủng hộ quan điểm của Việt Nam về giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng việc nhấn mạnh tầm quan trọng của luật pháp quốc tế. Vào tháng 5 năm 2013, Bộ Quốc phòng Nhật chủ trì một hội thảo về y tế trên tàu ngầm tại Việt Nam, và đào tạo về y tế tàu ngầm cho các thủy thủ Hải quân Việt Nam tại một cơ sở của Nhật bốn tháng sau đó. Sự hợp tác này có thể diễn ra theo yêu cầu của phía Việt Nam, do Việt Nam có kế hoạch đưa vào hoạt động tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên vào đầu năm 2014.

Vào tháng 9 năm 2013, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Itsunori Onodera đến thăm Việt Nam. Trong chuyến thăm này ông đến thăm Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân tại Cam Ranh và quan sát cách tổ chức phòng ngự của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa (Shoji, 2016, tr. 51). Sự kiện này minh chứng cho mức độ tin tưởng cao giữa hai bên, và phản ánh mong muốn của Việt Nam trong việc tăng cường hợp tác hàng hải với Nhật cũng như sự quan tâm của Nhật đối với tranh chấp Biển Đông. Trong chuyến thăm này, ông Onodera cũng gặp người đồng cấp Việt Nam, Đại tướng Phùng Quang Thanh, trong đó hai bên đồng ý mở rộng hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, phá gỡ bom mìn, hiện đại hóa các cơ quan chấp pháp trên biển, và công nghệ quân sự (Thayer, 2014).

Thật vậy, sự trợ giúp của Nhật nhằm hiện đại hóa và xây dựng năng lực của các cơ quan chấp pháp trên biển đã trở thành một ưu tiên quan trọng trong hợp tác quốc phòng song phương. Cụ thể, vào đầu tháng 8 năm 2014, Nhật tuyên bố sẽ cấp cho Việt Nam sáu tàu tuần tra để hỗ trợ các hoạt động phòng vệ biển của Việt Nam ở Biển Đông. Tuyên bố này được đưa ra chỉ vài ngày sau một cuộc khủng hoảng trên biển nghiên trọng giữa Việt Nam và Trung Quốc do Trung Quốc hạ đặt một giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trong hơn hai tháng. Trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 1 năm 2017, Thủ tướng Abe tuyên bố Nhật sẽ cung cấp cho Việt Nam thêm 6 tàu tuần tra nữa với tổng giá trị 338 triệu đôla Mỹ. Sự hỗ trợ của Nhật là một sự trợ giúp quý giá cho nỗ lực của Hà Nội nhằm cải thiện khả năng của các cơ quan chấp pháp trên biển, đặt biệt là Cảnh sát Biển và lực lượng Kiểm ngư vừa mới được thành lập. Khi Trung Quốc tập trung sử dụng các tàu vỏ trắng để kiểm soát các vùng biển ở Biển Đông, khả năng được cải thiện của các cơ quan chấp pháp trên biển sẽ cho phép Việt Nam phản ứng một cách hiệu quả hơn.

Nhật cũng được cho là đang lên kế hoạch bán hai vệ tinh quan sát mặt đất dựa trên công nghệ ra-đa cho Việt Nam. Đơn hàng này, dự tính sẽ được bàn giao vào năm 2018 và được hỗ trợ tài chính bởi vốn ODA của Nhật, sẽ nâng cao khả năng thu thập tình báo hàng hải của Việt Nam trên Biển Đông (Mainichi, 2016). Cùng lúc đó, Hà Nội cũng được cho là đang cân nhắc mua máy bay giám sát chống ngầm P-3C cũ từ Tokyo (VnExpress, 2016b). Nếu những máy bay này được mua, nhiêu khả năng chúng sẽ được triển khai cho các nhiệm vụ giám sát Biển Đông.

Việt Nam và Nhật Bản cũng phối hợp quan điểm tại các diễn đàn đa phương và tổ chức quốc tế. Trong khi Nhật ủng hộ hoạt động ngoại giao tích cực và vai trò ngày càng tăng của Việt Nam trong các vấn đề khu vực, Việt Nam cũng ủng hộ Nhật đóng vai trò như một thành viên quan trọng của cộng đồng quốc tế. Ví dụ, Việt Nam ủng hộ sự can dự mạnh mẽ của Nhật với ASEAN và tiểu vùng sông Mekong, cũng như ủng hộ nỗ lực trở thành thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc của nước này.

Quan hệ hợp tác quốc phòng và an ninh giữa Việt Nam và Nhật Bản là một phần của bức tranh chiến lược khu vực, và khi những mối quan hệ này mở rộng và trở nên sâu sắc hơn, chúng sẽ gây ảnh hưởng đến cục diện địa chính trị khu vực một cách mạnh mẽ.

Tầm quan trọng khu vực của hợp tác chiến lược Việt-Nhật

Hợp tác quốc phòng song phương về hàng hải xuất phát tự nhiên từ những lợi ích an ninh chung của hai nước. Sức mạnh hàng hải ngày càng vượt trội và những bước đi thô bạo của Trung Quốc trong các tranh chấp biển đảo với cả hai nước, như việc Trung Quốc thiết lập vùng nhận dạng phòng không ở Biển Hoa Đông và xây dựng bảy hòn đảo nhân tạo ở Quần đảo Trường Sa, đã đe dọa thay đổi hiện trạng khu vực, điều mà cả hai nước đều phản đối.[4] Hợp tác chiến lược để đối phó với Trung Quốc do đó đã trở thành một điều cần thiết với cả hai bên. Sự cấp bách này được phản ánh rõ nét qua những phát ngôn của ông Abe trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 1 năm 2017. Dùng hình ảnh dòng nước sông Hồng ở miền bắc Việt Nam chảy vào Biển Đông và Biển Hoa Đông kết nối với vịnh Tokyo, ông Abe nói rằng “Không gì có thể ngăn cản tự do đi lại dọc tuyến đường này. Nhật Bản và Việt Nam là hai láng giềng được kết nối bởi đại dương tự do” (Vietnam Breaking News, 2017).

Việt Nam mong muốn củng cố hợp tác quốc phòng với Nhật nhằm nâng cao khả năng quốc phòng và cân bằng lại sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này một phần giải thích lý do tại sao sự tăng cường quan hệ quốc phòng song phương lại bắt đầu vào năm 2011 khi mà sự xác quyết trong tranh chấp hàng hải của Trung Quốc trở nên rõ nét. Mục đích này cũng được phản ánh qua việc Việt Nam yêu cầu Nhật cung cấp tàu tuần tra cũng như các hỗ trợ khác nhằm tăng cường năng lực hàng hải.[5]

Từ quan điểm của Hà Nội, Nhật có thể được coi là đối tác chiến lược quan trọng nhất của Việt Nam trong tương lai trước mắt. Quan hệ song phương hầu như không có vấn đề, với nền tảng kinh tế vững chắc, sự tin tưởng lẫn nhau ở mức cao, và những lợi ích chiến lược có sự tương đồng lớn, đặc biệt là về Trung Quốc. Nhật quan trọng đối với Việt Nam hơn bất kỳ cường quốc nào khác bởi Nhật không chỉ có năng lực kinh tế và quân sự, mà Nhật còn chấp nhận giúp tăng cường sức mạnh của Việt Nam và các quốc gia Đông Nam Á khác nhằm duy trì cán cân quyền lực khu vực. Quan trọng hơn, Nhật là một cường quốc thường trực ở Đông Á, và có một mối quan hệ đầy trắc trở với Trung Quốc từ lâu. Điều này biến Nhật thành một đối tác an ninh tự nhiên cho Việt Nam, và khiến các cam kết an ninh của Nhật trở nên khả tín hơn. Các mong muốn của Việt Nam cũng phù hợp với ý định của Nhật và chính sách an ninh – quốc phòng của chính phủ Abe vốn mong muốn “bình thường hóa” vị thế quốc phòng của Nhật và làm giảm rủi ro từ sự phụ thuộc an ninh vào Mỹ. Động lực này sẽ tiếp tục trở nên mạnh mẽ hơn trong những năm tới do những bất định trong chính sách của Mỹ đối với khu vực.

Rủi ro từ việc chính phủ Trump sẽ giảm bớt can dự quân sự vào châu Á đe dọa phá vỡ nền tảng của trật tự khu vực hậu Thế chiến II và gây bất ổn cho an ninh khu vực. Hợp tác chiến lược giữa các quốc gia trong khu vực vì thế trở thành một phương án phòng hộ cần thiết nhằm chống lại rủi ro này. Sự hợp tác đó, theo phương thức song phương hay đa phương quy mô nhỏ, có thể góp phần vào sự hình thành một “mạng lưới an ninh có nguyên tắc”, từng được đề xuất bởi chính quyền Obama. Mối liên kết an ninh mạnh mẽ giữa Việt Nam và Nhật, và với các quốc gia đồng quan điểm trong khu vực như Úc, Philippines, Singapore và Ấn Độ, có thể giúp đẩy nhanh sự hình thành của một hệ thống như thế. Như Slaughter và Rapp-Hooper (2017) lập luận, “Những hệ thống mạng lưới rất bền bỉ, bởi vì không có một phần nào đóng vai trò then chốt cho sự sống còn của cấu trúc – thậm chí nếu một mối nối bị gãy, cấu trúc vẫn có thể tồn tại”, Việt Nam và Nhật Bản có thể tạo thành những mối nối đầu tiên của một mạng lưới như thế nếu những liên kết quốc phòng song phương tiếp tục được tăng cường và thể chế hóa.

Kết luận

Hợp tác chiến lược giữa Việt Nam và Nhật Bản đã được tăng cường trong những năm gần đây khi hai nước góp sức nhằm ứng phó lại các thách thức an ninh chung, đặc biệt trên phương diện hàng hải. Dù có nhiều hứa hẹn, quan hệ hợp tác này vẫn đối mặt với một số hạn chế. Trong khi Việt Nam mong muốn duy trì chính sách không liên kết và giữ một vị trí cân bằng thận trọng giữa Trung Quốc và các cường quốc khác, thì Nhật cũng đối mặt với những hạn chế về hiến pháp khiến nước này gặp khó khăn trong việc tham gia toàn lực vào các liên kết quân sự có ý nghĩa với nước ngoài, bao gồm Việt Nam.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, quan hệ chiến lược song phương vẫn có viễn cảnh thuận lợi. Về phía Việt Nam, những nước đi thô bạo của Trung Quốc ở Biển Đông, đặc biệt là cuộc khủng hoảng giàn khoan năm 2014 và việc Trung Quốc xây đảo nhân tạo ở Trường Sa, đã làm cho các lãnh đạo Việt Nam trở nên táo bạo hơn và làm thay đổi tư duy an ninh của họ theo hướng ủng hộ tăng cường quan hệ quân sự với Nhật và các cường quốc khác.

Cùng lúc đó, chính phủ Abe cũng đang nỗ lực sửa đổi hiến pháp Nhật để cho phép quân đội Nhật linh hoạt hơn trong việc đối phó với các thách thức an ninh cấp bách. Quyết định của Đảng Dân chủ Tự Do (LDP) cho phép ông Abe được tranh cử chức chủ tịch đảng lần thứ ba đã dọn đường cho ông giữ chức thủ tướng đến năm 2021, tạo điều kiện cho việc hiện thực hóa tầm nhìn chiến lược của ông. Nếu LDP và ông Abe vẫn nắm quyền, hướng đi hợp tác chiến lược hiện tại giữa Nhật và Việt Nam sẽ tiếp tục. Vấn đề là hai nước nên có các bước đi tiếp theo như thế nào. Ngoài việc triển khai những thỏa thuận hợp tác quốc phòng thực chất hơn, việc gắn mối quan hệ song phương vào mạng lưới những khuôn khổ đa phương quy mô nhỏ, như khuôn khổ hiện hữu giữa Nhật, Mỹ và Úc, hay giữa Nhật, Ấn Độ và Úc, có thể là một sự lựa chọn mà hai nước nên xem xét.

Lê Hồng Hiệp là nghiên cứu viên chính tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS – Yusof Ishak Institute), Singapore.

——————-

Tài liệu tham khảo

Foreign Investment Agency. (2017, 7 February). Tình hình đầu tư nước ngoài tháng 1 năm 2017 [Foreign investment in January 2017]  Retrieved 15 March, 2017, from http://fia.mpi.gov.vn/tinbai/5211/Tinh-hinh-thu-hut-Dau-tu-nuoc-ngoai-thang-01-nam-2017

General Department of Customs. (2017, 6 February). Preliminary assessment of Vietnam international merchandise trade performance in December and the whole year 2016  Retrieved 18 March, 2017, from https://www.customs.gov.vn/Lists/EnglishStatistics/ViewDetails.aspx?ID=627&Category=Express%20news&Group=Trade%20news%20%26%20Analysis&language=en-US

Hai, C. T. (2008). Nguoi Hoa trong lich su Viet Nam [Hoa Ethnic in Vietnam’s History]. Paper presented at the international conference “Vietnam: Integration and Development,” 5-7 December 2008, Ha Noi.

Lieberman, V. B. (2003). Strange Parallels : Southeast Asia in Global Context, c 800-1830 – Volume 1: Integration of the Mainland. New York: Cambridge University Press.

Mainichi. (2016, 17 September). Japan gets first int’l customer for advanced Earth observation satellite  Retrieved 21 March, 2017, from http://mainichi.jp/english/articles/20160917/p2a/00m/0na/016000c

Shiraishi, M. (1990). Japanese Relations with Vietnam, 1951-1987: Southeast Asia Program, Cornell University.

Shoji, T. (2016). Vietnam’s Omnidirectional Military Diplomacy: Focusing on the South China Sea. NIDS Journal of Defense and Security(17 (December)), 41-61.

Slaughter, A.-M., & Rapp-Hooper, M. (2017, 24 January). How America’s Asian Allies Can Survive Trump. Project Syndicate  Retrieved 23 March, 2017, from https://www.project-syndicate.org/commentary/trump-security-guarantees-asia-allies-by-anne-marie-slaughter-and-mira-rapp-hooper-2017-01

Thayer, C. A. (2014, 14 October). Vietnam’s Extensive Strategic Partnership with Japan. The Diplomat  Retrieved 21 March, 2017, from http://thediplomat.com/2014/10/vietnams-extensive-strategic-partnership-with-japan/

Vietnam Breaking News. (2017, 17 January). Japanese PM calls for respect for rule of law to safeguard freedom of navigation  Retrieved 23 March, 2017, from https://www.vietnambreakingnews.com/2017/01/japanese-pm-calls-for-respect-for-rule-of-law-to-safeguard-freedom-of-navigation/

VnExpress. (2016a, 6 September). Nhật Bản cấp thêm 11 tỷ yên ODA cho Việt Nam [Japan provides Vietnam with an additional 11 billion yen in ODA]  Retrieved 14 March, 2017, from http://kinhdoanh.vnexpress.net/tin-tuc/vi-mo/nhat-ban-cap-them-11-ty-yen-oda-cho-viet-nam-3464061.html

VnExpress. (2016b, 28 June). Vietnam looks to Japan for anti-submarine aircraft, from http://e.vnexpress.net/news/news/vietnam-looks-to-japan-for-anti-submarine-aircraft-3427050.html

Wall Street Journal. (2014, 27 May). Excerpts From WSJ Interview With Prime Minister Shinzo Abe  Retrieved 22 March, 2017, from http://blogs.wsj.com/japanrealtime/2014/05/27/excerpts-from-wsj-interview-with-prime-minister-shinzo-abe/

Woodside, A. (1995). Central Vietnam’s Trading World in the 18th Century as Seen in Le Quy Don’s ‘Frontier Chronicles’. In K. W. Taylor & J. K. Whitmore (Eds.), Essays into Vietnamese Pasts. Ithaca, NY: Cornell Southeast Asia Program.

—————–

Chú thích

[1] Ví dụ, phong trào Đông Du được lãnh đạo bởi Phan Bội Châu trong giai đoạn đầu thế kỷ 20, hàng trăm thanh niên Việt đã đến Nhật để du học.

[2] Vào năm 1959, Nhật đồng ý trả Việt Nam Cộng Hòa 39 triệu đôla Mỹ tiền đền bù chiến tranh. Sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vào năm 1973, Nhật cũng đồng ý trả cho Hà Nội 45 triệu đôla Mỹ tiền đền bù chiến tranh dưới hình thức các khoản viên trợ “hợp tác kinh tế” (Shiraishi, 1990, tr. 15, 43-46).

[3] Bao gồm cả viện trợ không hoàn lại và các khoản vay ưu đãi.

[4] Ví dụ, trong một bài phỏng vấn với tờ Wall Street Journal trong khủng hoảng giàn khoan Việt Nam-Trung Quốc vào tháng 5/2014, thủ tướng Abe nói rằng “Lập trường của Nhật là chúng tôi sẽ không bao giờ dung thứ việc thay đổi nguyên trang thông qua vũ lực hay ép buộc. Chúng tôi tìm kiếm một giải pháp hòa bình dựa trên luật quốc tế” (Wall Steet Journal, 2014).

[5] Việt Nam đưa ra yêu cầu này vào đầu năm 2012 (Wall Street Journal, 2014).

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]