Hiệp định khí hậu Paris có bất công với nước Mỹ không?

Nguồn: Peter Singer, “Is the Paris Accord Unfair to America?Project Syndicate, 05/06/2017.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng

Khi thông báo rút Hoa Kỳ khỏi hiệp định khí hậu Paris, Tổng thống Donald Trump đã biện minh cho động thái này bằng cách nói rằng “vấn đề mấu chốt là Hiệp định Paris rất không công bằng, ở mức độ lớn nhất, đối với Hoa Kỳ.” Có phải vậy hay không?

Để đánh giá tuyên bố của Trump, chúng ta cần hiểu rằng khi hỏi các nước nên cắt giảm bao nhiêu lượng phát thải khí nhà kính là chúng ta đang thảo luận về cách phân phối một nguồn tài nguyên có hạn. Điều đó giống như chúng ta thảo luận về cách chia một cái bánh táo khi những người đói khát hơn muốn có miếng bánh lớn hơn số miếng bánh lớn sẵn có.

Đối với biến đổi khí hậu, chiếc bánh này là khả năng hấp thụ khí thải của khí quyển mà không gây ra sự thay đổi thảm khốc đối với khí hậu của hành tinh chúng ta. Những người muốn có miếng bánh lớn là những nước muốn phát thải một lượng lớn khí nhà kính.

Chúng ta đều biết có một cách chia bánh là cho mỗi người một miếng bằng nhau. Đối với khí quyển, điều này có nghĩa là tính toán lượng khí nhà kính mà toàn thế giới có thể thải ra một cách an toàn cho đến một ngày cụ thể nào đó, và chia lượng khí nhà kính đó cho số dân hiện tại trên thế giới. Điều này cho chúng ra biết tỷ lệ bình quân đầu người của khả năng hấp thụ khí nhà kính của khí quyển, cho đến ngày đã định.

Theo tiêu chuẩn này, Hiệp định Paris có bất công với Mỹ hay không? Gần như không. Mỹ hiện chiếm chưa đến 5% dân số nhưng phát thải gần 15% lượng khí nhà kính trên thế giới. Nếu công bằng có nghĩa là miếng bánh của mỗi người nên có kích thước như nhau thì Mỹ mới là nước không công bằng khi lấy một miếng bánh lớn gấp ba lần kích thước đáng có.

Ngược lại, Ấn Độ chiếm 17% dân số và thải ra chưa đến 6% lượng khí nhà kính trên thế giới, vì vậy nước này sẽ được phát thải gần ba lần mức hiện tại. Nhiều nước đang phát triển khác dùng một phần còn nhỏ hơn trong phần khí quyển tính theo đầu người của họ.

Có lẽ cắt ra các miếng bằng nhau không phải là cách chia bánh tốt nhất. Một lập luận phản đối rõ ràng là sự phân chia bình đẳng theo cách này không tính đến số người thực sự cần đến những miếng bánh mà họ tìm đến. Những người tìm đến cái bánh thực sự đói, hay là họ đã ăn uống no nê và chỉ đang tìm cách được chiêu đãi thêm?

Nhưng tính đến nhu cầu thực sự cũng không giúp được gì cho lập luận của Trump rằng nước Mỹ đang bị đối xử bất công trong Hiệp định Paris, bởi lẽ người Mỹ có thể dễ dàng cắt giảm những thứ xa xỉ như các chuyến du lịch nghỉ mát, điều hòa không khí, và lượng tiêu thụ thịt, trong khi các nước kém giàu hơn cần thực hiện công nghiệp hóa để đưa người dân của họ ra khỏi những mức độ nghèo đói không tồn tại ở Mỹ.

Một nguyên tắc công bằng khác sẽ phát sinh nếu chúng ta coi khí thải nhà kính là ô nhiễm, và áp dụng nguyên tắc là bất cứ ai gây ô nhiễm đều phải trả tiền để khắc phục nó. Lý do khiến biến đổi khí hậu trở thành một vấn đề như hiện nay là trong hai thế kỷ qua, một số nước đã phát thải một lượng lớn CO2 và các loại khí nhà kính khác vào khí quyển.

Không nước nào phát thải nhiều khí nhà kính hơn Mỹ trong giai đoạn này. Đó là lý do để yêu cầu Mỹ phải thực hiện những sự cắt giảm sâu hơn so với các nước khác, nhất là khi Mỹ vẫn tiếp tục phát thải khí nhà kính với tỷ lệ đầu người cao hơn nhiều so với các nước phát thải lớn khác, như Trung Quốc và Ấn Độ. Nếu các nước công nghiệp hoá già gây ra vấn đề này thì yêu cầu họ nỗ lực nhiều nhất để khắc phục nó cũng là hợp lý.

Chúng ta cũng có thể xem những đóng góp lịch sử của các nước trong việc gây ra biến đổi khí hậu theo tỷ lệ bình quân đầu người theo thời gian. Các nước khác có thể cho rằng Hoa Kỳ vốn đã sử dụng hết phần khả năng hấp thụ khí nhà kính của khí quyển tính theo bình quân đầu người của mình, và các nước đó cần được phát thải nhiều hơn trong tương lai để ít nhất chúng ta có thể tiến gần hơn tới mức bình quân đầu người bình đẳng theo thời gian. (Các nước khác sẽ không thể sử dụng nhiều như Mỹ và châu Âu đã sử dụng, vì khi đó sự ấm lên toàn cầu sẽ vượt quá 2°C, mức mà theo quan điểm của hầu hết các nhà khoa học là biến đổi khí hậu sẽ trở nên không thể lường trước và có thể rất thảm khốc).

Vì vậy, theo ba nguyên tắc công bằng hợp lý nhất có thể áp dụng đối với biến đổi khí hậu – tỷ lệ chia sẻ bình đẳng, nhu cầu, và trách nhiệm lịch sử – Hoa Kỳ nên cắt giảm mạnh lượng phát thải khí nhà kính của mình. Theo nguyên tắc tỷ lệ bình đẳng, lượng phát thải của Hoa Kỳ không nên vượt quá 1/3 lượng phát thải hiện nay và theo các nguyên tắc khác lượng phát thải đó thậm chí còn nên nhỏ hơn. Thay vào đó, Tổng thống Barack Obama đã cam kết Mỹ đến năm 2015 sẽ cắt giảm chỉ 27% lượng khí thải so với năm 2005. Tuyên bố của Trump rằng hiệp định khí hậu Paris là bất công đối với Hoa Kỳ là vô căn cứ. Trên thực tế, điều ngược lại mới đúng: Mỹ đã tránh được trách nhiệm một cách rất nhẹ nhàng.

Nếu hiện nay Mỹ không đạt được mục tiêu rất khiêm tốn mà nước này tự mình đặt ra ở Paris, và do đó không thực hiện phần trách nhiệm công bằng của mình trong những cắt giảm cần thiết để ổn định khí hậu của hành tinh thì các nước còn lại trên thế giới nên làm gì? Trung Quốc và Liên minh châu Âu đã tỏ ý họ sẽ tuân thủ các cam kết của mình. Nhưng chúng ta không nên đơn giản là cho phép Mỹ ngồi không hưởng lợi từ việc cắt giảm của các nước khác, trong khi vẫn đốt cháy lượng nhiên liệu hóa thạch không giới hạn để cung cấp năng lượng giá rẻ cho các ngành công nghiệp của mình. Thay vào đó, các công dân trên thế giới nên tự tay hành động, và tẩy chay các sản phẩm được chế tạo ở một đất nước rõ ràng là đã từ chối thực hiện phần trách nhiệm của mình để cứu lấy hành tinh.

Peter Singer là giáo sư luân lý học sinh vật tại Đại học Princeton và là giáo sư danh dự tại Đại học Melbourne. Các cuốn sách của ông bao gồm Animal Liberation, Practical Ethics, The Ethics of What We Eat (đồng tác giả với Jim Mason), Rethinking Life and Death, The Point of View of the Universe, đồng tác giả với Katarzyna de Lazari-Radek, The Most Good You Can Do, Famine, Affluence, and Morality, và gần đây nhất là One World NowEthics in the Real World. Năm 2013, ông được Viện Gottlieb Duttweiler vinh danh ở vị trí thứ ba trong danh sách các “nhà tư tưởng đương thời có ảnh hưởng nhất.”

Copyright: Project Syndicate 2017 – Is the Paris Accord Unfair to America?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]