Nguồn: Michael Clarke, “Does China have itself to blame for the trans-nationalisation of Uyghur terrorism?”, East Asia Forum, 30/03/2017.
Biên dịch: Nguyễn Lương Sỹ | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Ngày 15/02/2017, ba kẻ khủng bố người Duy Ngô Nhĩ (Uyghur) đã dùng dao tấn công một khu vực dân cư ở thị trấn Pishan, huyện Khotan thuộc Khu tự trị Tân Cương, làm chết năm người. Ngay sau vụ tấn công, chính quyền Trung Quốc đã tiến hành hàng loạt cuộc tuần hành đông người tuyên thệ chống khủng bố vào các ngày 16-17/02 tại thủ phủ Urumqi và các thành phố lớn ở miền Nam là Kashgar và Khotan.
Ngày 27/02, Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tung ra một đoạn video tuyên truyền mô tả “khung cảnh cuộc sống của những người di cư từ vùng Đông Turkistan (Tân Cương) đến Vương quốc Hồi giáo (Caliphate)”. Trong đoạn phim, một chiến binh người Duy Ngô Nhĩ đe dọa biến Trung Quốc thành “biển máu” để trả thù cho sự đàn áp người Hồi giáo của Trung Quốc ở Tân Cương.
Việc đặt ba sự kiện nói trên cạnh nhau cho thấy chủ nghĩa khủng bố của người Duy Ngô Nhĩ hiện đã là một thách thức xuyên quốc gia dành cho Bắc Kinh. Trớ trêu thay, điều này có thể lại chính là sản phẩm từ các hành động của Trung Quốc đối với Tân Cương.
Lịch sử tự trị và vị trí địa chính trị nằm dọc các con đường giao thoa của lục địa Á – Âu luôn khiến cho Bắc Kinh phải cảnh giác về tình hình an ninh của Tân Cương và có khuynh hướng đáp trả mạnh mẽ với các bột phát bạo lực và bạo động rải rác chống phá nhà nước. Khu vực này đóng vai trò then chốt trong Sáng kiến “Vành đai và Con đường” đầy tham vọng của Chủ tịch Tập Cận Bình, khiến cho sự ổn định của Tân Cương trở thành một yêu cầu chiến lược. Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định rằng “sự bình ổn dài lâu của khu vực tự trị này là vô cùng quan trọng đối với cải cách, phát triển và ổn định của cả nước, cũng như sự thống nhất đất nước, hòa hợp dân tộc và an ninh quốc gia.”
Điều này dẫn đến việc Trung Quốc không chỉ tập trung vào cuộc chiến chống “khủng bố” thông qua những phương tiện mạnh mẽ như được thể hiện trong các cuộc biểu trưng lực lượng chống khủng bố hồi tháng 2, mà còn đưa tới sự phát triển của một “nhà nước an ninh” ở Tân Cương từ sau các cuộc bạo loạn ở Urumqi hồi tháng 7/2009. Các bộ máy kiểm soát chính trị và xã hội phức tạp của nhà nước đang dần xâm nhập vào xã hội khu vực này, đặc biệt là thông qua các biện pháp nhằm đảm bảo “giám sát toàn diện” sự ổn định của Tân Cương. Điều này bao gồm việc tăng cường cảnh sát tuần tra và giám sát các cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ; lắp đặt hệ thống giám sát điện tử Skynet của Trung Quốc ở các khu vực thành thị quan trọng và lắp đặt bộ theo dõi GPS vào các phương tiện giao thông.
Việc Hồi giáo tiếp tục là trung tâm trong bản sắc người Duy Ngô Nhĩ được xác định là một chướng ngại cốt lõi đối với “sự ổn định” mà chính phủ Trung Quốc mong muốn. Điều này dẫn tới “hành chính hóa” tôn giáo mà qua đó nhà nước đã quản lý tôn giáo một cách hệ thống hóa hơn. Chính phủ đã ban hành nhiều quy định mới cho việc giám sát và giáo dục các học giả Hồi giáo và các tổ chức tôn giáo, phổ biến các hướng dẫn mới dành cho việc xác định những hành vi tiềm tàng nguy cơ “lệch lạc” trong số các tín đồ, thi hành những hạn chế về việc mang các loại khăn trùm đầu burqa, niqab và hijab, đồng thời tiến hành các chiến dịch thường xuyên chống lại việc truyền bá tôn giáo.
Bắc Kinh đưa nguy cơ chủ nghĩa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan Duy Ngô Nhĩ vào chính sách đối ngoại Trung Á của mình trong nhiều thập niên qua. Yêu cầu về sự “ổn định” của Trung Quốc ở Tân Cương đã thúc đẩy vai trò dẫn dắt của Bắc Kinh trong việc thành lập tổ chức đa phương nổi bật của Trung Á là Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) hồi tháng 7/2001. Kể từ đó, Trung Quốc đã cấy ghép “chủ nghĩa đa phương nhà nước” vào SCO dựa trên lợi ích chung của sáu nhà nước thành viên trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia và an ninh chế độ. Điều đó được phản ánh trong sự tập trung của nhóm này vào các cuộc diễn tập quân sự và phòng chống khủng bố chung thường xuyên, hay hợp tác tư pháp trong việc dẫn độ nghi phạm “khủng bố” và chia sẻ thông tin.
Sau sự kiện 11/09, Trung Quốc đã khăng khăng đổ lỗi cho hai nhóm chiến binh đặt cơ sở ở hải ngoại – Phong Trào Hồi giáo Đông Turkistan (ETIM) và Đảng Hồi giáo Turkistan (TIP) – cho các cuộc tấn công ở Tân Cương. ETIM đã hiện diện ở Afghanistan lúc đó còn do Taliban kiểm soát từ cuối thập niên 1990, nhưng chỉ sau khi Hoa Kỳ xâm lược Afghanistan và sự rút lui của Al Qaeda và những phần tử thánh chiến Hồi giáo về phía biên giới Afghanistan – Pakistan thì phong trào này mới củng cố mối quan hệ của mình với những tổ chức đó. Còn TIP nổi lên như là một tổ chức kế thừa của ETIM từ năm 2005 và có quan hệ gần gũi với Al Qaeda, nhưng gây nên mối đe dọa khá hạn chế đối với lợi ích của Trung Quốc ở Tân Cương và khu vực nói chung.
Nhưng kể từ sau bùng nổ khủng hoảng Syria, năng lực của TIP ngày càng lớn mạnh. Như bản thân Al Qaeda gây dựng sự hiện diện của mình ở Syria từ 2012, TIP cũng vậy. Hiện đã có nhiều tài liệu chứng minh sự hiện diện của TIP ở chiến trường Syria, chiến đấu bên cạnh các tổ chức thành viên của Al Qaeda.
Vai trò của TIP trong việc kích động các cuộc tấn công khủng bố tại Tân Cương đến nay vẫn chưa rõ ràng. Nhưng có bằng chứng liên hệ tổ chức này với các cuộc tấn công ở những nơi khác, chẳng hạn cuộc tấn công tự sát vào Đại sứ quán Trung Quốc ở Bishkek, Kyrgyzstan vào ngày 30/08/2016 và vụ tấn công hộp đêm ở Istanbul vào giao thừa năm 2016. Việc IS hiện đang chiêu mộ người Duy Ngô Nhĩ có thể đem lại cho TIP và những người Duy Ngô Nhĩ ủng hộ IS động lực lớn hơn để tiến hành các chiến dịch chống lại các lợi ích của Trung Quốc khi họ cạnh tranh để giành được sự tín nhiệm lẫn chiêu mộ thành viên.
Nhưng làm sao để giải thích được việc chiêu mộ được người Duy Ngô Nhĩ của các tổ chức như TIP hay IS vốn đặt căn cứ ở cách xa Tân Cương? Một cách lý giải khả dĩ đó là sự lan tỏa của “Nhà nước an ninh” ở Tân Cương đã mang đến một nhân tố “thúc đẩy” khiến một số lượng đáng kể người Duy Ngô Nhĩ rời bỏ Trung Quốc (thường là để đến Thổ Nhĩ Kỳ). Sự bùng nổ khủng hoảng Syria đã góp phần làm nên nhân tố “lôi kéo” quan trọng đối với một bộ phận những người rời khỏi Tân Cương đó.
Từ sau sự kiện 11/09, Trung Quốc đã khẳng định rằng các chiến binh Duy Ngô Nhĩ bên ngoài Tân Cương, liên minh với những phần tử thánh chiến Hồi giáo như Al Qaeda, đã kích động bạo loạn và chủ nghĩa khủng bố ở Tân Cương. Nhưng cũng chính sự tương tác giữa “nhà nước an ninh” của Trung Quốc ở Tân Cương với khủng hoảng mãi sau này ở Syria đã đem đến những điều kiện cần cho sự củng cố và phát triển của mối liên kết xuyên quốc gia giữa các chiến binh Duy Ngô Nhĩ và các tổ chức đồng tư tưởng bên ngoài Tân Cương.
Michael Clarke là Phó Giáo sư tại Trường An ninh Quốc gia, Đại học Quốc gia Australia.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]