Có phải Lưu Hiểu Ba đã chết vô ích?

Nguồn: Minxin Pei, “Did Liu Xiaobo Die for Nothing?Project Syndicate, 16/07/2017.

Biên dịch: Nguyễn Huy Hoàng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp

Cái chết tương đối đột ngột của Lưu Hiểu Ba, nhà bất đồng chính kiến người Trung Quốc bị giam cầm và là chủ nhân giải Nobel Hòa bình, là một tổn thất lớn. Đồng thời nó cũng gửi đi một thông điệp mạnh mẽ: giới lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc đang quyết tâm bảo vệ độc quyền chính trị của mình bằng mọi phương tiện và bằng mọi giá.

Ông Lưu, 61 tuổi, từng là nhà phê bình văn học và người ủng hộ có tiếng cho các quyền con người và phản kháng bất bạo động, đã trải qua tám năm cuối đời sau song sắt vì những cáo buộc ngụy tạo về tội “lật đổ [chính quyền].” Tội trạng thực sự của ông là kêu gọi dân chủ ở Trung Quốc. Trước khi bị bắt giam, ông đã liên tục bị cảnh sát giám sát và sách nhiễu. Khi ông được trao giải Nobel năm 2010, chính quyền Trung Quốc không những ngăn cản gia đình ông đến Oslo nhận giải mà còn đặt vợ ông vào vòng quản thúc tại gia.

Hành động sỉ nhục cuối cùng của chính phủ Trung Quốc đối với ông Lưu diễn ra tháng trước, khi họ từ chối yêu cầu của ông là được điều trị ung thư gan giai đoạn cuối. Đó là một hành động tàn ác vô lương tri – một hành động dẫn đến cái chết của ông Lưu trong sự giam giữ của cảnh sát chỉ một tháng sau khi ông được chẩn bệnh. Lần cuối cùng một người được trao giải Nobel gặp phải số phận như vậy là vào năm 1938, khi nhà hoạt động hòa bình người Đức Carl von Ossietzky qua đời trong trại giam của Đức Quốc xã.

Có vẻ như khó mà hiểu được vì sao Trung Quốc, vốn chi một khoản lớn trong những năm gần đây để triển khai “quyền lực mềm” ra nước ngoài, lại sẵn sàng làm như vậy. Nhưng dù các nhà lãnh đạo Trung Quốc mong muốn có một vai trò dẫn đầu trên trường quốc tế thì họ lại càng muốn đàn áp bất đồng chính kiến hơn nữa. Và có lẽ họ đã kỳ vọng các nền dân chủ phương Tây sẽ không có nhiều phản ứng, khi nhiều nước đang nằm trong hỗn loạn.

Đến nay, tính toán ấy dường như đã đúng. Sự ngược đãi của chính quyền Trung Quốc đối với một nhà hoạt động nhân quyền và dân chủ đáng kính đã gây ra một số khó chịu ở thủ đô các nước phương Tây, với việc các nhà lãnh đạo như Thủ tướng Đức Angela Merkel đã lên tiếng tiếc thương cho cái chết của một “chiến binh can đảm.” Nhưng chưa có nhà lãnh đạo một nước phương Tây lớn nào công khai lên án hành động của chính phủ Trung Quốc.

Hơn nữa, bằng cách từ chối mong muốn trước khi chết của ông Lưu là được sống những ngày cuối đời trong tự do ở nước ngoài, chính phủ đã tránh được một cảnh tượng đáng xấu hổ: một đám tang công cộng cho ông Lưu với sự tham dự của hàng chục ngàn người ủng hộ và ngưỡng mộ. Ngôi mộ của ông Lưu đáng lẽ đã trở thành một tượng đài chính trị, biểu tượng vĩnh cửu của sự phản kháng lại chế độ độc đoán. Trong khi đó, các nhà kiểm duyệt của Trung Quốc đã làm việc thêm giờ để đảm bảo cái chết của ông Lưu bị chìm trong quên lãng.

Chế độ Trung Quốc có thể chịu đựng được sự ô nhục như thế, giống như họ đã vượt qua sự chỉ trích của quốc tế. Đảng Cộng sản Trung Quốc vẫn là một đội quân chính trị, với gần 90 triệu đảng viên, và có năng lực bảo vệ quyền lực vô cùng lớn. Mức sống tăng mấy thập niên qua đã tăng cường tính chính danh của Đảng đến một mức độ mà rất ít người có thể hình dung ra vào năm 1989, khi ông Lưu lần đầu nổi lên trong các cuộc biểu tình Thiên An Môn.

Nhưng chế độ của Đảng Cộng sản Trung Quốc không phải là bất khả chiến bại. Trái lại, họ có những điểm yếu căn bản – bắt đầu từ cấp quản trị cao nhất.

Dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, “nền lãnh đạo tập thể” từng chiếm ưu thế sau cái chết của Mao Trạch Đông đang ngày càng bị thay thế bằng một chế độ cai trị chuyên quyền. Cuộc thanh trừng chính trị của Tập, được tiến hành dưới hình thức một chiến dịch chống tham nhũng, mới được tiếp sức gần đây, đã làm nhiều thành viên trong bộ máy đảng-nhà nước mất tinh thần vì bị tước đi đặc quyền và lo sợ trở thành mục tiêu tiếp theo. Khi sự thống nhất của giới chóp bu chính trị phai mờ, chế độ ngày càng trở nên mong manh.

Mức tăng trưởng thu nhập đang chậm lại cũng đang làm suy yếu chế độ hơn nữa. Tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc dựa trên nền tảng là lời hứa về sự thịnh vượng vật chất gia tăng. Nhưng mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư vốn cho phép phép lạ kinh tế của Trung Quốc diễn ra trong 30 năm qua đã phát huy hết tác dụng của nó.

Phản ứng chống toàn cầu hóa trong những năm gần đây, phản ánh qua Brexit và việc Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, đem đến một yếu tố bất định nữa cho tương lai kinh tế của Trung Quốc. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể đang cố gắng chuyển dịch sang tăng trưởng dựa trên tiêu dùng trong nước, nhưng thực tế là nền kinh tế nước này vẫn phụ thuộc nặng nề vào xuất khẩu. Nếu chủ nghĩa bảo hộ lên ngôi ở các thị trường nước ngoài chủ chốt của Trung Quốc thì triển vọng kinh tế của đất nước – và kéo theo đó là tính chính danh của Đảng Cộng sản Trung Quốc – có thể sẽ nhanh chóng suy giảm.

Trớ trêu là trong khi hàng thập niên tăng trưởng kinh tế đã tăng cường vị thế của Đảng Cộng sản Trung Quốc thì sự thịnh vượng ngày càng tăng cũng tạo ra những điều kiện cấu trúc thuận lợi cho quá trình chuyển đổi dân chủ. Trên thực tế, Trung Quốc đã đạt đến mức thu nhập bình quân đầu người mà ở đó gần như mọi chế độ chuyên quyền ở các nước phi dầu mỏ đều đánh mất quyền lực.

Dĩ nhiên, khi tăng trưởng kinh tế chao đảo như hiện nay thì Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể tìm đến sự đàn áp tàn nhẫn và chủ nghĩa dân tộc để chống lại những thách thức đối với sự kiểm soát quyền lực của mình. Nhưng hiệu quả của cách làm này là có hạn. Cái giá kinh tế và đạo đức của việc đàn áp leo thang cuối cùng sẽ dẫn đến sự hỗn loạn trong nước mà ngay cả nhà nước độc đảng quyền lực nhất trên thế giới cũng không thể che giấu.

Trong bối cảnh này, có vẻ như rõ ràng là sự ngược đãi của chế độ Trung Quốc đối với ông Lưu là một dấu hiệu cho thấy sự yếu đuối, bất an, và lo sợ, chứ không hề cho thấy sức mạnh của nó. Đến một lúc nào đó, có lẽ trong hai thập niên tới, sự suy thoái từ bên trong và áp lực từ bên ngoài của một lớp dân chúng đòi hỏi tự do sẽ hạ bệ chế độ độc đảng ở Trung Quốc – và hy vọng là mở ra kiểu xã hội mở mà vì nó ông Lưu đã đấu tranh suốt cả đời mình.

Minxin Pei (Bùi Mẫn Hân) là giáo sư ngành quản trị chính quyền tại Claremont McKenna College, và là nghiên cứu viên cao cấp không thường trú tại Quỹ German Marshall Fund of the United States. Ông là tác giả cuốn China’s Crony Capitalism.

Copyright: Project Syndicate 2017 – Did Liu Xiaobo Die for Nothing?
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]