Hoa Kỳ đang đánh mất Châu Á vào tay Trung Quốc

Nguồn: Ely Ratner & Samir Kumar, “The United States Is Losing Asia to China”, Foreign Policy, 12/05/2017.

Biên dịch: Vũ Thành Nam | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp

Với việc Washington đang ở trong tình trạng hỗn độn, Diễn đàn Vành đai và Con đường bắt đầu vào cuối tuần này ở Bắc Kinh là một sự báo động cho thấy vị thế lãnh đạo của Mỹ ở Châu Á đang gặp nguy hiểm. Trong hai ngày, Trung Quốc sẽ đón tiếp hơn 1.200 đại biểu đến từ 110 quốc gia, trong đó có 29 nguyên thủ quốc gia. Sự kiện sẽ tập trung vào chương trình “Một vành đai, một con đường” của Trung Quốc – gần đây đã được đổi tên thành “Sáng kiến Vành đai và Con đường” (Belt and Road Initiative – BRI) – nhằm cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để kết nối Châu Á, Trung Đông và Châu Âu.

Theo thông báo của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào năm 2013, BRI rất tham vọng, với kế hoạch đầu tư khoảng 1 nghìn tỷ USD vào hơn 65 nước. Mặc dù những hoài nghi đã được nêu lên về tính mới mẻ, giá trị và tính khả thi của nhiều dự án được đề xuất, nhưng các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới – với mong muốn đạt được triển vọng tốt hơn nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển của họ – cũng đang phấn khởi tham gia. Đây là biểu hiện gần đây nhất của vai trò lãnh đạo của Trung Quốc vào thời điểm mà cam kết của Hoa Kỳ đối với khu vực này ít chắc chắn hơn bao giờ hết.

Phản ứng của Washington ra sao cho tới nay? Đổ thêm tiền vào quốc phòng. Thượng nghị sĩ John McCain đã đề xuất một “Sáng kiến ổn định Châu Á-Thái Bình Dương” (Asia-Pacific Stability Initiative) trị giá 7,5 tỷ USD (1,5 tỷ USD mỗi năm cho đến năm 2022), mà theo một người phát ngôn của McCain, sẽ “làm cho vị thế khu vực của Hoa Kỳ trở nên linh hoạt hơn, và mạnh mẽ hơn”, cũng như cải thiện cơ sở hạ tầng quân sự, mua thêm đạn dược và nâng cao năng lực của các đồng minh và đối tác ở Châu Á. Ý tưởng này rất được lòng nhiều người, nhận được sự ủng hộ sơ bộ từ Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis, một nhóm các nghị sĩ lưỡng đảng tại Đồi Capitol, và các trang xã luận của tờ Wall Street Journal.

Nhưng đây là điều rõ ràng: Mặc dù việc tăng ngân sách quốc phòng của Hoa Kỳ là rất cần thiết, nhưng không một khoản chi tiêu quân sự nào có thể hồi phục sức mạnh của Mỹ ở châu Á. Cho dù tăng cường sức mạnh cho các đối tác của Hoa Kỳ và tăng cường vị thế của quân đội Hoa Kỳ trong khu vực là cần thiết, cuộc chiến trước mắt về ảnh hưởng ở châu Á lại phụ thuộc vào kinh tế. Và trên khía cạnh đó, Hoa Kỳ đang tổn thất nặng nề kể từ khi rút khỏi Hiệp định Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP). Trump và cộng sự chỉ làm cho vấn càng tồi tệ hơn bằng cách đe dọa hủy bỏ hoặc thương lượng lại các thỏa thuận hiện tại, như Hiệp định Thương mại Tự do Hoa Kỳ-Hàn Quốc.

Bắc Kinh không thể tin được vận may của mình. Không có dấu hiệu cho thấy chính quyền Trump có kế hoạch đưa Hoa Kỳ vào vị thế dẫn dắt về thương mại và đầu tư. Chính Trung Quốc đang ráo riết thực hiện điều này. Và không chỉ với sự khởi động Sáng kiến Vành đai và Con đường. Bắc Kinh cũng đã lập nên Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á vào năm 2015 – mà không có sự tham gia của Hoa Kỳ – cung cấp một nửa trong số 100 tỷ đô la vốn ban đầu. Kể từ đó đến nay, tổ chức này đã phát triển ổn định, vừa mới chào đón 13 quốc gia mới vào hồi tháng 3 (bao gồm Bỉ, Canada và Ireland), đưa tổng số thành viên lên 70. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đang lãnh đạo Ngân hàng Phát triển Mới, được thành lập vào năm 2014 bởi nhóm BRICS, với 100 tỷ đô la vốn khởi đầu.

Tương tự, Trung Quốc cũng sẵn sàng tiếp nhận ví trí đứng đầu về thương mại, đang đóng vai trò nòng cốt trong các cuộc đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một hiệp định thương mại khu vực nhằm kết nối 10 thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) với Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Nhóm này chiếm gần một nửa dân số thế giới và gần 1/3 GDP toàn cầu. Các cuộc đàm phán được tiến hành trong bốn năm qua đã tăng tốc từ cuối năm 2015. Mặc dù vẫn còn nhiều cách biệt lớn và thỏa thuận này vẫn chưa ngã ngũ, RCEP hiện là “cuộc chơi” chủ chốt trong khu vực và không có sự góp mặt của Mỹ.

Những sáng kiến này quan trọng không bởi các tác động kinh tế – tác động thực chất chắc chắn là ít hơn người ta nghĩ – mà thay vào đó là vì chúng đã tạo ra nhận thức ngày càng lớn về tính tất yếu trong tương lai của một trật tự kinh tế Châu Á do Trung Quốc lãnh đạo. Ai cũng hiểu rằng Hoa Kỳ không tham gia vào bất kỳ chương trình nào trong số này. Đây không chỉ đơn giản là giai thoại hay sản phẩm từ giới cầm quyền tinh hoa của Mỹ.

Một cuộc khảo sát gần đây cho thấy giới tinh hoa ở Đông Nam Á cho rằng Hoa Kỳ đánh mất vị thế chiến lược vào tay Trung Quốc, và Washington của Trump ít quan tâm đến khu vực này, ít đáng tin cậy hơn và ít có khả năng duy trì thương mại tự do.

Điều này dẫn tới hiệu quả trong chiến lược của Mỹ chủ yếu dựa trên sức mạnh quân sự nếu chính sách kinh tế của chính quyền Trump đối với châu Á là một sự pha trộn độc hại giữa sự sao nhãng và khinh thường. Các quan chức trong khu vực đang âm thầm cảnh báo rằng Đông Nam Á đang nhanh chóng tiếp cận (nếu không muốn nói là đã vượt qua) ranh giới mà ở đó các quốc gia sẽ miễn cưỡng thiết lập các hoạt động an ninh mới với Hoa Kỳ vì sợ bị trả thù kinh tế từ Trung Quốc. Đây là trường hợp không chỉ xảy ra với các đối tác mới của Mỹ như Việt Nam và Malaysia, mà còn cả ở những nước bạn bè lâu năm của Mỹ như Singapore và Úc. Liệu Canberra giờ đây có đồng ý với một sáng kiến quân sự mới với Hoa Kỳ giống như thỏa thuận mà chính quyền Obama đã thương lượng thành công vào năm 2011 nhằm luân chuyển 2.500 lính thủy quân lục chiến Hoa Kỳ tới Darwin? Câu trả lời chắc chắn là “không”, và mặc dù một số điều này có nguyên nhân liên quan tới chính bản thân Trump, lý do căn bản hơn là niềm tin đang nổi lên (dù đúng hay sai) rằng tương lai kinh tế của Australia giờ bị bó buộc vào cỗ xe Trung Quốc.

Hoa Kỳ sẽ cần các đồng minh và đối tác vững chắc, độc lập và đáng tin cậy để thúc đẩy các lợi ích quan trọng ở châu Á. Nhưng cách duy nhất mà những kế hoạch tương tự như Sáng kiến Ổn định Châu Á Thái Bình Dương của McCain có thể thành công là Hoa Kỳ cần cung cấp cho khu vực một lựa chọn khác cho sự phụ thuộc kinh tế vào Trung Quốc và các thể chế do Trung Quốc lãnh đạo. Phục hồi sự tham gia của Hoa Kỳ vào TPP (hoặc một phiên bản nào đó) là bước đi trước tiên đơn giản và rõ ràng nhất. Khía cạnh chính trị của thương mại hiện nay rất tồi tệ, nhưng hậu quả của việc Mỹ thoái lui hay chủ nghĩa bảo hộ cũng tồi tệ không kém. Nếu ngay cả việc thay đổi quyết định đối với TPP là điều không thể đối với chính quyền Trump, thì chắc chắn Mỹ sẽ nhanh chóng lâm nguy trước một nỗ lực kinh tế đầy tham vọng tương tự ở châu Á. Hoặc có thể, Hoa Kỳ sẽ sớm bị đẩy ra rìa khỏi các vùng rộng lớn của khu vực, bất kể Quốc hội có cam kết bao nhiêu tỷ đô la nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của Mỹ ở châu Á đi chăng nữa.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]