Ngoại giao nước nhỏ và bài học cho Việt Nam

Tác giả: Nguyễn Thị Linh

Tháng 7/2016 tại Singapore nổ ra một cuộc bút chiến bàn luận về chủ đề ứng xử của nước nhỏ trong quan hệ quốc tế giữa các nhà ngoại giao kỳ cựu của nước này. Cuộc tranh luận thu hút sự chú ý của dư luận bên trong và bên ngoài Singapore bởi nó không chỉ phản ánh sự chia rẽ tư tưởng trong giới hoạch định chính sách đối ngoại Singapore hiện nay mà còn động chạm đến vấn đề cốt lõi liên quan đến bản sắc của một chủ thể hết sức đặc biệt trong chính trị quốc tế hiện đại. Singapore là một quốc đảo với dân số 5,6 triệu nhưng lại có nền kinh tế phát triển bậc nhất thế giới và thành tích đối ngoại đáng khâm phục. Từng được coi là “một chấm đỏ” (little red dot), nhưng Singapore ứng xử với tư thế của một quốc gia độc lập, không ít lần từ chối những đề nghị của các cường quốc. Rõ ràng, đây không phải lần đầu tiên cuộc tranh luận nổ ra, và chắc cũng không phải lần cuối. Những ý kiến trong diễn đàn hết sức có giá trị để giới nghiên cứu chính sách của Việt Nam tham khảo.

Khác biệt quan điểm

Lời qua tiếng lại bắt nguồn từ bài bình luận “Bài học lớn từ một Nước nhỏ” trên Nhật báo Strait Times của Giáo sư Kishore Mahbubani, Hiệu trưởng Trường Chính sách Công Lý Quang Diệu. Sở dĩ bài viết thu hút sự chú ý bởi Mahbubani  được coi là nhà tư tưởng có ảnh hưởng của Singapore với cuốn sách nổi tiếng Can Asians Think? (tạm dịch: Người châu Á có thể tư duy được không?). Ông cũng có sự nghiệp kỳ cựu trong lĩnh vực đối ngoại, đã từng được bổ nhiệm Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao và Đại sứ của Singapore tại Liên Hợp Quốc.

Trong bài bình luận, Mahbubani viện dẫn trường hợp của Qatar, nước đang bị dính vào cuộc khủng hoảng chính trị-ngoại giao với các thành viên còn lại trong Liên đoàn Ả-rập, để lập luận rằng nước nhỏ không nên phớt lờ quy tắc vĩnh viễn của địa chính trị: “Nước nhỏ phải hành động như các nước nhỏ”, không phải hành xử giống cường quốc hạng trung. Quan điểm trên được hình thành trên nhận định: do tự tin về tiềm lực kinh tế và mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, Qatar đã hành xử “quá sức” như một cường quốc hạng trung, trực tiếp can dự vào các cuộc chạy đua địa chính trị ở khu vực (can thiệp trực tiếp vào tình hình Syria, hỗ trợ các nhóm nổi dậy ở các quốc gia khác). Các nước láng giềng lớn hơn như Ả Rập Xê Út, Bahrain, Ai Cập, Liên minh Ả Rập cắt đứt quan hệ ngoại giao với cáo buộc “Qatar gây chia rẽ nội bộ Ả Rập, xúi giục các âm mưu chống lại Nhà nước, vi phạm chủ quyền, chứa chấp các tổ chức khủng bố như Nhóm Anh em Hồi giáo, ISIS và Al-Qaeda.”

Từ quan sát đó, Mahbubani phê phán lập trường của Singapore công khai ủng hộ Toà trọng tài Biển Đông và rút ra kết luận rằng Singapore nên cẩn trọng và kiềm chế khi đưa ra các bình luận liên quan tới các cường quốc để tránh rơi vào tình huống của Qatar. Ông này cũng bổ sung thêm rằng cố Thủ tướng Lý Quang Diệu, người có những bình luận “cởi mở và tự do về các cường quốc” là trường hợp ngoại lệ. Quan điểm của Mahbubani được Tiến sĩ Yap Kwong Weng, chuyên gia về Đông Dương của Trường Lý Quang Diệu ủng hộ. Ông này cũng cho rằng Singapore nên tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại phù hợp, cẩn trọng và không nên cư xử như một nước hạng trung để tránh rủi ro liên quan tới những tính toán địa chính trị.

Quan điểm của Mahbubani gặp phải sự phản ứng của nhiều chính khách hàng đầu Singapore. Nhà ngoại giao nghỉ hưu Bilahari Kausikan[1] cho rằng suy nghĩ của Mahbubani là “lộn xộn, dối trá và nguy hiểm”, xúc phạm các lãnh đạo tiền nhiệm và người dân Singapore. Kausikan cho rằng “Singapore sẽ không tồn tại và thịnh vượng như con chó thuần dưỡng của bất cứ nước nào” và các nhà lãnh đạo của nước này sẽ không do dự đứng lên bảo vệ các lý tưởng và nguyên tắc của họ.[2] Ông dẫn chứng các ví dụ về những nhà ngoại giao Singapore như Bộ trưởng George Yeo, Thủ tướng Lý Quang Diệu từng giữ vững quan điểm của mình khi đối mặt với các nước lớn hơn như Trung Quốc, Indonesia để chứng minh cho lập luận của mình.

Cùng lối tư duy này, cựu Bộ trưởng Ngoại giao K. Shanmugam cho rằng lời bình luận của Giáo sư Mahbubani là “đáng nghi vấn về mặt học thức” và đi ngược lại những nguyên tắc cơ bản mà lãnh đạo lập quốc Lý Quang Diệu theo đuổi: đó là không nghĩ nhỏ mọn hay nhún nhường trước các nước khác.[3] Dựa trên những kinh nghiệm của bản thân với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, Shanmugam cho rằng nếu Singapore cho phép bản thân mình bị bắt nạt thì nước này sẽ tiếp tục bị bắt nạt. Do đó, trong vai trò Ngoại trưởng, ông không bao giờ để các nước khác làm điều như vậy với Singapore.

Cựu Đại sứ lưu động Ong Keng Yong, hiện đang là Phó Chủ tịch điều hành của Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam, cũng cảnh báo rằng quan điểm của Mahbubani đi ngược lại lợi ích của Singapore. Quan hệ quốc tế không đơn thuần dựa trên quy mô diện tích và dân số. Theo ông, nước nhỏ không thể lựa chọn “sự sợ hãi” trước các nước lớn, mà buộc phải đứng lên bảo vệ lợi ích quốc gia vì nếu làm khác sẽ luôn bị các nước lớn chèn ép.

Nguồn gốc của cuộc tranh luận

Cuộc tranh luận công khai về chính sách đối ngoại của Singapore nảy sinh trong bối cảnh khu vực này có sự cạnh tranh mạnh mẽ giữa Mỹ và Trung Quốc, đặc biệt liên quan đến căng thẳng gia tăng ở Biển Đông. Kể từ 2009, những va chạm liên quan đến vấn đề Biển Đông đẩy quan hệ Trung Quốc và một số nước ASEAN vào một số đối đầu về ngoại giao cũng như trên thực địa. Từ đó, mâu thuẫn giữa Singapore và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông xuất hiện. Là một quốc gia thương mại, Singapore chủ trương duy trì trật tự trên biển dựa trên luật pháp quốc tế, trong khi đó Trung Quốc có xu hướng sử dụng sức mạnh chèn ép các nước nhỏ mà bỏ qua luật pháp quốc tế, cụ thể là UNCLOS. Bên cạnh đó, Singapore nỗ lực duy trì đoàn kết ASEAN trong khi Trung Quốc tìm cách gây chia rẽ.

Nhìn lại, mâu thuẫn Singapore và Trung Quốc tích tụ trong giai đoạn Singapore là quốc gia điều phối quan hệ giữa ASEAN và Trung Quốc kể từ tháng 8/2015. Xích mích đầu tiên là tại Diễn đàn Cộng đồng ASEAN ở Jakarta, Indonesia tháng 4/2016, hai nhà ngoại giao lão thành của Singapore (Ong Keng Yong và Kausikan Bilahari) cáo buộc Trung Quốc can dự vào vấn đề nội bộ của ASEAN và cố gắng gây chia rẽ khu vực sau khi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị tuyên bố rằng Trung Quốc đã đạt được đồng thuận bốn điểm với Brunei, Campuchia và Lào về vấn đề Biển Đông. Phía Trung Quốc cho rằng ý định của Trung Quốc bị hiểu nhầm và yêu cầu Singapore làm rõ lời buộc tội trên.[4] Tiếp đến vào tháng 6, sau cuộc họp đặc biệt ASEAN-Trung Quốc ở Côn Minh, Singapore lại trở thành tâm điểm gây tranh cãi khi Bộ trưởng Ngoại giao nước này không tham gia họp báo với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc sau sự kiện như dự kiến. Singapore và một nước ASEAN đã không đồng ý trong một số vấn đề, trong đó có việc Trung Quốc ép ASEAN coi vấn đề Biển Đông là khúc mắc song phương giữa Trung Quốc và các nước ASEAN riêng lẻ. Trung Quốc và ASEAN rõ ràng là có những tuyên bố khác nhau và Trung Quốc lần nữa tìm cách chia rẽ ASEAN bằng cách gây áp lực lên một số nước thành viên để ngăn cản một tuyên bố chung không có lợi cho Trung Quốc.[5] Trung Quốc chỉ trích Singapore không làm tốt vai trò điều phối quan hệ Trung Quốc-ASEAN nhằm thúc đẩy đồng thuận về vấn đề Biển Đông. Singapore cũng là quốc gia có lập trường ủng hộ Toà trọng tài Biển Đông mà Trung Quốc tìm mọi cách để bác bỏ.

Cho tới tháng 9, Đại sứ Singapore tại Trung Quốc gửi thư cho Tổng biên tập Thời báo Hoàn Cầu bác bỏ cáo buộc của Thời báo này cho rằng Singapore đang làm căng thẳng tình hình Biển Đông với những hành động và tuyên bố không có căn cứ tại Hội nghị cấp cao lần thứ 17 của Phong trào Không liên kết (NAM). Tình hình quan hệ song phương tiếp tục xấu đi khi Trung Quốc bày tỏ bất mãn trước việc Singapore cho phép tàu chiến Littoral và tàu ngầm tuần tra P-8A Poseidon của Mỹ triển khai ở Singapore và thực hiện tuần tra ở Biển Đông.[6] Tháng 11/2016, Trung Quốc trả đũa bằng cách bất ngờ bắt giữ lô xe bọc thép Terrex của Singapore quá cảnh ở Hong Kong trên đường về Singapore sau khi tập trận ở Đài Loan. Lý do hải quan Hồng Kông đưa ra “phát hiện thiết bị kiểm soát khả nghi.” Vụ việc tạo ra căng thẳng ngoại giao chưa từng có tiền lệ giữa Trung Quốc và Singapore, đặt Singapore trước rủi ro bị mất bí mật quân sự liên quan đến lô xe bọc thép tối tân.

Chuỗi sự kiện và căng thẳng gia tăng trong quan hệ Singapore và Trung Quốc có lẽ là cơ sở thực tế để nhà ngoại giao kỳ cựu Kishore Mahbubani đưa ra bình luận “nước nhỏ nên theo ngoại giao nhỏ”, không nên can dự vào những vấn đề liên quan đến địa chính trị của các cường quốc. Câu chuyện Qatar cơ bản chỉ là cái cớ để Mahbubani thể hiện sự bất mãn đối với chính sách đối ngoại của Chính phủ Lý Hiển Long. Các nhà ngoại giao khác như Kausikan Bilahari, Ong Keng Yong, và S. Shanmugam là những nhân vật chủ chốt đã từng phục vụ trong nội các của Thủ tướng Lý Hiển Long. Rõ ràng, Mahbubani ám chỉ Singapore nên theo chính sách đối ngoại thực dụng, không nên có lập trường quá mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông, trong khi Bilahari, Yong và Shanmugam cho rằng Singapore nên đứng lên bảo vệ luật pháp quốc tế.

Sức mạnh của các lập luận

Cuộc tranh luận về ngoại giao Singapore phản ánh hai trường phái chính sách truyền thống là chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng. Chủ nghĩa hiện thực chính trị nhấn mạnh vào thực tế tồn tại độc lập so với suy nghĩ, ý tưởng và nhận thức. Quan điểm của Giáo sư Mahbubani xuất phát từ tiền đề rằng Singapore là một nước nhỏ, không còn là một lãnh đạo có khả năng cân bằng quan hệ với các nước lớn như Lý Quang Diệu và tình hình quan hệ căng thẳng giữa Singapore và Trung Quốc gần đây, nước này nên tự lượng sức mình, tránh gây sự với các nước lớn. Trong khi đó các ý kiến chỉ trích quan điểm của ông bắt nguồn từ hệ tư duy lý tưởng, cho rằng thực tế được định hình bởi suy nghĩ và các tư tưởng, và thực tiễn của Singapore kể từ khi lập quốc. Theo đó Singapore phải có lý tưởng, dám theo đuổi lý tưởng như Lý Quang Diệu, dám thách thức các nước lớn trong nhiều tình huống cụ thể để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, thượng tôn pháp luật và duy trì ổn định khu vực.

Về cách tiếp cận, việc so sánh sự tương đồng giữa Qatar với Singapore của Giáo sư Mahbubani dựa trên diện tích, sức mạnh kinh tế và chính sách tăng cường ảnh hưởng ra bên ngoài là một cách đặt vấn đề thuyết phục. Cả Singapore và Qatar đều là những quốc gia nhỏ bé nhưng lại sở hữu sức mạnh kinh tế đứng đầu thế giới và nhiều ý kiến đồng tình rằng hai nước này có tầm ảnh hưởng quốc tế vượt trên diện tích (punch over its weight).[7] Cụ thể cả Singapore và Qatar đều thuộc nhóm các nước giàu nhất thế giới cho tới năm 2016 tính theo GDP danh nghĩa (GDP Qatar xếp thứ 5 với 60.733$ và Singapore là 53.053$ ở vị trí thứ 11).[8] Trong suốt thập kỷ qua, Qatar thực thi nhiều chính sách nhằm nâng cao vị thế đồng thời giúp duy trì cân bằng quyền lực trong khu vực. Nước này tiến hành một số cuộc hành quân lớn, đảm nhiệm các biện pháp ngoại giao mạo hiểm và cung cấp các diễn đàn nhằm giải quyết các thách thức toàn cầu. Có thể kể đến việc Qatar tham gia liên minh quân sự của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc để bảo vệ người dân Libya năm 2011 hay đóng vai trò trung gian trong cuộc khủng hoảng Syria.[9] Ngoài ra Qatar còn sẵn sàng hợp tác với Mỹ, Hamas, Hezbollah và Iran; nhiệt tình ủng hộ các cuộc cách mạng ở Tunisia, Ai Cập và Libya. Các hoạt động này phần nào làm suy yếu an ninh và ổn định của các nước khác, từ đó dẫn đến sự bao vây, cấm vận của một loạt các nước Vùng Vịnh và Ả-rập đã từng “cùng chung chiến hào” với Qatar. Theo đó, quan điểm “đừng cố quá sức” cơ bản thuyết phục.

Tuy nhiên, lập luận của Mahbubani có một số điểm yếu về lô-gic. Một là, lập luận này dựa trên tiền đề rằng Qatar sẽ chịu khuất phục trước sức ép từ các nước Ả-rập khác. Trên thực tế, mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng đến nay Qatar vẫn đứng vững nhờ nội lực mạnh và mạng lưới quan hệ rộng giúp giải toả phần nào sức ép từ phía Tây. Có thể thấy, cuộc khủng hoảng này sẽ còn kéo dài, và hồi kết còn chưa rõ ràng. Hai là, việc sử dụng một trường hợp điển hình để đi đến một khái quát hoá quá lớn tạo ra những lỗ hổng trong dẫn chứng. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng Qatar hiện nay rất khác với vấn đề mà Singapore phải đối mặt ở Biển Đông, cả về bản chất vấn đề, phe phái và tương quan lực lượng. Qatar can dự mạnh mẽ vào một số vấn đề Trung Đông cơ bản là mục tiêu ảnh hưởng, trong khi đó Singapore đấu tranh ở Biển Đông là cho lợi ích lâu dài và bản sắc của nước này. Singapore giàu có và thành công phần lớn nhờ nguồn lực trí tuệ, tự do hàng hải trên biển và trật tự dựa trên luật pháp. Theo đó, hoà bình, ổn định và luật pháp trên biển là lợi ích sát sườn của Singapore. Ba là, việc Mahbubani cho rằng vai trò của Lý Quang Diệu là độc nhất, không thể lặp lại là thiếu thuyết phục. Có thể thấy, quá trình đấu tranh chống lại cường quyền luôn đòi hỏi thời gian và sự kiên nhẫn. Bốn là, Mahbubani không thuyết phục khi không thảo luận cụ thể về các nước nhỏ nên “kiềm chế” đến đâu là vừa đủ. Lịch sử cho thấy chính sách cầu hoà thường không bao giờ thoả mãn các cường quốc.

Ở phía đối lập, các ý kiến chỉ trích mạnh về lập luận, nhưng yếu về cách trình bày. Tính thuyết phục của dòng lập luận này xuất phát từ mô hình đối ngoại thành công của Singapore, nước đã kiên trì xây dựng và đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế. Trường hợp của Lý Quang Diệu chứng tỏ nước nhỏ vẫn có thể “nghĩ lớn” và hành động dựa trên nguyên tắc và lý tưởng, và đó cũng là lợi ích lâu dài. Tuy nhiên, thay vì tranh luận trực tiếp với các lập luận của Giáo sư Mahbubani, các ý kiến trên quá nghiêng về đả kích cá nhân như chỉ trích tác giả là “nguy hiểm”, “dối trá” hay có “vấn đề về học thức.” Trong bài viết, Mahbubani phần nào có lý khi cho rằng Singapore nên kiềm chế và cẩn trọng trong phát ngôn hay tuyên bố liên quan tới các cường quốc chứ không nói  rằng Singapore phải cúi đầu, khúm núm hay để bị bắt nạt. Mahbubani cũng cho rằng, các nước nhỏ cần dựa vào Liên Hợp Quốc và tổ chức khu vực, nhưng luận điểm này bị bỏ qua. Nói chung, cần giữ lý tưởng và nguyên tắc, cần khôn khéo tránh đối đầu đầu trực diện, công khai với các cường quốc. Tuy nhiên, ranh giới giữa điều cần giữ nguyên tắc và cần ứng biến linh hoạt luôn rất khó để xác định. Nó thuộc về nghệ thuật và bản lĩnh của các nhà lãnh đạo. Cả hai hệ thống quan điểm trên có lẽ đều có những yếu tố cực đoan, không phản ánh lịch sử và thực tại của Singapore.

Có thể thấy rằng cả hai lập luận trên đều chia sẻ quan điểm rằng tư duy đối ngoại nghĩ lớn và chiến lược của Lý Quang Diệu là nhân tố quan trọng nhất quyết định sự thành công của Singapore. Và khi nhân tố này không còn xuất hiện, người ta đặt ra câu hỏi là nước này nên tiếp tục chính sách của Lý Quang Diệu hay hành động cẩn trọng như một nước nhỏ. Theo đánh giá của nhiều nhà phân tích, Lý Quang Diệu dẫn dắt Singapore thành công không xuất phát từ việc ông theo nguyên tắc của chủ nghĩa lý tưởng hay hiện thực mà lãnh đạo theo chủ nghĩa “hiện thực mềm” và kinh nghiệm nhưng luôn lấy lợi ích quốc gia là trên hết.[10]

Lý tưởng “lợi ích quốc gia”

Lý Quang Diệu nghĩ lớn, mạo hiểm nhưng cũng quan tâm nhiều tới sự thay đổi hoàn cảnh, quan sát xu hướng an ninh và kinh tế quốc tế, từ đó định vị Singapore trong mối quan hệ song phương, đa phương để nắm bắt cơ hội trước kẻ khác để kiên trì mục tiêu đưa Singapore đi lên, từ một làng chài nghèo nàn đến một trung tâm tài chính, kinh tế của thế giới. Nói các khác, lý tưởng của Lý Quang Diệu chính là lợi ích quốc gia thực tế, không phải bất cứ hệ tư tưởng cụ thể nào. Theo đó, Singapore thiết lập quan hệ hiệu quả với tất cả các nước, nhấn mạnh hợp tác thực chất có lợi cho các bên. Lý Quang Diệu kiên quyết đảm bảo độc lập cho Singapore, đồng thời sẵn sàng thoả hiệp trong các lợi ích không cốt lõi, và thực hành ảnh hưởng gián tiếp thông qua các thể chế quốc tế.[11] Tư duy đối ngoại của Lý Quang Diệu nhấn mạnh tính linh hoạt, sẵn sàng thay đổi nếu chính sách không có hiệu quả thực tế, tận dụng thời cơ để hành động có lợi cho Singapore chứ không nhất thiết phải kiên định trong mọi trường hợp hay theo đuổi một chính sách bị chi phối bởi ý thức hệ.

Ngoại giao của Singapore dưới thời kỳ của Thủ tưởng Lý Hiển Long có sự tiếp nối và kế thừa từ nền tảng đối ngoại của Singapore từ thời lập quốc. Lý Hiển Long từng đúc kết, chính sách đối ngoại của Singapore là sự cân bằng giữa “chủ nghĩa hiện thực và chủ nghĩa lý tưởng.”[12] Singapore buộc phải nhìn nhận thế giới đúng bản chất của nó (realism) nhưng không ngừng tìm mọi cách để thực hiện lý tưởng xây dựng một quốc gia phồn thịnh. Quan điểm của Singapore cho thấy, động lực phát triển cần được đặt lên trên, và luôn sẵn sàng thay đổi bản thân trước khi thay đổi thế giới. Để có ảnh hưởng trên thế giới, Singapore cần phải xây dựng một mô hình phát triển thành công và chính sự thành công đó giúp Singapore có tiếng nói và tiếp tục đóng góp để định hình trật tự thế giới có lợi cho Singapore.

Trên cơ sở đó, can dự của Singapore đối với vấn đề Biển Đông thể hiện sự cân bằng giữa “hiện thực” và “lý tưởng.” Biển Đông vừa là lợi ích sát sườn, vừa là lợi ích lâu dài của Singapore, đảm bảo để tiểu quốc thương mại này có thể có hoà bình, công bằng và thịnh vượng bền vững. Singapore ngày càng thể hiện vị thế và tiếng nói của nước này trong tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông với tư cách là quân sư của ASEAN. Singapore thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới vấn đề này trong các hội nghị quốc tế và là nước ASEAN ngầm công nhận phán quyết của Tòa trọng tài. Singapore có thái độ rõ ràng khi tuyên bố chung của ASEAN không đề cập đến phán quyết này tại Hội nghị Trung Quốc – ASEAN tháng 9 năm 2016.[13] Theo đó phán quyết của Toà trọng tài không phải chỉ là vấn đề của Philippines và Trung Quốc, mà là trật tự pháp lý quốc tế liên quan đến lợi ích của tất cả các nước, trong đó có Singapore.

Bài học cho Việt Nam

Việt Nam hiện nay đang theo đuổi chính sách thực dụng trên cơ sở cân bằng quan hệ với các nước lớn, đồng thời tích cực, chủ động mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác với các đối tác khác. Chỉ trong sáu tháng đầu năm 2017, các nhà lãnh đạo Việt Nam đã thực hiện nhiều chuyến thăm chính thức để thúc đẩy các mối quan hệ song phương quan trọng. Cụ thể, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Trung Quốc vào tháng 1/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Mỹ và Nhật Bản tháng 5 và tháng 6/2017; Chủ tịch nước Trần Đại Quang thăm Trung Quốc, dự Hội nghị Thượng đỉnh Vành đai và Con đường tháng 5/2017 và thăm Liên Bang Nga tháng 6/2017. Các chuyến thăm giúp làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác và đối tác với các cường quốc chủ chốt, giúp tạo dựng lợi ích lâu dài của các nước ở Việt Nam, đồng thời tranh thủ các nguồn lực mới để phát triển đất nước.

Việc vượt qua rào cản ý thức hệ để nhìn nhận, đánh giá các quốc gia khác ở cả hai góc độ, đối tác và đối tượng, là cách tiếp cận đúng cho Việt Nam. Lối tư duy này đã giúp Việt Nam không bị cực đoan hoá, xử lý các nguy cơ, tiêu cực ở mức độ phù hợp mà không quá ảnh hưởng đến mặt hợp tác, đồng thời tích cực mở rộng hợp tác nhưng không để bị lệ thuộc quá nhiều vào một cường quốc, từ đó mất đi độc lập, tự chủ. Yếu tố nền tảng cho chính sách Việt Nam không phải là đi với nước nào, dựa vào nước nào, mà tìm cách phát huy tính tích cực trong quan hệ với tất cả các nước để phát triển bản thân. Văn kiện Đại hội XI và XII đã nhấn mạnh nguyên tắc “đặt lợi ích quốc gia dân tộc lên trên hết” và nguyên tắc này cần trở thành lý tưởng và phải được hiện thực hoá trong quá trình hoạch định và triển khai chính sách đối ngoại. Phải luôn “nhìn xa” thì mới có thể “đi nhanh và đi thẳng.” Chính sách của Việt Nam cần xây dựng trên lợi ích dài hạn (phát triển) đồng thời linh hoạt, khéo léo xử lý thoả đáng những thách thức trước mắt.

Do vậy, trong bối cảnh cạnh tranh quốc tế có nhiều khó khăn và phức tạp, Việt Nam không được rời mắt khỏi lợi ích quốc gia dài hạn. Để làm được điều này, chính sách ngoại giao thực dụng của Lý Quang Diệu có thể có những gợi ý hữu ích cho Việt Nam bởi lẽ trên thực tế Việt Nam không phải nước nhỏ, nhưng phải đối diện với nhiều vấn đề tương tự trong quan hệ với các cường quốc. Theo tư duy đối ngoại của Lý Quang Diệu, sự ổn định chiến lược không tự nhiên mà có, theo đó “con cá nhỏ” như Singapore muốn sinh tồn và phát triển tốt cần phải làm cho bản thân mình trở nên “khó nuốt” đối với những “con cá to” bằng cách tự chủ và mạnh mẽ hơn. Để làm được như vậy, nó có thể làm bạn với những con cá khác, xây dựng các mối liên kết mạnh mẽ, và thúc đẩy an ninh tập thể theo cách các nước có nghĩa vụ liên đới trong việc bảo vệ an ninh cho nhau.[14] Tương tự, Việt Nam cần tự chủ và mạnh mẽ để có thể chơi được với các “con cá lớn” thông qua giao dịch đa phương vì hợp tác với nước này sẽ không làm hạn chế giao dịch của Việt Nam với nước còn lại trong thời đại toàn cầu hóa hiện nay. Chính sách đối ngoại của Việt Nam phải luôn bắt nguồn từ và được kiểm điểm trên lợi ích quốc gia của Việt Nam, theo đó Việt Nam không chọn đi theo bên nào mà lựa chọn luật pháp và trật tự quốc tế đã mang lại hòa bình và phát triển cho khu vực trong suốt thời gian qua.

Tóm lại, cuộc tranh luận về chính sách đối ngoại của Singapore gợi mở cho Việt Nam về cách ứng xử với các nước lớn trong các vấn đề khu vực. Theo đó, có ba vấn đề chính sách mà Việt Nam nên chú ý: (1) sức ép, đe dọa của các cường quốc sẽ ngày càng lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi các nhà lãnh đạo phải luôn nắm bắt được thực tiễn, bản chất của thế giới, khéo léo nhưng kiên quyết bảo vệ lợi ích chính đáng và dài hạn của quốc gia; (2) nếu không thay đổi được bản thân thì không thể thay đổi thế giới xung quanh, không có sức mạnh và tầm nhìn dài hạn thì không thể có độc lập về tư duy và chính sách như Singapore đã thay đổi số phận của họ nhờ nắm bắt thực tiễn, kiên trì mục tiêu dài hạn, dám kiên định giữ nguyên tắc; (3) không can thiệp vào nội bộ nước khác, không tham gia vào cạnh tranh nước lớn, nhưng tích cực đóng góp xây dựng luật chơi chung qua các cơ chế quốc tế.

Nguyễn Thị Linh là cử nhân chuyên ngành Chính trị quốc tế và Ngoại giao Việt Nam và là hội viên CLB Galileo, Học viện Ngoại giao. Linh hiện nay là trợ lý nghiên cứu tại Viện Biển Đông, Học viện Ngoại giao.

Bài được đăng lần đầu trên Nghiên cứu Biển Đông.

—————-

[1] Trước khi nghỉ hưu, Bilahari Kausikan là Đại sứ lưu động của Singapore.

[2] Bilahari Kausikan, Singapore cannot be cowed by size, The Straits Times,

http://www.straitstimes.com/opinion/singapore-cannot-be-cowed-by-size,

truy cập ngày 10/07/2017.

[3] Nur Asyiqin Mohamad Salleh, Don’s commentary on foreign policy of small states criticised, The Straits Times, http://www.straitstimes.com/singapore/dons-commentary-on-foreign-policy-of-small-states-criticised, truy cập ngày 10/07/2017.

[4] Fancis Chan, China criticised for apparent attempt to devide Asean, The Straitstimes, http://www.straitstimes.com/asia/china-criticised-for-apparent-attempt-to-divide-asean, truy cập ngày 11/07/2017.

[5] Prashanth Parameswaran, China, Not ASEAN, the Real failure on South China Sea at Kunming Meeting, The Diplomat, http://thediplomat.com/2016/06/china-not-asean-the-real-failure-at-south-china-sea-kunming-meeting/, truy cập ngày 11/07/2017.

[6] Liang Fook Lye, Singapore – China relations hit another snag, Asia & The Pacific Policy Society, https://www.policyforum.net/singapore-china-relations-hit-another-snag/, truy cập ngày 15/07/2017.

[7] Global is Asian, Punching above its weight: Is Singapore more than a price taker in global governace?, http://global-is-asian.nus.edu.sg/index.php/punching-above-its-weight-is-singapore-more-than-a-price-taker-in-global-governance/, cư, truy cập ngày 14/07/2017.

[8] Statistictimes, Projected GDP per capita ranking (2016-2020),

http://statisticstimes.com/economy/projected-world-gdp-capita-ranking.php, truy cập ngày 25/07/2017.

[9] Robert Nolan, How Qatar punches above its weight class, U.S.News,

https://www.usnews.com/opinion/blogs/world-report/2012/11/16/how-qatar-punches-above-its-weight-class, truy cập ngày 25/07/2017.

[10] Ang Cheng Guan, Singapore and the Worldview of Lee Kuan Yew, The Diplomat, http://thediplomat.com/2015/03/singapore-and-the-worldview-of-lee-kuan-yew/, truy cập ngày 14/07/2017.

[11] Paul Englert, Lest We forget: 5 key lessons in leadership from Lee Kuan Yew, Linked in, https://www.linkedin.com/pulse/lest-we-forget-5-key-lessons-leadership-from-lee-kuan-paul-englert, truy cập ngày 14/07/2017.

[12] Prime Minister’s office Singapore, PM Lee Hsien Loong at the 8th S Rajaratnam lecture on 27 November 2015,  http://www.pmo.gov.sg/newsroom/pm-lee-hsien-loong-8th-s-rajaratnam-lecture-27-november-2015, truy cập ngày 14/07/2017.

[13] Vai trò của ASEAN trong tranh chấp Biển Đông, Nghiên cứu Biển Đông,

http://nghiencuubiendong.vn/nghien-cuu-nuoc-ngoai/6464-vai-tro-cua-singapre-trong-tranh-chap-bien-dong, truy cập ngày 20/07/2017.

[14] The IISS Shangri-La Dialogue The Asia Security Summit, Keynote Address: Malcolm Turnbull, Prime Minister of Australia, https://www.iiss.org/en/events/shangri-la-dialogue/archive/shangri-la-dialogue-2017-4f77/opening-remarks-and-keynote-address-fc1a/keynote-address—malcolm-turnbull-4bbe, truy cập ngày 02/08/2017.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]