Nguồn: Catherine Merridale, “How German Condoms Funded the Russian Revolution”, The New York Times, 17/07/2017.
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Cái tên Vladimir Ilyich Lenin thường không liên quan đến những băng nhóm buôn lậu chợ đen hay trục lợi trong thời chiến. Là một người nổi tiếng đứng đắn, ông không có gen cho các phi vụ lăng nhăng. Tuy nhiên, các hoạt động tội phạm và đầu cơ đã giúp tài trợ các hoạt động của ông vào năm 1917. Một khoản tiền lớn mà Lenin cần để chuẩn bị cho Đại Cách mạng Xã hội Chủ nghĩa Tháng Mười đã được chuyển qua một công ty xuất nhập khẩu chuyên buôn lậu dược phẩm, bút chì, và bao cao su của Đức.
Câu chuyện bắt đầu ở Thụy Sĩ, nơi Lenin, vốn đang lưu vong khỏi nước Nga, đã sinh sống kể từ khi Thế chiến I bùng nổ. Tháng 03/1917, tin về cách mạng ở Petrograd đã đến Zurich. Là lãnh đạo của phe Bolshevik, đảng xã hội chủ nghĩa cấp tiến nhất của Nga, nhiệm vụ của ông là quay trở lại Nga ngay lập tức. Vấn đề là không có con đường nào an toàn: việc Lenin kêu gọi biến chiến tranh châu Âu thành cuộc cách mạng chống lại giai cấp tư sản đã khiến người Pháp và người Anh không ưa nổi ông, nên nếu đi về hướng tây, Lenin có thể bị giam giữ mà không cần xét xử. Nhưng đi về hướng bắc, qua Đức, lại đồng nghĩa là băng qua vùng đất thuộc về kẻ thù của nước ông. Ông có thể bị bắt hoặc bị xử tội phản quốc khi về đến quê nhà.
Phải mất hơn một tuần đàm phán để tìm ra câu trả lời. Chính phủ Đức đã đồng ý cho Lenin một hành trình an toàn đến vùng Biển Baltic, hộ tống ông trong một chuyến xe lửa đặc biệt với những cánh cửa bị khóa. Về mặt pháp lý, Lenin sau đó giải thích, toa xe lửa chỉ như là một “thực thể ngoại địa,” như một khoang kín băng qua đất Đức mà không tiếp xúc với công dân Đức, những kẻ thù hay gián điệp tiềm tàng. Tuy nhiên, khi con tàu di chuyển gần về phía bờ biển, nó đã nhanh chóng được gọi là “con tàu bị niêm phong.”
Không có gì bí mật về cuộc hành trình này. Lenin đã mong chờ sự chấp thuận từ bất kỳ nhân vật của công chúng nào mà ông có thể tìm được. Vào phút chót, nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ của quốc tế, ông thậm chí còn gọi cho Văn phòng Đại diện của Mỹ đặt tại Bern, Thụy Sĩ. Đó là một ngày chủ nhật, và chàng thanh niên trực ban đang chuẩn bị rời đi chơi quần vợt. “Vui lòng gọi lại vào ngày mai,” anh nói với vị chủ nhân tương lai của Điện Kremlin. Trong những năm sau đó, khi chàng thanh niên Allen Dulles trở thành người đứng đầu của C.I.A., ông vẫn thường nhắc đi nhắc lại câu chuyện về cuộc gọi đó.
Lenin không cần vàng của Hoàng đế Đức để về nhà. Ông đã tự trả tiền vé (hạng hai) của mình. Nhưng nghi vấn bắt đầu xuất hiện ngay khi ông đến Petrograd. Lập tức giành quyền lãnh đạo đảng, Lenin nhấn mạnh một chương trình nghị sự bác bỏ tất cả các cuộc chiến tranh đế quốc. Sự phản đối của ông đối với chính phủ lâm thời, một nội các tạm thời gồm các nhà tự do và các doanh nhân đang cố gắng đưa nước Nga vào một cuộc chiến tranh như vậy, đã gây ra mối nghi ngờ rằng ông là gián điệp của Đức.
Người Pháp nói rằng họ có thể có bằng chứng. Được khích lệ bởi niềm hy vọng đó, một đại tá Nga tên Boris Nikitin đã được giao trọng trách điều tra. Ông đã phái một điệp viên đi theo dõi việc sử dụng điện báo của phe Bolsheviks và trả tiền cho mọi tin đồn bất kể đúng hay sai. Nikitin làm việc toàn thời gian, nhưng văn phòng duy nhất có sẵn cho ông lại nằm trong một tòa nhà đã có nhiều người tình nghi là Bolshevik đang làm việc. Viên đại tá không chỉ cảm thấy bị theo dõi, mà tất cả các cửa sổ của ông khi mở ra đều thấy những lá cờ đỏ rực bay phấp phới.
Trong khi đó, chính phủ lâm thời vẫn tiếp tục tiến hành chiến tranh. Cuối tháng 6, họ đã phát động cuộc tấn công trên mặt trận Galicia. Mặc dù được tung hô là chiến dịch thực hiện bởi quân đội non trẻ của một quốc gia mới được tự do, nhưng nó đã thất bại chỉ trong vòng ba ngày. Những rối loạn quy mô lớn đã xảy ra ở Petrograd, đi kèm với giao tranh trên đường phố – giữa các băng đảng cánh hữu và cánh tả, cờ đen và các biểu ngữ xã hội chủ nghĩa, hoảng loạn, bắn giết và dân thường thiệt mạng. Còn có cả những tin đồn mới về một cuộc đảo chính.
Trong tuyệt vọng, Pavel Pereverzev, Bộ trưởng Tư pháp, đã cố gắng đem những người Bolshevik làm vật tế thần cho hoàn cảnh khó khăn của nước Nga. Bằng chứng của ông không đủ thuyết phục (ông đã nhanh chóng bị yêu cầu từ chức), nhưng ý tưởng rằng Lenin là gián điệp cho người Đức đã khởi đầu một chiến dịch truy lùng. Khi Petrograd rơi vào tình trạng hỗn loạn, “bọn côn đồ” làm việc cho chính phủ đã lục soát văn phòng tòa soạn tờ báo của phe Bolshevik, tờ Pravda. Một số nhà cách mạng hàng đầu đã bị bỏ tù, trong đó có Leon Trotsky. Cạo sạch râu và ngụy trang bằng một bộ tóc giả, Lenin đã trốn khỏi thủ đô Nga trong nỗi sợ bị mất mạng. Tháng 8, sau khi thu thập thêm nhiều lời khai, chính phủ lâm thời đã tuyên án vắng mặt ông.
Vụ án chống lại Lenin luôn thiếu chứng cứ. Bằng chứng của Pereverzev, liên quan đến một hợp đồng mà Lenin bị cáo buộc đã ký tại Berlin ở thời điểm một năm trước, hóa ra lại là sự bịa đặt của một tù binh chiến tranh trốn trại. Báo chí thậm chí còn thêu dệt nhiều câu chuyện, chẳng hạn: em gái của Lenin là gián điệp ở Salonica, Lenin đã bị sát hại, tên thật của Lenin là Mytenbladm hay Zederbluhm. Nhiều năm sau, Trotsky nhớ lại tháng 07/1917 là “tháng của nhiều vu khống nhất trong lịch sử thế giới.”
Trên thực tế, Lenin vẫn sống. Ông đã sử dụng thời gian ở Phần Lan để đưa ra các kế hoạch mới, đầy tham vọng. Giữa tháng 9, ông cảm thấy mình đủ bạo dạn để trở lại Nga và tiếp tục cuộc chiến, lần này để chuẩn bị cho các phụ tá của mình ở Bolshevik lên chiếm quyền. Chiến dịch này đã diễn ra vào ngày 07/11, và cùng ngày đó, các đường phố của Petrograd đã đầy những tờ truyền đơn tuyên bố chiến thắng của chế độ Liên Xô mới của Lenin.
Nhưng những câu hỏi về tài chính luôn có cách để ám ảnh những nhân vật vĩ đại của lịch sử. Lenin đã trông chờ vào sự bí mật, nhưng người Đức đã khiến ông thất vọng. Cuối năm 1917, Ngoại trưởng Đức, Richard von Kühlmann, đã lên tiếng về vai trò của đất nước mình trong cuộc đảo chính Bolshevik vào tháng 11. Ông nói, Berlin từ lâu đã dự định lật đổ chính phủ Nga. Thách thức là tìm một người có thể làm việc này. Người Đức đã ủng hộ một loạt nhân vật, từ những người Phần Lan theo chủ nghĩa dân tộc đến những người Trung Á theo chủ nghĩa thánh chiến. Kuhlmann đã giải thích thẳng thắn trong một bản ghi nhớ rằng, “Phải đến khi Bolshevik nhận được từ chúng tôi một dòng tiền ổn định thông qua các kênh khác nhau thì họ mới có thể xây dựng được tổ chức quan trọng nhất của họ, Pravda, nhằm tiến hành các chiến dịch tuyên truyền và mở rộng cơ sở mà ban đầu vẫn còn hạn hẹp của họ.”
Lenin rất thận trọng trong giao dịch ngân hàng. Ông quả quyết rằng mình đã từ chối mọi điệp viên mà người Đức gửi tới gặp ông. Ông khẳng định (một cách đúng đắn) rằng đảng của ông đã chiến thắng bằng cách định hình niềm đam mê thực sự và thất vọng. Tuy nhiên, tiền mặt là điều thiết yếu. Mùa hè năm 1917, người Anh ước tính rằng sẽ phải mất 2 triệu bảng mỗi tháng để thực hiện được chương trình tuyên truyền đủ ứng phó với các nỗ lực tuyên truyền của Lenin. Cái giá cao này một phần là do sự hấp dẫn chân thực của chủ nghĩa Bolshevisk (khiến việc tuyên truyền chống lại nó khó khăn hơn – NBT), nhưng ngay cả Lenin cũng biết rằng báo chí và áp phích, bản thân chúng chẳng thể tự in ra và tự phân phát.
Đó là khi mà bao cao su và bút chì xuất hiện. Lenin không thể chịu rủi ro nhận hối lộ trực tiếp, nhưng sẽ dễ dàng hơn khi Berlin cung cấp cho các nhân viên của Lenin các loại hàng hóa và sau đó quên gửi hóa đơn. Hàng hoá được xuất khẩu sang Đan Mạch (hoàn toàn hợp pháp), bao bì sau đó bị thay đổi (bất hợp pháp), và rồi được bán lại cho các quốc gia cấm nhập khẩu từ Đức. Một phần lợi nhuận đã đổ vào ngân khố của phe Bolshevik thông qua các doanh nghiệp ở Stockholm. Nhân tố quan trọng ở đây là Yakov Fürstenberg, quản lý một công ty xuất nhập khẩu có trụ sở tại Scandinavia, người mà các giám đốc của ông, Alexander Helphand và Georg Sklarz, là các điệp viên của Đức. Dù Lenin đã công khai khinh thường Helphand, nhưng Fürstenberg là một trong những đầu mối liên lạc gần gũi nhất của ông – một tay trung gian của ông ở Bắc Âu.
“Lenin đã trở về Nga thành công,” trưởng cơ quan gián điệp của Đức tại Stockholm đã báo cáo với các ông chủ của mình vào tháng 04/1917. “Ông ta đang làm chính xác những gì chúng ta mong muốn.” Nhưng Lenin mới là người chiến thắng trong ván bài cuối cùng. Hoàng đế Đức và các bộ trưởng của ông đã bị đánh bại, nhưng đế chế của Lenin thì ngày càng mạnh hơn. Đúng như lời ông từng nói hồi vài năm trước: “Đôi khi một tay ma mãnh lại hữu ích cho đảng của chúng ta chính xác bởi vì hắn là một tay ma mãnh.”
Catherine Merridale là một nhà nghiên cứu lịch sử và là tác giả của cuốn sách gần đây nhất “Lenin on the Train.”
Hình: Ngoại trưởng Đức Richard von Kühlmann. Nguồn: NYT.
Xem thêm: Các bài khác trong chuỗi bài Thế kỷ Đỏ
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]