Phân tích Phán quyết vụ VN kiện Indonesia về biện pháp tự vệ lên một số sản phẩm sắt thép

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Khuất Duy Lê Minh

Ngày 18/08/2017, Ban hội thẩm vụ Việt Nam, Đài Loan kiện Indonesia về các biện pháp tự vệ lên một số sản phẩm sắt và thép đã ban hành Báo cáo, kết luận việc Indonesia áp thuế lên sản phẩm thép cán nhập khẩu theo Quy định số 137.1/PMK.011/2014 (Quy định 137) không phải là biện pháp tự vệ theo Điều 1 Hiệp định về tự vệ, và việc áp thuế lên mặt hàng thép cán nhập khẩu có nguồn gốc từ tất cả các nước, loại trừ 120 nước được liệt kê theo Quy định 137, là trái với nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc được nêu trong Điều I.1 Hiệp định GATT 1994; Indonesia cần phải điều chỉnh để tuân thủ nghĩa vụ theo Hiệp định GATT 1994.

Mặc dù theo kết luận của Ban hội thẩm, Indonesia đã vi phạm các nghĩa vụ thành viên WTO, nhưng những phân tích của Ban hội thẩm trong vụ kiện có thể có một số tranh luận về khía cạnh pháp lý.

Biện pháp của Indonesia không phải là biện pháp tự vệ

Đầu tiên phải kể tới kết luận của Ban hội thẩm về việc biện pháp áp thuế tự vệ của Indonesia không phải một biện pháp tự vệ theo Điều 1 Hiệp định về tự vệ. Đây có lẽ là một điều bất ngờ, bởi vì các Bên trong vụ kiện đều cho rằng đây là một biện pháp tự vệ; Cơ quan có thẩm quyền của Indonesia áp thuế sau khi tiến hành điều tra tự vệ theo quy định của WTO.

Theo Điều 1 Hiệp định về tự vệ: các biện pháp tự vệ sẽ được hiểu là những biện pháp được quy định trong Điều XIX Hiệp định GATT 1994. Điều XIX.1(a) quy định: Nếu do hậu quả của những diễn biến không lường trước được và do kết quả của những nghĩa vụ, trong đó có những nhân nhượng thuế quan của một bên ký kết theo Hiệp định này, một sản phẩm được nhập khẩu vào lãnh thổ của bên ký kết đó với số lượng gia tăng và với các điều kiện đến mức gây thiệt hại hoặc đe doạ gây thiệt hại nghiêm trọng cho các nhà sản xuất những sản phẩm tương tự hay sản phẩm cạnh tranh trực tiếp trong nước, bên ký kết đó có quyền ngừng hoàn toàn hay một phần các cam kết của mình, rút bỏ hay điều chỉnh nhân nhượng thuế quan, đối với sản phẩm đó và trong thời gian cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục tổn hại đó.

Từ định nghĩa này, Ban hội thẩm cho rằng, một trong những đặc điểm xác định biện pháp tự vệ trong Điều XIX.1(a) là việc tạm ngừng, rút bỏ, hoặc điều chỉnh một nghĩa vụ hoặc nhận nhượng thuế quan đã ngăn cản nước thành viên áp đặt một biện pháp cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục tổn hại nghiêm trọng khi tất cả những điều kiện để áp đặt biện pháp tự vệ được đảm bảo.[1]

Có một điểm đặc biệt trong vụ kiện là Indonesia không có cam kết về thuế quan trong WTO đối với mặt hàng thép cán. Ngoài ra, khi áp thuế chống tự vệ, Indonesia có một danh sách loại trừ 120 nước. Indonesia cho rằng, đây là biện pháp tự vệ với hai lý do: (i) Việc áp thuế lên mặt hàng thép cán nhập khẩu từ các nước trong đó có các nước đối tác trong các hiệp định tự do hóa khu vực[2] có nghĩa tạm ngừng ngoại lệ theo Điều 24 GATT 1994; và (ii) Indonesia đã tạm ngừng nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc (MFN) được quy định trong GATT 1994 bởi vì Indonesia đã áp dụng biện pháp theo cách phân biệt đối xử (loại trừ 120 nước) nhằm tuân thủ quy định về đối xử đặc biệt và khác biệt theo Điều 9.1 Hiệp định tự vệ WTO (Điều 9.1).[3]

Việt Nam, Đài Loan cũng cho rằng đây là biện pháp tự vệ do Inđonesia đã tạm ngừng nghĩa vụ đối xử tối hệ quốc theo Điều I.1 GATT 1994 khi thực hiện biện pháp thuế quan trên cơ sở lựa chọn, loại trừ hàng hóa nhập khẩu từ một số nước (bao gồm các nước phát triển và đang phát triển) với mục đích xử lý mối đe dọa ngành sản xuất trong nước bị thiệt hại nghiêm trọng, mang tính phân biệt đối xử (cho dù có phù hợp với Điều 9.1 hay không).[4]

Liên quan đến Điều 24 GATT 1994, Ban hội thẩm cho rằng Điều 24 không áp đặt nghĩa vụ lên Indonesia trong việc áp thuế lên mặt hàng thép cán nhập khẩu từ các nước đối tác trong các Hiệp định tự do hóa thương mại. Điều 24 cho phép các quốc gia thành viên không thực hiện nghĩa vụ trong GATT 1994 để thiết lập liên minh thuế quan hoặc khu vực tự do hóa thương mại. Điều 24 GATT 1994 không áp đặt nghĩa vụ lên Indonesia phải gia nhập các hiệp định tự do hóa khu vực (FTAs) hay phải áp mức thuế 0% lên thép cán nhập khẩu từ các nước ASEAN, hay phải áp thuế 10% lên thép cán nhập khẩu từ Hàn Quốc, do các cam kết thuế này nằm trong các FTAs, không phải trong Hiệp định của WTO. Do đó, không có cơ sở để Indonesia khẳng định Điều 24 GATT 1994 không cho phép Indonesia tăng thuế lên thép cán nhập khẩu và do đó việc áp thuế đã tạm ngừng ngoại lệ của GATT 1994 theo Điều 24. Phân tích của Ban Hội thẩm là hợp lý, nếu không, những cam kết trong các FTAs sẽ vô hình trung được đưa vào WTO.

Ban hội thẩm không đồng ý với cả hai bên về lập luận Indonesia đã tạm ngừng nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc theo Điều I.1 GATT 1994 và cho rằng các bên đã không hiểu đúng Điều 9.1 và mối liên hệ với Điều XIX.1(a) GATT 1994.

Điều 9.1 quy định: Các biện pháp tự vệ không được áp dụng để chống lại hàng hóa có xuất xứ từ một Thành viên đang phát triển, nếu thị phần hàng hóa có liên quan được nhập từ Thành viên này không vượt quá 3%, với điều kiện là tổng số thị phần nhập khẩu từ các Thành viên đang phát triển, có thị phần nhập khẩu riêng lẻ nhỏ hơn 3%, không vượt quá 9% tổng kim ngạch nhập khẩu nhập khẩu của hàng hóa liên quan.[5]

Ban hội thẩm cho rằng: Điều 9.1 áp đặt nghĩa vụ lên nước thành viên nhập khẩu loại trừ hàng nhập khẩu từ các nước đang phát triển khỏi việc áp dụng biện pháp tự vệ nhằm tạo đối xử đặc biệt và khác biệt, với điều kiện một số điều kiện được đảm bảo. Điều 9.1 áp đặt nghĩa vụ phải sử dụng biện pháp tự vệ theo cách phân biệt đối xử có lợi cho các nước thành viên đang phát triển.

Ban hội thẩm cho rằng không có mối liên hệ giữa việc áp dụng Điều 9.1, nhằm giảm bớt tác động bảo hộ của biện pháp tự vệ để tạo đối xử đặc biệt và khác biệt và việc tạm ngừng nghĩa vụ MFN trong Điều I:1 cho mục đích của Điều XIX.1(a), bởi vì mục đích chính của Điều XIX:1(a) là cho phép các nước thành viên “trốn khỏi” nghĩa vụ trong GATT trong mức độ cần thiết để ngăn chặn hoặc khắc phục thiệt hại nghiêm trọng cho ngành sản xuất trong nước.

Ngoài ra, việc áp dụng phân biệt đối xử theo Điều 9.1, trái với nguyên tắc đối xử tối huệ quốc là được phép mà không cần tạm ngừng Điều I.1 GATT 1994. Do đó, không có cơ sở để khẳng định việc áp dụng phân biệt đối xử một biện pháp tự vệ theo Điều 9.1 tạo ra việc tạm ngừng Điều I.1 GATT.

Ở đây, Ban hội thẩm đã qua đi sâu phân tích việc áp dụng Điều 9.1 mà bỏ qua một đặc điểm quan trọng của biện pháp tự vệ, đó là tính chất bảo hộ ngành sản xuất trong nước. Do Indonesia không có cam kết thuế trong mặt hàng này, việc kết luận biện pháp tự vệ có thể khó khăn hơn, nhưng Ban hội thẩm hoàn toàn có thể kết luận biện pháp của Indonesia là biện pháp tự vệ dựa trên tính chất bảo hộ của biện pháp, biện pháp được thực thi sau điều tra về tự vệ của cơ quan có thẩm quyền của Indonesia và việc biện pháp được áp dụng trên cơ sở phân biệt đối xử. Sau khi khẳng định biện pháp tự vệ, Ban hội thẩm có thể đi sâu vào phân tích Điều 9.1 và việc áp dụng Điều 9.1 của Indonesia vì Điều 9.1 chỉ được vận dụng khi đó là một biện pháp tự vệ.

Một điểm lưu ý là trong danh sách loại trừ 120 nước mà Indonesia không áp dụng biện pháp tự vệ, có 6 nước là các nước đã phát triển và như vậy không thể áp dụng Điều 9.1. Tuy nhiên, Ban hội thẩm cho rằng việc áp dụng như vậy xuất phát từ sai lầm của Indonesia, cho rằng đây là những nước đang phát triển và có thể được hưởng đối xử đặc biệt và khác biệt. Ở đây, Ban hội thẩm vẫn dựa vào Điều 9.1. Tuy nhiên, để áp dụng Điều 9.1, trước tiên, đó phải là một biện pháp tự vệ.

Sau khi kết luận biện pháp của Indonesia không phải biện pháp tự vệ, Ban hội thẩm đã kết luận Indonesia vi phạm nghĩa vụ đối xử tối huệ quốc theo Điều I.1 của GATT 1994 và yêu cầu Indonesia phải thực hiện biện pháp để tuân thủ quy định của WTO.

Tuy nhiên, tất cả những lập luận của Việt Nam về việc cơ quan có thẩm quyền của Indonesia đã không áp dụng đúng quy định của WTO khi tiến hành điều tra tự vệ đã không được Ban Hội thẩm xem xét đến.

Tiến trình sắp tới

Theo Điều 16 Hiệp định về quy tắc và thủ tục giải quyết tranh chấp trong WTO (DSU), trong vòng 60 ngày kể từ ngày Ban hội thẩm chuyển Báo cáo đến các nước thành viên, các Bên có thể kháng cáo lên Cơ quan phúc thẩm của WTO. Nếu không bên nào kháng cáo, Cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO sẽ thông qua Báo cáo của Ban hội thẩm và các Bên sẽ bước vào giai đoạn thực thi phán quyết. Như vậy, các Bên còn thời gian để quyết định có kháng cáo lên cơ quan phúc thẩm. Việc kháng cáo chỉ được giới hạn ở những khía cạnh pháp lý trong báo cáo của Ban hội thẩm.

———-

[1] Báo cáo Ban hội thẩm, Indonesia – Biện pháp tự vệ lên một số sản phẩm sắt thép, đoạn 7.15.

[2] Mức thuế ưu đãi theo Hiệp định ASEAN – Hàn Quốc là 10% và Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN là 0%,

[3] Báo cáo Ban hội thẩm, Indonesia – Biện pháp tự vệ lên một số sản phẩm sắt thép, đoạn 7.21.

[4] Báo cáo Ban hội thẩm, Indonesia – Biện pháp tự vệ lên một số sản phẩm sắt thép, đoạn 7.23.

[5]Thành viên sẽ ngay lập tức thông báo hành động được thực hiện theo đoạn 1 Điều 9 cho Uỷ ban về các Biện pháp Tự vệ.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]