Nguồn: “All the president’s men?A Communist Party gathering in China will test Xi Jinping’s power”, The Economist, 07/09/2017.
Biên dịch: Lê Xuân Thuận | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Các đảng viên Đảng Cộng sản Trung Quốc lâu nay đã phải giữ trống lịch trình công tác của họ trong tháng Chín, Mười và Mười Một để chờ thông báo ngày tổ chức Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Cuối cùng, ngày đó cũng đã được công bố. Vào ngày 18 tháng 10 tới, Đại hội sẽ được khai mạc, thảm đỏ sẽ được trải ra và bầu trời sẽ trở nên trong xanh khi các nhà máy sẽ phải đóng cửa và ô tô sẽ bị cấm lưu thông. Đây là Đại hội lần thứ 19 của Đảng Cộng sản Trung Quốc kể từ khi được thành lập năm 1921. Tại Đại hội, khoảng 2.300 đại biểu tham dự sẽ bầu ra một Ban chấp hành Trung ương Đảng mới, sau đó Ban chấp hành mới này sẽ họp kín để sắp xếp lại nhân sự trong các cơ quan ra quyết định quyền lực nhất của Trung Quốc. Thành phần ban lãnh đạo mới phần lớn đã được quyết định sau nhiều tháng thảo luận bí mật. Những tin đồn xuất hiện nhan nhản về việc ai đã được chọn.
Tất nhiên, người đó là Tập Cận Bình, Chủ tịch nước, Tổng bí thư đồng thời là lãnh đạo tối cao các lực lượng vũ trang Trung Quốc. Ông Tập đã giữ chức Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc trong năm năm qua. Nếu dựa theo tiền lệ, ông sẽ giữ chức Tổng bí thư thêm 5 năm nữa (dù một số người tin rằng ông muốn nắm giữ vị trí này nhiều hơn 10 năm như thông lệ). Đại hội sắp tới sẽ trao cho ông Tập cơ hội đầu tiên để tự tiến hành những thay đổi nhân sự cấp cao của Đảng, do những người tiền nhiệm của ông đã chọn ra 25 thành viên trong Bộ chính trị hiện tại tại Đại hội năm 2012. Đại hội này được chờ đợi sẽ đưa ra những manh mối về việc ông Tập đã củng cố quyền lực hiệu quả như thế nào kể từ sau Đại hội 18 và ông sẽ làm những gì với quyền lực đó. Tuy nhiên những tín hiệu về việc này sẽ khó để nhận ra.
Khoảng gần một nửa trong số 400 đại biểu của Ban chấp hành Trung ương cũng như khoảng hai phần năm số Uỷ viên của Bộ Chính trị sẽ bị thay thế. Các lãnh đạo quân đội mới cũng sẽ được bổ nhiệm. Nhưng sự chú ý lớn nhất được tập trung vào việc ai sẽ được bầu vào Ban thường vụ Bộ Chính trị khoá tới. Năm trong số bảy Uỷ viên Ban thường vụ được chờ đợi sẽ nghỉ hưu như thông lệ, trong đó có cả Vương Kỳ Sơn, một người ủng hộ trung thành của ông Tập, người được ông giao chỉ đạo chiến dịch chống tham nhũng. Có suy đoán rằng ông Vương sẽ được Tập Cận Bình giữ lại. Việc này sẽ phá vỡ những quy ước ngầm (về độ tuổi của Uỷ viên Ban thường vụ Bộ Chính trị) chứ không vi phạm bất kỳ luật lệ nào. Tuy nhiên việc giữ Vương Kỳ Sơn lại sẽ không minh chứng cho sức mạnh của ông Tập. Điều này chỉ cho thấy rằng ông còn thiếu những đồng minh thân cận, những người mà ông có thể tin tưởng để giao thực hiện cuộc chiến tham nhũng chứa đựng nhiều nguy hiểm chính trị.
Dường như Uỷ ban Thường vụ mới sẽ gồm nhiều Uỷ viên trung thành với ông Tập. Nhưng vấn đề với những người ngoài cuộc là dù khi những uỷ viên mới xuất hiện trước giới báo chí sau mỗi hội nghị thì vẫn rất khó để tính xem liệu ông Tập sẽ có được thêm bao nhiêu quyền lực. Sự trung thành phe phái thường không rõ ràng, trong khi ông Tập là người theo hướng kín đáo.
Vẫn chưa biết liệu có hay không và bằng cách nào Đại hội tới sẽ thay đổi Điều lệ Đảng để ghi nhận những đóng góp của ông Tập cho lý tưởng cộng sản. Nếu Đại hội quyết định rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc nên được chỉ dẫn bởi “Tư tưởng Tập Cận Bình” thì có nghĩa ông Tập đã giành được quyền lực to lớn (lãnh đạo duy nhất được ghi nhận có đóng góp Tư tưởng với chứ T viết hoa là Mao Trạch Đông). Nếu thuật ngữ được chọn chỉ là “Lý luận Tập Cận Bình” thì nó sẽ đặt ông Tập ngang hàng với Đặng Tiểu Bình – một lựa chọn không tồi. Việc tránh bị nâng lên tới tầm của Mao có thể dễ dàng mang lại đánh giá tốt đẹp về vai trò của ông Tập. Nếu ông Tập tuyên bố mình có tầm “Tư tưởng” như Mao, những kẻ trung thành với Mao sẽ bị kinh sợ trước sự ngạo mạn của ông.
Giả sử rằng ông Tập trở nên nhiều quyền lực hơn nữa (dường như sự thật sẽ là như vậy) thì điều này có ý nghĩa gì? Trong những năm đầu nhiệm kỳ của Tập, các nhà bình luận dự đoán rằng ông sẽ dành 5 năm đầu tiên để củng cố quyền lực và sau đó dùng nó để tiến hành những cải cách kinh tế rộng khắp cũng như một số cải cách chính trị có giới hạn. Nhưng giờ điều đó dường như có thể không xảy ra. Sự tập trung quyền lực của Tập đã tự hình thành động lực cho chính nó và việc tăng cường kiểm soát một xã hội đang tiến hóa nhanh dường như là mục tiêu chính của ông. Theo lời một quan chức của Đảng, ông Tập sẽ tiếp tục là một “nhân tố duy trì ổn đinh”, còn chính sách sẽ không thay đổi nhiều.
Vẫn chưa rõ điều gì sẽ diễn ra khi ông Tập nghỉ hưu. Các lãnh đạo Trung Quốc có xu hướng chọn những người kế nhiệm vào giai đoạn cuối nhiệm kỳ thứ nhất. Nhưng Tập lại không như vậy. Gần đây Tập đã hất cẳng Tôn Chính Tài, người từng được cho là có khả năng kế nhiệm ông, khỏi chức Bí thư Thành uỷ Trùng Khánh. Sự thiếu vắng một người kế nhiệm không có nghĩa ông Tập sẽ ở lại thêm nhiệm kỳ thứ ba. Nhưng điều này dường như ám chỉ rằng dù ông Tập có thôi giữ chức Tổng Bí thư vào năm 2022 thì ông vẫn cố gắng để có thể giật dây bất kỳ lãnh đạo mới nào từ đằng sau hậu trường. Xét cho cùng, sau nhiều năm nắm quyền tuyệt đối, Đặng Tiểu Bình vẫn duy trì quyền lực dù chỉ với tư cách là Chủ tịch Hiệp hội chơi bài Bridge Trung Quốc. Từ sau biến động dân chủ 1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc tiếp tục nắm quyền một phần là nhờ đã quản lý được các đợt chuyển giao quyền lực giữa các nhà lãnh đạo chuyên quyền một cách hoà bình và được thể chế hóa. Nhưng ông Tập vẫn có thể tạo ra những bất ngờ.
[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]