05/10/1986: Bê bối Iran-Contra bị tiết lộ

Nguồn: Iran-Contra scandal unravels, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1986, Eugene Hasenfus đã bị quân đội của chế độ Sandinista ở Nicaragua bắt giữ sau khi chiếc máy bay mà ông đang điều khiển bị bắn rơi; hai người khác trên máy bay chết trong vụ tai nạn. Khi bị thẩm vấn, Hasenfus đã thú nhận rằng ông đã vận chuyển viện trợ quân sự đến Nicaragua cho Contra, một lực lượng chống Sandinista được Mỹ thành lập và tài trợ. Quan trọng hơn, ông tuyên bố rằng hoạt động này thực sự được tiến hành bởi Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA).

Tin tức về những tiết lộ của Hasenfus đã gây ra náo động tại Mỹ. Trước những lời tố cáo về nạn tham nhũng và sự bạo tàn của lực lượng Contra, Quốc Hội Mỹ đã thông qua Điều luật sửa đổi Boland (Boland Amendment) vào năm 1984, trong đó đặc biệt ngăn cấm CIA hoặc bất kỳ cơ quan nào khác của Mỹ hỗ trợ cho Contra. Tổng thống Ronald Reagan, người xem chính phủ Sandinista ở Nicaragua là một con rối của Liên Xô, đã giành được viện trợ của Mỹ cho Contra vào năm 1981 và do đó đã miễn cưỡng ký Điều luật sửa đổi Boland. Nếu câu chuyện của Hasenfus là đúng, thì chính quyền Reagan và CIA đã vi phạm luật pháp.

Mặc cho sự phủ nhận từ Tổng thống, Phó Tổng thống George Bush, và các quan chức khác của Reagan rằng CIA không liên quan gì đến chuyến bay, các cuộc điều tra liên tục của cánh nhà báo và Quốc Hội đã bắt đầu làm sáng tỏ cái gọi là vụ bê bối Iran-Contra. Vụ bê bối này liên quan đến việc Mỹ bí mật bán vũ khí cho Iran (được cho là sẽ giúp giải phóng con tin các con tin người Mỹ ở Trung Đông). Một phần trong số tiền thu được từ giao dịch này được sử dụng để bí mật tài trợ cho cuộc chiến của Contra ở Nicaragua.

Một cuộc điều tra của Quốc Hội, bắt đầu vào tháng 12/1986, đã tiết lộ kế hoạch này cho công chúng. Nhiều nhân vật của chính quyền Reagan được mời ra làm chứng, trong đó có Trung úy hải quân Oliver North, sĩ quan phụ trách việc điều phối bán vũ khí và chuyển tiền cho Contra. Cụ thể, lời chứng của ông đã chứng tỏ thái độ không tôn trọng của chính quyền Reagan đối với các nghị quyết và hành động của Quốc Hội.

Vụ bê bối đã làm rung chuyển chính quyền của Reagan và làm lung lay niềm tin của công chúng vào chính phủ Mỹ; cuối cùng, 11 thành viên của chính quyền Tổng thống đã bị kết án sau một loạt các cáo buộc liên quan đến vụ bê bối này. Hasenfus đã bị tòa án Nicaragua xét xử và kết án 30 năm tù, nhưng đã được thả chỉ vài tuần sau đó.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]