17/11/1969: Đàm phán SALT I bắt đầu

Nguồn: SALT I negotiations begin, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1969, các nhà đàm phán từ Liên Xô và Mỹ đã gặp nhau tại Helsinki để bắt đầu các cuộc Đàm phán Hạn chế Vũ khí Chiến lược (Strategic Arms Limitation Talks, SALT). Cuộc họp này là đỉnh điểm của nhiều cuộc thảo luận giữa hai bên liên quan đến các biện pháp để hạn chế cuộc chạy đua vũ trang trong Chiến tranh Lạnh.

Giám đốc Cơ quan Kiểm soát và Giải giáp Vũ trang (Arms Control and Disarmament Agency), Gerard Smith, là trưởng phái đoàn đàm phán của Mỹ. Đồng thời, Cố vấn An ninh Quốc gia Henry Kissinger cũng bắt đầu đàm phán với Đại sứ Liên Xô tại Mỹ. Các cuộc đàm phán tiếp tục kéo dài gần ba năm, cho đến khi Hiệp định SALT I được ký vào tháng 05/1972. Các cuộc đối thoại này tập trung vào hai hệ thống vũ khí chính: tên lửa đạn đạo (ABM) và tên lửa đa đầu đạn phân hướng (MIRVs- tên lửa với nhiều đầu đạn, mỗi loại có khả năng tấn công các mục tiêu khác nhau).

Vào thời điểm đàm phán bắt đầu, Liên Xô đã nắm giữ một lợi thế nhỏ về công nghệ ABM; tuy nhiên, Mỹ đã nhanh chóng vượt lên trong việc phát triển MIRVs, điều này sẽ đem lại cho họ lợi thế về chất to lớn đối với các hệ thống tên lửa tấn công của Liên Xô. Theo quan điểm của Mỹ, việc kiểm soát ABM là chìa khóa. Sau cùng thì bất kể Mỹ có phát triển bao nhiêu tên lửa đi chăng nữa, nhưng nếu Liên Xô có thể bắn hạ chúng trước khi chúng tấn công được mục tiêu, tác dụng của chúng sẽ hạn chế. Vì Liên Xô dẫn đầu về số lượng tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM), nên một hệ thống ABM hiệu quả của Liên Xô sẽ giúp họ có thể tấn công hạt nhân mà không sợ bị trả đũa.

Nhưng từ phía Liên Xô, sự phát triển của công nghệ MIRV của Mỹ đặc biệt đáng sợ. Không chỉ các tên lửa MIRV có công nghệ cao hơn vũ khí của Liên Xô, mà người ta còn đặt ra những câu hỏi liệu ngay cả một hệ thống ABM tiên tiến có thể bảo vệ được Liên Xô khỏi loại tên lửa này hay không. Rõ ràng đây là thời điểm để thảo luận về những gì dường như là một cuộc đua vũ trang không bao giờ kết thúc.

Hiệp định SALT I đã được ký vào tháng 05/1972, giới hạn mỗi quốc gia không được có hơn 100 bệ phóng ABM tại mỗi địa điểm do họ lựa chọn. Vũ khí tấn công cũng bị hạn chế. Mỹ chỉ được có 1000 ICBM và 710 SLBM; Liên Xô có thể có tối đa 1.409 ICBM và 950 SLBM. Chính quyền Tổng thống Richard Nixon đã biện hộ sự chênh lệch rõ ràng này bằng cách lưu ý rằng hai bên đã không đưa ra thỏa thuận gì về MIRV. Các tên lửa của Mỹ, dù ít về số lượng, nhưng lại có thể mang theo nhiều đầu đạn hạt nhân.

Thật khó để nói liệu thỏa thuận này có làm cho thế giới trở nên an toàn hơn hay không. Mỹ và Liên Xô chủ yếu đang nói rằng họ sẽ hạn chế các nỗ lực để tự vệ và tiêu diệt nước khác. Tuy nhiên, kho vũ khí hạt nhân của họ vẫn đủ để phá hủy thế giới nhiều lần.

[efb_likebox fanpage_url=”DAnghiencuuquocte” box_width=”420″ box_height=”” locale=”en_US” responsive=”0″ show_faces=”1″ show_stream=”0″ hide_cover=”0″ small_header=”0″ hide_cta=”0″ ]