Sự trả thù của địa lý

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: Robert Kaplan, The Revenge of Geography: What the Map Tells Us About Coming Conflicts and the Battle against Fate, (New York: Random House, 2012), Chapter 2.

Biên dịch: Đào Đình Bắc

Thất bại của những năm đầu ở Iraq đã củng cố thêm lời nhận xét hiện thực từng bị những người duy tâm gièm pha, miệt thị trong những năm 1990, đó là việc những di sản về địa lý, lịch sử và văn hóa thực sự tạo ra những giới hạn xác định cho những gì có thể được thực hiện ở bất kỳ địa điểm cụ thể nào. Tuy nhiên, những người phản đối Iraq cũng nên thận trọng trong việc vận dụng hiện tượng tương tự Việt Nam quá xa. Bởi vì hiện tượng tương tự này có thể hấp dẫn, đưa tới chủ nghĩa biệt lập, cũng như vì nó đang được xoa dịu, và theo cách diễn đạt của nhà nghiên cứu Trung Đông Fouad Ajami, đang ở phía thiên kiến dễ dàng với những kỳ vọng thấp, nghĩa là cứ để cho thế giới vận hành bình thường, thay vì cố gắng làm nó thay đổi. Hãy nhớ rằng hội nghị München đã diễn ra chỉ 20 năm sau việc giết người hàng loạt trong Thếchiến I, nên có thể thông cảm được việc những chính khách hiện thực như Neville Chamberlain đã mong muốn tránh một cuộc xung đột tương tự bằng mọi giá. Kiểu tình huống như vậy thực sự là lý tưởng cho những mưu đồ của những nhà nước độc tài không biết đến những nỗi sợ hãi như thế: Đức Quốc xã và đế quốc Nhật.

Tấm gương Việt Nam là câu chuyện về những giới hạn; còn München thì nói về sự vượt quá chúng. Mỗi sự loại suy từ những tấm gương này nếu đứng tách riêng đều có thể là nguy hiểm. Chỉ khi ta gán cho chúng một tầm quan trọng tương đương, mới có cơ hội cho một chủ trương đúng đắn xuất hiện. Đối với những nhà hoạch định chính sách khôn ngoan, khi đã ý thức được những hạn chế của dân tộc mình, thì tài nghệ quản lý nhà nước là ở chỗ hành động sao cho càng sát với đường biên càng tốt, mà không bước qua bờ vực.

Nói cách khác, chủ nghĩa hiện thực chân chính là một nghệ thuật hơn là một khoa học, trong đó tính khí của vị chính khách giữ vai trò không kém so với trí tuệ của ông ta. Trong khi cội nguồn của chủ nghĩa hiện thực đã có từ 2.400 năm trước, gắn với sự hiểu biết sâu sắc và không ảo tưởng của Thucydides về hành vi con người trong cuốn sách Lịch sử Chiến tranh Peloponnese, chủ nghĩa hiện thực hiện đại có lẽ đã được Hans J. Morgenthau tổng kết toàn diện nhất vào năm 1948 trong cuốn Chính trị giữa các quốc gia: Cuộc đấu tranh vì quyền lực và hòa bình. Cho phép tôi dừng lại một chút với cuốn sách này − công trình thể hiện sự nỗ lực của một người tị nạn Đức từng dạy Đại học Chicago − để chuẩn bị cho việc thảo luận rộng hơn của tôi về địa lý: bởi vì chủ nghĩa hiện thực là điều then chốt giúp ta đánh giá đúng về bản đồ cùng những thông tin mà ta có thể rút ra từ việc nghiên cứu chúng.

Morgenthau bắt đầu lập luận của mình bằng sự ghi nhận rằng thế giới “là sản phẩm chung của các lực lượng gắn liền với bản chất con người.” Và, bản chất con người, như Thucydides đã nêu, có động cơ thúc đẩy là sự sợ hãi (phobos), lợi ích riêng (kerdos), và danh dự (doxa). “Để cải thiện thế giới”, Morgenthau viết, “người ta phải hành động cùng với các lực lượng ấy, chứ không đối lập lại chúng.” Như vậy, chủ nghĩa hiện thực chấp nhận những con người như họ hiện hữu, với mọi sự không hoàn thiện vốn có của họ. “Nó cần đến tiền lệ lịch sử nhiều hơn là những nguyên tắc trừu tượng và nhắm tới đích thực hiện cái ít tệ hại hơn là cái tốt tuyệt đối.” Ví dụ, để xét đoán xem tương lai nào sẽ chờ đón Iraq vào thời điểm ngay sau khi lật đổ chế độ độc tài toàn trị, một người theo chủ nghĩa hiện thực sẽ xem xét lịch sử của chính Iraq được luận giải qua bản đồ và quan hệ giữa các nhóm sắc tộc, chứ không phải là căn cứ vào những quy tắc đạo đức dân chủ phương Tây. Xét cho cùng, theo Morgenthau, những ý định tốt không đủ để đưa đến những kết quả tích cực. Ông giải thích rằng, Chamberlain được dẫn dắt bởi những cân nhắc về quyền lực cá nhân ít hơn so với hầu hết các chính trị gia người Anh khác, và ông đã thực sự cố gắng tìm cách đảm bảo hòa bình và hạnh phúc cho tất cả các bên liên quan. Nhưng các chính sách của ông đã mang lại nỗi đau vô kể cho hàng triệu người. Trong khi đó, Winston Churchill trên thực tế đã được thúc đẩy bởi những cân nhắc trần trụi về quyền lực cá nhân và quốc gia, nhưng các chính sách của ông đã có một hiệu ứng tinh thần vô song. Về sau, Paul Wolfowitz, cựu thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, đã được thúc đẩy bởi những ý định tốt nhất khi biện luận cho cuộc tiến quân vào Iraq, với niềm tin rằng nó sẽ cải thiện tình hình nhân quyền ở đó rất nhiều, nhưng hành động của ông ta đã dẫn đến điều ngược lại với những gì chính ông từng dự kiến. Mở rộng thêm điểm này ta thấy điều đơn giản là một quốc gia theo con đường dân chủ không có nghĩa là chính sách đối ngoại của nó nhất thiết sẽ phát huy được tốt hơn hoặc sáng tỏ hơn so với những gì tương ứng của một nhà nước chuyên chế. Bởi lẽ “nhu cầu phải làm vừa lòng những cảm xúc của công chúng,” Morgenthau viết, “không thể không gây ảnh hưởng xấu đến tính hợp lý của bản thân chính sách đối ngoại.” Đơn giản là, dân chủ và đạo lý là những thứ không đồng nghĩa với nhau. Tất cả các quốc gia đều bị cám dỗ − tuy cũng có một số ít từ lâu từng cố gắng để chống lại sự cám dỗ ấy – tìm cách che đậy những hành động và khát vọng riêng của mình trong những chủ định đạo đức của thế giới. “Việc biết rằng các quốc gia phải tuân theo luật luân lý”, ông viết tiếp, “là một chuyện, còn nếu giả bộ như biết chắc chắn cái gì là tốt và cái gì là xấu trong quan hệ giữa các quốc gia lại chuyện hoàn toàn khác.”

Hơn nữa, các nhà nước phải hoạt động trong một thế giới đạo đức bị hạn chế hơn nhiều so với không gian hoạt động của các cá nhân. “Cá nhân,” Morgenthau viết, “có thể tự nói với mình… ‘Hãy để cho công lý được thực thi, ngay cả khi thế giới bị lụi tàn’, nhưng nhà nước thì không có quyền nói như vậy nhân danh những người dưới quyền bảo trợ của mình.” Một cá nhân chỉ có trách nhiệm đối với những người thân yêu của mình, những người sẽ tha thứ cho những sai lầm của anh ta, miễn là anh ta có ý tốt. Nhưng một nhà nước thì phải bảo vệ sinh kế của hàng triệu con người không quen biết bên trong biên giới của nó, những người mà trong trường hợp có một chính sách thất bại sẽ không thông cảm được như vậy. Do đó, nhà nước phải có nhiều mưu mẹo hơn so với các cá thể.

Bản chất con người, theo Thucydides, được xác lập trên cơ sở của sự sợ hãi, của lợi ích riêng và mối bận tâm về dư luận từ phía những người khác, khiến cho thế giới có tình trạng áp bức và xung đột không ngừng. Bởi vì những người theo chủ nghĩa hiện thực như Morgenthau thì chờ đợi sự xung đột và nhận ra rằng nó không thể tránh được, nên họ ít có khả năng hơn so với những người duy tâm phản ứng lại nó một cách thái quá. Họ hiểu rằng xu hướng đi tới thống trị là một yếu tố tự nhiên trong mọi tương tác của con người, đặc biệt là giữa các quốc gia. Morgenthau trích dẫn John Randolph của Roanoke để nói rằng “chỉ có sức mạnh mới có thể hạn chế được quyền lực.” Do đó, những người theo chủ nghĩa hiện thực không tin rằng các tổ chức quốc tế tự thân chúng có thể đóng vai trò chủ chốt đối với hòa bình, bởi lẽ các tổ chức này chỉ đơn thuần là phản ánh sự thỏa hiệp giữa các quốc gia thành viên, những quốc gia, xét cho cùng, quyết định vấn đề hòa bình và chiến tranh. Và, trong quan niệm của Morgenthau, sự cân bằng ấy của hệ thống quyền lực bản thân nó theo định nghĩa đã là không ổn định: bởi vì mỗi quốc gia thành viên, khi nó có sự lo lắng do một toan tính sai của mình đối với cán cân quyền lực đều phải không ngừng tìm giải pháp bù đắp lại bằng cách chiếm lĩnh một vị trí vượt trội hơn trong cán cân. Đây chính xác là những gì đã mở đường dẫn tới Thế chiến I, khi nước Áo Habsburg, nước Đức Wilhelmine và nước Nga Sa hoàng cùng tìm cách điều chỉnh cán cân quyền lực theo hướng có lợi cho mình, và đã tính nhầm nghiêm trọng. Morgenthau viết rằng, xét cho cùng, duy chỉ có sự hiện hữu một lương tâm luân lý phổ quát là nhân tố hạn chế được sự xuất hiện của chiến tranh, theo đó chiến tranh được xem như là một “thảm họa tự nhiên”, chứ không phải là một hệ quả tự nhiên của
chính sách đối ngoại của một ai đó.

….

Download toàn bộ chương sách tại đây: Chuong 2 – Su minh dinh cua dia ly

Đây là Chương 2 trong cuốn sách “Sự minh định của địa lý” do TS. Đào Đình Bắc biên dịch từ cuốn The Revenge of Geography của tác giả Robert Kaplan (2012). Sách do Công ty CP Sách Omega Việt Nam ấn hành.

Độc giả có thể đặt mua sách tại ĐÂY.