Nagara Vijaya trong lịch sử Mandala Champa

Tác giả: Đỗ Trường Giang

Sự trỗi dậy của Nagara Vijaya và bước ngoặt trong lịch sử mandala Champa thế kỷ XII

Những nghiên cứu trước đây, hầu hết dựa vào công trình nổi tiếng của G.Maspero, đều cho rằng vào cuối thế kỷ X, cùng với sự chấm dứt của vương triều Đồng Dương, đã diễn ra một sự “dời đô” từ vùng Quảng Nam về Bình Định với kinh đô mới đặt tại thành Đồ Bàn. Sự thay đổi trung tâm chính trị đó cũng dẫn tới sự suy tàn của thương cảng Hội An và từ đây thương cảng Thi Nại đã thay thế Hội An trở thành trung tâm ngoại thương và giao lưu văn hóa chính của Champa. Đó là cách diễn giải của các học giả người Pháp từ đầu thế kỷ XX và được chấp nhận như là cách hiểu “chính thống” về sự ra đời của “vương triều Vijaya” được cho là kéo dài từ cuối thế kỷ X cho đến năm 1471 khi vua Lê Thánh Tông tấn công lần cuối cùng vào thành Đồ Bàn. Luận giải của G.Maspero về sự “dời đô” của Champa từ Đồng Dương về Vijaya (Bình Định) là dựa trên quan niệm cho rằng Champa là một quốc gia thống nhất giống như Trung Hoa hay Đại Việt đương thời, và vì thế trong mỗi thời kỳ lịch sử chỉ có một trung tâm quyền lực duy nhất ở Champa, và theo đó các vua Champa đã “dời đô” từ Amaravati về Vijaya vào cuối thế kỷ X.[1]

Tuy nhiên, dựa trên những nguồn tư liệu mới và góc nhìn khu vực mới, các nghiên cứu gần đây của giới học giả quốc tế có xu hướng nhìn nhận lại những kiến giải và đánh giá đã được viết bởi G.Maspero về giai đoạn lịch sử nhiều biến động này của Champa. Quan điểm “dời đô” về phía nam của G.Maspero đơn thuần chỉ đến từ một thông tin ngắn duy nhất xuất hiện trong Tống sử của Trung Hoa, trong đó ghi nhận rằng một nhân vật từ Champa tới triều đình nhà Tống và thông báo rằng trước những áp lực của người Việt từ phía bắc, họ đã phải rời khỏi nơi cư ngụ của mình và chuyển địa bàn sinh sống xa về phía Nam. Dựa trên thông tin đó trong sử Trung Hoa, G.Maspero đã bỏ qua tất cả các tư liệu văn khắc và khảo cổ học khác của Champa.[2]

Michael Vickery đã chỉ ra rằng, từ giữa thế kỷ XII, xuất hiện đồng thời nhiều văn khắc cổ quan trọng của Champa như văn khắc C.17 hay C.101 ở nhiều khu vực địa lý khác nhau từ Amaravati, Vijaya, Kauthara, Panduranga… gắn liền với danh tiếng của vị vua nổi tiếng Jaya Harivarman, một người có nguồn gốc từ vùng Vijaya/uran bhumi Vijaya và sau đó đã trở thành vua của nagara Champa.[3]

Sự xuất hiện của một nhóm văn khắc của Jaya Harivarman I vào giữa thế kỷ XII cũng chính là thời điểm đánh dấu sự trỗi dậy không ngừng của nagara Vijaya, một khu vực mà hiếm khi được nhắc tới trong các văn khắc Champa trước giai đoạn này. Các văn khắc này đồng thời cũng cho biết về vai trò quan trọng của các đội quân Khmer trong sự trỗi dậy của Vijaya thế kỷ XII. Kể từ thời điểm này, Vijaya đã trở thành một nagara có tính tự trị cao, và rồi nhanh chóng vươn lên thoát khỏi tầm ảnh hưởng của các nagara hùng mạnh ở phía bắc (Amaravati) và phía nam (Kauthara). Không lâu sau đó, Vijaya đã trở thành đối thủ cạnh tranh với các nagara Champa truyền thống và vươn lên nắm vị thế thống trị của toàn thể mandala Champa từ cuối thế kỷ XII. Dựa trên những nghiên cứu mới về văn khắc cổ Champa, M.Vickery gợi ý rằng chúng ta cần từ bỏ quan điểm nêu lên bởi G.Maspero cho rằng đã có sự “dời đô” của Champa từ Amaravati về Vijaya vào cuối thế kỷ X và từ đây Amaravati mất vai trò lịch sử của mình.[4]

Người Khmer trong giai đoạn thịnh vượng nhất của đế chế Angkor đã nỗ lực không ngừng nghỉ trong việc mở đường hướng ra biển Đông và thiết lập những mối liên hệ trực tiếp với các cảng thị vùng Nam Trung Hoa. Chính trong bối cảnh đó, người Khmer bắt đầu hướng tới các cảng thị Champa như một sự thay thế cho tuyến đường qua vùng Nghệ Tĩnh của Đại Việt, và bắt đầu thể hiện tham vọng chiếm cứ các cảng biển Champa một cách rõ rệt thể hiện qua cuộc chiến tranh và sau đó là thời gian thống trị lâu dài của Khmer ở Vijaya. Như thế có thể thấy rằng, Vijaya nổi lên trước hết và quan trọng nhất là bởi sự trợ giúp và hiện diện của người Khmer trong một nỗ lực biến Vijaya trở thành một tiền cảng kết nối đế quốc Angkor với thị trường Trung Hoa cũng như mạng lưới hải thương quốc tế qua vùng biển của Champa. Nagara Amaravati lúc này nằm đồng thời dưới hai gọng kìm ở phía nam và phía bắc: ở phía bắc là các cuộc tấn công của người Việt, sau khi đã sát  nhập một phần lãnh thổ phía bắc Champa vào lãnh thổ của mình, thì Amaravati bị đặt vào một bối cảnh khó khăn và dễ dàng bị tấn công, kiểm soát bởi các đội quân nước ngoài hơn bao giờ hết. Trong khi đó ở phía nam, việc Vijaya trở thành tiền cảng của người Khmer và tranh giành vị thế thống trị với mạng lưới sông Thu Bồn, đã trở thành một đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Amaravati, trong đó Vijaya có lợi thế trội vượt, bởi ngoài sự hiện diện của người Khmer, thìVijaya còn có cả một bệ đỡ quan trọng ở phía tây đó là nguồn hàng và nguồn nhân lực cho sản xuất và chiến trận ở vùng cao nguyên [qua đèo An Khê], điều mà Amaravati không có được.[5]

Mô hình tổ chức chính trị của Champa nhìn từ Nagara Vijaya

Trong quan điểm nghiên cứu truyền thống về Champa, được khởi nguồn từ các học giả Pháp và được nhiều thế hệ các học giả sau này kế thừa, Champa được nhìn nhận như là một vương quốc thống nhất với lãnh thổ truyền thống trải dài từ nam Đèo Ngang cho đến nam Bình Thuận, với một hệ thống hành chính thống nhất từ trung ương đến địa phương, toàn bộ vương quốc được đặt dưới sự trị vì của một quốc vương có quyền uy tối cao.[6] Cách nhìn nhận đó, do các học giả đã áp dụng một mô hình của Trung Hoa và Đại Việt đối với trường hợp Champa, có lẽ đã chưa phản ảnh chân xác bản chất thực sự của hệ thống chính trị – kinh tế – văn hóa và tộc người của vương quốc cổ Champa, hay mandala Champa.

Các tài liệu cổ sử của Trung Hoa viết về Champa trong giai đoạn này thường nhắc tới Champa như một nhà nước thống nhất ở vùng Nam Dương. Tuy thế, các tài liệu này cũng cung cấp cho chúng ta những thông tin về một số khía cạnh khác liên quan tới lịch sử của vương quốc này. Chẳng hạn như, phần viết về Chiêm Thành (Zhancheng) trong Tống sử cho biết rằng phía nam của vương quốc này là Thi Bị châu, phía tây là Thượng Nguyên châu, và phía bắc là Ô Lý châu.[7] Một tài liệu quan trọng khác cũng được viết dưới thời Tống là Chư Phiên Chí (Zhufanzhi) cũng nói rằng kinh đô của Chiêm Thành vào thời điểm đó là Tân Châu (Xinzhou), và có ít nhất 10 tiểu quốc chư hầu (shuguo) dưới quyền của Chiêm Thành, bao gồm Jiuzhou, Wuli, Rii, Yue Li, Weirui, Bintonglong, Wumaba(?), Longrong or Nonglong(?), Puluoganwuliang(?) and Baopiqi.[8] Tống hội yếu Chi cảo (Song Huiyao Jigao) lưu ý rằng khu vực phía nam – Bin-tuo-luo (Panduranga) là một tiểu quốc riêng biệt, nhưng lệ thuộc vào vương quốc Champa.[9] Đến thời nhà Minh, tư liệu ghi chép trong các chuyến hải trình của Trịnh Hòa cũng phân biệt rõ giữa Chan-cheng kuo (Chiêm Thành/ Champa) với ít nhất là ba chính thể khác biệt là Pin-t’ung-lung kuo (Panduranga), Ling-shan (Cape Varella) và K’un-lunshan (Pulau Condore).[10] Như thế, dù luôn nhìn nhận Champa như một chính thể thống nhất ở vùng Nam Dương, các ghi chép của người Trung Hoa cũng đã cho chúng ta những nhận thức quan trọng về sự phân tách của các tiểu quốc trên bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay.[11]

Bia ký cổ Champa tại Tháp Đôi, TP Quy Nhơn, Bình Định

Trong khoảng hai thập kỷ gần đây thì dường như đã có một nhận thức mới mang tính phổ quát trong giới nghiên cứu đó là Champa không phải là một vương quốc thống nhất, mà là một nhóm các tiểu quốc trải dài trên bờ biển miền Trung Việt Nam ngày nay. Từ thế kỷ thứ VIII trở đi, các bằng chứng về sự hiện diện của một tập hợp các tiểu quốc Champa càng trở nên rõ ràng hơn. Các tiểu quốc này có thể là đã chia sẻ một nền văn hóa chung đó là văn hóa Chăm “Ấn Độ hóa”, cho dù có thể có những khu biệt mang tính địa phương. Mỗi tiểu quốc được biết đến bởi một danh xưng Sanskrit và được lien hệ với một khu vực địa lý cụ thể. Tại những thời điểm mà hai hay nhiều các tiểu quốc có những mâu thuẫn lẫn nhau khi mà một ông vua của tiểu quốc này cố gắng mở rộng ảnh hưởng của ông ta bằng việc xâm chiếm các tiểu quốc khác. Tuy nhiên, rõ ràng là trong suốt thời cổ trung đại, không có một tiểu quốc Champa nào có thể giành được sự thống trị lâu dài đối với các tiểu quốc khác.[12] Sự thừa nhận rằng có nhiều trung tâm làm phức tạp nhiệm vụ của các sử gia, tuy nhiên nó cũng giải thoát chúng ta khỏi cái yêu cầu tích hợp tất cả các nguồn tư liệu đa dạng vào một câu chuyện duy nhất.[13]

Mandala Champa là sự tạo thành của nhiều tiểu quốc (nagara) và vai trò thống trị hay chi phối trong mandala liên tục thay đổi và chuyển vận từ tiểu quốc này sang tiểu quốc khác. Trong những nhân tố ảnh hưởng tới vị thế của các nagara như thế, sự thịnh vượng về kinh tế và thương mại được xem như một trong những nhân tố quan trọng hàng đầu. Việc chiếm lĩnh được những vùng đồng bằng trùphú, những nguồn hàng lâm sản thiết yếu, những thương cảng phồn vinh được xem như những yếu tố thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các nagara. Từ giữa thế kỷ XII, nagara Vijaya có thể được xem như tiểu quốc thống trị trong mandala Champa bởi sự trội vượt về nhiều phương diện, trong đó đặc biệt là sự vận hành hiệu quả và kết nối của một mạng lưới giao thương nội đị  với mạng lưới hải thương khuvực, thể hiện qua sự phồn vinh của thương cảng Thi Nại. Cũng chính bởi vị trí quan trọng củamình, mà thương cảng Thi Nại và vùng Vijaya trở thành mục tiêu tấn công thường xuyên và lâu dài của không chỉ các nagara láng giềng, mà còn bởi các nước láng giềng khác trong khu vực là Đại Việt và Angkor.

Vùng hạt nhân (Core Area) giữ vị thế là trung tâm của chính thể, nơi tập trung những trung tâm chính trị, tôn giáo và kinh tế chính yếu của nagara này. Một vành đai bảo vệ (protecting circle) đã được hình thành để một mặt thúc đẩy các liên kết kinh tế giữa vùng hạt nhân với các mạng lưới vùng lân cận, đồng thời giữ vai trò bảo vệ chính thể trung tâm khỏi sự tấn công từ phía các đối thủ (Mạng lưới trao đổi liên vùng kết nối Vùng hạt nhân với các trung tâm khác, hay là các mạng lưới trao đổi ven sông khác như khu vực Cao Nguyên phía tây, hệ thống trao đổi ven sông ở Quảng Ngãi và Phú Yên (tất cả tạo lập nên một mạng lưới của nagara Vijaya). Trong bối cảnh chính trị chung của thế giới Đông Nam Á cổ xưa, nagara Vijaya cũng thường xuyên đối mặt với các cuộc tấn công của những tiểu quốc láng giềng, những tiểu quốc cũng đã kiến lập một mạng lưới liên kết riêng của mình và cũng luôn tìm cách để mở rộng các mạng lưới đó, đồng thời làm suy yếu các đối thủ cạnh tranh lân cận của mình. Trong ý nghĩa đó, chúng ta có thể thấy một Vành đai những nagara cạnh tranh vây quanh nagara Vijaya như Amaravati và Panduranga. Vijaya trong nhiều thế kỷ đóng vai trò là một trung tâm liên vùng quan trọng trên bờ biển Đông, và để duy trì vị thế đó, bản thân nó cần thiết phải kiến lập và duy trì mạng lưới trao đổi với các trung tâm liên vùng và liên thế giới khác trong khu vực, hay là những trung tâm chính trị, tôn giáo và kinh tế lớn của các mandala lớn trong khu vực: (Vân Đồn, Thăng Long, Siemreap, Vatphu, Java, Philipine), tất cả tạo thành một vành đai thứ 4: Đan xen các xu hướng cạnh tranh, xung đột và liên minh (về kinh tế, chính trị và quân sự). Cuối cùng, đó là sự cần thiết phải thiết lập mối lien hệ giữa Vijaya với các trung tâm kinh tế, chính trị lớn của thế giới để đảm bảo sự ổn định và thịnh vượng của tiểu quốc cả về mặt chính trị và kinh tế. Chính nhu cầu đó đã thúc đẩy sự dự nhập của Vijaya vào mạng lưới giao thương quốc tế, kết nối Vijaya với các chính thể trung tâm của lục địa Á Âu: Trung Hoa, Ấn Độ, Arab… Sự hiện diện của các thương nhân và phái đoàn Trung Hoa, Arab trên bờ biển Champa và Vijaya. Duy trì sự hội nhập vào vành đai này tạo cho Champa sự ổn định về chính trị, uy tín về ngoại giao (đặc biệt là từ phía Trung Hoa), nguồn thu về kinh tế (thương nhân Trung Hoa và Arab).

Vijaya-Champa trong các mối tương tác quyền lực khu vực

Bờ biển Đông dường như đã trở thành một trong những mục tiêu quan trọng cần phải chiếm đoạt được đối với cả ba chính thể lớn là Champa, Đại Việt và Angkor. Đối với Champa, vấn đề bảo vệ các vùng lãnh thổ, các hải cảng và các nguồn hàng quan trọng chính là lý do dẫn đến việc xung đột với hai quốc gia láng giềng. Đối với Đại Việt, đó là những hành động thể hiện vị thế của một quốc gia đang lên, là nhu cầu tìm kiếm các vùng lãnh thổ mới, các vùng đất canh tác mới trước áp lực dân số của vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, nhưng đồng thời cũng thể hiện tham vọng dự nhập vào mạng lưới hải thương khu vực thông qua việc chiếm lĩnh và bảo trợ các tuyến thương mại vùng, các nguồn hàng và đặc biệt là các thương cảng ven biển. Đối với Angkor, đó là tham vọng chiếm lĩnh các tuyến giao thương cả trên bộ và trên biển nhằm mở ra con đường nối kết trực tiếp với  thị trường nam Trung Hoa và các tuyến hải thương chuyển vận trên biển Đông. Dường như, chia sẻ nhiều nhân tố ảnh hưởng cũng như biểu hiện chung của một kỷ nguyên thương mại sớm ở Đông Nam Á (900-1300), hải thương ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với các chính thể nằm trên bờ biển Đông, cho dù đó là chính thể trọng thương (trade-oriented polity) như là Champa, hay chính thể trọng nông (agriculture-based polity) như Đại Việt và Angkor. Các vùng biển, các hải cảng, các nguồn hàng và các tuyến hải thương ngày càng trở thành mối quan tâm lớn của các chính thể này, và cũng chính những nhân tố này đã tác động không nhỏ đến đời sống chính trị-kinh tế của các nhà nước này.

Việc tìm hiểu mối quan hệ phức tạp giữa Champa và Đại Việt trong nhiều thế kỷ là một nhiệm vụ khó khăn, đặc biệt nếu chúng ta giả sử rằng Đại Việt có thể đã phải giải quyết và thậm chí là có chiến tranh với nhiều hơn một vương quốc Champa. Các bộ sử của Việt Nam thường có xu hướng đặt người Chăm ở vị trí thấp hơn so với mình, nhắc đến họ như là những “phái đoàn triều cống” so sánh với những phái đoàn mà Đại Việt đã gửi tới Trung Hoa. Tuy nhiên, trên thực tế thì, không có vẻ gì là người Chăm cần và muốn giữ một vai trò như là “chư hầu” của Đại Việt. Dường như đã có một sự cân bằng tương đối về sức mạnh địa chính trị cho tới cuối thế kỷ XIV. Tuy nhiên, vào đầu thế kỷ XV, người Chăm cảm nhận rõ ràng sự đe dọa và đã nhượng lại phần đất phía nam đèo Hải Vân. Tại thời điểm này phần lãnh thổ thuộc Amaravati rõ ràng là đã rơi vào tay Đại Việt. Người Việt giờ đây đã hiện diện tại phía nam đèo Hải Vân – một barrier quan trọng đã cản trở các cuộc chiến quân sự trên bộ của họ, chuẩn bị cho một cuộc viễn chinh quân sự lớn chống lại Vijaya sau đó. Năm 1400, do đó, đã đánh dấu một bước ngoặt trong quan hệ chiến lược giữa Việt Nam và Champa.

Mối quan hệ giữa người Chăm với người Khmer diễn ra trong bối cảnh cả hai cùng chia sẻ những giá trị chung về mặt văn hóa “Ấn Độ hóa”. Mối quan hệ giữa hai tộc người này bắt đầu từ thời tiền Angkor, và trên thực tế tên gọi “Champa” đã lần đầu  tiên xuất hiện trong các các bia ký trên lãnh thổ của người Chăm và người Khmer cùng thời điểm vào thế kỷ thứ VII. Đặc biệt là khi mà các tiểu quốc Champa phía nam phát triển, đã xảy ra những sự đối đầu và cạnh tranh với người Khmer trong việc chiếm giữ các tuyến giao thương cũng như là lãnh thổ. Các cuộc xung đột quyết liệt nhất đã diễn ra vào thế kỷ XII, có thể là bởi các xu hướng bành trướng từ phía các hoàng đế Angkor. Như phần trên chúng tôi đã nhận định, sự trỗi dậy của nagara Vijaya từ giữa thế kỷ XII không thể không nhắc tới vai trò và tham vọng mở rộng quyền lực, lãnh thổ và các mạng lưới của đế quốc Angkor. Sự hiện diện của một loạt các đền tháp có ảnh hưởng nghệ thuật Khmer ở trung tâm nagara Vijaya (Bình Định) là minh chứng sống động cho sự giao thoa và liên hệ chặt chẽ giữa Champa và Angkor từ sau thế kỷ XII.[14]

Hình: Tháp Dương Long, huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.


[1] Georges Maspero. Le royaume de Champa, rev.ed. Paris and Brussels: Van Oest, 1928; Majumdar. Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East; George Coedès. Les états hindouisés d’Indochine et d’Indonésie (Paris: E. de Boccard, 1964)

[2] Michael Vickery, “Champa revised” in trong The Cham of Vietnam – History, Society andArt, edited by Tran Ky Phuong and Bruce M.Lockhart. (Singapore: NUS Press, 2011).

[3] Văn khắc C.17 Batau Tablah/ Đá Nẻ ở Panduranga/Ninh Thuận, niên đại 1160/1161; Văn khắc C.101 Mỹ Sơn thế kỷ XII.

[4] M.Vickery, “Champa revised” in trong The Cham of Vietnam – History, Society and Art, edited by Tran Ky Phuong and Bruce M.Lockhart. (Singapore: NUS Press, 2011); tham khảo thêm Đỗ Trường Giang, “Hội An – Champa trong kỷ nguyên thương mại sớm của Đông Nam Á (900-1300)”, in trong Nghiên cứu Lịch sử Xứ Quảng, số 7 (1-2016).

[5] Đỗ Trường Giang, “Biển với lục địa Thương cảng Thị Nại (Champa) trong hệ thống thương mại Đông Á thế kỷ X-XV”, in trong Nguyễn Văn Kim (cb.), Người Việt với Biển, Nxb. Thế Giới, tr.285-314.

[6] Xem: Georges Maspero, Le royaume de Champa, rev.ed. Paris and Brussels: Van Oest, 1928; R.C.Majumdar, Champa – History and culture of an Indian colonial kingdom in the Far East, 2nd-16th century A.D, P. Gyan Publishing House, New Delhi, 1927.

[7] Momoki Shiro, “Mandala Champa” seen from Chinese Sources”, in trong The Cham ofVietnam, sđd, tr.128

[8] Momoki Shiro, “Mandala Champa”, tlđd, tr.128. Dựa trên các thông tin này, giáo sư Momoki Shiro cho rằng “một hình ảnh vốn được thừa nhận lâu nay rằng Champa là tập hợp của bốn hay năm khu vực/tiểu quốc lớn là Indrapura, Amaravati, Vijaya, Kauthara và Panduranga cần phải được từ bỏ”, tham khảo: Momoki Shiro, “Mandala Champa”, tlđd, tr.131.

[9] Geoff Wade, “The ‘Account of Champa’ in the Song Huiyao Jigao”, in trong The Cham of Vietnam, sđd, tr.141.

[10] Hsing-ch’a Sheng-lan – The overall Survey of the Star Raft by Fei Hsin, chuyển ngữ sang tiếng Anh bởi J.V.G.Mills, Harrassowitz Verlag – Wiesbaden, 1996. Phần viết về Chiêm Thành từ trang 33 đến trang 39.

[11] Về tiểu quốc Panduranga có thể tham khảo công trình nghiên cứu của Po Dharma, Le Panduranga 1822-1835, tlđd; bên cạnh đó có thể tham khảo chuyên khảo về Panduranga trong lịch sử Champa của Finot L. V. Pânduranga in trong Bulletin de l’Ecole franaise d’Extrême-Orient. Tome 3, 1903, tr.630-648.

[12] Giáo sư O.W. Wolters là người đầu tiên đã giải thích mandala như là một thuật ngữ dùng để diễn tả một hệ thống chính trị kinh tế đã được phát hiện tại hầu hết các quốc gia cổ ở Đông Nam Á. Thuật ngữ mandala cũng được sử dụng để miêu tả một trạng thái chính trị riêng biệt và thường là không ổn định trong một khu vực địa lý được xác định mơ hồ vì không có những đường ranh giới cố định, tại đó những trung tâm nhỏ hơn vì lý do an ninh nên có xu hướng vươn ra mọi phía. Các mandala sẽ mở rộng hay thu hẹp lại theo cách thức này.

Theo O.W. Wolters thì mỗi mandala bao gồm một số chính quyền chư hầu (tributary rulers), nhưng mỗi chư hầu như vậy có thể từ bỏ địa vị chư hầu của họ khi có cơ hội và nỗ lực xây dựng một mạng lưới chư hầu của riêng họ, theo: O.W.Wolters, History, Culture and Region in Southeast Asian Perspectives, Institute of Southeast Asian Studies, 1982. Có thể tham khảo thêm: Đỗ Trường Giang, Mandala trong nhận thức và cách nhìn của các học giả quốc tế, tạp chí Nghiên cứu Đông Nam Á, số 2, 2009. Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng đã sử dụng nhiều thuật ngữ có gốc bản địa khác để chỉ về sự hình thành các nhà nước, các trung tâm và cấu trúc quyền lực của thế giới Đông Nam Á và coi các chính thể tồn tại trong lịch sử cổ trung đại như là những chính thể thiên hà (galactic polity), chính thể mặt trời (solar polity), hay các negara, tham khảo các công trình nghiên cứu như: Geertz, Clifford. Negara: The Theatre State in 19th Century Bali. Princeton: Princeton University Press. 1980; và Lorraine Gesick (ed.) Centres, Symbols, and Hierarchies: Essays on the Classical States of Southeast Asia, Monograph No. 26, New Haven, Connecticut: Yale University Southeast Asia Studies.

[13] Xem thêm: A New History of Southeast Asia của nhóm tác giả: M. C. Ricklefs, Bruce Lockhart, Albert Lau, Portia Reyes, Maitri Aung Thwin (Basingstoke: Palgrave Macmillan), 2010.

[14] Đỗ Trường Giang, “Champa and the East Asian Maritime Commerce from the 10th to the 13th centuries”, in trong Advancing Southeast Asian Archaeology 2013: Selected papers from the First SEAMEO-SPAFA InternationalConference on Southeast Asian Archaeology, Bangkok: SEAMEO SPAFA Regional Centre for Archaeology and Fine Arts: 373- 409; Đỗ Trường Giang, “Diplomacy, Trade and Networks: Champa in the Asian Commercial Context (7th-10th centuries)”, in trong Moussons 27 (2016): 59-82.

Nguồn: Xưa & Nay