Gặp gỡ Trần Tiểu Việt con trai của tướng Nguyễn Sơn

Print Friendly, PDF & Email

Tác giả: Mai Hiên

Ông hơn tôi gần hai chục tuổi. Chúng tôi gặp nhau lần đầu, qua giới thiệu của một người thân có mặt trong buổi tiễn đưa Thiếu tướng Nguyễn Sơn “trở về” Trung Quốc lần cuối cùng vào một buổi chiều tháng 4-1950. Tuy là sơ kiến nhưng câu chuyện đã khá mặn mà về đủ thứ quanh sự sống thường ngày. Con người mang hai dòng máu này có duyên phận gắn với một thời quan hệ Việt – Trung. Ông khoái bài “Danh tướng đào hoa” của Mạnh Việt đăng trên Tiền phong chủ nhật số Tết nói về những chuyện tình vô tiền khoáng hậu của cha đẻ ông – Thiếu tướng Nguyễn Sơn – mà suốt mấy mươi năm ông đâu có biết; và về mẹ đẻ ông – cụ Trần Kiếm Qua năm nay 81 tuổi – cũng chẳng đả động trừ bi kịch tình yêu của bà với viên sĩ quan Hồng Thủy (tên Trung Quốc của Nguyễn Sơn).

Trần Tiểu Việt sinh ở Diên An tháng 2-1946 – khi cha đã về Việt Nam. Hai anh em được gửi đến Bảo Dục Viên (trường nuôi dạy trẻ) do mẹ phụ trách. Tuổi nhi đồng hai cậu con trai bà Kiếm Qua trôi qua ở tiểu học nội trú Dục Tài. Bắc Kinh có ba tiểu học như thế, một cho con em quân đội và hai cho con em cơ quan Dân – Chính – Đảng từ Diên An về. Dục Tài là nơi những nhân vật nổi tiếng đã từng học như Thủ tướng Lý Bằng, Lý Thiếu Ánh, Ủy viên Bộ Chính trị, Tăng Hiếu Lâm, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nhẹ và ông Chủ tịch Hải Nam. Nay, học sinh nào cũng có thể xin vào ba trường nội trú ấy. Cùng lớp với Tiểu Việt còn có Hạ Bình hiện là Bộ trưởng giao thông vận tải Trung Quốc. Hệ thống giáo dục phổ thông (Trung Quốc) kéo dài mười hai năm: tiểu học 6 năm, sơ trung 3 và cao trung 3. Hai anh em đã “tiêu pha” trong 9 năm trời ở nội trú. Các môn như toán, ngữ văn, địa lý, sinh vật và sau này lên lớp trên còn có vật lý, hóa, lao động (tham gia trồng trọt, đi thực tế). Tiểu Việt không quan tâm.

Hai anh em vào trường cao trung dành cho con em cán bộ nơi hầu như thường xuyên 100% thi đỗ đại học, gần 90% vào các trường đại học ở Bắc Kinh. Năm 1966, cao điểm Cách mạng Văn hóa, hai chàng gốc Việt cũng về nông thôn lao động cải tạo. Hàn Phong đốt lò ở Sơn Tây. Giác ngộ xong, về văn phòng tỉnh ủy (Sơn Tây) và từ đó lên Văn phòng Ủy ban Thường vụ Quốc hội (Trung Quốc). Tiểu Việt lận đận hơn. Năm 1972, tạm yên cao trào cải tạo trí thức, anh về Bắc Kinh sống bên mẹ. Thi vào khoa hóa Đại học Bắc Kinh, những mong chuyên sâu về kỹ thuật, khoa học. Năm năm dùi mài kinh sử, học cùng khoa với Song Song vợ tương lai anh trai Hàn Phong. Tiểu Việt về giảng dạy ở Đại học Sư phạm. Thời gian đứng trên bục giảng tuy không dài (5 năm) nhưng cũng đủ làm thay đổi tính cách và suy nghĩ của anh. Từ chỗ là cậu bé rất hiếu động tinh nghịch bị thầy cô phạt không cho vào Đội – Đoàn đúng thời hạn, nay bỗng biến thành “cụ non”, thu mình với thời cuộc. Bè lũ bốn tên do Giang Thanh cầm đầu quấy lên, không khí Bắc Kinh sôi sùng sục. Nội bộ trường bị chia rẽ, Tiểu Việt hầu như mất phương hướng. Bỏ trường hay vẫn trụ lại bám sách, bám trò? Chủ tịch Mao Trạch Đông mất, lũ bốn tên đổ. Ông Đặng Tiểu Bình với đường lối cải cách kinh tế được nhân dân đón chào như làn gió mới sau bao năm kìm kẹp. Trong cơn lốc mùa xuân ấy, Tiểu Việt bị bắn văng ra, kinh tế thị trường đua nở. Dấn vào làm ăn, Tiểu Việt như gà mắc tóc. Bang giao Việt – Trung ấm dần, nhiều doanh nghiệp muốn khai khẩn sang đất mới. Một nửa dòng máu Việt giờ được nhiều hãng để ý. Công ty Tư vấn hợp tác và trao đổi quốc tế Thăng Long – Bắc Kinh mời ông vào Hội đồng quản trị và giữ chân Tổng giám đốc, làm cầu nối giữa hai thị trường. Đây là lúc Tiểu Việt nhớ da diết quê cha đất tổ, nhớ người ông gọi là cha mà cả đời chỉ được gặp đôi lần…

… Cậu bé Tiểu Việt 4 tuổi mũm mĩm ngơ ngác khi một người đàn ông dong dỏng, mắt sáng, tóc đen cứng chạy vào Bảo Dục Viên bế thốc cậu lên và ngắm nhìn như một vật lạ. Cậu đâu biết rằng mẹ mình đang đứng sau cánh cửa với tâm tư rười rượi…

Ông bà quen nhau ở Ngũ Đài Sơn (tỉnh Sơn Tây) lúc Hồng Thủy làm đại diện cho Bát lộ quân và giữ chân đặc phái, còn Trần Kiếm Qua đang tuổi trẻ trung sôi nổi. Bà thường gặp thủ trưởng giải quyết việc công. Cái đuôi sam ngúng nguẩy trên tấm lưng lăn lẳn của cô cán bộ phụ vận, khiến đặc phái viên Hồng Thủy bỗng màng đến một ngày. Ngày ấy đến thật. Nhưng khi hai người tỏ lòng nhau, định tính chuyện trăm năm, thì hai trái núi lừng lững hiện lên. Một, kỷ luật Trung Quốc lúc bấy giờ không cho phép bộ đội yêu phụ  nữ địa phương. Hai, người cha thương con, sợ nó theo chồng về Nam “một đi không trở lại”. Rồi mọi việc khó cũng qua đi nhờ ai, anh hay chị nói khéo? Trằn trọc, tỉ tê, thuyết phục cha lúc dưới bếp khi ngoài ngõ, thậm chí bỏ cơm, bỏ nhà mấy hôm… Ăn ở với nhau được mụn con. Cách mạng tháng Tám thành công, Hồ Chủ tịch gọi Hồng Thủy về quê nhà góp phần xây dựng lực lượng chính quy kháng chiến lâu dài… Bao nhiêu lời dặn dò trước lúc ra đi. Giọt vắn giọt dài dưới chân núi với những nhắn nhủ mà ngay lúc đó bà linh cảm là vô vọng. Bà Trần Kiếm Qua đã phải đợi, đợi hoài. Đợi đến ngày hôm nay! Người con trai thứ hai chào đời. Bà mừng rơn, đặt cho con tên Tiểu Việt. Thầm mong người chồng nơi đất Việt một mai trở lại cứ tên ấy mà nhận ra con ở (nhà trẻ) Bảo Dục Viên. Nào ngờ cuối xuân 1950 vừa mới chân ướt chân ráo ở Bắc Kinh được vài tháng bà giật mình nghe tin Hồng Thủy đã về Trung Quốc cùng… một người đàn bà tên là Hằng Huân đang mang thai và một cô con gái! Kiếm Qua giấu biệt hai con. Hồng Thủy mấy phen bí mật đến thăm mà không xong.

Vừa nuôi con ăn học thành người, bà Kiếm Qua vừa lao vào công tác. Năm 1954, Sở giáo dục thành phố Bắc Kinh cử bà làm Phó giám đốc. Năm 1982, bà về hưu từ chức Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Bắc Kinh. Bà và con trai được phân hai căn hộ  liền nhau (4 buồng 80m2 diện tích sử dụng) gần sứ quán Việt Nam. Bà sống cùng hai vợ chồng Tiểu Việt và đứa cháu trai. Lương hưu 800 tệ, hàng tháng trả tiền nhà – điện – nước – gas hơn 100 tệ. Kiếm Qua vẫn tích cực tham gia các hiệp hội thành phố, và giữ chức Hội phó Hội bảo trợ giáo dục Bắc Kinh, Hội trưởng Hội giáo dục con em Bắc Kinh.Dạy bảo con cái thiên hạ thì tốt, vậy mà bà không sao đưa thằng cháu bướng bỉnh vào khuôn phép được! Nhưng rồi Tiểu Việt cũng lo cho con vào học nghề ở một trường kỹ thuật Bắc Kinh sau khi “cậu ấm” tốt nghiệp trung học.

Ai hiểu được nổi lòng Kiếm Qua, khi những năm gần đây bà đồng ý và hối thúc hai con tìm về đất tổ, điều mà trước đó bà không muốn nhắc đến. Tiểu Việt chỉ xin mẹ thứ cho cha. Bởi vậy hẳn ông chẳng giấu nổi niềm vui khi đứng nhìn người mẹ – nổi tiếng kín đáo chuyện riêng tư không chỉ với mọi người mà với cả hai con trai ruột thịt – cầm triện đóng tên mình lên cuối tờ thư do Tiểu Việt viết ngày 16-3-1996 vừa qua mời những người anh chị em cùng cha khác mẹ bên Việt Nam sớm sang chơi Bắc Kinh. Mẹ đã sẵn sàng bỏ qua tất cả. Mẹ đang mở rộng tấm lòng ở tuổi bát tuần của mình cho tất cả, dù ở trời Bắc hay tận phương Nam. Anh Hàn Phong năm ngoái sang Việt Nam cũng tranh thủ sưu tầm những kỷ vật còn lại. Ra thăm mộ Thiếu tướng Nguyễn Sơn ở nghĩa trang Mai Dịch, Hàn Phong trăn trở tâm tư muốn khắc lên bia mộ dòng chữ “Lưỡng quốc Tướng quân”, những mong quan hệ hữu nghị giữa hai nước được duy trì, bền lâu. Tiểu Việt nói: “Mỗi lúc hai nước có chuyện xích mích, tôi lo ngay ngáy. Ở Trung Quốc có bận người ta bảo tôi là người Việt. Về Việt Nam lại bị coi là người Hoa. Nhưng nếu hai nước hòa bình thì đối với tôi là niềm vui thực sự. Đấy anh xem – giờ tôi đang là sứ giả của hòa bình, môi giới kinh doanh. Vui lắm”.

Được sự giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, Quân đội hai nước Trung – Việt, các con cái Trung, Việt của Hồng Thủy thực hiện được cuộc đại đoàn tụ có tính chất lịch sử. Hai hàng sau từ trái sang: Hà Trọng Tuyên, Nguyễn Thanh Hà, Nguyễn Việt Hằng, Nguyễn Mai Lâm, Vũ Thanh Các, Nguyễn Ngọc Chi, Trần Nguyễn Lăng, Lâm Song Song, Trần Kiếm Qua, Trần Hàn Phong, Nguyễn Việt Hồng, Nguyễn Cương, Trần Tiểu Việt.

Hai bàn tay đan chéo, vẫn thu lu tư thế sát góc giường ban đầu và chăm chăm nhìn ra khóm liễu xuân rìa cửa sổ, Tiểu Việt bỗng chùng xuống: “Trở về Việt Nam, tôi định thế này. Vào Thành phố Hồ Chí Minh bàn ký hợp đồng khai thác, tiêu thụ hải sản. Mậu dịch hai nước tăng, nhưng đầu tư lẫn nhau còn rất ít. Phần thì cả hai đều cần vốn. Và khó khăn xuất phát từ hai bên. Thủ tục rườm rà, nhất là phía Việt Nam, khiến chúng tôi bỏ lỡ nhiều cơ hội. Nhưng tôi thiết tha mong mỏi hai nước luôn giữ tình hòa hiếu. Mà để bảo trì nền hòa bình bền vững, tốt nhất là tăng cường buôn bán, trao đổi hàng hóa, đặc biệt trao đổi văn hóa – giáo dục. Bởi tôi nghĩ, chính sự gần gũi về văn hóa, sự thông hiểu và thông cảm nhau trên nền tảng văn hóa ấy – Tôi nhấn mạnh văn hóa nhân dân – con người ta, hai dân tộc Trung – Việt mới thực sự có thể dễ xóa đi trở ngại trên đường phát triển chung”…

Chuyện đã mãn, Tiểu Việt mời bằng được hai chúng tôi dự bữa cơm thân mật. Bác Đoàn Sự, phiên dịch tiếng Trung Quốc một thời, sau mấy mươi năm dịch vẫn bén lắm. Trong lúc bên từ chối bên thực tâm nài nỉ, tôi chợt nhận trong trái tim người đàn ông Trung Quốc này có cái gì rất Việt Nam. Một nửa dòng máu Việt đang chảy hòa cùng dòng máu Trung Hoa. Vừa lúc ấy có hai sĩ quan Vụ đối ngoại Bộ Quốc phòng tới thăm. Bác Sự chẳng quên một việc trọng đại: đưa Tiểu Việt bản quyết định, do Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai ký, phong Hồng Thủy – viên sĩ quan người Việt Nam – hàm Thiếu tướng ngày 29-7-1955. Tự năm nảo năm nao, mà người đón nhận hai tay cứ run run… Tôi được biết thêm – vẫn qua Đại tá Đoàn Sự – là Tiểu Việt sau đận từ Thành phố Hồ Chí Minh trở về Bắc Kinh đã xuôi ngược lo xong thủ tục giấy tờ cần thiết, để bức thư mới đề ngày 28-3-1996 kịp tới tay người thân tại Hà Nội.

Hình: Năm 1973, Tiểu Phong (phải), Tiểu Việt và Nguyễn Thanh Hà tại Hà Nội.

Nguồn: Xưa & Nay