Nguồn: Enrico Cau, “The Geopolitics of the Beijing-Moscow Consensus“, The Diplomat, 04/01/2018.
Biên dịch: Trần Quang
Vào cuối những năm 1950, việc quan hệ Trung-Nga xấu đi đã mở đường cho cuộc gặp lịch sử giữa Tổng thống Mỹ Richard Nixon và Mao Trạch Đông vào năm 1972. Kết quả của cuộc gặp đó là Thông cáo Thượng Hải, và một mặt là bắt đầu sự hòa hoãn Trung-Mỹ, mặt khác là việc kiềm chế Liên Xô ở châu Á-Thái Bình Dương, một sự chia rẽ sẽ xác định quan hệ giữa hai nước cộng sản này trong nhiều thập kỷ sau đó.
Chỉ đến khi Chiến tranh Lạnh chấm dứt, thì bất chấp các thách thức còn tồn tại như các tranh chấp lãnh thổ và vấn đề nhập cư trái phép ở vùng Viễn Đông Nga, quan hệ Trung-Nga mới bắt đầu “tan băng”. Hai nước đã bỏ lại đằng sau những sự bất đồng về tư tưởng vì một cách tiếp cận thực dụng hơn dựa trên việc theo đuổi các lợi ích được chia sẻ và chống lại các mối đe dọa chung như là nét đặc trưng chỉ đạo của sự hợp tác được khôi phục của họ. Bất chấp những dự đoán tiêu cực hơn, tiến trình nối lại quan hệ này đã cải thiện một cách vững vàng qua thời gian.
Năm 1992, Tổng thống Boris Yeltsin đã tới thăm Trung Quốc. Năm 1993, hai nước đã ký một thỏa thuận quân sự, tiếp sau đó là thỏa thuận hợp tác chiến lược đầu tiên giữa hai nước vào năm 1996, và một số thỏa thuận khác: Hiệp ước láng giềng thân thiện, hữu nghị và hợp tác năm 2001; việc thành lập Tổ chức hợp tác Thượng Hải; và quan hệ đối tác chiến lược năm 2012, được nâng cấp hơn nữa vào năm 2014. Trong khi đó, một mối quan hệ cá nhân gần gũi đã phát triển giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Quan hệ chặt chẽ hơn được đánh dấu bởi mạng lưới các thỏa thuận phức tạp và đang mở rộng này và các quan hệ cá nhân đã có kết quả, đặc biệt là trong các lĩnh vực buôn bán vũ khí, chuyển giao công nghệ quân sự và các thỏa thuận về năng lượng. Cũng đã có sự tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực quan hệ quân sự mà ở đó, bất chấp sự cần thiết phải duy trì mức độ răn đe đáng tin cậy, Trung Quốc và Nga đã cho thấy mức độ tin tưởng lẫn nhau chưa từng thấy, như đã được xác nhận bởi Lý Huy, Đại sứ Trung Quốc tại Nga, và bởi số lượng ngày càng gia tăng các cuộc diễn tập quân sự chung giữa hai nước.
Nhưng điều thực sự là điển hình của sự tin tưởng ngày càng gia tăng mà hai nước dành cho nhau là việc ký kết thỏa thuận hợp nhất Liên minh kinh tế Á-Âu (EEU), dự án “con cưng” của Putin, và Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc dẫn dắt. Nếu thành công, BRI-EEU ở Trung Á sẽ đánh dấu một bước đi nữa hướng tới việc củng cố quan hệ Trung-Nga, với các tác động quan trọng đối với cả châu Á lẫn phương Tây.
BRI và EEU: “Trái dấu thì hút nhau”
Khi Tập Cận Bình tuyên bố phát động Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) vào năm 2013, cả Nga và phương Tây đều bị bất ngờ. Cụ thể, một nước Nga phải gánh chịu các biện pháp trừng phạt dường như có lý do thích hợp để lo lắng rằng BRI có thể làm suy yếu hơn nữa vị thế của nước này ở Trung Á, “sân sau” của Nga. Nhiều đánh giá khác nhau cùng chỉ về một hướng bi quan như vậy, đặc biệt là trong bối cảnh hai sáng kiến này dường như khác biệt đáng kể về tổ chức thể chế và các mục tiêu chiến lược. Hai sáng kiến này quả thực rất khác nhau. BRI là một dự án mở toàn cầu tập trung vào thương mại, là hiện thân của bản chất của chiến lược “đi ra ngoài” của Trung Quốc và là một sứ giả của thương mại toàn cầu hóa và chủ nghĩa đa cực với các đặc trưng Trung Quốc. EEU thay vào đó lại là một dự án hòa nhập thương mại “hướng nội” được vạch ra nhằm cho phép Nga duy trì sự kiểm soát các nước láng giềng Trung Á của mình, và kiềm chế sự mở rộng của Liên minh châu Âu (EU) hoặc Mỹ ở các khu vực đó. Bất chấp triển vọng bi quan, mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nga mặc dù vậy đã tiếp tục phát triển thịnh vượng, và các kế hoạch của hai nước nhằm tạo lập một khu vực thịnh vượng chung dưới sự kiểm soát Trung-Nga ở Trung Á cũng vậy.
Các động lực của sự hợp tác Trung-Nga
Bản chất của quan hệ thân thiện Nga-Trung dường như dựa trên sự bổ trợ, sự tương hỗ, các lợi ích được chia sẻ và các mối đe dọa chung ở mức độ cao. Trong mối quan hệ này, Trung Quốc và BRI của nước này đóng vai trò bên tạo khả năng toàn cầu, với việc Trung Quốc thúc đẩy mô hình của nước này đồng thời đem lại “chiếc phao cứu sinh” rất cần thiết đối với nền kinh tế Nga và EEU. Thay vào đó, vai trò của Nga dường như đang được định hình để trở thành vai trò của một bên đem lại sự ổn định khu vực, phục vụ cho lợi ích chung của cả hai quốc gia.
Đối với Trung Quốc, sự hỗ trợ của Nga ở Trung Á đem lại nhiều lợi thế. Thứ nhất, ảnh hưởng và hiểu biết của Nga về các động lực khu vực có thể chuyển thành sự giảm nhẹ đáng kể các rủi ro và việc loại bỏ một vài chướng ngại vật đối với các dự án BRI, giảm bớt phí tổn và tối đa hóa lợi ích. Trung Quốc cũng sẽ có được quyền tiếp cận trực tiếp tới Trung Á, điều này đem lại cơ hội có một không hai để phát triển các thị trường, các trung tâm chế tạo, và thậm chí các thành phố mới dọc theo Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (SREB). Thứ hai, việc Nga chấp nhận sự can thiệp của Trung Quốc ở Trung Á sẽ cho phép Trung Quốc đóng vai trò trực tiếp trong việc an ninh hóa và hình thành chế độ của khu vực, đặc biệt là liên quan đến các sáng kiến chống nổi loạn nhằm ngăn chặn người Duy Ngô Nhĩ thiết lập những nơi trú ẩn an toàn trong khu vực. Cuối cùng, mô hình quan hệ này có tiềm năng đặt nền móng cho việc thiết lập một không gian địa chính trị cốt lõi dưới sự kiểm soát của riêng Trung-Nga ở khu vực Á-Âu, vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng của EU và Mỹ, ở một khu vực có vị trí chiến lược nằm giữa các thị trường đang phát triển của Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á và các thị trường giàu có của châu Âu.
Nga thu được gì từ việc này? Các biện pháp trừng phạt mà Mỹ và EU áp đặt lên Nga như là hậu quả của việc nước này sáp nhập Crimea, và các hành động đang tiếp diễn chống lại Ukraine, kết hợp với giá dầu mỏ đi xuống, đã gây ra những thiệt hại khổng lồ đối với thương mại của Nga và quan hệ của nước này với châu Âu và Mỹ. Tình trạng sa sút diễn ra do đó đang đẩy Nga vào con đường bị cô lập về chính trị và kinh tế. Điều này đã buộc Nga rời xa phương Tây và tìm kiếm các thị trường thay thế ở các khu vực khác trên thế giới, nhằm tránh khỏi các biện pháp trừng phạt và tìm kiếm những đầu ra mới cho nền kinh tế Nga.
Vì những lý do này, Nga đã bắt đầu coi châu Á-Thái Bình Dương như một con đường khả thi để mở rộng các thị trường của nước này và của EEU. Theo quan điểm này, việc tích hợp với BRI có thể đem lại cho EEU kênh thương mại đặc quyền tới các thị trường châu Á-Thái Bình Dương, đem lại cho Nga cơ hội có một không hai để thúc đẩy chiến lược “hướng Đông” của Nga. Được trợ giúp bởi sự suy giảm tương đối của Mỹ, mà chỗ trống của nước này đang được lấp đầy bởi ảnh hưởng đang gia tăng của Trung Quốc trong khu vực, sự chuyển dịch của Nga sang châu Á-Thái Bình Dương đã dẫn tới một loạt thỏa thuận thành công. Điều đó bao gồm việc ký kết một vài thỏa thuận thương mại quan trọng với Philippines và Indonesia; một thỏa thuận thương mại tự do quan trọng giữa EEU và Việt Nam; cũng như quan hệ thương mại gần gũi hơn với Hàn Quốc, một trong những nước đã từ chối thực thi các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, một quyết định đã thúc đẩy quan hệ thương mại Hàn Quốc-Nga.
Sự mở rộng của Nga ở châu Á-Thái Bình Dương đã diễn ra với sự ủng hộ thân thiện của Trung Quốc. Sự thâm nhập qua lại lẫn nhau vào các vùng ảnh hưởng địa chính trị của hai nước, trên cơ sở dường như là bình đẳng, dường như chỉ ra một mối quan hệ được ghi dấu bởi tính cân đối, sự bổ trợ và sự tương hỗ.
Sự trỗi dậy của sự Đồng thuận Bắc Kinh-Moskva
Việc hình thành một khối thân thiện Trung-Nga tồn tại lâu dài ở Trung Á cuối cùng có thể đưa một vùng đất lớn ở khu vực Á-Âu vào trong tầm ảnh hưởng của hai nước này. Trong một kịch bản như vậy, vai trò của Nga trong chiến lược lớn của Trung Quốc dường như không phải là một vai phụ cho Bắc Kinh – vai trò mà một quốc gia đầy tự tôn như Nga, với quá khứ là một siêu cường Chiến tranh Lạnh, sẽ không bao giờ chấp nhận – mà là một đối tác then chốt với vai trò bình đẳng trong một chiến lược lớn chung nhắm tới việc định hình lại trật tự thế giới. Mô hình quan hệ này, dù trong một hình dạng khác, có sự tương đồng mơ hồ với mô hình mà đế quốc Trung Hoa đã tiếp nhận với các nước triều cống của họ, nơi mà ảnh hưởng ôn hòa của Trung Quốc ở vùng ngoại vi có thể được bù đắp bởi ảnh hưởng mạnh mẽ của một đồng minh đáng tin cậy.
Hai nước dường như chia sẻ mục tiêu chung là định hình một sự đồng thuận 2 chiều Bắc Kinh-Moskva. Trung Quốc được giao nhiệm vụ mở rộng mô hình của nước này ở cấp độ toàn cầu, trong khi Nga củng cố quyền lực của nước này ở khu vực Á-Âu, đóng vai trò thế lực khu vực mạnh mẽ tạo sự ổn định và thực thi các chính sách ngày càng hội tụ trong một không gian địa chính trị trọng yếu đối với các lợi ích của cả Nga và Trung Quốc. Lợi thế của mô hình này là tính bổ trợ của nó có thể thỏa mãn cả các tham vọng toàn cầu của Trung Quốc lẫn các mục tiêu khu vực và toàn cầu của Nga, cho phép cả hai nước cùng phát triển thịnh vượng và có được sự thống trị hầu như không bị thách thức đối với một vùng lãnh thổ rộng lớn ở khu vực Á-Âu, với các hệ quả đáng kể đối với các khu vực xa xôi hơn, chẳng hạn như Nam Á, Đông Á và Đông Nam Á, Trung Âu và Đông Âu; tất cả những khu vực mà ở đó, như chúng ta đã và đang chứng kiến, ảnh hưởng của phương Tây đang phai mờ.
Một đặc trưng kỳ lạ khác của khối thân thiện Bắc Kinh-Moskva là khả năng chống đỡ mà tính “đa thể thức” của nó mang lại. Không giống như Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh, hệ thống Trung-Nga sẽ có thể cùng tồn tại sát cánh bên hệ thống quốc tế hiện tại do phương Tây dẫn dắt, với sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức cao trong một chế độ đa cực, toàn cầu hóa. Tuy nhiên, nó cũng sẽ có năng lực duy trì chức năng như một hệ sinh thái độc lập. Đó là vì hệ thống được thiết kế để kiểm soát một vùng đất rộng lớn, giàu tài nguyên ở khu vực Á-Âu và châu Á, nơi Trung Quốc và Nga có thể thực thi mô hình của họ, tái tạo các đặc trưng của trật tự quốc tế hiện tại, hoàn thiện nó với các thể chế, thị trường, cấu trúc an ninh, tiền tệ và các cơ chế chi trả của riêng nó, bỏ qua hệ thống dựa vào đồng USD nếu cần thiết. Kiểu tình trạng dư thừa này dường như được đưa ra để đem lại khả năng tồn tại và tính bền vững cho hệ sinh thái cốt lõi Trung-Nga, nếu mức độ đối lập giữa Trung Quốc, Nga và Mỹ leo thang đến mức phương Tây tìm cách cô lập Trung Quốc về kinh tế và chính trị như họ đã làm với Nga hiện nay và với Liên Xô trong Chiến tranh Lạnh.
Một sự tổ chức như vậy có thể làm tê liệt ảnh hưởng của phương Tây ở các quốc gia Trung Á, nơi các hoạt động của BRI, EEU và EU hiện đang chồng chéo nhau, với những sự chuyển dịch làm thay đổi cục diện trong động lực khu vực và các hệ quả quan trọng đối với EU và Mỹ. Ở các khu vực khác, cũng có thể cảm nhận được hệ quả của sự thống trị Trung-Nga ở Trung Á. Ở Nam Á, các quốc gia như Pakistan và Afghanistan có thể hưởng lợi từ sự ổn định địa chính trị và sự tín nhiệm mà khối thân thiện Trung-Nga đem lại và tính liên tục trong thương mại có được nhờ việc tích hợp BRI-EEU. Ở một số quốc gia Trung và Đông Âu, tầm với ngày càng gia tăng về kinh tế của Trung Quốc và việc thiết lập một khối Trung-Nga vững chắc ở Trung Á có thể đe dọa sự cố kết của EU và gây ra một vấn đề địa chính trị hóc búa đối với Mỹ và NATO. Ở châu Á-Thái Bình Dương, chiến lược xây dựng ảnh hưởng của Trung Quốc, được thúc đẩy bởi một sự kết hợp khéo léo của ảnh hưởng kinh tế, ngoại giao công khai và sự quyết đoán không thường xuyên, đang góp phần thúc đẩy sự suy giảm của ảnh hưởng Mỹ. Trung Quốc đang lấp đầy khoảng trống mà sự lãnh đạo của Mỹ để lại, một sự lãnh đạo đã thất bại trong việc thực hiện một vài sáng kiến quan trọng, trong đó có kết quả mơ hồ của sự “xoay trục sang châu Á”, việc chấm dứt Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), cũng như sự thiếu lãnh đạo mà Mỹ đã cho thấy trước việc Trung Quốc xâm lấn một số cấu trúc địa hình ở Biển Đông, mà Trung Quốc đã biến chúng thành các hòn đảo nhân tạo được quân sự hóa và hầu như không bị thách thức.
Kết luận
Bất chấp mọi rủi ro, quan hệ Trung-Nga đã phát triển thành sự hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn, củng cố sự tồn tại của một dự án địa chính trị đa chiều phức tạp được thúc đẩy bởi các lợi ích và mối đe dọa chung. Hai nước dường như đã học được từ quá khứ rằng những sự chia rẽ là bất lợi khi đối mặt với các mối đe dọa chung, đặc biệt khi nói tới đối thủ chủ yếu của họ là Mỹ.
Trong khi hiện tại Nga và Trung Quốc có được một kiểu quan hệ rất khác khi đối mặt với Mỹ, các tuyên bố gần đây của Tổng thống Donald Trump và lập trường của Chiến lược an ninh quốc gia mới của Mỹ, mà trong đó cả Trung Quốc lẫn Nga đều được định nghĩa là quốc gia theo chủ nghĩa xét lại, có thể báo hiệu rằng Trung Quốc và những thay đổi thất thường của nước này đã được cho quá nhiều quyền tự do. Mô hình của Trung Quốc, với tất cả những sự không phù hợp của nó, có thể đang trở nên quá khác biệt so với hệ thống do Mỹ dẫn dắt, đến mức 2 điều này không thể cùng chung sống dưới một mái nhà. Nếu đúng là như vậy, sẽ là hợp lý khi giả định rằng mối quan hệ hợp tác-cạnh tranh từng là đặc trưng của quan hệ Trung-Mỹ từ thời Chính quyền Obama sẽ chấm dứt.
Việc Trung Quốc nối lại quan hệ với Nga dường như cho thấy rằng nước này đã nhận thức được rằng ở thời điểm nào đó, sự mở rộng của Trung Quốc và mô hình kỳ lạ của nước này có thể trở thành một mối đe dọa đủ nghiêm trọng để phương Tây biện minh cho sự trở lại của một chiến lược kiềm chế mang tính bảo thủ hơn. Mặc dù khó có thể chấp nhận trong thời đại có đặc trưng là sự ưu việt của thương mại và các thị trường, sự toàn cầu hóa, và sự phụ thuộc lẫn nhau ở mức cao về tư tưởng và chủ nghĩa bảo hộ, tiến trình hành động này có thể trở thành một lựa chọn khả thi nếu phương Tây quyết định rằng Trung Quốc và Nga đã trở thành một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sự tồn tại của trật tự quốc tế hiện tại.
Enrico Cau là nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Quốc tế và Chiến lược (GIIASS), đại học Tamkang, thành viên Hiệp hội Nghiên cứu Chiến lược Đài Loan (TSRA) và là thành viên Tổ chức nghiên cứu Quốc tế Philippines (PHISO).
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông