Nguồn: Ramesh Thakur, “China’s New World Order?”, Project Syndicate, 10/11/2017.
Biên dịch: Đặng Tấn Phước | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Tính đến nay, có hai xu thế địa chính trị chính trong thế kỷ 21: sự xuống dốc tương đối của Mỹ kể từ khi kết thúc Chiến tranh Lạnh; và sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc kinh tế, chính trị và quân sự. Do đó, cách Trung Quốc hành xử trên trường quốc tế sẽ là một nhân tố địa chính trị quan trọng trong những thập niên tới.
Trong tương lai, tầm nhìn chiến lược của Trung Quốc chắc chắn sẽ phản ánh tầm nhìn chiến lược của chủ tịch Tập Cận Bình, người hiện giờ đã củng cố vị trí là nhà lãnh đạo quyền lực nhất kể từ thời Mao Trạch Đông. Trong bài phát biểu dài của mình tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc (CPC) lần thứ 19 vào ngày 18/10/2017, ông Tập tuyên bố về một kỷ nguyên mới của sức mạnh quốc gia, sự tự tin, và quyền lực toàn cầu của Trung Quốc.
Ông Tập hình dung ra thế giới mà trong đó Trung Quốc đã đạt được sự ngang bằng địa chính trị với Mỹ, khẳng định mình trên trường ngoại giao và đóng vai trò lớn hơn trong việc xây dựng các quy tắc của hệ thống quốc tế. Theo đó, thế giới nên chuẩn bị cho một sự gia tăng hoạt động chính sách đối ngoại Trung Quốc. Để hiểu các hành động đó sẽ diễn ra dưới hình thức nào và có những ảnh hưởng gì đối với quan hệ quốc tế, nhãn quan của các nhà bình luận của Project Syndicate, những người từ lâu đã ghi chép về sự nổi lên của Trung Quốc như một cường quốc khu vực và toàn cầu, đem lại một nguồn tham khảo vô giá.
Đề phòng “Bẫy Thucydides”
Trong cuộc theo đuổi sự cân bằng với Mỹ, Trung Quốc chắc chắn sẽ hưởng lợi từ sự thật là phương Tây, theo như cựu thủ tướng Úc Kevin Rudd, “ngày càng vị kỉ, tự hài lòng, và tự mãn trên trường quốc tế.” Nhưng khi cán cân quyền lực toàn cầu dịch chuyển khỏi phương Tây, Trung Quốc sẽ phải cẩn trọng về các mối lo ngại mới và đang lớn dần.
Ví dụ, Graham Allison và đồng tác giả Arianna Huffington của Đại học Harvard đã lo ngại rằng Trung Quốc và Mỹ có thể rơi vào “Bẫy Thucydides,” được đặt theo tên nhà sử học Hy Lạp, người nhận thấy, “Chính sự nổi lên của Athens, và nỗi lo sợ mà điều này đã gây ra cho Sparta, đã khiến cho chiến tranh trở nên tất yếu.” Theo như Allison và Huffington, nguyên nhân dẫn tới Chiến tranh Peloponnesse vẫn còn đúng cho tới ngày hôm nay. “Trong suốt 500 năm qua,” họ viết, “trong 16 trường hợp khi một cường quốc mới nổi đe dọa cường quốc thống trị, 12 trường hợp đã dấn tới chiến tranh.”
Do khu vực Châu Á – Thái Bình Dương giờ đây là trái tim của nền kinh tế thế giới, thật dễ hiểu khi Trung Quốc và Mỹ sẽ tranh giành ảnh hưởng chiến lược nơi đây. Tuy vậy liệu trò chơi quyền lực chính trị này có thể leo thang thành chiến tranh? Một mặt, Trung Quốc đã xây dựng và gia cố các hòn đảo trên Biển Đông; gia tăng sự hiện diện hàng hải của mình ở Ấn Độ Dương, biển Ả-rập, và vịnh Aden; và thành lập một căn cứ hải quân ở Djibouti. Và giờ Trung Quốc đã vượt qua tất cả các thành viên thường trực còn lại của Hội Đồng Bảo An Liên Hợp Quốc về số lượng binh sĩ tham gia các chiến dịch gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc ở Châu Phi.
Mặt khác, do khoảng cách đáng kể giữa khát vọng triển khai sức mạnh để bảo vệ các lợi ích kinh tế ở xa và khả năng làm điều đó của Trung Quốc, các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể sẽ không muốn đi quá xa trong việc thách thức Mỹ. Họ, theo lời Keyu Jin của Trường Kinh Tế London, “hiểu rõ về việc Bẫy Thucydides đã bẫy cả kẻ thống trị lẫn kẻ thách thức như thế nào, kể cả sau khi kẻ thách thức dường như đã chiến thắng.”
Họ cũng biết rằng Trung Quốc là một bên hưởng lợi lớn từ trật tự dựa trên luật lệ hiện tại, đó là lý do tại sao ông Tập đã dùng sự xuất hiện của mình ở Diễn Đàn Kinh Tế Thế Giới hàng năm để ủng hộ hệ thống thương mại toàn cầu chống lại các đề xuất bảo hộ xuất phát từ Mỹ. Và ở Đại hội ĐCS Trung Quốc, ông Tập khẳng định rằng, “Không quốc gia nào có thể trở về hòn đảo của mình, chúng ta sống trong một thế giới chung và đối mặt với một định mệnh chung.” Những tuyên bố như vậy có vẻ sẽ loại trừ sự trỗi dậy của Trung Quốc như một siêu cường theo chủ nghĩa xét lại.
Nhưng cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ James Steinberg và Michael O’Hanlon của Viện Brookings không tin vào điều đó. Mỹ nên thể hiện quyết tâm rõ ràng trong việc duy trì nguyên trạng hệ thống quốc tế đến mức khiến Trung Quốc phải ngần ngại trong việc phá hoại nó. Steinberg và O’Hanlon kêu gọi “Mỹ và các đối tác ”phát triển “một dải rộng hơn các phản ứng cho phép họ có thể biểu lộ việc sẵn lòng trừng phạt mạnh tay trong khi không tạo ra sự leo thang phản tác dụng.” Và họ cũng đề xuất một “biến thể của chiến lược lâu dài ‘can dự nhưng phòng bị nước đôi’, trong đó Mỹ cho Trung Quốc ‘các động lực để phát triển, trong khi duy trì lực lượng quân sự mạnh để phòng trường hợp sự can dự với Trung Quốc thất bại.”
Hướng về Chủ nghĩa Đại Hán?
Dù vậy, trong khi Mỹ vẫn là thế lực áp đảo ở Châu Á trong tương lai gần, nó không thể duy trì sự áp đảo hoàn toàn về quân sự, kinh tế và chuẩn mực ở đây mãi mãi. Và chính quyền Trump cũng đã đặt câu hỏi về chính trật tự quốc tế hậu chiến được Mỹ dẫn dắt. Tuy vậy, thậm chí trước khi ông Trump thông báo về việc ra ứng cử của mình, Yoon Young-Kwan, cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc, đã chỉ ra rằng các nhà lãnh đạo của Trung Quốc luôn tin rằng “cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 và cái giá đắt từ hai cuộc chiến tranh ở nước ngoài đã khiến Mỹ không có khả năng lãnh đạo quốc tế.”
Sự suy yếu tiềm tàng của trật tự quốc tế mà Mỹ dẫn dắt, cùng với cố gắng của ông Tập để nắm một vị trí lớn hơn trên trường quốc tế, ngay lập tức gây nên nhiều vấn đề đáng lo ngại. Đầu tiên, không giống các cường quốc thế kỷ 19 và 20, Trung Quốc không có các truyền thống về mặt lịch sử, triết học hay văn học để làm nền tảng cho những hành vi của mình trong một hệ thống của các cường quốc. Di sản của nó là di sản của “Vương Quốc Trung Tâm” được các nước chư hầu triều cống. Ngay cả khi đang ở đỉnh cao, Liên Xô chỉ là một siêu cường quân sự, trong khi Trung Quốc đã nhanh chóng nổi lên như một siêu cường đa chiều với một nền kinh tế có sức cạnh tranh toàn cầu.
Tất nhiên, một sự khác biệt quan trọng giữa Trung Quốc và Liên Xô chính là việc Trung Quốc không có vẻ muốn xuất khẩu mô hình toàn trị của mình, bất chấp luận điệu của ông Tập. Thay vào đó, quan tâm chính của Trung Quốc là thúc đẩy sự ổn định chính trị và phát triển kinh tế trong nước, bằng cách bảo đảm tiếp cận tài nguyên và thị trường quốc tế. Biểu hiện rõ ràng nhất về cách tiếp cận này chính là Sáng kiến Vành Đai và Con Đường (BRI), mà, Shang-Jin Wei thuộc Đại học Columbia giải thích, “nhằm vào việc phát triển cơ sở hạ tầng và các liên kết chính sách kết nối tới hơn 60 quốc gia khắp Châu Á, Châu Âu, và Châu Phi.”
Theo cách nhìn của ông Wei, BRI chính là điều thế giới đang cần khi mà Mỹ và các “nước có nhiều ảnh hưởng khác đang quay đầu hướng nội, nói về việc dựng lên các hàng rào thương mại và xây tường biên giới.” Tương tự, cựu Ngoại trưởng Australia Gareth Evans thừa nhận rằng Australia và các đồng minh và đối tác của Mỹ ở Châu Á “không còn có thể – giả sử rằng chúng ta đã từng – coi sự lãnh đạo mạch lạc và khôn ngoan của Mỹ là điều hiển nhiên. Và ông khuyến khích tất cả các chính phủ “nhận ra tính chính đáng trong khát khao trở thành siêu cường của Trung Quốc, và hãy đối mặt nhưng không đối đầu với nó.”
Vấn đề trên các vùng biển
Nhưng ông Evan cũng cảnh báo rằng Trung Quốc cần phải bị kháng cự khi nó đi quá giới hạn, ít nhất là ở Biển Đông, nơi nó đã tiếp tục thách thức phán quyết bác bỏ yêu sách chủ quyền Trung Quốc được đưa ra bởi Toà Trọng tài Thường trực (PCA) tại The Hague. Ngay trong mùa hè này, như Brahma Chellaney của Trung Tâm Nghiên Cứu Chính Sách tại New Delhi quan sát, Trung Quốc “đã đe dọa phát động các hành động quân sự chống lại các tiền đồn của Việt Nam tại quần đảo Trường Sa đang tranh chấp,” để ngăn chặn chính quyền Việt Nam “khoan lấy dầu trong khu vực ngoài rìa Vùng đặc quyền kinh tế của Trung Quốc ở Biển Đông.”
Những khiêu khích hàng hải có vẻ ngẫu nhiên của Trung Quốc không phải lúc nào cũng đe dọa các chính phủ khác đến mức họ phải lùi bước. Nhưng chúng kiểm tra quyết tâm cùng với khả năng hỗ trợ các đồng minh và đối tác chiến lược của Mỹ. Bằng cách cố ý giữ hành động dưới ngưỡng xung đột quân sự, Trung Quốc đang tìm cách dần dần tạo nên sự mệt mỏi chiến lược giữa Mỹ và các đối tác. Chiến lược này dường như đang có tác dụng. Chỉ riêng năm 2017, Philippines đã đồng ý với các thương vụ và đầu tư lớn của Trung Quốc, Malaysia mua tàu chiến Trung Quốc, và Việt Nam đã từng bước tăng cường quan hệ ngoại giao và quân sự với Trung Quốc.
Nhưng nói vậy không phải là không có những đáp trả. Theo Lê Hồng Hiệp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak tại Singapore, các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông đã thúc đẩy Việt Nam và Nhật Bản tăng cường “quan hệ đối tác chiến lược” mà họ đã lập nên năm 2009. Ông Hiệp nhắc lại việc Nhật Bản đã cam kết sẽ cung cấp cho Việt Nam “các tàu tuần tra để hỗ trợ các hoạt động phòng thủ ở Biển Đông”, bên cạnh việc bán cho Việt Nam “hai vệ tinh viễn thám dựa trên công nghệ radar tiên tiến” và có thể là cả “các máy bay P-3C cũ có khả năng chống tàu ngầm và thu thập tình báo hàng hải.”
Và Việt Nam không đơn độc. Theo Thitinan Pongsudhirak của Đại học Chulalongkorn tại Bangkok, “sự trỗi dậy nhanh chóng trở thành mối đe dọa lớn nhất cho sự ổn định khu vực” của Trung Quốc đang tạo nên một cuộc chạy đua vũ trang tại Châu Á. Tính đến năm ngoái, khu vực này chiếm tới “gần một nửa chi phí quân sự toàn cầu, nhiều gấp đôi tổng chi phí của các nước Trung Đông và gấp 4 lần chi phí của Châu Âu.”
Các tuyên bố trước đây của Trump rằng các đồng minh của Mỹ nên tự bảo vệ mình rõ ràng không có tác dụng. Nhưng vấn đề thực sự, ông Pongsudhirak nói, là sự thiếu “một khuôn khổ khu vực nhằm ngăn chặn, giảm thiểu, và giải quyết các tranh chấp chủ quyền.” Một khuôn khổ nhưng vậy sẽ không bao giờ thành công nếu không có sự tham gia của Trung Quốc; để đảm bảo điều đó, ông Pongsuhirak gợi ý “các thành viên có quan tâm nên nhường nhịn một chút và cho Trung Quốc không gian để nhìn nhận những hiểm họa từ sự hung hăng của nó.”
Nhưng kể cả khi Trung Quốc nhìn ra lỗi lầm của mình, ông Evan nhận thấy, nó “có vẻ sẽ không từ bỏ sự chiếm đóng của bất cứ hòn đảo, bãi san hô, hay bãi đã nơi nó đã có mặt.” Ông đề xuất một thỏa hiệp để Trung Quốc có thể giữ thể diện. Trong số các hành động thành ý khác, các lãnh đạo Trung Quốc nên được khuyến khích dừng các hoạt động xây đảo nhân tạo của mình, và đồng ý với một bộ quy tắc ứng xử được thỏa thuận với các thành viên khác của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Ngược lại, nếu các nhân vật cứng rắn ở Bắc Kinh áp đảo và Trung Quốc tiếp tục hành vi hung hăng của mình, Australia và các nước khác có thể quyết định thực hiện chiến dịch tự do hàng hải (FONOPs) trong phạm vi mười hai hải lý xung quanh các khu vực tranh chấp nằm dưới sự kiểm soát của Trung Quốc. Như giáo sư Đại học Harvard Joseph S. Nye đề cập, Mỹ đã tạo sẵn một tiền lệ năm 2013, khi nó cho hai máy bay ném bom B-52 đơn phương và không báo trước bay vào Vùng Nhận dạng phòng không mà Trung Quốc đã đơn phương xác lập không báo trước bao trùm quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp ở Biển Hoa Đông.
Không may, với nhiều FONOPs và các chiến dịch tương tự hơn, khả năng xảy ra các biến cố quân sự sẽ gia tăng. Tất cả các bên đều quan tâm đến cảnh báo của cựu thủ tướng Philippines Fidel V. Ramos khi ông còn là đặc phái viên ở Trung Quốc sau phán quyết năm 2016 của PCA: căng thẳng ở Châu Á không chỉ là về “các bãi đá và rặng san hô”; chúng là vấn đề của “chiến tranh và hòa bình.”
Góc nhìn từ Bắc Kinh
Người phương Tây có thể muốn cho rằng sự hội nhập kinh tế khu vực và toàn cầu ngày càng sâu đậm của Trung Quốc sẽ ngăn chặn xung đột. Nhưng Trung Quốc thật sự muốn phục hồi địa vị là một bá chủ khu vực của mình, đặc biệt là qua việc tái cân bằng cán cân quân sự ở Châu Á. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể còn sẵn lòng đánh cược rằng các nhà lãnh đạo Mỹ sẽ lùi lại thay vì chấp nhận rủi ro từ một cuộc đối đầu tốn kém. Những con sông chất đầy thi thể là nỗi sợ dẫn tới những giả định như vậy.
Nhưng cũng rất cần nhìn nhận tình hình từ góc nhìn Trung Quốc. Như Steinberg và O’Hanlon đã nhắc nhở, Trung Quốc có một “lịch sử dễ bị tổn thương bởi sự can thiệp bên ngoài.” Và hôm nay, như Minghao Zhao của Viện Charhar ở Bắc Kinh quan sát, “bờ biển của Trung Quốc, ở một mức độ nào đó, bị bao vây bởi Nhật Bản và Phillippines, đều là đồng minh của Mỹ, và Đài Loan, nơi Mỹ vẫn duy trì các quan hệ an ninh.” Hơn thế, Zhao giải thích, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không nhắm mắt làm ngơ trước chiến lược kiềm chế của Mỹ trong khu vực. Qua thời gian, hệ thống “trục và nan hoa” của Mỹ đã biến thành “hệ thống mạng lưới an ninh rộng khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”
Do sự biến đổi này, ông Zhao cho rằng, Nhật Bản đã có “quyền tự chủ lớn hơn trong vấn đề an ninh”, Hàn Quốc đã trở thành nơi đặt một hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ, và Ấn Độ cùng với Việt Nam đã xích lại gần hơn với Hoa Kỳ. Và các nhà lãnh đạo Trung Quốc chắc chắn không thể không nhìn thấy những nỗ lực vô ích của Mỹ trong việc ngăn chặn các đồng minh tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng Châu Á (AIIB) do Trung Quốc dẫn đầu. Trong những trường hợp này, Zhao giải thích, “Trung Quốc cảm thấy rằng nó không còn cách nào khác ngoài việc chuẩn bị cho các kịch bản xấu nhất – một cách tiếp cận được phản ánh trong cái được gọi là khái niệm ‘giới hạn cuối cùng’ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.”
Trong bối cảnh này, sự quyết đoán gia tăng của Trung Quốc ở phương Đông và Biển Đông, và sự gia tăng hiện diện tại các vùng biển xung quanh Indonesia và Úc, có thể được xem như là một cố gắng nhằm đẩy lùi sự kiềm chế của phương Tây trong khu vực của mình. Lãnh đạo Trung Quốc, theo Bill Emmott, cựu tổng biên tập của The Economist, “tin rằng Trung Quốc nên có khả năng triển khai sức mạnh quân sự và bảo vệ những gì nó cho là không gian chiến lược của mình – giống như Hoa Kỳ.” Điều này đặt ra một tình thế tiến thoái lưỡng nan cho Hoa Kỳ. Một Trung Quốc đang nổi lên không thể được trông đợi là sẽ chịu đựng mãi sự hiện diện quân sự phiền toái của Mỹ trong khu vực. Nhưng một chính sách thỏa hiệp của Hoa Kỳ có thể làm các đồng minh của họ trong khu vực lo lắng, và báo hiệu sự đánh mất quyết tâm và độ tin cậy của một quốc gia giúp đảm bảo an ninh khu vực.
Trò chơi lớn của Châu Á
Không nơi nào mà nỗi lo sợ về sự tự mãn của Mỹ rõ ràng hơn là ở Nhật Bản và Hàn Quốc, hai nước nơi “cuộc chạy đua vũ trang hiện nay ở châu Á có thể vượt ra ngoài phạm vi vũ khí thông thường”, theo bà Yuriko Koike, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nhật và giờ là Thống đốc của Tokyo. Ngay cả trước khi Trump lên nắm quyền với thứ “chủ nghĩa sô vanh lộn xộn” của mình, bà Koike giải thích, những sự khiêu khích của Trung Quốc đã trao cho Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đủ không gian chính trị để thúc đẩy sửa đổi điều khoản hoà bình của hiến pháp sau Thế chiến II của Nhật Bản. Trong khi đó, Trung Quốc cũng đã tăng cường khiêu khích Ấn Độ. Ông Chellaney nói rằng “năm nay, Trung Quốc đã không cung cấp dữ liệu [thủy văn và khí tượng] cho Ấn Độ, làm suy giảm hiệu quả của các hệ thống cảnh báo sớm lũ lụt của Ấn Độ -trong mùa mưa mùa hè ở châu Á.” Và mùa hè này, Ấn Độ và Trung Quốc đã bị cuốn vào một cuộc đối đầu căng thẳng, do “sự xâm nhập bí mật” của Trung Quốc vào biên giới vùng Hymalaya của Ấn Độ. Cũng giống “việc lực lượng hải quân Trung Quốc theo sau ngư dân để tạo ra không gian cho việc bồi đắp các bãi đá hoặc rạn san hô” ở Biển Đông, ông Chellaney nói, lực lượng trên bộ của nước này cũng tiến bước theo sau những “người chăn nuôi, nông dân, và gia súc.”
Ngày 28 tháng 8, Trung Quốc và Ấn Độ đã thông báo về một giải pháp ngoại giao cho cuộc đối đầu tại Hymalaya. Nhưng không ai biết được hòa bình sẽ kéo dài bao lâu. Trong thập niên qua, Trung Quốc đã ít hào phóng hơn nhiều trong việc thỏa hiệp với một Ấn Độ đang lên so với việc Hoa Kỳ đã ủng hộ Trung Quốc. Shashi Tharoor, Chủ tịch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Đối Ngoại, nhận thấy một điều đáng lo ngại trong hành vi của Trung Quốc, theo đó các nhà lãnh đạo của họ đã đáp lại những “nỗ lực thiện chí của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi bằng một loạt những xúc phạm.”
Ví dụ, vào năm 2014, ngay sau khi ông Modi chào đón ông Tập “đến quê hương của mình, Ahmedabad, vào ngày sinh nhật của chính mình,” ôngTharoor kể lại, “lính Trung Quốc nhanh chóng vượt qua biên giới tranh chấp với Ấn Độ ở khu vực Ladakh của Jammu và Kashmir, đi xa tới mức dựng trại trên vùng đất mà Ấn Độ coi là lãnh thổ có chủ quyền của mình.” Trung Quốc cũng đã bác bỏ đề xuất của Ấn Độ xin gia nhập Nhóm các Nhà cung cấp Hạt nhân, và “xây dựng một Hành lang Kinh tế Trung Quốc – Pakistan” xuyên qua các vùng ở Kashmir do Pakistan kiểm soát”, những vùng mà “Trung Quốc tự thừa nhận” là lãnh thổ có tranh chấp. Và trong tháng Tư năm nay, Trung Quốc đã tung ra một loạt các đe dọa và cáo buộc nhắm vào Ấn Độ sau khi Đức Dalai Lama đã đến thăm một tu viện Phật giáo lịch sử ở bang Arunachal Pradesh thuộc Ấn Độ.
Lãnh đạo hay không lãnh đạo?
Với nhiều nhà quan sát, sự leo thang giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên về chương trình hạt nhân của nước này sẽ là dịp để Trung Quốc thể hiện vai trò lãnh đạo có trách nhiệm của mình hơn so với những gì đã thể hiện ở các nơi khác. Như ông Hiệp đã giải thích, khi ông Tập và ông Trump tổ chức cuộc gặp mặt đầu tiên vào tháng 4, ông Trump dường như nghĩ rằng bằng cách đe dọa trừng phạt thương mại chống lại Trung Quốc, ông có thể buộc Trung Quốc giúp “kiềm chế tham vọng hạt nhân của Bắc Triều Tiên.” Nhưng theo quan điểm của ông Hiệp, chính quyền Trump đã “đánh giá quá cao ảnh hưởng của Trung Quốc lên Bắc Triều Tiên.” Rốt cuộc, chế độ của Kim Jong-un vẫn tiếp tục thử nghiệm hạt nhân và tên lửa “bất chấp các lệnh trừng phạt của Trung Quốc, vốn đã ngưng nhập khẩu than từ Triều Tiên – nguồn thu nhập chính của nước này.”
Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo Trung Quốc không để cho sự bực bội cá nhân đối với Kim làm họ phân tâm khỏi mục tiêu địa chiến lược lớn hơn. Ông Lee Jong-Wha từ Đại học Hàn Quốc chỉ ra, để Trung Quốc làm nhiều hơn, “nước này cần được đảm bảo rằng nó sẽ không ngay lập tức mất đi vùng đệm chiến lược trên bán đảo Triều Tiên.” Nếu không có sự đảm bảo như vậy, Trung Quốc sẽ tiếp tục không hợp tác, kể cả khi làm như vậy gây thiệt hại cho “mối quan hệ của nó với Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc – đều là các đối tác có giá trị hơn một Triều Tiên ngang bướng, nghèo đói.”
Một cách giải quyết, theo cựu Thủ tướng Thụy Điển Carl Bildt, là khiến tất cả các bên liên quan dùng một cách tiếp cận ngoại giao rộng hơn bắt đầu bằng “giải quyết vấn đề cơ bản, trung tâm của mâu thuẫn: đó là không có một hiệp định hòa bình nào được ký kết để chấm dứt chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.” Một cuộc đối thoại như vậy, theo ông Bildt, “có thể mở đường cho các cuộc thảo luận rộng rãi hơn về vấn đề leo thang hạt nhân và các mối đe dọa khác đối với sự ổn định khu vực.” Với việc Trung Quốc vẫn cam kết theo đuổi đàm phán hòa bình, hành động này có thể mang lại lợi ích tối đa với chi phí tối thiểu.
Nhưng ông Emmott chỉ ra rằng có một giải pháp thay thế cho các cuộc đàm phán hay một cuộc tấn công quân sự do Mỹ dẫn đầu: Trung Quốc có thể can thiệp quân sự, hoặc để cung cấp an ninh cho chế độ của ông Kim hay để thực hiện một sự thay đổi chế độ có trật tự hơn. Kịch bản này có vẻ thật xa vời. Nhưng Emmott cho rằng nó không chỉ hợp lý mà còn là “cơ hội tốt nhất để Trung Quốc đạt được sự cân bằng chiến lược lớn hơn với Hoa Kỳ trong khu vực, trong khi loại bỏ một nguồn cơn bất ổn đe dọa cả hai.”
Nguy hiểm của sự thiếu năng lực
Khi Trung Quốc đang cố gắng tìm hiểu các nhu cầu lãnh đạo của khu vực và toàn cầu, nó sẽ không chỉ cần dè chừng Bẫy Thucydides, mà còn cả cái mà ông Nye gọi là “Bẫy Kindleberger”: “một Trung Quốc có vẻ như quá yếu chứ không phải là quá mạnh.” Ý tưởng này, ông Nye giải thích, xuất phát từ Charles Kindleberger, một nhà sử học Mỹ, “người lập luận rằng thập niên thảm khốc của những năm 1930 là do Mỹ thế chỗ Anh làm cường quốc lớn nhất thế giới nhưng thất bại trong việc thay thế Anh cung cấp các hàng hóa công toàn cầu.”
Pax Britannica (nền Hòa bình kiểu Anh) được xây dựng dựa trên một hệ thống pháp lý thực dân và sự kiểm soát lãnh thổ, cho phép nước Anh khai thác, xử lý, vận chuyển và sử dụng hoặc bán quyền sở hữu nguồn lực tài nguyên tự nhiên rộng lớn trên toàn cầu. Ngược lại, Pax Americana (nền Hòa bình kiểu Mỹ) được xây dựng trên một hệ thống các chế độ cho phép tiếp cận thị trường, cho phép Hoa Kỳ kiểm soát tài nguyên, tạo điều kiện cho dòng chảy vốn, hàng hoá và công nghệ toàn cầu. Nhờ xây dựng các thị trường toàn cầu thay vì một đế chế toàn cầu, Hoa Kỳ tránh được trách nhiệm pháp lý phải đảm bảo an ninh và phúc lợi cho những quốc gia phụ thuộc thực dân mới. Và nó thuyết phục những người khác rằng “hàng hóa công toàn cầu” chỉ là một hệ quả tự nhiên từ sự bá quyền của Mỹ.
Sau năm 1945, Mỹ viết nên các quy tắc của trật tự quốc tế, và giám sát chúng trong 70 năm. Câu hỏi bây giờ là liệu Trung Quốc có sẵn sàng chấp nhận gánh nặng đó. Trung Quốc đang mở rộng quyền lực và ảnh hưởng của nó thông qua BRI và các sáng kiến khác, và những nỗ lực này đã cho phép nó củng cố các quan hệ ngoại giao, thúc đẩy thương mại, và tạo ra các hành lang năng lượng.
Tuy vậy, cho đến nay Trung Quốc đã không thực hiện được việc biến các hàng hóa công cho khu vực và toàn cầu trở nên đồng bộ hóa với lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Và như Minxin Pei của Claremont McKenna College chỉ ra, chính bản thân Đảng Cộng Sản Trung Quốc “đã trở nên hầu như không liên quan tới cuộc sống hàng ngày của những người Trung Quốc bình thường nữa.” Ông Pei cho rằng điều đó có thể hạn chế sức mạnh của ông Tập. Nhưng nếu các nhà lãnh đạo Trung Quốc muốn thành công trong việc định hướng nước mình để lãnh đạo toàn cầu, trọng tâm của họ nên là duy trì tăng trưởng kinh tế và ổn định xã hội trong nước, trong khi xây dựng những liên minh và ảnh hưởng giúp gìn giữ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ hiện tại. Nếu không, sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ làm gián đoạn trật tự đó, bao hàm những biến động trong khu vực và toàn cầu gần như không thể tránh khỏi trong nhiều năm tới.
Ramesh Thakur, cựu trợ lý Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, là Giám Đốc Trung Tâm Không Phổ Biến Vũ Khí Hạt Nhân và Giải Trừ Vũ Khí thuộc Đại Học Quốc Gia Australia.
Copyright: Project Syndicate 2017 – China’s New World Order?