Nguồn: Cripps and Gandhi meet, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1942, chính khách người Anh, Sir Stanford Cripps, đã đến Ấn Độ để đàm phán với Mohandas Gandhi về nền độc lập của Ấn Độ, trong một sự kiện mà sau này được gọi là Sứ mệnh Crispps (Crispps Mission).
Cripps là một sinh viên có năng khiếu với hiểu biết trong nhiều lĩnh vực đa dạng như hóa học và luật pháp. Vì sức khỏe yếu, ông bị coi là không phù hợp để phục vụ quân đội trong Thế chiến I, và thay vào đó, đã đến làm việc trong một nhà máy của chính phủ. Sau chiến tranh, Cripps trở thành Cố vấn Nhà vua (1927). Không lâu sau đó, ông được phong tước, và năm 1931 thì được bầu vào Nghị viện với tư cách thành viên Công Đảng của Bristol East. Thiên hướng chính trị của Cripps luôn là cực tả, và vào năm 1938, khi ông ủng hộ một mặt trận thống nhất với phe Cộng sản nhằm chống lại chủ nghĩa phát xít đang phát triển ở Châu Âu, ông đã bị khai trừ khỏi đảng của mình.
Khi Thế chiến II bùng nổ, Cripps trở thành Đại sứ Anh tại Liên Xô. Năm 1942, ông gia nhập Nội các Chiến tranh (War Cabinet) và mạo hiểm tới Ấn Độ để thảo luận hai vấn đề cấp bách: mối đe dọa của Nhật Bản đối với Ấn Độ, và sự độc lập của Ấn Độ từ Anh. Các cuộc họp đầu tiên trong Sứ mệnh Crispps diễn ra vào ngày 22/03/1942. Mục đầu tiên trong chương trình nghị sự là việc bảo vệ Ấn Độ trước sự bành trướng của Đế quốc Nhật. Cripps muốn nhận được sự ủng hộ từ Đảng Quốc Đại, mà lãnh đạo của đảng này chính là Mohandas K. Gandhi.
Được biết đến với danh hiệu Mahatma, “Tâm hồn Vĩ đại,” Gandhi là trung tâm trong hành trình tìm kiếm độc lập của Ấn Độ khỏi chế độ thực dân Anh. Biểu tình bất bạo động được ông sử dụng tại Nam Phi, nơi ông hành nghề luật, và ở Ấn Độ đã biến ông trở thành hình mẫu và biểu tượng cho các phong trào phản kháng xã hội sau này. Gandhi cho rằng đàm phán với chính phủ Anh thông qua Sứ mệnh Crispps là chưa đủ. Bởi nó không đảm bảo độc lập cho Ấn Độ – chứ chưa nói đến quyền tự trị ngay lập tức mà Đảng Quốc Đại yêu cầu – đồng thời cũng đe dọa tiếp tục chính sách “chia để trị” bằng cách để người Ấn Độ theo Ấn giáo đối đầu với người Ấn Độ theo Hồi giáo. Do đó, dù Gandhi phản đối chủ nghĩa phát xít, ông vẫn không thể hứa Ấn Độ sẽ hoàn toàn ủng hộ Anh trong chiến tranh.
Sứ mệnh Crispps thất bại; Cripps trở về Anh và cuối cùng được chuyển sang Bộ Sản xuất Máy bay. Gandhi thì bị bắt vì là một “mối đe dọa” đối với an ninh của Ấn Độ. Ông bị quản thúc trong vòng hai năm trước khi vấn đề sức khỏe buộc người ta phải thả ông ra.