Nguồn: Benjamin A. Engel, “The Trump-Kim Summit Is No ‘Nixon to China’ Moment”, The Diplomat, 15/03/2018.
Biên dịch: Nhật Linh
Sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhận lời mời của lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un để hai bên gặp gỡ và thảo luận về phi hạt nhân hóa và các biện pháp giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, một số người đã so sánh đây là cơ hội để chính quyền Trump lặp lại thành công như chuyến thăm của Richard Nixon tới Bắc Kinh năm 1972, mở đường cho giai đoạn xoa dịu căng thẳng thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Nhưng chính quyền Trump thiếu công tác chuẩn bị và sự can dự cá nhân, điều đã khiến chuyến thăm Trung Quốc của Nixon thành công. Những so sánh về cá nhân giữa hai vị tổng thống vừa tích cực lại vừa tiêu cực, với một bình luận nổi bật nhất là của Jeffrey Lewis rằng “chuyến thăm này giống như việc Richard Nixon đến Trung Quốc, nhưng đó là một Nixon có lớn mà không có khôn”
Không nghi ngờ gì khi nói Nixon và Trump có nhiều điểm chung, từ các chiến lược “điên rồ” cho đến các vụ bê bối đa sắc màu, song tình hình lúc đó và hiện nay lại không có nhiều điểm chung ngoài vị trí địa lý của hai nước mà Mỹ đến thăm, cùng sự tương đồng về chế độ của Mao Trạch Đông và Kim Jong-un. Sự so sánh giữa chuyến thăm 1972 của Nixon với cuộc gặp gỡ triển vọng của Trump với Kim đã giải thích lý do vì sao chuyến đi của ông Trump nhiều khả năng sẽ gây thất vọng.
Sự khác biệt quan trọng đầu tiên giữa chuyến đi của Nixon và cuộc gặp sắp tới của Trump là sự chuẩn bị và tiến độ mà hai hội nghị thượng đỉnh lịch sử này được xúc tiến. Như Jeffrey A.Bader đã chỉ ra, Nixon đến Trung Quốc là thành quả tích lũy sau nhiều năm nỗ lực ngoại giao. Không chỉ có chuyến thăm năm 1972 của Nixon được chuẩn bị kỹ lưỡng thông qua hàng loạt kênh liên lạc giữa Mỹ và Trung Quốc, bao gồm một chuyến thăm bí mật của Henry Kissinger đến Trung Quốc trước đó một năm, mà bản thân ông Nixon cũng đã bắt đầu gửi đi những tín hiệu về sự sẵn lòng đàm phán với nước Cộng sản Trung Quốc trước cả khi trở thành tổng thổng trong một bài viết của ông đăng trên tờ Foreign Affairs vào năm 1967.
Mặc dù Trump bày tỏ tín hiệu sẵn sàng gặp gỡ Kim Jong-un trong quá trình tranh cử, nhưng sau đó lại là hàng loạt tín hiệu trái ngược trong suốt thời gian ông làm tổng thống, trong đó có việc ông gọi lãnh đạo Triều Tiên là “Thằng nhóc Tên lửa” và thề sẽ dùng “bão lửa và thịnh nộ” nếu Triều Tiên tiếp tục khiêu khích. Và mặc dù cũng giống như bối cảnh ở Trung Quốc và Mỹ những năm 1970, hậu trường đằng sau cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên là sự bất bình thầm lặng trong dân chúng, thì những tin tức trái ngược cũng đã nổi lên chỉ xung quanh việc người ta đã chuẩn bị được đến đâu khi đưa ra quyết định tổ chức thượng đỉnh Trump-Kim. Không cần biết nguồn tin nào là thật, song không nghi ngờ gì khi nói cuộc gặp này đã được chuẩn bị khá sơ sài, gây ra nhiều nghi vấn trước thềm cuộc gặp. Ngược lại, Nixon biết rất chính xác cuộc gặp của ông với Mao Trạch Đông có thể tiến triển ra sao.
Thứ hai, những mục đích mà chính quyền Trump và Nixon theo đuổi là hoàn toàn khác biệt. Đầu những năm 1970, chính quyền Nixon và Trung Quốc tìm cách đối trọng với Liên Xô. Ngay khi xác nhận được rằng Trung Quốc và Liên Xô không phải một phần trong khối xã hội chủ nghĩa thống nhất, Nixon đã tìm cách sưởi ấm quan hệ với Trung Quốc. Về phần mình, Trung Quốc, vừa trải qua một cuộc xung đột biên giới với Liên Xô vào năm 1969, cũng đã mở lòng với sự chào đón của Mỹ. Kết quả là Thông cáo Thượng Hải được phát ra như một thành tựu từ chuyến thăm Trung Quốc của Nixon hoàn toàn dễ hiểu và đặt nền móng cho những nỗ lực xây dựng lòng tin tiếp theo. Không có bất cứ sự mặc cả hay thương lượng gì về các chương trình hay tiến trình chuyên môn đặt ra trong trường hợp của Nixon.
Ngược lại, Trump được kỳ vọng sẽ tạo ra một thỏa thuận với Kim trong chuyến thăm này, và thỏa thuận đó sẽ phải lấp đầy những khác biệt khổng lồ trong lợi ích của Triều Tiên lẫn Mỹ. Mục tiêu hàng đầu và trên hết của Kim sẽ là sự bảo tồn của chế độ, chính mục tiêu này đã khiến Triều Tiên từ nhiều năm trước đây đã bắt đầu phát triển vũ khí hạt nhân và một số chuyên gia cảnh báo rằng Triều Tiên sẽ không dễ dàng nhượng bộ điều này. Trong khi đó, ưu tiên hàng đầu với Mỹ là một sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, được xác thực và không thể thay đổi của Triều Tiên. Nếu có bất kỳ thỏa thuận nào được lập ra tại thượng đỉnh Trump-Kim, hẳn phải có một bên chịu nhượng bộ. Và hình mẫu của Thông cáo Thượng Hải không phải thứ thích hợp để liệt kê một danh sách dài những đồng thuận và tuyên bố vốn đã được lập ra và bị phá vỡ. Đây chính là điểm đã khiến một số người không mấy lạc quan về cơ hội thành công của Trump. Chuyến thăm Trung Quốc của Nixon là một chiến thắng được tích lũy từ những cuộc đàm phán vốn đã thành công, còn thượng đỉnh Trump-Kim chỉ là một ván cược mà điều quan trọng nhất là khả năng thương lượng của ông Trump.
Cuối cùng, điểm khác biệt đáng kể giữa hai sự kiện này (nếu thượng đỉnh Trump-Kim thực sự được tổ chức tại Bình Nhưỡng) là chuyến thăm của Nixon là kết quả của nỗ lực ngoại giao mãnh liệt của Mỹ còn thượng đỉnh Trump-Kim thực chất được coi là một thành quả của Hàn Quốc. Trước khi Nixon tới Trung Quốc, Mỹ và Trung Quốc đã không có bất cứ liên hệ chính thức nào trong suốt hơn 20 năm, song Nixon đã bí mật cử Kissinger đến gặp Chu Ân Lai vào năm 1971 để tiền trạm cho chuyến thăm của ông; và Mỹ đã không hề dựa vào bất cứ bên thứ ba nào để làm trung gian cho các cuộc đối thoại đó. Tình hình hiện nay thì khá khác biệt. Có thể nói là phải cảm ơn Hàn Quốc vì đã tạo ra sự thay đổi đáng kinh ngạc về trạng thái ở Bán đảo Triều Tiên. Mặc dù Cố vấn An ninh Quốc gia Hàn Quốc Chung Eui-young đã nhanh chóng cảm ơn chính sách gây “áp lực cực đại” của Trump để đưa Triều Tiên vào bàn đàm phán, song thực tế là thượng đỉnh Trump-Kim (chứ chưa nói đến thượng đỉnh liên Triều tới đây) lại là chiến thắng lớn giành cho chính quyền Moon Jae-in, chứ không phải Trump.
Nói tóm lại, Nixon đã tự mình dàn xếp chuyến thăm Trung Quốc trong một nỗ lực nhằm tái cấu trúc trật tự thế giới để có thể theo đuổi các lợi ích của Mỹ một cách tốt hơn. Điều này tạo cho ông một sự đánh cược mạnh hơn vào kết quả của chuyến thăm như một sự phản ánh trực tiếp bản thân ông và chính quyền ông. Trong khi đó, Trump giống với một kẻ hưởng công chứ không phải người thực sự hành động, ông hưởng lợi từ những kết quả từ nỗ lực ngoại giao của Hàn Quốc. Vậy liệu thượng đỉnh tới đây có thể trở thành một sự kiện “Nixon đến Trung Quốc” của Trump hay không? Có thể là có, song khó có khả năng điều này được công nhận ngay sau khi cuộc gặp kết thúc. Công tác chuẩn bị vẫn chưa được hoàn thiện đầy đủ, Triều Tiên và Mỹ vẫn còn khác biệt quá nhiều trong những mục tiêu mà họ kỳ vọng, và dù có thỏa thuận nào được lập ra, thì việc xác minh sự phi hạt nhân hóa Triều Tiên và một bản thảo về hiệp ước hòa bình để chính thức kết thúc Chiến tranh Triều Tiên cũng sẽ phải mất vài năm mới có thể hoàn thiện.
Chuyến thăm Trung Quốc của Nixon đã thành công nhờ sự chuẩn bĩ kỹ càng từ trước, quy mô hạn chế của cuộc đối thoại và những mối quan tâm chung của hai phía, và nhờ thực tế là sự nỗ lực đã thực sự được khởi động và xúc tiến bởi chính bản thân ông Nixon. Cuộc gặp thượng đỉnh Trump-Kim cũng có thể sẽ đánh một dấu mốc quan trọng trong lịch sử nếu một thỏa thuận được lập nên, song chưa ai dám chắc chắn về điều này.
Nguồn: Nghiên cứu Biển Đông