Nguồn: Soviet clowns lampoon U.S. foreign policy, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1949, trong đêm khai mạc show diễn mùa xuân của Đoàn xiếc Moskva nổi tiếng, các chú hề và ảo thuật gia đã đưa ra hàng loạt những câu chuyện châm biếm nhắm vào nước Mỹ. Dù đó chỉ là một khía cạnh tương đối nhỏ trong toàn bộ Chiến tranh Lạnh, show diễn này đã chứng tỏ rằng ngay cả yếu tố hài hước cũng đóng vai trò nhất định trong cuộc chiến giữa Mỹ và Liên Xô.
Hầu hết những câu chuyện công kích trong đêm khai mạc show diễn đến từ một trong những chú hề nổi tiếng nhất của Liên Xô, Konstantin Berman. Anh ta bắt đầu phần diễn của mình bằng cách ném một chiếc boomerang, mà anh so sánh với các hoạt động trong Kế hoạch Marshall của Mỹ (một kế hoạch phục hồi kinh tế được thiết kế để bơm hàng tỷ USD vào các nền kinh tế của Tây Âu). “Mỹ viện trợ cho châu Âu,” Berman công bố. “Đây là đồng USD.” Đám đông nhất loạt hoan hô khi chiếc boomerang “USD” quay trở lại tay chú hề. Sau đó, anh ta tiếp tục bằng tiết mục phát thanh, nhưng tất cả những gì người ta có thể nghe được là tiếng chó sủa. “Đây là Đài Tiếng nói Hoa Kỳ”.
Berman sau đó nhường sân khấu cho một nhà ảo thuật. Màn trình diễn nổi tiếng nhất của ông ta bắt đầu khi các công nhân khiêng ra một cái lồng sắt, bên trong có một người ăn vận như Hitler. Nhà ảo thuật sau đó kéo một bức màn – “Không phải là bức màn sắt đâu, chỉ là màn lụa mà thôi” – phủ qua chiếc lồng và khu vực xung quanh nó. Khi bức màn được nhấc lên, Hitler đã ở ngoài lồng, còn các công nhân bị mắc kẹt bên trong. Hai người khác, một trông như Churchill và một thì mặc trang phục giống hết một “nhà tư bản Mỹ,” bước ra và bắt tay Hitler. Nhà ảo thuật lên tiếng, “Chuyện này rồi sẽ diễn ra bao lâu nữa? Cho đến khi người dân không còn kiên nhẫn, thì nó sẽ kết thúc.” Ông ta lại phủ bức màn xuống và nhấc nó lên một lần nữa; khán giả mừng vui khi phát hiện ra rằng Hitler, Churchill, và nhà tư bản đã bị nhốt trong lồng và các công nhân được giải phóng. “Đây là cách mọi chuyện sẽ kết thúc,” nhà ảo thuật tuyên bố, “và sẽ mãi mãi như vậy.”
Ở phía bên kia Đại Tây Dương, truyện tranh và các nghệ sĩ giải trí người Mỹ cũng vô cùng bận rộn với những câu chuyện châm biếm Liên Xô và chủ nghĩa cộng sản. Điều này cho thấy tiếng cười hài hước rất được hoan nghênh trong giai đoạn mà mối đe dọa của chiến tranh thế giới mới và thảm họa hạt nhân đã tạo nên bầu khí u ám nặng nề.