Công thức thành công cho thượng đỉnh Trump – Kim

Nguồn: Yoon Young-kwan, “Getting to Yes With Kim Jong-un”, Project Syndicate, 08/06/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê

Có phải lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã đưa ra quyết định chiến lược loại bỏ chương trình hạt nhân của mình, hay ông chỉ tham gia vào một vòng ngoại giao lừa dối khác, giả vờ sẽ phi hạt nhân hóa để đổi lấy những lợi ích vật chất cho đất nước nghèo khổ của mình?

Đây có lẽ là một câu hỏi quan trọng trong cuộc gặp giữa Kim và Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Singapore vào ngày 12 tháng 6. Cho đến lúc đó, không ai biết rõ câu trả lời, có lẽ kể cả chính Kim.

Những người lạc quan có xu hướng tin rằng ý định phi hạt nhân hóa mà Kim tuyên bố là chân thành. Họ nhấn mạnh thực tế rằng nền kinh tế của Triều Tiên đã thay đổi cơ bản kể từ khi ông kế nhiệm người cha của mình là Kim Jong-il vào năm 2011.

Giờ đây nền kinh tế Triều Tiên mở hơn, với ngoại thương chiếm gần một nửa GDP. Đây là kết quả của một quá trình thị trường hóa dần dần bắt đầu vào giữa những năm 1990. Nhưng đi kèm với sự mở cửa này là tính dễ bị tổn thương, điều này giải thích những nỗ lực ngoại giao tích cực của Kim nhằm ngăn chặn sự gián đoạn kinh tế nghiêm trọng do các biện pháp trừng phạt quốc tế hiện tại.

Không giống như cha mình, Kim, năm nay 34 tuổi, đã tích cực theo đuổi tăng trưởng kinh tế theo hướng thị trường và có thể tìm cách bắt chước Đặng Tiểu Bình, vị kiến ​​trúc sư của các cải cách ở Trung Quốc vào cuối những năm 1970. Việc Kim mới gần đây sa thải ba quan chức quân sự cao cấp có thể gợi ý rằng ông sẵn sàng đưa ra một số nhượng bộ quan trọng để chuẩn bị một môi trường ngoại giao thuận lợi nhằm tập trung vào phát triển kinh tế. Một câu hỏi quan trọng vẫn còn là liệu Tổng thống Trump đã sẵn sàng hòa giải với Triều Tiên của Kim như Tổng thống Richard Nixon đã làm với Trung Quốc của Đặng Tiểu Bình hay chưa?

Tuy nhiên, những người bi quan lại cảnh báo không nên tin rằng Kim thực sự nghiêm túc về ý định phi hạt nhân hóa. Họ cho rằng cho đến nay không có bằng chứng cho thấy Kim khác với cha và ông nội, Kim Il-sung (Kim Nhật Thành), khi nói đến việc tôn trọng các thỏa thuận quốc tế. Chẳng hạn, họ nghi ngờ rằng Triều Tiên sẽ khó lòng hợp tác hoàn toàn vì ba vấn đề chính.

Trước tiên, bất chấp tuyên bố của Kim, vẫn chưa rõ liệu ông ta có đồng ý với việc “phá hủy hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược” (CVID) chương trình vũ khí hạt nhân của Triều Tiên hay không. Cam kết của ông vẫn mới chỉ dừng lại ở mức một khát vọng và thiếu nội dung thực chất hoặc phương thức thực hiện. Thứ hai, với lịch sử thực hiện cam kết không tích cực của Triều Tiên, những người bi quan nghĩ rằng Kim sẽ khó lòng cho phép việc kiểm tra hạt nhân sâu, vốn là một cấu phần quan trọng của CVID. Cuối cùng, Triều Tiên vẫn chưa làm rõ các điều kiện của việc phi hạt nhân hóa. Lập trường chính thức trong quá khứ của nước này – như rút quân đội Mỹ ra khỏi Hàn Quốc và chấm dứt liên minh Mỹ – Hàn, sẽ là không thể chấp nhận được.

Nhưng có thể có một cách để đạt được kết quả phi hạt nhân hóa làm thỏa mãn cả những người lạc quan lẫn bi quan. Để đạt được cách thức đó đòi hỏi phải lùi lại một bước và xem xét lý do cơ bản nhất cho các thất bại ngoại giao trong ba thập niên qua: mức độ thiếu tin cậy lẫn nhau rất cao, điều đã khiến một đất nước nhỏ và yếu như Triều Tiên, bị bao quanh bởi các cường quốc, luôn lo lắng về an ninh của mình. Để giải quyết vấn đề này tận gốc, Mỹ nên có một cách tiếp cận chính trị thay vì tập trung lần này qua lần khác vào việc đạt được một thỏa thuận an ninh-quân sự hẹp.

Ví dụ, chính quyền của Tổng thống George H.W. Bush đã từ chối đề nghị thiết lập quan hệ ngoại giao song phương của Triều Tiên vào năm 1991-92 khi sự sụp đổ của Liên Xô đã làm tăng cảm giác bất an của Kim Il Sung. Tương tự như vậy, phàn nàn chính của Triều Tiên về Thỏa thuận Khung Geneva tháng 10 năm 1994 là việc Hoa Kỳ đã không giữ lời hứa cải thiện quan hệ chính trị với Triều Tiên. Chính quyền Clinton đã cố gắng tiến hành một cách tiếp cận chính trị vào năm 2000, nhưng lúc đó đã quá muộn.

Hội nghị thượng đỉnh Trump-Kim đầu tiên có thể không thể giải quyết được hết cả ba vấn đề chính gây chia rẽ Mỹ và Triều Tiên cùng một lúc. Nhưng điều đó không có nghĩa là hội nghị thượng đỉnh này sẽ là một thất bại. Lần đầu tiên, Mỹ đang giải quyết nguyên nhân gốc rễ của vấn đề Triều Tiên thay vì chỉ tập trung vào các triệu chứng của nó. Và đây là lý do tại sao quyết định dường như ngẫu hứng của Trump đồng ý gặp mặt Kim trực tiếp là hết sức ý nghĩa và có hiệu quả, đặc biệt là nếu ông ta có thể củng cố niềm tin của Kim rằng Kim và chế độ của ông ta sẽ an toàn ngay cả khi không có vũ khí hạt nhân và cộng đồng quốc tế sẽ giúp ông ta tập trung vào tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù vậy, Trump sẽ được khuyên nên để các chi tiết của tiến trình phi hạt nhân hóa cho các nhà ngoại giao có nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với Triều Tiên giải quyết. Trước mắt, ông cần xây dựng lại một liên minh quốc tế để duy trì hiệu quả các biện pháp trừng phạt kinh tế, vốn là đòn bẩy mạnh mẽ nhất để thuyết phục Kim chấp nhận CVID. Trong vấn đề này, hợp tác chặt chẽ với Trung Quốc sẽ là điều cần thiết. Hơn nữa, Mỹ nên tưởng thưởng cho các nhượng bộ quan trọng của Triều Tiên – ví dụ như cho phép tiến hành các thanh sát sâu đối với toàn bộ chương trình hạt nhân của mình bởi các thanh sát viên quốc tế – ngay cả trước khi hoàn thành CVID.

Tất nhiên không có gì đảm bảo rằng điều này sẽ có hiệu quả. Điều rõ ràng là việc phi hạt nhân hóa thành công Triều Tiên sẽ đòi hỏi sự kết hợp giữa các quyết định chính trị táo bạo – ví dụ như chính thức chấm dứt Chiến tranh Triều Tiên, mở văn phòng liên lạc, hoặc nới lỏng một số biện pháp trừng phạt kinh tế – với sự thận trọng thực tế.

Yoon Young-kwan, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc, là Giáo sư hưu trí ngành Quan hệ quốc tế tại Đại học Quốc gia Seoul.