Nguồn: Anne O’Donnell, “The Bolsheviks Versus the Deep State”, The New York Times, 27/03/2017
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Văn phòng trống trơn. Hành lang vắng lặng. Khắp thành phố thủ đô là sự yên ắng của những công việc không được thực hiện, những bản ghi nhớ không được đánh máy, những công văn không bị đốc thúc, những tủ hồ sơ vẫn luôn đóng kín. Bộ máy nhà nước không được sử dụng. Và đó không phải là Washington ngày nay; mà là Petrograd, Nga, từ 100 năm trước, nơi mà sau khi lực lượng Bolshevik lên nắm quyền vào cuối tháng 10, các quan chức trong chính quyền cũ – hàng chục ngàn người – đã khóa trái ngăn tủ bàn làm việc của họ và đem giấu chìa khóa. Họ tuyên bố đình công, phản đối những gì họ coi là hành vi vi phạm gây sốc và bất hợp pháp của phe Bolshevik đối với lòng tin của công chúng.
Một vài nơi chỉ trụ được một tháng, số khác đình công được hai tháng, và lâu nhất – các nhân viên phụ trách ngân hàng ở Bộ Tài chính cũ – cũng chỉ đứng vững cho đến giữa tháng Ba. Trong thời gian 5 tháng này, các kế toán, luật sư và nhà quản lý rất bình thường đã chứng tỏ lòng dũng cảm mạnh mẽ của công dân, dù phải trả một cái giá đắt. Họ hoặc sống với mối đe dọa bị bắt giữ hoặc thực sự đã bị bắt, rồi bị bàn giao cho Ủy ban Đặc biệt Toàn Nga (Ủy ban đặc biệt toàn quốc về đấu tranh chống phản cách mạng, tung tin đồn nhảm và phá hoại) – được gọi tắt là Cheka, tiền thân của K.G.B – để rồi bị bắn chết dưới các tầng hầm. Được thành lập vào tháng 12/1917, tổ chức này có mục đích rõ ràng là đàn áp “sự phá hoại của nhân viên chính phủ,” như cách gọi của chế độ mới đối với cuộc đình công này.
So với những sự kiện khác mà các nhà cách mạng mong muốn tưởng niệm, cuộc đình công hầu như đã bị lãng quên. Một phần bởi vì nó rốt cuộc tạo ra ít tác động, hay nói đúng hơn, nó tạo ra một tác động hoàn toàn ngược với ý định của những người tham gia. Sự thật là, ý định của họ cũng không quan trọng lắm. Tuy nhiên, những quyết định mà họ phải đối mặt và những lựa chọn họ đưa ra vẫn đáng để ghi nhớ, ở thời điểm mà chúng ta tiến gần hơn đến lễ kỷ niệm Cách mạng tháng Mười, đồng thời đón nhận những báo cáo về một sự phản kháng chống lại “Nhà nước Chìm” (deep state)[1] tại Mỹ.
Cuộc đình công của giới chức Nga trái ngược hoàn toàn với phản ứng vui mừng và nhiệt tình của họ sau Cách mạng tháng Hai, khi vị Sa hoàng bị lật đổ và Nga trở thành một nhà nước cộng hòa. Cách mạng Tháng Hai đã mở ra cơ hội để biến ước mơ của các công chức đầu thế kỷ 20 trở thành sự thật: đó là trở thành những nhà quản lý tin tưởng vào chân lý khoa học, thị trường và pháp quyền, chứ không phải là những người ban hành những quy định dựa trên ý chí của một vị hoàng đế bất tài. Những hiểu biết chuyên môn hiện đại cuối cùng cũng được phép giành chiến thắng trước chính trị độc đoán. Đương nhiên sẽ cần đến khâu ‘dọn dẹp’: Các quan chức cấp cao trong chế độ cũ bị bắt giam và người ta bắt đầu mở những cuộc điều tra về tội ác của họ đối với người dân Nga. Nhưng ngoại trừ một số tổ chức, đáng chú ý nhất là sở cảnh sát mật – nơi mà văn phòng đã bị thiêu rụi thành tro, thì nhà nước Nga vẫn tiếp tục hoạt động như trước đó – có nghĩa là không được tốt lắm.
Sau đó, vào rạng sáng ngày 25/10/1917, phe Bolshevik đã tấn công Bưu điện Trung tâm Petrograd, bắt đầu 70 năm cầm quyền độc đảng nhằm xây dựng một xã hội cộng sản. Mục tiêu lâu dài của phe Bolshevik, tất nhiên, là giám sát quá trình phá hủy bộ máy cũ. Trong ngắn hạn, họ tìm cách để bộ máy này phải phục vụ họ. Như lời một viên chức trong giai đoạn đầu, họ tự tin rằng “những nhiệm vụ đặt ra cho họ trong việc điều hành đất nước là vô cùng đơn giản và sẽ không gây ra bất kỳ khó khăn nào.”
Phe Bolshevik loan báo rằng dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, ngay cả những đầu bếp bình thường nhất cũng có thể vận hành được bộ máy nhà nước. Gần như ngay lập tức, điều này được chứng tỏ là không đúng, chưa kể là bắt đầu từ ngày 26/10, một phần lớn của bộ máy đó vì bất mãn với việc phe Bolshevik xem thường các khái niệm về luật pháp và dân chủ, bởi hòa ước mà họ đã hứa với người Đức, và bởi bạo lực họ duy trì trong nước – đã quyết định nghỉ việc.
Chúng ta không biết chính xác có bao nhiêu người đã tham gia đình công. Phe Bolshevik vẫn chiếm ưu thế – và họ chẳng buồn thống kê lại con số ấy. Bộ máy Sa hoàng Nga đã tuyển dụng khoảng 70.000 công chức ở Petrograd vào đêm trước Thế chiến I, và các hồ sơ lưu trữ cho thấy phần lớn những viên chức này đã tham gia cuộc đình công bằng cách này hay cách khác.
Cuộc đình công được tổ chức bởi các công đoàn công chức, được tài trợ bởi các quỹ đình công cho đến khi cạn tiền. Tại một số văn phòng, nhân viên có hiện diện nhưng không chịu làm việc. Hầu hết nhân viên, từ các nhà ngoại giao đến các giáo viên, chỉ đơn giản là ở nhà và hẹn nhau tập hợp tại căn hộ của một người nào đó để hoạch định chiến lược. Trước khi rời khỏi văn phòng, nhiều người đã đem theo các vật dụng và tài liệu quan trọng, như chìa khóa két sắt và số tài khoản ngân hàng, các tài liệu và chìa khóa mật mã. Liệu phe Bolshevik có thể hy vọng đạt được điều gì nếu không tiếp cận được hai nguồn lực quan trọng này – tiền của nhà nước và các công văn, giấy tờ?
Hóa ra, họ thu được rất nhiều.
Những người Bolshevik chỉ chiếm số lượng rất nhỏ so với toàn bộ bộ máy nhà nước cũ. Sau khi lên nắm quyền, họ cử các phái đoàn gồm 5 hoặc 6 nhà cách mạng đến tiếp quản các bộ ngành vốn có hàng ngàn nhân viên. Các phái đoàn này thường được các nhân viên vũ trang hỗ trợ, nhưng ban đầu ngay cả những người Bolshevik cũng không thể tưởng tượng được rằng việc chiếm quyền sẽ phải viện đến hành động bắt giữ thực sự. Lenin đưa việc chiếm Ngân hàng Nhà nước trở thành ưu tiên hàng đầu, đưa một nhóm binh lính cách mạng đến kiểm soát tòa nhà vào đêm mà cuộc cách mạng bắt đầu. Các nhân viên của ngân hàng ngay lập tức đình công, và ngày hôm sau, 7.000 thành viên của liên đoàn nhân viên ngân hàng tư nhân cũng tham gia cùng với họ. Phe Bolshevik đe doạ bắt giữ tất cả những người này nếu họ không mở cửa lại ngân hàng trước ngày 31/10; và họ đã mở cửa chỉ trong chính xác một giờ.
Một tuần sau cuộc cách mạng, chế độ mới vẫn không có tiền. Ba quan chức ngân hàng cấp cao bị lôi vào trụ sở của phe Bolshevik và được ra lệnh phải điền các mẫu đơn nhằm cho phép bộ máy hàng pháp mới của phe Bolsheviks, được gọi là Sovnarkom (Hội đồng ủy viên nhân dân), tiếp cận với nguồn tiền của nhà nước. Họ từ chối. Trong một khoảnh khắc ngắn ngủi, số phận của cuộc cách mạng dường như chỉ xoay quanh việc hoàn thành chính xác một tờ biên bản rút tiền. Các nhân viên ngân hàng vẫn giữ vững lập trường, ngay cả khi vài ngày sau đó, chán ngán sự mềm mỏng của các đồng chí, Leon Trotsky – cùng với một lữ đoàn có vũ trang, và một dàn nhạc – đúng kiểu Bolshevik – đã xuất hiện tại tòa nhà Ngân hàng Nhà nước và đe dọa sẽ tấn công, trước khi bắt đầu nản chí.
Phe Bolshevik chính là những tay cướp ngân hàng chuyên nghiệp – họ thực sự tài trợ cho các hoạt động của mình thời kỳ trước chiến tranh bằng cách cướp các ngân hàng ở vùng Caucasus – điều ấy khiến hành động chần chừ không lấy tiền lúc đầu của họ, miễn cưỡng chấp nhận quy tắc kinh doanh của những người tư sản, trở nên đáng chú ý.
Họ đã vượt qua điều đó.
Trong những tuần và tháng tiếp theo, các đặc vụ Cheka đã lục soát nhiều căn hộ và bắt giữ nhiều viên chức. Cuối cùng, họ tìm được chìa khóa của tất cả tám két sắt tại Ngân hàng Nhà nước, mỗi chìa được sao thành hai bản do các quan chức khác nhau nắm giữ. Đồng thời, họ bắt đầu phát hành trái phiếu riêng của mình để trang trải chi phí. Các nhóm nhân viên đầu tiên trở lại làm việc tại văn phòng Quản lý Tín Dụng, văn phòng quyền lực nhất của Bộ Tài chính cũ, sau một tháng – chủ yếu là những nhân viên cấp dưới, quay lại làm việc cùng với những người đưa thư và nhân viên lao công vốn chưa bao giờ rời đi. Các nhân viên cấp thấp đã không được kêu gọi tham gia cuộc đình công, nhưng những người này, dù thường là mù chữ hoặc không biết gì về quản lý nhà nước, lại cung cấp cho phe Bolshevik những thông tin rất cần thiết về các cơ quan nơi họ làm việc, chẳng hạn như địa chỉ nhà của các sếp của họ.
Không chỉ nỗi sợ hãi khiến các nhân viên trở lại làm việc. Phe Bolshevik còn cấm các giao dịch tư nhân và tuyên bố rằng toàn bộ ngành ngân hàng là thuộc sở hữu của một nhà nước xã hội chủ nghĩa mà lúc đó chưa tồn tại. Mùa hè năm 1918, “tình hình đã trở nên rõ ràng rằng ngành ngân hàng, công nghiệp tư nhân, thương mại tư nhân đã trở lâm vào ngõ cụt,” một quan chức đình công viết. “Chẳng có lĩnh vực nào khác cho tôi, ngoại trừ quay lại làm việc cho nhà nước.”
Một nhân viên khác đã chỉ ra cảm giác chung giữa các đồng nghiệp của mình rằng họ trở thành những “kẻ phá hoại không làm gì cả.” Những nhân viên mới đến đầy tham vọng – những người xuất thân từ tỉnh lẻ hay các quan chức cấp thấp đang mong chờ được thăng chức – đã lấp đầy đội ngũ công chức, vốn đã bắt đầu phát triển nhanh chóng. Giống như một miếng bọt biển khô, chế độ mới “hấp thụ” tất cả.
Ngay cả sau khi hầu hết những công chức đình công đã quay trở lại làm việc, phe Bolsheviks chưa bao giờ tuyên bố rằng cuộc phá hoại đã kết thúc. Cuộc phá hoại không bao giờ chấm dứt. Việc tìm kiếm những thành phần bất mãn chống đối trong số các nhân viên nhà nước – mà nhờ có chương trình quốc hữu hoá đã biến tất cả nhân viên thành nhân viên của nhà nước – đã thúc đẩy sự phát triển của Cheka, trở thành một “nhà nước bên trong nhà nước” hoàn toàn mới như cách gọi của một nhân viên, hoạt động suốt 70 năm tiếp theo.
Thay vì cản trở việc tiếp quản chính quyền của phe Bolshevik, cuộc đình công cuối cùng lại tạo điều kiện thuận lợi cho nó, thúc đẩy phe Bolshevik xây dựng các cơ quan chính quyền song song nhằm thực hiện các mục tiêu cách mạng. Một quan chức hàng đầu của Cheka đã tuyên bố vào năm 1920 rằng cuộc đình công đã giúp công việc của ông dễ dàng hơn. Các nhân viên của một chi nhánh ngân hàng Moskva sau đó đã tự hỏi nếu không có cuộc đình công, liệu những người Bolshevik có “cải tạo lại các viên chức cấp cao của bộ máy nhà nước cũ để phục vụ nhu cầu nắm quyền của chính quyền Xô viết” chứ không phải bắt tay vào “phá hủy toàn bộ và xây mới bộ máy ngân hàng từ dưới lên trên” – những gì cuối cùng đã xảy ra – hay không.
Sau khi lên án bộ máy quan liêu cũ và tất cả các công văn giấy tờ của nó là những công cụ tư sản nhằm đàn áp giai cấp công nhân, phe Bolshevik có lẽ ít bị ảnh hưởng bởi sự hỗn loạn mà họ tạo ra hơn so với một nhóm các nhà cách mạng khác. Chí ít là trong một khoảng thời gian nào đó, sự phá hủy bộ máy cũ đã mang lại quyền lực cho bộ máy mới.
Anne O’Donnell là trợ lý giáo sư chuyên ngành lịch sử và nghiên cứu Nga và Slavơ tại Đại học New York.
————-
[1] Một nhóm người, thường là những nhân vật nhiều ảnh hưởng trong các cơ quan chính phủ và quân đội, được cho là dính líu đến việc bí mật thao túng hoặc kiểm soát chính sách của chính phủ (NBT).