Người dịch: Việt Xuân
ĐỒNG TIỀN TRUNG QUỐC ĐÁNH HƠI ĐƯỢC SỰ THÀNH CÔNG
Dee Scarano bảo chúng tôi để giày ở phía ngoài và đưa cho chúng tôi dép đi trong nhà có thêu logo của công ty. Nhưng thời tiết quá nóng bức khiến đồng nghiệp của cô cũng chỉ đi chân trần.
Hiện trạng này khiến ta có cảm giác đây là một căn hộ sang trọng chứ không phải là một văn phòng làm việc. Một tấm thảm yoga được quấn lại để bên ghế salon. Trên tường treo bức ảnh chụp diễn viên Pierce Brosnan trong chiếc quần lót có hình con báo.
Scarano đến từ Australia, song cô đã sống ở Berlin năm năm nay. Scarano dự định cung cấp các dịch vụ số và các sản phẩm khác cho các công ty theo đơn đặt hàng.
Công việc của cô là làm cho cuộc sống của con người càng nhẹ nhàng và linh động càng tốt. Vì bản thân cô gái 34 tuổi này cũng rất thích cuộc sống như vậy: cô không vay ngân hàng tiền mua bất động sản cũng như không có những ràng buộc khác. Cô muốn nhận được các dịch vụ này thông qua điện thoại hay máy tính chứ không muốn đến văn phòng.
Càng ngày càng có nhiều người như Scarano trên khắp thế giới. Một ngân hàng của Đức có tên N26, nơi Scarano có tài khoản, đã nhận ra điều này. Những người Trung Quốc đầu tư vào ngân hàng này cũng nhận ra điều đó. Ngân hàng là một trong vô số những địa chỉ ở châu Âu mà tiền của Trung Quốc được đổ vào trong những năm gần đây.
Tương lai là di động. Và tương lai cũng có thể là Trung Quốc. Valentin Stalf, giám đốc của ngân hàng N26 rất tự tin. Mục tiêu của ngân hàng này là có được 10% khách hàng trên toàn châu Âu và Phần Lan cũng không khác những thị trường khác. Điều đó có nghĩa là hàng trăm ngàn người Phần Lan sẽ trở thành khách hàng của ngân hàng này.
“Phần Lan cũng giống nhiều quốc gia châu Âu khác ở một điểm: một vài ngân hàng truyền thống đã thống trị thị trường. Điều này khiến những dịch vụ kĩ thuật số mới nhất sẽ khó được đưa vào hoạt động,” Stalf nói.
Ngân hàng N26 hoạt động thông qua một ứng dụng được cài đặt vào điện thoại di dộng. Tài khoản ngân hàng có thể được mở thông qua nói chuyện với nhân viên của ngân hàng bằng Skype. Hình mẫu của N26 không phải là những ngân hàng lớn như Deutsche Bank hay Commerzbank của Đức, mà là các công ty như Spotify hay Uber. Những công ty này đã phá vỡ mô hình giao dịch mua bán âm nhạc và dịch vụ taxi.
Theo Stalf thì thành lập một ngân hàng hoàn toàn mới dễ dàng hơn so với việc trang bị các phương tiện kĩ thuật số cho các ngân hàng khổng lồ đã có từ lâu. Giấy phép hoạt động của ngân hàng N26 đã được cấp vào màu hè 2016. Và cũng năm đó N26 đã mở rộng hoạt động sang Phần Lan. Hiện tại N26 là một trong những ngân hàng phát triển nhanh nhất ở châu Âu. Nó đang dự định mở rộng hoạt động sang Anh và Mỹ.
Trong lần kêu gọi đầu tư kết thúc vào cuối tháng 3 vừa qua N26 đã thu hút được 160 triệu euro từ các nhà đầu tư. Một trong những nhà đầu tư lớn nhất của lần kêu gọi này là hãng Tencent của Trung Quốc, song số tiền nhận từ nhà đầu tư này không được tiết lộ.
Tencent là công ty có giá trị lớn nhất ở châu Á và xếp ngang hàng với những công ty lớn của thế giới như Apple, Google, Alphabet, Amazon và Microsoft. Một trong những dịch vụ của công ty này là Wechat có tới 1 tỉ người dùng ở Trung Quốc.
Cũng chính công ty này đã thâu tóm 84% cổ phần của Supercell – công ty sản xuất game di động có giá trị lớn nhất trong lĩnh vực này của Phần Lan năm 2016 với mức giá lúc bấy giờ là khoảng 8 tỉ euro.
Tiền của Trung Quốc bây giờ đã tìm đến được với sự thành công ở châu Âu
Đầu tư của Trung Quốc vào các nước EU tăng chóng mặt. Hai Viện nghiên cứu Merics và Rhodium Group đã tìm hiểu nguồn đầu tư của Trung Quốc và cho biết: nguồn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào EU đã tăng lên 35,9 tỉ euro vào năm 2016 so với 2 tỉ năm 2009.
Số tiền này vừa đến từ các công ty tư nhân lẫn công ty nhà nước của Trung Quốc.
Năm ngoái nguồn đầu tư có sụt xuống 29,7 tỉ vì sự thắt chặt của chính quyền Trung Quốc. Song con số này vẫn cao hơn trước năm 2016. Từ cuối 2017 nguồn đầu tư ra nước ngoài của Trung Quốc lại tăng trở lại. Đồng thời tỉ lệ của các công ty nhà nước bắt đầu tăng lên.
Tỉ lệ và nguồn đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc vào EU và từ EU vào Trung Quốc từ 2008-2017
Sự tăng trưởng vốn đầu tư trong thập niên này đã nói lên sự phát triển của kinh tế Trung Quốc đồng thời cũng khẳng định tham vọng chính trị của nước này. Đảng cộng sản Trung Quốc đang nắm quyền tuyệt đối, khuyến khích các công ty của họ đầu tư ra nước ngoài.
Sự tập trung quyền lực của Trung Quốc có tác động tới cả nguồn đầu tư từ tư nhân. Trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình, quyền lực này còn nằm cả ở kinh tế. Với sự lãnh đạo về chính trị, Trung Quốc có khả năng kiểm soát sự đầu tư của mình thông qua chỉ đạo về đường lối.
Hiện nay sự phát triển công nghệ ở châu Âu đang thu hút sự quan tâm của Trung Quốc và họ chú trọng đến tương lai xa. Điều này thể hiện ở các lĩnh vực họ tập trung đầu tư. Chính vì vậy người sáng lập và điều hành ngân hàng N26, Valentin Stalf, rất tự tin. Theo anh ta mối quan tâm của công ty internet hàng đầu của Trung Quốc đã cho thấy trong mắt của các nhà đầu tư, tương lai của N26 rất tươi sáng.
“Sự đầu tư này là một bằng chứng cho chúng tôi thấy hướng hoạt động của chúng tôi là rất tốt. Bởi vì Tencent biết hoạt động của ngân hàng sẽ như thế nào trong vòng 10 năm tới,” Stalf nói.
Sự nhanh nhạy của người Trung Quốc thể hiện ở chỗ ở người Trung Quốc mới gần đây thôi vẫn không có tài khoản trong ngân hàng song giờ đây họ đã tiến thẳng tới thời kỳ có thể giao dịch mua bán qua điện thoại.
Trung Quốc giờ đây không hài lòng với việc chỉ được coi là quốc gia sản xuất các mặt hàng rẻ tiền còn các sản phẩm cao cấp xuất xứ từ nơi khác.
Người Trung Quốc đã dạy cho người châu Âu cách giao dịch mua bán qua điện thoại của mình. Alipay của Trung Quốc đã được sử dụng ở vùng Lapland của Phần Lan khi khách du lịch Trung Quốc ở các điểm du lịch này yêu cầu có các dịch vụ nhanh chóng như ở quê hương họ.
Nước Đức, trong dịch vụ ngân hàng số, còn đi sau Phần Lan rất nhiều. Trong phần lớn các nhà hàng và trên taxi của Berlin cách thanh toán duy nhất vẫn là trả bằng tiền mặt. Vì vậy, ngân hàng di động N26 là ngân hàng quá mới ở Đức.
Chẳng mấy nữa Trung Quốc sẽ đi trước châu Âu hàng năm ánh sáng nếu những mục đích mà Trung Quốc đặt ra có thể tin được.
Năm 2015 Trung Quốc đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng có tên: Made in China 2025. Mục đích của kế hoạch này là biến Trung Quốc thành cường quốc công nghệ cao.
Ý tưởng này cũng rất đơn giản: Trung Quốc không còn hài lòng là đất nước sản xuất các sản phẩm rẻ tiền và tiếp nhận công nghệ cao từ nơi khác. Thay vào đó, Trung Quốc muốn trở thành quốc gia dẫn đầu trong việc cho ra đời các sản phẩm dựa trên công nghệ thông minh. Chương trình Industrie 4.0 của Đức được lấy làm hình mẫu và trong đó mục đích rất giống nhau. Trung Quốc muốn trở thành Đức và vượt nước này. Vì vậy các nhà đầu tư Trung Quốc đã chiêu tập đội ngũ có trình độ cao từ châu Âu để có thể sử dụng vào các ngành sản xuất của họ.
Lúc đầu tiền của Trung Quốc được hoan nghênh ở châu Âu. Cuộc khủng khoảng kinh tế năm 2008 đã khiến châu Âu kiệt quệ và các nguồn đầu tư được chào đón. Tiền của Trung Quốc đã vực dậy nhiều công ty của châu Âu và đem lại nhiều việc làm. Hãng Volvo của Thụy Điển đã hồi sinh và lấy lại được sức sống mới sau tám năm được hãng sản xuất ô tô Geely của Trung Quốc mua lại.
Tiền Trung Quốc cũng tạo điều kiện cho sự ra đời của nhiều công ty mới. Trước Tencent, tỉ phú Hồng Kông, Lý Gia Thành đã quan tâm đến N26 và bắt đầu đầu tư vào ngân hàng. Nguồn đầu tư này trong thời gian đầu rất quan trọng với ngân hàng này.
Nhưng giờ đây EU bắt đầu nhận ra nguồn đầu tư này đi kèm với hiểm nguy.
Ở Đức người ta đang rất lo ngại rằng chẳng mấy nữa Trung Quốc sẽ không còn cần đến kiến thức của người Đức để phát triển sản xuất của họ. Người ta lo sợ là Made in China sẽ hạ gục Made in Germany.
Thủ tướng Angela Merkel đã đến thăm gian hàng công ty người máy Kuka ở Hội chợ Hannover năm 2017. Bà làm quen với rô bốt của Kuka, công ty sản xuất nó trước đó vài năm còn là niềm tự hào và tương lai của công nghiệp Đức. Nhưng giờ đây nó đã trở thành sở hữu của Trung Quốc. Công ty Midea của Trung Quốc đã mua lại Kuka năm 2016 với giá 4,5 tỉ euro.
Việc Kuka trở thành sở hữu của Trung Quốc là một đường phân thủy không chỉ ở Đức mà cả ở châu Âu. Thương vụ này đã khiến châu Âu thức tỉnh để tự vấn rằng có phải nguồn chất xám rất quan trọng về chiến lược đang chảy sang phương Đông hay không? Bởi vì Kuka được coi là công ty rất quan trọng, là ngôi sao dẫn đường trong chiến lược Industrie 4.0.
Theo tờ Der Spiegel, chính phủ Đức đã cố gắng can thiệp để ngăn cản thương vụ này. Các nhà chính trị Đức đã ra sức kêu gọi các nhà đầu trong nước đưa ra giá mua cao hơn. EU cũng nhận thấy việc Kuka trở thành sở hữu của Trung Quốc là một rủi ro lớn.
Robot Kuka thi đấu với Timo Boll, tay vợt bóng bàn từng đứng số một thế giới. Nguồn: Youtube.
“Kuka là một công ty rất thành công trong lĩnh vực chiến lược và có vị trí mở đường cho tương lai của ngành công nghiệp kĩ thuật số của toàn châu Âu,” Günther Oettinger, ủy viên hội đồng EU đã nói như vậy và kêu gọi các nhà đầu tư châu Âu hãy bỏ tiền mua công ty này. Đáng tiếc, điều đó đã không xảy ra.
Việc bán Kuka cho Trung Quốc đã khiến EU đặt ra câu hỏi có phải người Trung Quốc đang hút cạn kiệt nguồn chất xám của châu Âu hay không và về lâu dài từ góc độ an ninh mạng liệu có an toàn hay không nếu công nghệ thông minh này lọt vào tay người Trung Quốc?
Người ta bắt đầu đòi hỏi Liên minh châu Âu đưa ra những quy định về pháp lý để kiểm tra được những ảnh hưởng từ nguồn đầu tư của người Trung Quốc.
Đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào một số nước EU năm 2000-2007, tỉ euro
Nguồn Merics, Ảnh Mikko Airikka/Yle
Nhưng nhiều nước châu Âu vẫn phân vân. Một số nước Nam Âu cho rằng vì trong thời gian thoát ra khỏi khủng khoảng về kinh tế họ phụ thuộc quá nhiều vào đầu tư từ Trung Quốc. Còn một số nước Bắc Âu, trong đó có Phần Lan đã phản đối những giới hạn nhằm hạn chế thị trường tự do, như được nêu ra trong Hội thảo Rasmussen Global.
Điều này cũng diễn ra ở Phần Lan: Công ty sản xuất trò chơi Supercell. Valmet Automotive và giải phát về pin ô tô điện. Trung tâm nghiên cứu và phát triển sản phẩm thứ hai của Huawei đã được lập ra ở Phần Lan. Nhà máy tinh chế sinh học của Sunshine Kaidi đã xây dựng ở Kemi.
Các nhà đầu tư Trung Quốc rất quan tâm đến chất xám và kỹ thuật công nghệ thông tin của Phần Lan. Nhưng khác với các nước lớn ở EU như Đức, Pháp, nguồn đầu tư từ Trung Quốc không gây ra lo lắng nhiều lắm ở Phần Lan. Phần Lan cũng cảm thấy khó chịu với đề nghị của EU về việc cần có luật quy định sàng lọc các nguồn đầu tư từ Trung Quốc.
“Chúng ta cần coi trọng việc mở cửa châu Âu cho nguồn đầu tư từ nước ngoài. Chúng tôi không muốn việc ban bố luật này sẽ tạo ra những thủ tục hành chính không cần thiết,” Pasi-Heikki Vaaranmaa, Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại của Bộ Ngoại giao, nói.
Tỉ lệ tiền Trung Quốc ở Phần Lan chỉ chiếm một phần tương đối nhỏ trong nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài. Năm 2016 ở Phần Lan có 15 dự án và năm ngoái là 12. Trung Quốc vẫn đứng sau Thụy Điển, Anh, Mỹ, Đan Mạch và Na Uy trong danh sách các nước đầu tư nhiều vào Phần Lan.
Ở Đức người ta bắt đầu lo sợ ảnh hưởng của nguồn tiền đầu tư từ Trung Quốc khi số tiền đầu tư từ nước này vào Đức năm 2016 nhiều gấp 10 lần so với năm 2015. Trong khi cùng thời gian đó, đầu tư từ châu Âu vào Trung Quốc chững lại.
Sự mất cân bằng như thế cũng đã gây nên lo lắng ở Phần Lan. Trong khi Trung Quốc được tung hoành ở các nước EU theo nguyên tắc của thị trường tự do thì trong nước họ lại thực hiện chính sách bảo hộ nghiêm ngặt.
“Điều này đem đến cho các công ty Trung Quốc lợi thế trên thị trường,” ông Vaaranmaa nói.
Thật ra ở Phần Lan người ta không coi tiền đầu tư của Trung Quốc gây ra nhiều vấn đề hơn các nguồn đầu tư khác. Ông Antti Aumo, giám đốc Invest in Finland, cơ quan theo dõi đầu tư từ nước ngoài cho rằng tất cả các nguồn đầu tư đều có thể gắn với rủi ro, nhưng bản thân nguồn gốc Trung Quốc chưa phải là rủi ro.
“Chúng ta cần phải xem xét riêng từng trường hợp một. Đôi khi động cơ và bối cảnh mua công ty có vấn đề, nhưng điều này xảy ra trong tất cả các nguồn đầu tư từ các châu lục,” ông Aumo nói.
Văn phòng của ngân hàng N26 ở Berlin là một tòa nhà tại Đông Đức vừa được sửa chữa lại. Giám đốc điều hành Valentin Stalf đến từ Áo và từng học ở trường kinh tế St. Gallenissa nổi tiếng của Thụy Sĩ.
Nhưng anh ta quyết định cùng với Maximilian Tayenthal thành lập ngân hàng của họ ở Berlin vì đây là trung tâm của các công ty khởi nghiệp ở châu Âu.
Stalf không lo lắng về vấn đề đầu tư của Trung Quốc sẽ thu hút sức sáng tạo và chất xám về phương Đông. Anh ta tin chắc rằng ngân hàng của anh ta sẽ không rơi vào tay Trung Quốc như công ty sản xuất rô bốt Kuka, mà nằm trong tay của những người sáng lập.
Các nhà đầu tư có tiếng của phương Tây như Allianz của Đức hay Peter Thiel từng đầu tư vào Facebook trong thời gian đầu, cũng đầu tư vào ngân hàng này.
“Chúng tôi có nhiều cổ đông khác nhau. Tôi và Maxilla có cổ phần đa số nên chúng tôi vẫn tự chủ và chúng tôi muốn tiếp tục phát triển công ty của mình”.
Theo Stalf, sự chuyên chế của Trung Quốc không xuất hiện trong hợp tác với các nhà đầu tư Trung Quốc và Hồng Kông.
“Trong sự hợp tác này không có gì mang tính chính trị cả. Họ là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và chúng tôi muốn điều đó. Chúng tôi tìm những nhà đầu tư theo một nguyên tắc giống nhau từ châu Âu, từ Mỹ và cả từ Trung Quốc,” Stalf nói.
Nguyên bản tiếng Phần Lan: “Kiinan raha haistaa menestyksen” của Suvi Turtiainen, Stina Tuominen, Eemeli Martti và Maria Tolsa.