Nguồn: German artist unveils monument honoring soldiers killed in World War I, History.com
Biên dịch: Lê Thị Hồng Loan | Biên tập: Lê Hồng Hiệp
Vào ngày này năm 1932, tại Flanders, Bỉ, nghệ sĩ người Đức Kathe Kollwitz công bố tượng đài mà bà đã tạo ra để tưởng niệm con trai bà, Peter, cùng với hàng trăm ngàn binh lính khác đã bị giết trên chiến trường Mặt trận phía Tây trong Thế chiến I.
Sinh năm 1867 tại Koningsberg, Đông Phổ, Kollwitz được dạy học riêng ở nhà và được cử đi học nghệ thuật ở Berlin, một sự giáo dục tiến bộ bất thường đối với một phụ nữ vào những năm 1880.
Chịu ảnh hưởng của các nghệ sĩ và nhà văn chủ nghĩa hiện thực như Max Klinger và Emile Zola, cũng như các tác phẩm của Edvard Munch, Kollwitz trở nên nổi tiếng với kỹ năng phác họa và đồ họa in khắc, cũng như với đề tài u ám trong tác phẩm của bà, những tác phẩm khắc họa cuộc sống của những người thuộc tầng lớp lao động ở Đức vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20. Tác phẩm của bà trước Thế chiến I bao gồm các bức tranh với những tên gọi như Vô gia cư, Chờ người say rượu và Thất nghiệp.
Ngay sau khi cuộc Đại chiến bắt đầu vào mùa hè năm 1914, người con trai 19 tuổi của Kollwitz, Peter, đã tự nguyện gia nhập quân đội Đức. Anh đã bị giết trong trận chiến vào ngày 22 tháng 10 năm 1914, trên Mặt trận phía Tây, tại Diksmuide, Bỉ. Thảm kịch cá nhân này trong cuộc đời của Kollwitz được phản ánh trong nghệ thuật của bà, cùng với tư tưởng chính trị và lương tâm xã hội mạnh mẽ (vào năm 1910, bà đã trở thành một người theo chủ nghĩa xã hội tận tâm).
Trong những năm chiến tranh, Kollwitz đã cho ra đời một loạt các bức tranh thể hiện tác động của chiến tranh, với các tên gọi như Góa phụ và Đứa trẻ mồ côi, Bị giết khi đang thực hiện nhiệm vụ và Những người sống sót. Vào năm 1917, khi Thế chiến I bước vào cao trào, Kollwitz kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình với một cuộc triển lãm tại phòng trưng bày Berlin thuộc sở hữu của nhà môi giới nghệ thuật nổi tiếng thế giới Paul Cassirer.
Đài tưởng niệm của Kollwitz cho con trai Peter được khánh thành vào ngày 20 tháng 08 năm 1932, tại nghĩa trang quân sự Đức gần Vladslo ở Flanders, Bỉ. Một Kollwitz đau buồn đã làm việc nhiều năm để tạo ra đài tưởng niệm này, đấu tranh để hòa giải sự thù hận của mình với cuộc chiến và sự ngờ vực về giới lãnh đạo trong chiến tranh cùng với mong muốn tôn vinh sự hy sinh của con trai mình vì lý tưởng của họ. Mang tên gọi Cha mẹ, bức tượng mô tả một cặp vợ chồng già quỳ trước nấm mồ của con trai họ. Tác phẩm này không có ngày hay chữ ký.
Kollwitz tiếp tục ủng hộ chủ nghĩa xã hội ở Đức và quốc tế trong những năm sau chiến tranh, và cuối cùng đã bị trừng phạt vì niềm tin chính trị thẳng thắn của mình. Bà trở thành người phụ nữ đầu tiên được bầu vào Học viện Nghệ thuật Phổ nhưng bị buộc phải từ chức sau khi Adolf Hitler và Đức Quốc Xã (Nazi) của ông lên nắm quyền vào năm 1933. Ba năm sau, Đức Quốc xã phân loại tác phẩm nghệ thuật của Kollwitz – cũng giống các tác phẩm nghệ thuật của nhiều người khác trong suốt giai đoạn đó – là “thoái hóa”, và cấm bà trưng bày tác phẩm của mình. Chồng của Kollwitz, Karl, mất năm 1940; năm 1942, cháu trai của bà, cũng tên là Peter, đã bị giết ở mặt trận Nga trong Thế chiến II. Ngôi nhà, và phần lớn tác phẩm của bà, đã bị phá hủy bởi bom của quân Đồng Minh vào năm sau đó, và Kollwitz được sơ tán từ Berlin đến Moritzburg, gần Dresden.
“Trong những năm về sau, mọi người sẽ không thể hiểu được thời đại này”, Kollwitz viết trong thời gian ở Moritzburg. “Sự khác biệt giữa bây giờ và năm 1914… Mọi người đã được biến đổi để có khả năng chịu đựng….Điều tồi tệ nhất đó là tất cả mọi cuộc chiến tranh đều mang trong mình một cuộc chiến mà sẽ đáp lại nó. Mỗi cuộc chiến được đáp lại bởi một cuộc chiến mới, cho đến khi tất cả mọi thứ, mọi thứ đều bị phá tan.” Bà qua đời vào ngày 22 tháng 04 năm 1945, chỉ hai tuần trước khi Thế Chiến II kết thúc. Như bà đã viết trong lá thư cuối cùng của mình: “Chiến tranh đồng hành cùng tôi đến cuối cuộc đời.”