21/08/1991: Đảo chính chống Gorbachev thất bại

Nguồn: Coup attempt against Gorbachev collapses, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1991, chỉ ba ngày sau khi bắt đầu, cuộc đảo chính chống lại nhà lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev đã nhanh chóng thất bại. Dù không bị lật đổ nhưng số ngày cầm quyền của Gorbachev cũng chẳng còn là bao. Liên Xô sẽ sớm chấm dứt sự tồn tại trong vai trò một quốc gia và một mối đe dọa Chiến tranh Lạnh của Mỹ.

Đảo chính nhằm lật đổ Gorbachev bắt đầu vào ngày 18/08, dẫn đầu bởi các thành viên cộng sản cứng rắn trong chính phủ Liên Xô và quân đội. Tuy nhiên, nỗ lực này lại được lên kế hoạch và tổ chức rất kém cỏi. Nhóm lãnh đạo đảo chính đã dành thời gian để cãi nhau – và để uống rượu, như theo một số nguồn tin – chứ không toàn tâm cố gắng giành được sự ủng hộ của người dân cho hành động của họ.

Tuy nhiên, họ cũng đã buộc Gorbachev chịu quản thúc tại gia và yêu cầu ông từ chức lãnh đạo Liên Xô. Nhiều nhà bình luận ở phương Tây tin rằng chính quyền của Tổng thống George Bush (cha) sẽ đến giải cứu, vậy nên họ có phần ngạc nhiên trước phản ứng dè dặt của chính phủ Mỹ. Các nhà bình luận này không biết rằng vào thời điểm đó, một cuộc tranh luận nghiêm túc đang diễn ra giữa các quan chức của chính quyền Bush về việc giai đoạn cầm quyền của Gorbachev sắp kết thúc hay chưa, và liệu người Mỹ có nên chuyển hướng sang ủng hộ Tổng thống Boris Yeltsin hay không.

Uy tín của Yeltsin tăng mạnh khi ông công khai lên án cuộc đảo chính, cũng như tổ chức các cuộc đình công và biểu tình đường phố với sự tham gia người dân Liên Xô. Các nhà lãnh đạo của cuộc đảo chính, thấy rằng phần lớn quân đội Liên Xô  không ủng hộ hành động của mình, đã quyết định kết thúc cuộc đảo chính vào ngày 21/08.

Thất bại của cuộc đảo chính đã mang lại bình yên tạm thời cho chế độ Gorbachev, nhưng đối với các quan chức Mỹ, ông bắt đầu bị coi là “món hàng bị hỏng.” Từng là một người được yêu mến bởi báo giới và công chúng Mỹ, nay Gorbachev ngày càng bị xem là không đủ năng lực và là một thất bại. Các quan chức Mỹ bắt đầu thảo luận về tình hình hậu Gorbachev ở Liên Xô. Dựa trên những gì đã xảy ra trong đảo chính tháng 08/1991, họ bắt đầu nghiêng dần về phía Yeltsin, một cách từ từ nhưng chắc chắn.

Khi nhìn lại, chính sách này có lẽ đã quá thận trọng nếu xét rằng Gorbachev sẽ từ chức lãnh đạo Liên Xô vào tháng 12/1991. Bất chấp những bất ổn xung quanh mình, Yeltsin tiếp tục nắm cương vị Tổng thống của đất nước lớn nhất và quyền lực nhất trong nhóm các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ – nước Nga.