Vấn đề kinh tế trong bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ

Nguồn: Michael J. Boskin, “The US Economy and the Midterm Elections”, Project Syndicate, 21/08/2018.

Biên dịch: Nguyễn Minh Khuê

Nền kinh tế Mỹ đang tăng trưởng, lạm phát cuối cùng đã đạt mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, và tỷ lệ thất nghiệp khá thấp – và ở mức thấp nhất mọi thời đại đối với người Mỹ gốc Phi và người Mỹ gốc Tây Ban Nha. Lần đầu tiên trong khoảng thời gian người ta còn có thể nhớ được, đã có nhiều việc làm được quảng cáo bởi các công ty Hoa Kỳ hơn số người thất nghiệp. Những điều kiện như vậy thường làm tăng mức lương thực tế, cho thấy công nhân Mỹ, nhiều người trong số họ bị bỏ lại phía sau trong quá trình phục hồi yếu ớt sau khủng hoảng năm 2007-2008, cuối cùng có thể được hưởng lợi từ một nền kinh tế mạnh.

Các mô hình bầu cử dự đoán rằng một nền kinh tế mạnh sẽ ủng hộ đảng cầm quyền, và rằng một nền kinh tế yếu có thể khiến nó thất bại. Tuy nhiên, dù nền kinh tế đang trong tình trạng tốt nhất trong hơn một thập niên qua, hầu hết các cuộc thăm dò cho thấy đảng Dân chủ đang dẫn trước một cách đáng kể trong cuộc bầu cử quốc hội giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 này. Hơn nữa, hầu hết các chuyên gia chính trị đều dự đoán rằng đảng Dân chủ sẽ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện. Một số thậm chí còn dự đoán một “làn sóng xanh” trong đó đảng Dân chủ còn chiếm được cả Thượng viện mặc dù phải bảo vệ nhiều ghế được đưa ra bầu hơn so với đảng Cộng hòa.

Có một số lời giải thích hợp lý cho sự bất thường này. Trước tiên, các cuộc thăm dò ý kiến ​​và các chuyên gia có thể dự đoán sai như từng xảy ra trong cuộc bầu cử năm 2016. Đồng thời, Tổng thống Donald Trump có thể làm tổn thương triển vọng bầu cử của ông và đảng Cộng hòa, đặc biệt là trong các cử tri phụ nữ nông thôn, bằng cách tung ra các cuộc tấn công cá nhân chống lại những người chỉ trích ông – bao gồm ngôi sao bóng rổ nổi tiếng LeBron James. Và bất chấp kết quả tăng trưởng kinh tế cao của mình, nhiều cử tri có thể không cho rằng tăng trưởng kinh tế có được là nhờ các chính sách của Trump.

Nhưng một khả năng khác là “tác động kinh tế” lên các cuộc bầu cử không còn đúng nữa. Dù khó khăn kinh tế có thể gây hại cho đảng cầm quyền, nhưng tăng trưởng kinh tế cũng có thể không giúp ích nhiều cho nó nhiều như trong quá khứ nữa. Khi cử tri trở nên giàu có hơn, ngày càng nhiều người có thể muốn tập trung vào các vấn đề khác.

Trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ ở Quận 14 của New York hồi đầu năm nay, một ứng viên theo xu hướng dân chủ xã hội là Alexandria Ocasio-Cortez đã đánh bại Hạ nghị sĩ đương nhiệm Joseph Crowley, thành viên đảng Dân chủ xếp thứ tư trong Hạ viện. Rõ ràng là quá tự tin vào chiến thắng, Crowley hầu như không vận động tranh cử. Kể từ đó, Ocasio-Cortez đã được giới truyền thông săn đón, xuất hiện cùng với Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders, một nhà xã hội chủ nghĩa tự phong đã thua sít sao trong cuộc đua đề cử ứng viên tổng thống của đảng Dân chủ hồi năm 2016. Dù phần lớn năng lượng trong đảng Dân chủ đang nằm ở cánh tả, nhưng đảng này nhấn mạnh việc lựa chọn các ứng viên thực sự có cơ hội chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng 11.

Trong khi đó, trong các cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Cộng hòa, các ứng cử viên được Trump ủng hộ, hoặc liên kết chặt chẽ với ông, có xu hướng chiếm ưu thế. Nhưng đảng Cộng hòa hiện không có nhiều nhiệt huyết như đảng Dân chủ, điều này có thể ảnh hưởng đến số người ủng hộ đảng đi bầu vào tháng 11.

Cuộc bầu cử giữa kỳ hầu như luôn luôn là một cuộc trưng cầu dân ý về tổng thống và các chính sách của họ. Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2010 và 2014, việc đảng Cộng hòa giành được đa số trong Quốc hội được coi là một sự chối bỏ đối với Tổng thống Barack Obama. Theo đó, đảng Dân chủ cũng đã coi các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ như một cuộc trưng cầu dân ý về Trump. Đồng thời, đảng Cộng hòa đã cố gắng để định hình các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ như là câu chuyện về Nancy Pelosi, nhà lãnh đạo phe thiểu số Dân chủ theo xu hướng tự do từ San Francisco, người có khả năng sẽ làm chủ tịch Hạ viện nếu đảng Dân chủ giành được đa số tại đây. Vấn đề là một ứng viên tiềm năng cho vị trí Chủ tịch Hạ viện là một mục tiêu khó tấn công hơn so với một tổng thống đương nhiệm, chưa nói tới một tổng thống bị truyền thông thích nhắm tới như Trump.

Hiện tại, sự chú ý đang tập trung vào vai trò tiềm năng của vấn đề kinh tế trong cuộc bầu cử. Nhưng sau ngày bầu cử, kết quả bầu cử lại sẽ ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế và theo đó là triển vọng kinh tế. Nếu đảng Cộng hòa giữ được Hạ viện và Thượng viện, chính sách thuế hỗ trợ tăng trưởng và các cải cách về quản lý kinh tế được ban hành cho đến nay sẽ tiếp tục được duy trì và thậm chí có thể được mở rộng. Tương tự như vậy, nếu họ giữ được Thượng viện, các thẩm phán liên bang có xu hướng bảo thủ sẽ tiếp tục được bổ nhiệm.

Ngược lại, nếu đảng Dân chủ giành được đa số trong Hạ viện họ có thể chặn các đề xuất lập pháp của Trump; và đa số của đảng Dân chủ trong Thượng viện (một khả năng thấp hơn) sẽ chặn những ứng viên thẩm phán liên bang bảo thủ. Mặc dù các chính phủ bị chia rẽ đôi khi đạt được các thỏa hiệp chính sách và dẫn dắt được một nền kinh tế mạnh, nhưng thật khó tưởng tượng điều đó sẽ xảy ra nếu đảng Dân chủ chiếm lại một hoặc cả hai viện của Quốc hội.

Rốt cuộc, ngay cả những người được cho là trung dung trong đảng Dân chủ cũng đã dịch sang cánh tả để vô hiệu hóa những đối thủ theo xu hướng xã hội chủ nghĩa trong đảng. Và ngày càng nhiều đảng viên Dân chủ đang hợp tác xung quanh một chương trình nghị sự mở rộng chi tiêu chính phủ và đánh thuế cao hơn (mặc dù họ chưa nói nhiều về vấn đề tăng thuế).

Một cuộc thăm dò của viện Gallup được lưu hành rộng rãi gần đây đã cho thấy rằng một tỷ lệ cao hơn trong đảng Dân chủ đang có xu hướng ngã về chủ nghĩa xã hội hơn là chủ nghĩa tư bản. Do đó, hầu hết các đảng viên Dân chủ nghiêng về cánh tả đang đề xuất bảo hiểm y tế phổ quát do chính phủ cung cấp (“Medicare cho tất cả”), học đại học miễn phí và bảo đảm cung cấp việc làm liên bang hoặc thu nhập cơ bản.

Tất nhiên, việc ban hành một chương trình nghị sự như vậy sẽ đòi hỏi có một tổng thống Dân chủ và đảng Dân chủ phải nắm cả hai viện của Quốc hội. Và thậm khi đó người ta vẫn sẽ tốn hàng chục nghìn tỷ đô la. Chi trả cho các khoản mục này sẽ đòi hỏi một mức thuế giá trị gia tăng (VAT) theo kiểu châu Âu hoặc mức thuế thu nhập cao và thuế lương cao hơn đáng kể, tất cả rất có thể dẫn đến trì trệ kinh tế theo kiểu châu Âu.

Về phần mình, đảng Cộng hòa bị chia rẽ giữa những người ủng hộ thị trường tự do và thương mại tự do truyền thống và những người theo chủ nghĩa dân tộc kinh tế của Trump, những người muốn hạn chế nhập cư và thương mại nếu không nhận được các nhượng bộ từ các đối tác thương mại của Mỹ.

Vì vậy, sau cuộc bầu cử tháng 11, nền kinh tế mạnh của Mỹ có thể bị đe dọa bởi một cuộc chiến thương mại leo thang hoặc bóng ma tăng thuế. Với sự tăng trưởng chậm lại ở Trung Quốc, châu Âu và các nơi khác, nền kinh tế toàn cầu sẽ cần nước Mỹ để tránh những sai lầm chính sách nguy hiểm này.

Michael J. Boskin,  giáo sư kinh tế học của đại học Stanford, là thành viên cấp cao của Viện Hoover. Ông cũng là chủ tịch hội đồng cố vấn kinh tế của George H. W. Bush từ năm 1989 đến năm 1993 và đứng đầu Uỷ ban Boskin – một bộ phận tham mưu của Quốc hội giúp chỉ ra các sai sót trong dự báo lạm phát chính thức ở Mỹ.

Copyright: Project Syndicate 2018

Dự báo kết quả bầu cử giữa nhiệm kỳ của Mỹ