Tác giả: Kato Yoshikazu | Biên dịch: Nguyễn Hải Hoành
“Lưỡng Hội”[1] của Trung Quốc (TQ) đã bế mạc, phương án cải cách cơ cấu chính phủ đã được phê duyệt, Quốc hội thông qua việc sửa Hiến pháp, qua đó hủy bỏ cơ chế hai nhiệm kỳ của Chủ tịch và Phó chủ tịch nước. Như vậy trong tương lai Tập Cận Bình có thể tiếp tục làm người cầm lái số một của TQ. Giờ đây ban lãnh đạo mới của TQ đã bắt đầu hoạt động, Tập Cận Bình đang ra tay xử lý một số vấn đề quan trọng và gay cấn, ví dụ như việc mời Chủ tịch Đảng Lao Động Triều Tiên Kim Jong-un thăm TQ.
Nói chung Chính phủ Nhật không công khai phát biểu quan điểm hoặc đánh giá về công việc nội bộ của các nước khác, lần này cũng vậy. Nhưng về cơ bản, sự đánh giá của người Nhật từ Nhà nước cho tới dân chúng về việc Tập Cận Bình tiến thêm một bước nắm quyền lực thì nhất trí với tâm trạng lo ngại về TQ của các cơ quan truyền thông lớn ở nước ngoài.
Xã luận báo Nhật Yomiuri Shinbun ngày 21/03/2018 viết “Tăng tốc độ tập trung quyền lực vào tay mình, tăng cường cơ sở chính quyền lâu dài, bố trí các nhân vật quan trọng trong Đảng Cộng sản TQ (ĐCSTQ) đã nghỉ hưu vào trung tâm bộ máy quyền lực… một loạt biện pháp mới này cho thấy hiện nay TQ đang đứng trước các vấn đề kinh tế, ngoại giao gay cấn biết bao.” Báo Sankey Shimbun ngày 27/2 viết “Tập Cận Bình đang mưu toan phủ định công cuộc cải cách của Đặng Tiểu Bình, làm sống lại sự ‘độc tài cá nhân’… Thể chế độc tài Tập Cận Bình cũng sẽ tăng cường chủ nghĩa bá quyền trong chính sách đối ngoại. Để giữ gìn hòa bình và an ninh trong vùng, sự phối hợp giữa các quốc gia cùng theo lý tưởng dân chủ lấy cơ sở là đồng minh Nhật-Mỹ sẽ trở nên ngày càng quan trọng.”
Vài ngày sau khi “Lưỡng Hội” bế mạc, tôi nêu ra câu hỏi như sau với một số người Nhật cùng độ tuổi “thế hệ 8x” ở các ngành nghề khác nhau: “Giờ đây bạn nhìn nhận như thế nào về Tập Cận Bình?” và muốn họ bàn bạc về xu thế phát triển của chính trị TQ. Trong số người tôi trao đổi đợt này không có ai là chuyên gia về vấn đề TQ nhưng họ đều quan tâm tới tình hình TQ. Họ đều sống và làm việc ở vùng Tokyo, và trả lời câu hỏi của tôi qua điện thoại, thư từ, Facebook, và LINE.
Một phụ nữ nội trợ trả lời theo bản năng: “Tập Cận Bình chẳng phải là Chủ tịch nước đó sao? Xem ra là một kẻ độc tài”. Một nhà báo tài chính-kinh tế nói: “Tôi chỉ có thể nói chút ấn tượng, rốt cuộc Tập Cận Bình trở thành Hoàng đế”. … Xem ra rất nhiều bạn cảm thấy thực sự ngày càng lo ngại về một TQ đang lớn mạnh và về “lãnh tụ họ Tập” của TQ. Các bạn được hỏi đều yêu cầu giấu tên với lý do “bất tiện vì đang làm trong cơ quan nhà nước”, cũng có người “ngại làm mất lòng ông Tập Cận Bình”, “lo sau này không được cấp visa vào TQ”.
Dù thế nào đi nữa, Tập Cận Bình đã củng cố cơ sở quyền lực và sau đó thực hiện những việc ông ta muốn làm – đây là ấn tượng của tôi về bầu không khí chính trị mới nhất của ĐCSTQ. Một quan chức trẻ trong Bộ Ngoại giao Nhật nói: Có thể Tập Cận Bình là một Hoàng đế tốt đối với TQ, nhưng trên chính trường quốc tế ông ta khó tránh có sắc thái Hoàng đế xấu – chúng ta cần cảnh giác với chuyện đó và nên có sự chuẩn bị cần thiết.
Sau khi Tập Cận Bình lên nắm quyền, nhất là qua vụ sửa Hiến pháp lần này, góc độ thảo luận và quan sát “Hoàng đế tốt” hoặc “Hoàng đế xấu” đang trở nên nổi bật. Về vấn đề trên tôi có ba ý kiến như sau:
1) Tập Cận Bình là “Hoàng đế tốt” hay “Hoàng đế xấu”, vấn đề này chỉ có thể để lịch sử trả lời, ít nhất là trong thời gian ông nhậm chức, việc phán đoán và đánh giá ông là chưa thích hợp.
2) Nếu như sau các năm 2022-23, Tập Cận Bình tiếp tục “Tam vị nhất thể” đảm nhiệm chức vụ Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước, Chủ tịch Quân ủy trung ương, lần này qua việc sửa Hiến pháp đã bãi bỏ nhiệm kỳ Chủ tịch Nước, so với việc nếu “đến lúc ấy” ông Tập tiếp tục nắm các chức vụ cũ mà không có bất kỳ lời giải thích nào, thì chí ít [việc bãi bỏ nhiệm kỳ] cũng đã giúp mang lại một mức độ minh bạch và thể chế hóa.
3) Nếu một cá nhân hoặc một đảng cai trị một quốc gia 30 năm, dân chúng được hạnh phúc, khỏe mạnh, an cư lạc nghiệp, thế thì chẳng có vấn đề gì, phương thức cai trị ấy có tính hợp lý. Nhưng lịch sử loài người đã chứng tỏ quyền lực tuyệt đối thường hay dẫn đến thối nát [nguyên văn: hủ bại, còn dịch là tham nhũng], cũng có thể gặp phải vấn đề tính chính danh của chính quyền, từ đó khó có thể bảo đảm chính quyền vận hành lâu dài, ổn định. Đây cũng là nguyên nhân căn bản khiến rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ lựa chọn con đường đi lên chế độ dân chủ, như một biện pháp thỏa hiệp. Trên ý nghĩa đó, phải chăng TQ trở thành trường hợp ngoại lệ của lịch sử? Đây mới là vấn đề tôi quan tâm nhất, cũng là biến số lớn nhất có thể ảnh hưởng tới hướng tiến lên của nền chính trị của nhân loại.
Thực ra vị quan chức ngoại giao nói trên có quan điểm gay gắt hơn về vấn đề này, anh nói: “Dù thế nào đi nữa cũng không thể hủy bỏ nhiệm kỳ. Một nhà lãnh đạo quốc gia rất có thể bị ám sát, ốm chết, chuyện gì cũng có thể xảy ra. Trong tình hình như thế mà xây dựng cơ chế hủy bỏ nhiệm kỳ là nguy hiểm. Hãy xem Putin và Shinzo Abe, họ đang mở rộng quyền lực nhưng không thủ tiêu nhiệm kỳ. TQ đang đi một con đường cai trị hoàn toàn khác với các nước, trừ một số nước châu Phi không đặt ra sự hạn chế nhiệm kỳ.”
Một bạn từng làm thư ký chính sách cho Bộ trưởng Ngoại giao Nhật trong thời gian Đảng Dân chủ nắm chính quyền cho rằng Tập Cận Bình có nhận thức và có ý chí “nắm quyền lực” đặc biệt ghê gớm, khiến mọi người sửng sốt, nhất là so với người tiền nhiệm là Hồ Cẩm Đào. “Nhưng điều quan trọng là động cơ của ông ta, có 4 khả năng: 1) Khuếch đại tối đa bản thân quyền lực; 2) Khát vọng được xếp ngang hàng với các nhân vật sáng tạo thời đại như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình; 3) Đơn thuần vì lo cho tương lai của Đảng Cộng sản TQ; 4) Muốn triệt để đánh đổ mọi kẻ thù chính trị thì ngoài mở rộng quyền lực ra sẽ không có biện pháp nào bảo vệ được bản thân, qua đó rơi vào tình trạng đấu đá không có hồi kết. Tôi chẳng biết Tập Cận Bình có động cơ nào và cũng không cảm thấy ông ta chỉ có một động cơ mà thôi.”
Về cơ bản tôi tán thành sự phân tích của vị quan chức Bộ Ngoại giao kể trên. Tôi nói: “Tập Cận Bình thuộc vào ‘Thế hệ Đỏ thứ hai’, kể cả Vương Kỳ Sơn lần này được bầu làm Phó Chủ tịch nước cũng vậy. Sự trung thành của thế hệ này với ba chữ Đảng Cộng sản và nỗi lo ‘Mất Đảng (thì) mất nước’ của họ đặc biệt nổi bật và trắng trợn. Theo tôi, không phải Đảng Cộng sản của Tập Cận Bình, mà là Tập Cận Bình của Đảng Cộng sản trên ý nghĩa nào đó buộc phải có nhận thức và ý chí nắm quyền lực.”
Ông còn nói “Nhưng nhất định sẽ có ngày cơ cấu quyền lực do Tập Cận Bình tạo dựng sẽ bị người kế nhiệm thừa kế, trên ý nghĩa đó Tập Cận Bình đang làm những chuyện khiến mọi người sợ hãi. Cho nên Post-Xi (thời đại sau Tập Cận Bình) mới là điều tôi quan tâm nhất hiện nay. Người kế nhiệm Tập Cận Bình sẽ thuộc phái Lương tâm như Đặng Tiểu Bình hay là gia đình họ Kim ở Bắc Triều Tiên? – đây là điều khiến người ta chờ đợi. Dù thế nào đi nữa, lần này Tập Cận Bình nắm quyền lực chí ít đã tăng nguy cơ làm cho nền chính trị TQ trở nên “Bắc Triều Tiên hóa”. Các tiến bộ về khoa học công nghệ cũng sẽ là một nhân tố hoặc biến số ảnh hưởng tới nền chính trị TQ.” (Trong cuộc hội đàm mới đây với Kim Jong-un khi Kim thăm TQ, Tập Cận Bình đề xuất: “Hiện nay chủ nghĩa xã hội đặc sắc TQ đã tiến sang thời đại mới, công cuộc xây dựng CNXH của Triều Tiên cũng đã tiến sang một thời kỳ lịch sử mới.” Tôi rất hiếu kỳ muốn biết trên vấn đề chế độ chính trị và ý thức hệ, Tập và Kim có cảm giác gần gũi nhau ở mức độ nào?).
Vị cựu quan chức ngoại giao này quan tâm nhất đến “Thời đại hậu Tập Cận Bình”, nhưng theo tôi điều đáng sợ nhất đối với ĐCSTQ dù xét về bộ máy chính trị hay ý thức hệ, là sự chia rẽ của tầng lớp lãnh đạo cấp cao, bởi lẽ đó mới là ngòi nổ lớn nhất có thể dẫn tới hậu quả làm đất nước loạn lạc, sụp đổ, nhất là khi xảy ra sự kiện chính trị làm cho tính chính danh của Đảng bị ăn mòn. Năm 1989 khi nổ ra “Sự kiện Thiên An Môn”, TQ có Đặng Tiểu Bình còn đó, không cho các nhân tố và biến số tiềm ẩn nguy cơ chia rẽ thể hiện. Ngày nay tôi cũng không cho rằng tầng lớp lãnh đạo cấp cao trong ĐCSTQ sẽ vì xảy ra các sự kiện đột phát mà rơi vào cảnh chia rẽ, bởi lẽ có Tập Cận Bình ngồi đấy. Song le bất cứ quyền lực chính trị nào khi phình to quá mức đều có khả năng vấp phải sự phản đối đến từ trong cơ chế hoặc từ dân chúng. Thế thì khi tiến sang “Thời đại hậu Tập Cận Bình”, nói cách khác, khi thực sự có vấn đề về “người kế nhiệm” thì có lẽ đó là điều nguy hiểm đối với ĐCSTQ, có thể kèm theo xuất hiện khoảng trống quyền lực hoặc kẽ hở chính trị làm lung lay uy quyền và sự ổn định của Trung ương Đảng.
Tập Cận Bình là nguyên thủ quốc gia đầu tiên sau khi Mao Trạch Đông qua đời mà không do Đặng Tiểu Bình chỉ định, tính hợp pháp nắm chính quyền của ông trên mức độ nào đó có liên quan tới bối cảnh “Thế hệ Đỏ thứ hai”. Cha ông là thế hệ cách mạng thứ nhất từng có cống hiến đặc biệt trong quá trình ĐCSTQ xây dựng nước TQ mới. Chính vì thế xét về tín ngưỡng đối với địa vị quyền uy của ĐCS, “Thế hệ Đỏ thứ hai” càng thâm căn cố đế hơn người thuộc các niên đại khác. Điều đó thể hiện ở một câu Tập Cận Bình nói trong lời bế mạc “Lưỡng Hội”: “Sự lãnh đạo của ĐCSTQ là đặc trưng có tính bản chất nhất của CNXH đặc sắc TQ. ĐCSTQ là lực lượng lãnh đạo chính trị cao nhất của quốc gia, là bảo đảm căn bản thực hiện sự phục hưng vĩ đại dân tộc Trung Hoa. Đông Tây Nam Bắc Trung [ý nói tất cả các địa phương ở TQ], Đảng Chính Quân Dân Học [tổ chức Đảng, chính quyền các cấp, quân đội, dân chúng, học sinh], Đảng lãnh đạo tất cả.”
Chẳng biết ông Tập Cận Bình sẽ làm tay lái số một “Tam vị nhất thể” đến bao giờ, nhưng tôi thử suy nghĩ một chút về vấn đề người kế nhiệm ông sẽ có tính hợp pháp như thế nào? Họ từ đâu đến? Tới lúc ấy những người thuộc “Thế hệ Đỏ thứ hai” đã có tuổi tác quá già, không thể kế nhiệm, thời cơ của “Thế hệ Đỏ thứ ba” thì hãy còn quá sớm và số người làm quan chức cũng hãy còn ít. Như vậy theo tôi nghĩ chỉ có một khả năng: người kế nhiệm ấy sẽ do Tập Cận Bình tự sàng lọc lựa chọn và chỉ định. Nhưng giả thử cần thuyết phục toàn đảng, toàn quân, toàn dân để tất cả mọi người đều chấp nhận điều đó thì phải có một tiền đề: Tập Cận Bình phải có quyền uy tuyệt đối không thể nghi ngờ và thách thức. Nếu không thì tính hợp pháp của người kế nhiệm sẽ bị đe dọa, tầng lớp lãnh đạo cấp cao của Đảng có thể bị chia rẽ bởi vấn đề người kế nhiệm. Theo tôi, đây cũng là một động cơ và lý do khiến Tập Cận Bình phải đứng trên lập trường hạt nhân của Đảng, nghĩ mọi cách để không ngừng củng cố quyền lực của mình. Nếu không thì người kế nhiệm thuộc “Thời đại hậu Tập Cận Bình” ấy chưa chắc đã có tính hợp pháp.
Thực ra cũng có thể xuất phát từ góc độ chính diện để đánh giá những người Nhật trả lời phỏng vấn của tôi. Một vị cán bộ quản lý cấp cao một công ty giáo dục, lấy vợ TQ, nói: “Tôi không ghét ông Tập Cận Bình. Có lúc tôi lấy hành động của người lãnh đạo TQ làm bài học cho công tác kinh doanh của tôi. Ngài Tập Cận Bình bị truyền thông Nhật đưa tin không chính diện lắm, nhưng chí ít thì tôi vẫn tôn trọng năng lực chấp hành của ông. Trong bất kỳ lúc nào, người lãnh đạo đều được yêu cầu phải hành động, phải chịu đựng được sự chửi bới. Tôi cảm thấy ngài Tập Cận Bình đang dốc sức hành động, có thế ông mới giữ được địa vị của mình.”
Một vị làm công tác biên tập xuất bản, từng biên soạn sách về nền chính trị TQ, nói: “Tôi tôn trọng cảm giác tồn tại và năng lực chấp hành có tính áp đảo của ngài Tập Cận Bình. Vấn đề Tây Tạng vẫn đáng lo ngại. Nhưng xuất phát từ góc độ mối quan hệ Nhật-TQ để xem xét thì có thể thấy tiêu chuẩn phán đoán của ngài Tập Cận Bình rất rõ ràng, một nhà lãnh đạo như thế nếu tiếp tục phụ trách chính quyền của Đảng Cộng sản là có ý nghĩa tích cực. Nếu so với một người chỉ lo cái trước mắt như Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đang cuống lên vì thành tích chính trị ngắn hạn và lo nâng cao tỷ lệ ủng hộ của người dân trong nước, thì việc ngài Tập Cận Bình lo cho sự phát triển lâu dài của TQ nắm chính quyền của Đảng Cộng sản cũng có lợi cho chiến lược Đông Á của Nhật. Chúng ta càng có thể vạch ra chiến lược của mình một cách dễ dàng và rõ ràng.”
Một hạ nghị sĩ thuộc phái đối lập cũng đánh giá tích cực về Tập Cận Bình: “Rất nhiều người phê bình nền chính trị độc tài của ngài Tập Cận Bình, nhưng tôi có ấn tượng là trong thời gian qua nạn tham nhũng ở TQ đã được giảm bớt, đời sống dân chúng được nâng cao. Với tư cách nhà lãnh đạo, ngài Tập Cận Bình đã có cống hiến về mặt này.”
Dĩ nhiên họ cũng tỏ ra có một số nỗi lo, nhất là những người Nhật có giao tiếp với TQ. Vị cán bộ quản lý công ty và có vợ TQ nói trên cho biết “Ngài Tập Cận Bình có quá nhiều quyền lực, vì thế chắc chắn là sẽ khó có thể hạ thấp được chức năng kiểm soát của ông. Là người cả đời giao tiếp với TQ, tôi phải luôn luôn quan tâm lưu ý vấn đề này. Dựa vào cơ chế hiện nay, TQ đã phát triển rất nhanh chóng. Nếu phương hướng phát triển đúng đắn thì họ sẽ có tương lai vô hạn. Nhưng cũng có khả năng TQ phát triển theo hướng khác. Vì thế tôi phải sẵn sàng chuẩn bị, phải nghiêm chỉnh quan sát tình hình TQ.”
Theo quan sát của tôi, các quan chức trẻ thuộc giới tinh hoa Nhật lo ngại sâu sắc về việc Tập Cận Bình sẽ hành động như thế nào về chiến lược đối ngoại, sau khi đã tăng cường củng cố cơ sở quyền lực chính trị trong nước.
Một quan chức Bộ Công nghiệp đánh giá: “TQ dưới sự lãnh đạo của Tập Cận Bình đang cung cấp tính chính danh cho các quốc gia độc tài. Vừa qua tôi tới thăm Tanzania thấy TQ có ảnh hưởng rất nổi bật ở nước này. Sau khi Anh, Pháp rút quân, chính phủ và các công ty TQ đổ tiền của vào đây giúp đỡ quốc gia châu Phi này phát triển kinh tế. Tanzania rất có thể coi TQ độc tài là tấm gương của họ. Một loạt xu thế phát triển như thế sẽ gây ra cuộc thảo luận về dân chủ với độc tài; ngoài ra sự thâm nhập về chính trị của TQ sẽ tăng sức mạnh cho kết luận ‘không nhất thiết cần dân chủ’”.
Theo đà tăng tiến quốc lực tổng hợp của TQ, việc lợi ích kinh tế của nước này bành trướng ra nước ngoài là điều có thể hiểu được. Nhưng nếu ngoại giao kinh tế dẫn tới hậu quả buộc các quốc gia chịu ảnh hưởng sâu sắc từ sự thâm nhập chính trị của TQ sẽ thực hành chế độ độc tài phi dân chủ, thì đây lại là một vấn đề khác. Điều đó làm cho các quan chức trẻ ở Nhật cảm thấy lo ngại và cảnh giác.
Hồi học đại học tôi đã quen biết vị quan chức ở Bộ Kinh tế nói trên, chúng tôi đều khởi nghiệp từ môn học chính trị quốc tế. “Thực ra từ đáy lòng tôi mong đợi TQ nhất định sẽ có ngày dân chủ hóa. Nhưng gần đây tôi ngày càng cảm thấy dường như tình hình không như vậy. Khả năng TQ sẽ không đi lên dân chủ ngày một lớn. Song le, nếu người TQ quả thật không tin dân chủ, thì cùng với sự trỗi dậy của quốc gia này, họ sẽ đẩy mạnh quảng bá chế độ độc tài trên toàn thế giới – điều đó có lẽ cũng sẽ trở nên quá ư thường tình.”
Kato Yoshikazu, nhà văn Nhật (s. 1984). Năm 2003 đến TQ học và tốt nghiệp Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Bắc Kinh, từng làm chuyên viên nghiên cứu tại Học hội Sát Cáp Nhĩ (Charhar Institute, một think tank ở TQ), giáo sư thỉnh giảng ở Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Đại học Liêu Ninh (TQ). 2012 rời TQ sang Mỹ nghiên cứu tại ĐH Harvard (Mỹ). Đã xuất bản tại TQ 12 tác phẩm viết bằng Trung văn, trong đó có: “Nước Mỹ tôi phát hiện”, “Logic của TQ”, “Giặc yêu nước”. Chủ trì chuyên mục “Tam Quốc +1” trên mạng Trung văn của báo New York Times, ghi chép các quan sát của ông về ba nước Nhật, TQ, Mỹ. Được gọi là “Người Nhật năng nổ nhất ở TQ”.
Nguyễn Hải Hoành lược dịch từ bản Trung văn 著迷與警惕:我這一代日本人眼裡的習近平 (Mê say và cảnh giác: Tập Cận Bình trong mắt người Nhật thế hệ tôi) trên bản tiếng Hoa của The New York Times.
———————–
[1] “Lưỡng hội”: Hai cuộc họp chính trị lớn nhất hàng năm ở TQ – họp Quốc Hội và họp Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương (Chính Hiệp). Năm 2018, Chính Hiệp khóa 13 họp phiên khai mạc ngày 3/3, bế mạc 15/3. Quốc Hội khóa 13 họp phiên khai mạc ngày 5/3, bế mạc 20/3.