11/09/1851: Bạo động Christiana

Print Friendly, PDF & Email

Nguồn: The Christiana Riot, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1851, tại Christiana, bang Pennsylvania, một nhóm người Mỹ gốc Phi và nhiều người da trắng ủng hộ chế độ bãi nô đã xảy ra đụng độ với một toán cảnh sát Maryland – những người cố gắng bắt giữ bốn nô lệ chạy trốn đang ẩn náu trong thị trấn. Bạo lực xảy ra một năm sau khi Đạo luật Nô lệ Bỏ trốn Thứ hai (Second Fugitive Slave Law) được Quốc Hội thông qua, theo đó yêu cầu tất cả nô lệ trốn thoát phải được hoàn trả cho chủ nhân của họ ở miền Nam. Một thành viên của nhóm cảnh sát, Edward Georsuch, đã thiệt mạng, còn hai người khác thì bị thương trong cuộc bạo động. Sau sự cố còn được gọi là Bạo động Christiana (Christiana Riot) này, 37 người Mỹ gốc Phi và một người da trắng đã bị bắt và bị buộc tội phản quốc theo các điều khoản của Đạo luật Nô lệ Bỏ trốn. Hầu hết trong số họ đã được tha bổng.

Tháng 02/1793, Quốc Hội đã thông qua Đạo luật Nô lệ Bỏ trốn Thứ nhất (First Fugitive Slave Law), yêu cầu tất cả các tiểu bang, kể cả những nơi đã cấm chế độ nô lệ, phải trả lại nô lệ chạy trốn khỏi các tiểu bang khác cho chủ sở hữu ban đầu của họ. Đạo luật này quy định rằng “người nào là nô lệ theo luật của một tiểu bang, thì dù có trốn thoát sang bang khác, cũng không thể được giải phóng khỏi tình trạng nô lệ, mà phải được trả về cho chủ sở hữu của họ khi có yêu cầu.”

Khi các bang miền Bắc bãi bỏ chế độ nô lệ, cơ quan hành pháp của họ cũng ít còn sử dụng Đạo luật 1793; trong khi đó, nhiều luật đã được thông qua nhằm đảm bảo người nô lệ chạy trốn được dự một phiên tòa xét xử. Một số bang miền Bắc thậm chí còn ban hành biện pháp cấm các quan chức nhà nước trợ giúp việc bắt giữ nô lệ chạy trốn, cũng như cấm cướp bóc của những nô lệ này. Việc hủy bỏ Đạo luật Nô lệ Bỏ trốn Thứ nhất đã khiến các bang miền Nam nổi giận và dẫn đến việc thông qua Đạo luật Nô lệ Bỏ trốn Thứ hai như là một phần trong “Thỏa hiệp 1850” (Compromise of 1850) giữa hai miền Bắc và Nam.

Đạo luật Nô lệ Bỏ trốn Thứ hai buộc các nô lệ chạy trốn phải trở về, nếu không sẽ phải “lãnh các hình phạt nặng nề,” nhưng cho phép mở một phiên tòa xét xử với điều kiện kẻ chạy trốn bị cấm biện hộ cho mình. Các phiên tòa xét xử nô lệ tàn bạo như vụ Dred Scott năm 1857 đã khuấy động dư luận ở cả hai bên của Đường Biên giới Mason-Dixon[1]. Trong khi đó, các nô lệ chạy trốn tìm cách phá luật thông qua hệ thống “Đường Sắt Ngầm”, một mạng lưới gồm chủ yếu những người Mỹ gốc Phi tự do, họ sẽ giúp các nô lệ chạy trốn này được tự do ở các bang miền Bắc hoặc Canada.

————–

[1] Mason-Dixon Line: Biên giới giữa bang Maryland và Pennsylvania, theo truyền thống, đây được coi là biên giới phân chia giữa hai miền Bắc và Nam nước Mỹ