Nguồn: Cyanide-laced Tylenol kills six, History.com
Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng
Vào ngày này năm 1982, tiếp viên hàng không Paula Prince đã mua một lọ thuốc Tylenol có tẩm cyanide, và đến ngày 01/10, Prince được tìm thấy đã chết, trở thành nạn nhân cuối cùng của một “căn bệnh” bí ẩn ở Chicago, Illinois. Trong khoảng thời gian 24 giờ trước đó, sáu người khác đã bất ngờ chết vì những nguyên nhân không xác định ở khu vực phía tây bắc Chicago. Sau cái chết của Prince, hai nhân viên cứu hỏa ở thành phố Windy là Richard Keyworth và Philip Cappitelli nhận ra rằng tất cả bảy nạn nhân đã uống thuốc Extra-Strength Tylenol trước khi tử vong. Các điều tra sâu hơn cho thấy một vài lọ thuốc chứa viên nang Tylenol đã bị nhiễm độc cyanide.
Mary Ann Kellerman, một học sinh lớp 7, là nạn nhân đầu tiên chết sau khi uống loại thuốc giảm đau không kê toa này. Nạn nhân tiếp theo, Adam Janus, thì được đưa đến phòng cấp cứu trong tình trạng nguy kịch. Sau khi đến thăm anh trai trong bệnh viện, Stanley Janus trở về nhà của Adam cùng với người vợ, Theresa. Để giảm cơn đau đầu do căng thẳng, cả hai đã uống thuốc Tylenol lấy từ lọ đang mở trên bàn. Hai vợ chồng sau đó cũng bị ngộ độc – Stanley qua đời, còn Theresa lâm vào tình trạng hôn mê. Cùng ngày đó, Mary Reiner, một phụ nữ mắc chứng đau đầu sau sinh, cũng uống những viên thuốc nhiễm độc. Một phụ nữ khác tên Mary McFarland cũng bị đầu độc.
Extra-Strength Tylenol đã bị thu hồi trên toàn nước Mỹ, nhưng các viên nang nhiễm độc chỉ được tìm thấy ở khu vực Chicago. Thủ phạm không bao giờ bị bắt, nhưng sự kiện chết người hàng loạt này đã dẫn đến việc sử dụng các hộp đựng thuốc chống làm giả. Nó cũng dẫn đến một chuỗi các tội phạm ăn theo, như nhiều người tìm cách tống tiền các công ty dược phẩm với lý do ngộ độc, nhưng hầu hết trong số đó được chứng minh là “báo động giả”.