Nguồn: David A. Andelman, “Trump tariffs only a weak blow to China”, Reuters, 18/09/2018.
Biên dịch: Nguyễn Minh Quân | Hiệu đính: Lê Hồng Hiệp
Trung Quốc đã sẵn sàng chuẩn bị để chiến thắng mọi kiểu chiến tranh thương mại mà Donald Trump có thể tung ra với một số kế sách đơn giản gói gọn dưới tiêu đề: Chủ nghĩa tư bản chuyên quyền (Autocratic Capitalism).
Sau khi thị trường Mỹ đóng cửa vào ngày thứ Hai, Trump tuyên bố rằng ông ta sẽ áp 10% thuế lên các mặt hàng xuất khẩu giá trị 200 tỷ đô của Trung Quốc tới Mỹ – một nửa số lượng dự tính trước đây, nhưng được thiết kế để thuyết phục Bắc Kinh hướng tới đàm phán song phương. Như một cách khuyến khích thêm để Trung Quốc đến bàn đàm phán, Trump công bố rằng mức thuế sẽ tăng lên 25% vào cuối năm, sau đợt mua sắm Giáng sinh của Mỹ.
Nhưng, chủ nghĩa chuyên quyền mà Trung Quốc đã hoàn toàn thuần thục sẽ gây khó khăn cho Trump trong việc cố gắng tạo ra bất kỳ tổn thất kinh tế nào cho Trung Quốc mà có thể mang lại chiến thắng cho Nhà Trắng.
Có một số yếu tố chủ chốt trong kế hoạch này chưa hoặc không nhận được nhiều chú ý từ Washington, nhưng những yếu tố này có thể sẽ khiến Washington bất ngờ. Một yếu tố đó xảy đến với tôi khi tôi đang xem xét một số vật dụng cho phòng bếp. “Tôi nghĩ mình nên mua cái bếp Haier trước khi thuế quan dành cho Trung Quốc có hiệu lực,” tôi bày tỏ với nhân viên bán thiết bị cho chúng tôi. Không, không sao đâu, anh ta cười. Haier đã cam đoan với chúng tôi rằng họ sẽ không tăng giá.
Có thể là nhân viên cửa hàng đơn thuần lặp lại lời an ủi từ công ty của anh ta khi được hỏi về giá. Nhưng vào ngày tiếp theo, bạn thời đại học của tôi, David Bostwick, một nhà đầu tư mạo hiểm từ Silicon Valley và là CFO của Crystal Solar, nhận định đây là một phương pháp mà Trung Quốc sử dụng để bóp nghẹt thị trường tấm pin năng lượng mặt trời của Mỹ. Trung Quốc giảm giá bán nhằm bóp chết ngành công nghiệp sản xuất tấm pin năng lượng mặt trời tại Mỹ. “Tất cả những gì Trung Quốc cần làm là giảm 20% giá bán của họ mà vẫn có thể tiếp tục bán sản phẩm tới thị trường Mỹ mà không hề có gián đoạn,” Bostwick nhận định.
Một số thay đổi này có thể làm cho các công ty của Trung Quốc trở nên hiệu quả hơn và, về lâu dài, có sức cạnh tranh cao hơn. Trong khi đó, những công ty có biên lợi nhuận thấp khiến họ không thể hoặc không sẵn sàng giảm 10% giá bán buôn sẽ tìm được những lựa chọn khác, khá sáng tạo, ở trong nước cũng như nước ngoài. Trong nhiều năm, Trung Quốc đã quyết tâm giảm phụ thuộc vào xuất khẩu để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Và kế hoạch này vẫn đang hiệu quả. Tỉ trọng của xuất khẩu trên GDP của Trung Quốc năm nào cũng giảm trong thập niên vừa qua, ngoại trừ năm 2009 trong bối cảnh suy thoái toàn cầu. Toàn bộ ngành xuất khẩu của Trung Quốc chỉ chiếm 18,5% GDP trong năm 2017, giảm từ mức 35% hồi năm 2007. Đồng thời, xuất khẩu của Trung Quốc tới Mỹ chỉ chiếm 18% tổng kim ngạch xuất khẩu năm ngoái.
Đương nhiên, những doanh nghiệp nhà nước ngày càng đóng vai trò quan trọng dưới thời Chủ tịch nước Tập Cận Bình cũng có thể được sử dụng để chống lại hàng rào thuế quan của Trump, với việc Bắc Kinh có thể điều chỉnh mức lợi nhuận theo mong muốn, bảo đảm việc làm cho số lượng lao động lớn, trong khi có thể đồng thời phá giá đồng nhân dân tệ 10%. Cùng với ảnh hưởng của đồng đô la tăng giá so với đồng nhân dân tệ, những yếu tố này sẽ vô hiệu hóa đa số các ảnh hưởng từ hàng rào thuế quan của Trump.
Thêm nữa, rất nhiều công ty tư nhân Trung Quốc có thể hưởng lợi từ việc Mỹ cố gắng giảm nhập khẩu từ Trung Quốc bằng cách gia tăng marketing và bán hàng tại Đông Nam Á – nơi có tốc độ tăng trưởng kinh tế mạnh và được OECD dự báo có “nhu cầu nội địa vững vàng” trong những năm tới – và xa hơn là châu Phi, nơi Trung Quốc đã rất năng động, cũng như Mỹ Latinh.
Một số công ty Trung Quốc còn có thể chuyển sản xuất ra nước ngoài. Ví dụ, Haier đã có sẵn hoạt động sản xuất ở 5 tiểu bang của Mỹ từ khi thu mua mảng kinh doanh thiết bị của General Electric. Haier cũng sở hữu các nhà máy sản xuất từ Mexico tới New Zealand bằng cách mua lại Fisher & Paykel, một công ty cũng có cơ sở sản xuất tại Mexico, Italy và Thái Lan. Hơn nữa, như Charles Freeman, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách châu Á của Phòng Thương mại Hoa Kỳ, đã chỉ ra cho tôi trong một buổi phỏng vấn vào thứ Sáu, “Mexico đã [từng] là một địa điểm có chi phí sản xuất cao hơn. Nhưng hiện tại chi phí lao động của Trung Quốc còn đắt đỏ hơn của Mexico, nên những điều này sẽ có thể bắt đầu thay đổi.”
Có một số phương pháp khác có thể giúp các công ty Trung Quốc và nền kinh tế chung của đất nước này tránh được ảnh hưởng thuế quan từ Mỹ trên mọi cấp độ. Rất nhiều công ty không sẵn lòng cắt giảm chi phí hay dịch chuyển hệ thống sản xuất “sẽ có thể đi tới Bắc Kinh và [nói với chính phủ] giảm giá đồng nhân dân tệ để bù đắp,” Freeman nói. “Điều này sẽ tất nhiên gây ra những vấn đề khổng lồ [trong nước Mỹ] về chính sách, nước vốn đã nhạy cảm trước tình trạng định giá thấp của đồng nhân dân tệ.” Nhưng tại thời điểm này, trong một cuộc chiến thương mại toàn diện, Bắc Kinh sẽ quan tâm tới sự nhạy cảm của nước Mỹ tới mức nào?
Lợi ích cuối cùng, vẫn chưa được Mỹ dự kiến trước, có thể là việc đây là một cuộc đấu kéo dài. “Những hàng rào thuế quan này sẽ giúp cho các công ty và nền kinh tế Trung Quốc hợp lý hóa, trở nên có sức cạnh tranh và lợi nhuận hơn,” Siva Yam, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ – Trung tại Chicago, cho biết. Nói một cách ngắn gọn, đây có thể là một triển vọng hai bên cùng thua đối với Nhà Trắng.
Một chút đau đớn sẽ được cảm nhận trong quá trình này. Nhưng nhiều người trong nhóm lãnh đạo Trung Quốc, vốn suy đoán rằng Trump sẽ thất cử năm 2020, hoặc đảng Dân chủ sẽ giành chiến thắng trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11, tính toán rằng họ sẽ đối phó được cho đến khi chính quyền tiếp theo gỡ bỏ các hàng rào thuế quan, để cho mọi thứ trở lại một thị trường tự do và bình thường. Tất nhiên, ông Tập không cần phải thắng cuộc bầu cử nào. Ông ta làm Chủ tịch nước trong cả phần đời còn lại, hoàn toàn kiểm soát hệ thống Tư bản Chuyên quyền của ông ta.
David A. Andel, phóng viên thường trú tại nước ngoài của New York Times và CBS News, là học giả khách mời tại Trung tâm An ninh Quốc gia tại Trường luật của Đại học Fordham và là tác giả của cuốn “A Shattered Peace: Versailles 1919 and the Price We Pay Today.”