20/10/1947: Quốc hội Mỹ điều tra Cộng sản tại Hollywood

Nguồn: Congress investigates Reds in Hollywood, History.com

Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

Vào ngày này năm 1947, Nỗi sợ Cộng sản (Red Scare) đã lên tới đỉnh điểm ở Washington, khi một Ủy ban Quốc hội bắt đầu điều tra ảnh hưởng của Cộng sản tại một trong những cộng đồng giàu có và hào nhoáng nhất thế giới: Hollywood.

Thế chiến II kết thúc và Chiến tranh Lạnh dần “nóng” lên giữa hai cường quốc thế giới – Hoa Kỳ và Liên Xô do Cộng sản kiểm soát. Tại Washington, các cơ quan giám sát bảo thủ đã tìm mọi cách để loại bỏ những người cộng sản trong chính phủ trước khi chuyển mục tiêu sang “bọn Cộng sản” trong ngành công nghiệp điện ảnh nổi tiếng.

Trong một cuộc điều tra bắt đầu vào tháng 10/1947, Ủy ban Hạ viện Kiểm tra Hành động chống Hoa Kỳ (House Un-American Activities Committee, HUAC) đã tra hỏi nhiều nhân chứng nổi tiếng, thẳng thừng rằng “Anh có đang là hay từng là thành viên của Đảng Cộng sản không?” Dù là vì lòng yêu nước, hay đơn giản là do quá sợ hãi, một số nhân chứng, trong đó có đạo diễn Elia Kazan, diễn viên Gary Cooper và Robert Taylor, chủ hãng phim Walt Disney và Jack Warner, đã tiết lộ tên các đồng nghiệp mà họ nghi là cộng sản.

Một nhóm nhỏ được gọi là Hollywood Ten đã kháng cự lại, phàn nàn rằng các phiên điều trần này là bất hợp pháp và vi phạm các quyền được nêu trong Tu chính án Thứ Nhất[1]. Tất cả những người thuộc nhóm này đều bị buộc tội cản trở việc điều tra và đã bị phạt tù. Do áp lực từ Quốc Hội, Hollywood đã lập một danh sách đen, cấm làm việc với khoảng 325 biên kịch, diễn viên và đạo diễn – những người không được ủy ban xóa bỏ nghi ngờ Cộng sản. Những tên tuổi nằm trong danh sách đen này bao gồm nhà soạn nhạc Aaron Copland, các nhà văn Dashiell Hammett, Lillian Hellman và Dorothy Parker, biên kịch Arthur Miller, và diễn viên kiêm nhà làm phim Orson Welles.

Một số tác giả nằm trong danh sách đen đã sử dụng bút danh để tiếp tục làm việc, trong khi những người khác chọn cách viết kịch bản dưới tên những người bạn nhà văn khác. Bắt đầu từ đầu thập niên 1960, sau sự ra đi của Thượng nghị sĩ Joseph McCarthy, gương mặt công khai nhất của chủ nghĩa chống cộng, lệnh cấm bắt đầu được gỡ bỏ từ từ. Năm 1997, Hiệp hội Các nhà biên kịch Mỹ (Writers’ Guild of America) nhất trí thay đổi tác giả của 23 bộ phim được thực hiện trong giai đoạn danh sách đen, khắc phục một phần thiệt hại xuất phát từ Nỗi sợ Cộng sản.

———–

[1] Quyền tự do tôn giáo, tự do ngôn luận, tự do báo chí, tự do hội họp và kiến nghị.